xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phần dân sự các đại án: Bịt các "khoảng trống pháp lý"

NGUYỄN HƯỞNG ghi

Làm thế nào để tránh thất thoát tài sản công vì không thi hành án các đại án kinh tế, tham nhũng được? Các chuyên gia pháp lý đề xuất một số giải pháp

PGS-TS TRẦN VĂN ĐỘ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao:

Chế tài thu hồi tài sản phải mạnh hơn

Việc xử lý tham nhũng hiện nay chủ yếu bằng chế tài hình sự và chế tài kỷ luật. Việt Nam vẫn áp dụng chế tài hình sự với cách xử phạt nghiêm khắc, thể hiện việc thiên về trừng trị mà ít chú ý đến cơ chế phòng ngừa và thu hồi tài sản tham nhũng cũng như xử lý những vấn đề liên quan đến tham nhũng.

Người tham nhũng hàng chục, hàng trăm tỉ đồng bị phạt tù hay tử hình mà không thu hồi được tiền thất thoát cho nhà nước thì cũng không mang lại hiệu quả cao. Do đó, cần chú trọng hơn đến chế tài thu hồi tài sản, tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản của người tham nhũng.

Ngoài ra, tội phạm kinh tế, tham nhũng thường có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết pháp luật, có chức vụ, quyền lực chính trị và đặc biệt là có mối quan hệ xã hội nên sẽ tìm mọi cách tẩu tán ngay từ khi có được tài sản phi pháp. Do đó, nếu không có cơ chế kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thì sẽ không có tiền đề để thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án.

Phần dân sự các đại án: Bịt các khoảng trống pháp lý - Ảnh 1.

Bị cáo Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, bị tòa tuyên phải bồi thường 110 tỉ đồng do phạm 2 tội là "Tham ô" và "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" nhưng đến nay chỉ thi hành được vài chục tỉ đồng. Ảnh: NLĐO

Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Phải sửa quy định về khắc phục hậu quả

Cần sửa đổi các quy định pháp luật về cơ chế phòng chống tham nhũng nói chung để tránh chồng chéo gây khó khăn trong việc áp dụng, thi hành án. Ngoài ra, cần thiết bổ sung những quy định về giảm mức hình phạt nếu bồi thường, khắc phục được một phần hoặc toàn bộ hậu quả (tương tự quy định: "Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn").

Mặt khác, việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức phải bảo đảm thật chặt chẽ để xác định cụ thể, chính xác, đầy đủ tài sản cán bộ đang đương chức để làm cơ sở cho việc thi hành án nếu người đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự sau này. Cùng với đó, các cơ quan tư pháp cần tích cực hơn trong việc xác minh tài sản riêng của người phải thi hành án ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử để áp dụng những biện pháp bảo đảm thi hành án như kê biên, phong tỏa tài sản và nâng cao hiệu quả của hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, góp phần nâng cao hiệu lực thi hành án đối với án tham nhũng.

Các trường hợp có đủ căn cứ chứng minh giao dịch dân sự của người phải thi hành án nhằm tẩu tán tài sản thì cần thực hiện các thủ tục tư pháp để yêu cầu tuyên giao dịch dân sự đó vô hiệu. Trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án cần có những biện pháp giáo dục, thuyết phục hiệu quả bị án để họ động viên người thân tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả thay nhằm được xem xét giảm án...


Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Ngăn chặn nạn đứng tên hộ

Mặc dù pháp luật hiện nay khuyến khích người phạm tội khắc phục hậu quả nhưng quy định này cũng chưa được áp dụng nhiều trong thực tế bởi khi số tài sản bị tuyên phải bồi thường quá lớn thì bị cáo không có khả năng bồi thường. Ngoài ra, luật chưa quản lý tốt được tài sản, đặc biệt là bất động sản, tài sản có đăng ký sở hữu; việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên còn mang tính hình thức.

Do đó, trong rất nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, cơ quan điều tra không xác minh được tài sản của bị can để thực hiện các biện pháp kê biên, phong tỏa, cấm chuyển dịch tài sản làm căn cứ để thi hành án. Thực tế, rất nhiều vụ án sau khi được tuyên án về trách nhiệm hình sự cũng như nghĩa vụ dân sự nhưng cơ quan thi hành án không xác minh được tài sản để thực hiện các biện pháp cưỡng chế trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện chấp hành. Khi tài sản tham nhũng có chỗ để cất giấu, có nơi để cất giấu, có cách để cất giấu thì sẽ thúc đẩy động cơ tham nhũng, dẫn tới cơ quan chức năng sẽ rất khó thu hồi tài sản.

Có rất nhiều người trẻ tuổi, ở độ tuổi 18, 20 gần như chưa có thu nhập nhưng đã đứng tên những bất động sản "triệu đô". Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định rõ ràng cũng như chưa có cơ chế chứng minh nguồn thu nhập mua tài sản, việc đứng tên tài sản của những người trẻ tuổi, những người không có thu nhập hoặc thu nhập thấp đối với những tài sản rất lớn. Đó là chỗ để cất giấu tài sản tham nhũng, các đối tượng tham nhũng thường nhờ người khác đứng tên tài sản nên khi kết tội, xác minh điều kiện thi hành án phần dân sự sẽ gặp khó khăn.

Bởi vậy, để thu hồi tài sản do phạm tội mà có một cách hiệu quả thì cần phải giải quyết được nạn đứng tên hộ, đứng tên giùm trong các bất động sản, xử lý nghiêm hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-5

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo