xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sông Mã còn đâu vẻ đẹp xưa!

Bài và ảnh: Thanh Tuấn

Sông Mã được xem là dòng sông mẹ của đất Thanh Hóa, là nguồn cảm hứng cho bao tao nhân mặc khách, từng được nhắc đến trong bài thơ bất hủ "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng nhưng đang mất dần vẻ đẹp vốn có bởi chính bàn tay con người

Khởi nguồn từ dãy hoa cương Phu Huổi Long hùng vĩ (cao 2.178 m), thuộc miền Tây Bắc của Tổ quốc, sông Mã mở cuộc hành trình 102 km trên đất Sầm Nưa (tỉnh Hủa Phăn - Lào) trước khi trở về đất Việt tại cửa khẩu Tén Tằn (huyện biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) rồi kết thúc dòng chảy dài 512 km của mình tại cửa biển Hội Trào. Dòng sông có khởi nguồn và kết thúc tại Việt Nam khá độc đáo này giờ đang "oằn mình" cõng hàng loạt công trình thủy điện và thoi thóp vì ô nhiễm môi trường.

Sông Mã còn đâu vẻ đẹp xưa! - Ảnh 1.

Đoạn thượng nguồn sông Mã chảy qua huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa

Thủy điện băm nát dòng sông

Trên sông Mã hiện có 7 dự án thủy điện được xây dựng, hầu hết đã đi vào hoạt động, hòa lưới điện quốc gia. Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế mà dòng sông mang lại cho ngành điện. Tuy nhiên, việc phải "cõng" rất nhiều nhà máy thủy điện khiến sông Mã đang ngắc ngoải, để lại những hệ lụy khôn lường. Vào mùa khô, thủy điện tích nước đồng loạt làm dòng chảy bị thu hẹp, thiếu nước tưới tiêu cho vùng hạ du. Còn vào mùa mưa, nước lũ dâng cao khiến nhiều thủy điện xả lũ để tránh vỡ đập gây ra tình trạng lũ lụt, ngập úng.

Tại xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, người dân 4 bản Phé, Mí, Vui, Bá cũng khốn khổ bởi hệ lụy từ nhà máy thủy điện Hồi Xuân. Do nằm trong vùng ngập úng nên năm 2017, 4 bản với trên 1.500 người dân được chủ đầu tư xây dựng cây cầu treo 19 tỉ đồng. Song, sau khi xây 2 mố cầu, công trình này "đắp chiếu" cho tới giờ khiến người dân mòn mỏi trông chờ. Điều trớ trêu là tháng 8-2018, cây cầu treo cũ (xây dựng năm 2011) đã bị lũ quật đổ nghiêng, hư hỏng nặng, người dân phải liều mình qua sông bằng thuyền mỗi ngày.

Sông Mã còn đâu vẻ đẹp xưa! - Ảnh 2.

Thủy điện Hồi Xuân xây dựng dang dở hơn 10 năm, để lại nhiều hệ lụy cho môi trường

Theo UBND huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, hiện chủ đầu tư thủy điện Hồi Xuân vẫn chưa thi công 5 tuyến đường giao thông (dài 4 km), còn 2 cầu treo dân sinh bắc qua sông Mã đang thi công dang dở. Ngoài ra, chủ đầu tư đã phê duyệt nhưng chưa có kinh phí chi trả cho UBND huyện thực hiện việc xây dựng trường học, trạm y tế tại các xã Phú Xuân, Phú Lệ, Phú Sơn.

Xuôi về hạ lưu, dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 (nằm trên bậc thang cuối của sông Mã), tích nước tháng 11-2018 cũng đã gây ngập úng nặng nề cho người dân các xã Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Lương của huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Mặc dù chủ đầu tư đã tính toán, đền bù cho diện tích nằm trong vùng bị ngập nhưng khi tích nước, một phần diện tích ngoài mốc giới tiếp tục bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Sau nhiều lần kiến nghị bất thành, tháng 5-2019, người dân các xã trên đã kéo đến UBND tỉnh khiếu nại. Đích thân ông Nguyễn Đình Xứng, thời điểm đó là Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, phải trực tiếp tới các địa phương này để ghi nhận thực tế và chỉ đạo khắc phục. Tuy nhiên, tới nay, nhiều hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng vẫn khốn khổ mỗi khi mưa lũ tràn về.

Thoi thóp vì bị ô nhiễm

Không chỉ bị "chặt khúc" làm thủy điện, sông Mã còn bị "đầu độc" ngày đêm bởi tình trạng xả thải của các nhà máy mọc lên dọc hai bên sông. Trong đó, các công ty chuyên sản xuất bột giấy, vàng mã, tăm đũa... được xem là thủ phạm chính.

Đi dọc sông Mã qua huyện Bá Thước và Quan Hóa, đứng từ trên Quốc lộ 217 nhìn xuống thấy các nhà máy mọc lên la liệt dọc hai bờ sông, đặc biệt là ở khu vực cầu Na Sài (huyện Quan Hóa). Hầu hết các nhà máy này đều liên quan tới chế biến lâm sản (tre, luồng, vầu). Trước đây, nhằm thuận tiện cho việc tập kết nguyên liệu, các nhà máy thường đặt ở gần sông để lâm sản kết bè xuôi sông Mã về các điểm tập kết. Hiện nay, việc tập kết lâm sản trên sông còn rất ít, nhà máy đặt gần sông chỉ để thuận lợi cho việc xả trộm chất thải, nhằm giảm chi phí kinh doanh.

Chính vì thế mà vài năm trở lại đây, hiện tượng cá chết dọc sông qua các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc... thường xuyên xảy ra. Thời điểm cá chết, nước sông Mã thường đổi màu, lúc đen kịt, lúc trắng xóa và bốc mùi hôi thối. Về nguyên nhân cá chết, hầu hết người dân đều biết và "chỉ mặt đặt tên" những ai đã "đầu độc" sông Mã. Thế nhưng, có rất nhiều vụ việc, cơ quan chức năng vào cuộc rầm rộ nhưng cuối cùng chẳng tìm được ai để xử lý.

Sông Mã còn đâu vẻ đẹp xưa! - Ảnh 3.

Nhà máy chế biến lâm sản xây dựng lấn ra sông Mã đoạn qua huyện Quan Hóa

Trong tháng 3-2021, khi hàng chục tấn cá lồng và cá tự nhiên chết hàng loạt trên sông đoạn qua 2 huyện Bá Thước và Cẩm Thủy, báo chí khắp nơi rầm rộ đưa tin, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa mới quyết liệt vào cuộc. Từ đó, thảm họa môi trường ở đây dần dần lộ diện, khi hàng loạt nhà máy có hành vi xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã bị phát hiện. Thậm chí, để qua mắt lực lượng chức năng, nhiều nhà máy đã đặt cả đường ống ngầm sâu dưới lòng đất, dẫn nước thải thẳng ra lòng sông.

Dù đã phát hiện hàng loạt nhà máy vi phạm nhưng UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ ra quyết định xử phạt hành chính (gần 1,8 tỉ đồng đối với 11 công ty), còn việc truy tìm nguyên nhân cá chết để đền bù thiệt hại cho dân lại không được nhắc đến. Đáng nói là trong số 11 công ty "đầu độc" sông Mã mới bị phát giác, nhiều doanh nghiệp hầu như năm nào cũng bị xử phạt hành chính về hành vi xả thải ra môi trường nhưng chẳng có công ty nào trong số đó bị yêu cầu đóng cửa mà còn được tiếp tục cho khắc phục để tồn tại.

Việc sông Mã đang ngày đêm bị "đầu độc" không phải bây giờ mới diễn ra. Sự việc mới được lực lượng chức năng phát hiện cũng chỉ là bề nổi so với những gì mà con sông này đang ngày đêm chịu đựng suốt bao năm qua. Các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa cần phải nhìn nhận lại trách nhiệm của mình với sông Mã; cần hành động quyết liệt hơn nữa để trả lại vẻ đẹp, sự bình yên vốn có của con sông huyền thoại này. 

Cuộc sống người dân lâm cảnh khó khăn

Huyện Quan Hóa là địa phương có 3 nhà máy thủy điện được xây dựng trên sông Mã. Hiện tại, 2 nhà máy thủy điện Trung Sơn và Thành Sơn đã hòa lưới điện quốc gia, chỉ còn nhà máy thủy điện Hồi Xuân được xây dựng từ năm 2010 tới nay vẫn thi công dang dở. Việc nhà máy "đắp chiếu" hơn 1 thập kỷ khiến người dân và chính quyền địa phương rất bất bình, bởi rất nhiều dự án phúc lợi phục vụ người dân cũng rơi vào cảnh dở dang.

Bản Sa Lắng, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa trước đây nằm ven sông Mã. Để nhường đất cho dự án thủy điện Hồi Xuân, 53 hộ dân ở đây đã phải chuyển tới nơi tái định cư mới. Thế nhưng, nhiều năm trôi qua, chủ đầu tư vẫn không hoàn thành các công trình mà họ đã cam kết trước dân. Ông Cao Thanh Bình, Trưởng bản Sa Lắng, cho biết khi đến nơi ở mới, mặt bằng vẫn còn dở dang, ta-luy dương bên núi đá, ta-luy âm chống sạt xuống sông Mã chưa được kè; nhà văn hóa bản, đường bê-tông từ bến đò lên bản chưa có... Chủ đầu tư hứa sẽ xây dựng nhưng rồi biệt tăm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo