Chỉ trong vòng 2 tháng cuối năm, hàng loạt trụ sở mới được các ngân hàng (NH) gấp rút mở để đón dòng vốn từ người dân, doanh nghiệp. Như tại NH TMCP An Bình (ABBANK), chỉ riêng 2 tháng qua có thêm 11 chi nhánh, phòng giao dịch tại Lạng Sơn, Nghệ An, Bình Dương, Đà Nẵng, Gia Lai...
Đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ
Với 159 điểm giao dịch hiện tại, ABBANK cũng có kế hoạch mở mới thêm nhiều chi nhánh, phòng giao dịch ngay trong tháng 1-2017, nâng tổng số điểm giao dịch trên toàn quốc lên 165 điểm tại 34 tỉnh, thành. Lãnh đạo ABBANK chia sẻ việc mở rộng mạng lưới nhanh như hiện nay là bước tạo đà quan trọng giúp NH tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành NH cổ phần hàng đầu tập trung vào lĩnh vực bán lẻ.
Số liệu thống kê của NH Nhà nước cho thấy đến cuối tháng 11-2016, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 14,57%, tổng phương tiện thanh toán tăng 14,92%, huy động vốn tăng 15,28% so với cuối năm 2015... Theo nhận định của một chuyên gia NH, việc các nhà băng tăng tốc mở rộng trụ sở mới những tháng cuối năm là điều dễ hiểu, xét trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn còn dư địa để “cán đích” mục tiêu 17%-18% trong năm nay. Với chỉ tiêu này, tốc độ tăng bình quân các tháng cuối năm cần phải ở mức gần 3%/tháng. Và đây là thời điểm các NH tích cực mở rộng độ “phủ sóng”, bên cạnh việc tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
So với mật độ dân cư Việt Nam hiện nay thì mạng lưới NH vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Việc mở rộng mạng lưới sẽ giúp nhà băng phát triển các dịch vụ, sản phẩm phục vụ tốt hơn.
Những khách hàng đầu tiên của ABBANK Nghệ An
“Nhu cầu phát triển mạng lưới của các NH là rất lớn. Bởi mạng lưới là kênh truyền thống để tiếp cận với khách hàng, bất kể ở khu vực nào. Chưa kể nhu cầu vốn trong dân cư, doanh nghiệp thời điểm cuối năm khá lớn, nên các nhà băng tăng mức độ phủ sóng tiếp cận nhiều hơn với khách hàng” - lãnh đạo ABBANK chia sẻ.
Mở rộng phải đi đôi chất lượng tín dụng
Trong làn sóng đua mở rộng mạng lưới của các NH hiện nay, có một vấn đề được thị trường quan tâm là việc nhà băng tăng tốc mở rộng mạng lưới sẽ đối diện với rủi ro liên quan tới chất lượng tín dụng, quản trị mạng lưới khi nền tảng quản trị và công nghệ không phát triển song song. Với các NH vừa và nhỏ, rủi ro lớn nhất khi mở rộng mạng lưới là năng lực của đội ngũ nhân sự, tiếp theo là khả năng quản lý hệ thống thông qua hệ thống quy trình quy chế.
Dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng quy định siết chặt về mở rộng mạng lưới của NH Nhà nước sẽ là hàng rào chốt chặn mà bất kỳ nhà băng nào cũng phải vượt qua nếu muốn mở rộng thị phần, mạng lưới. Theo đó, để mở mới chi nhánh, phòng giao dịch các NH thương mại phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe như tỉ lệ nợ xấu không được vượt quá 3%, kinh doanh có lãi, phải bảo đảm các tỉ lệ an toàn trong hoạt động và năng lực tài chính... “Hàng rào” này hướng tới mục tiêu lành mạnh hóa hệ thống, coi trọng chất lượng hơn số lượng.
Trên thực tế, lãi suất không còn là vấn đề với các doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay, mấu chốt nằm ở dịch vụ tài chính, tín dụng mà các nhà băng cung cấp. Lãnh đạo một số NH nhìn nhận muốn đẩy tín dụng có nhiều cách, song với quan điểm kinh doanh thận trọng và phát triển bền vững hiện nay, không một nhà băng nào “quên” đầu tư công nghệ, quản trị rủi ro, tài chính và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, việc NH Nhà nước yêu cầu các NH phải từng bước áp dụng tiêu chuẩn Basel II cũng nhằm nâng khả năng cạnh tranh, năng lực tài chính của các NH trước bối cảnh hội nhập.