xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện của người đàn bà trốn truy nã 24 năm, bị bắt đúng ngày 30-4

Theo Phương Nam (Quảng Nam Online)

Bị bắt đúng vào dịp 30-4, Phạm Thị Sang không tránh khỏi nuối tiếc vì không được đoàn viên cùng gia đình trong ngày lễ. Tuy nhiên, người đàn bà này lại cảm thấy thanh thản khi chấm dứt 24 năm trốn truy nã.


Chuyện của người đàn bà trốn truy nã 24 năm, bị bắt đúng ngày 30-4 - Ảnh 1.

Chỉ với bức ảnh 24 năm về trước nhưng các trinh sát đã tầm nã được Phạm Thị Sang. Ảnh: P.NAM

Phạm Thị Sang (SN 1959) nguyên là giáo viên mầm non, quê quán ở xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Giữ trẻ được thời gian ngắn, vì thu nhập thấp nên Sang nghỉ và chuyển qua buôn bán đường dài. Sau đó, Sang và anh Trần Văn Khánh (trú xã Hương An, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) hợp tác với nhau buôn gỗ. Được một thời gian, Sang và anh Khánh chung vốn sản xuất nước mắm tại Hương An. Để tiện việc kinh doanh, anh Khánh đưa Sang về nhà mình ăn ở, sinh hoạt.

Cuộc chạy trốn của người đàn bà bán mắm

Vì tin tưởng Sang nên mỗi khi đi đâu, anh Khánh thường giao nhà cửa, chìa khóa xe cho Sang. Ngày 3-5-1994, lợi dụng vợ chồng anh Khánh đi vắng, Sang lấy xe máy của anh Khánh rồi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt. Biết chị Phúc, vợ anh Khánh có chơi hụi với một người trong xóm, Sang đến nói người này là chị Phúc hốt hụi và cuỗm luôn 2,1 triệu đồng tiền hụi của chị Phúc. Ngày 23-6-1994, Công an huyện Quế Sơn phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Sang.

Chuyện của người đàn bà trốn truy nã 24 năm, bị bắt đúng ngày 30-4 - Ảnh 2.

Phạm Thị Sang tại cơ quan công an. Ảnh: P.NAM


Theo lời bà Sang kể với chúng tôi, từ Hương An, bà điều khiển xe của anh Khánh vào Tam Kỳ rồi bắt xe khách vào miền Nam, mang theo cả chiếc xe máy. Đến ngã ba Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai), Sang xuống xe và chạy xe máy lên TP.Đà Lạt (Lâm Đồng). Trên đường đi, thấy trạm cảnh sát giao thông, Sang sợ bị phát hiện nên dừng xe lại giả vờ đi vệ sinh rồi bỏ chạy, vứt luôn xe máy tại đây.

Sau đó, Sang đón xe khách lên Đắk Lắk. Ngồi trên xe, Sang làm quen và hỏi 1 người phụ nữ nơi nào có nhu cầu thuê mướn lao động. Người phụ nữ hướng dẫn Sang đến xã Cư Né (huyện Krông Búk, Đắk Lắk) để tìm việc làm và Sang đón xe đến đó.

Tại nơi ở mới, ai thuê gì Sang làm nấy, từ cuốc cỏ, mua bán cá đến cả lái xe ủi, xe múc. Sau thời gian lao động cực nhọc, Sang dành dụm được chút vốn và xây nhà, mua đất rẫy để sản xuất. Trước khi trốn truy nã, Sang có 2 con nhỏ và 2 người con này ở với cha kể từ khi Sang ly hôn. Sau khi vào Đắk Lắk, Sang kết hôn với một người đàn ông và sống với người này cho đến thời điểm bị bắt.

Nợ thì phải trả...

Vì Phạm Thị Sang không phải người địa phương nên việc truy nã gặp nhiều khó khăn. Các trinh sát đã về nơi Sang đăng ký thường trú cũng như quê nội, quê ngoại của đối tượng nhưng do Sang ít ở địa phương nên hầu như không ai biết gì nhiều về Sang. Hàng loạt cái tên Phạm Thị Sang được các trinh sát sàng lọc, đối chiếu, tuy nhiên khi xác minh thì không đúng người bị truy nã. Trong khi đó, để lẩn trốn cơ quan chức năng, Sang đã thay tên đổi họ và đăng ký hộ khẩu, chứng minh dưới cái tên hoàn toàn xa lạ.

Dù không có một manh mối nào về Phạm Thị Sang nhưng các trinh sát vẫn không ngừng tìm kiếm. Hầu như tỉnh, thành nào trinh sát cũng đặt chân đến và thường xuyên liên lạc với công an các địa phương để sớm phát hiện Sang. Đến giữa tháng 4-2018, với sự phối hợp cùng Công an huyện Krông Búk, trinh sát định vị được Sang đang ở xã Cư Né và lên kế hoạch truy bắt. Ngày 30-4, trinh sát đã di lý người đàn bà bán mắm năm xưa về Công an tỉnh để bàn giao cho Công an huyện Quế Sơn.

Được biết, khi thấy lực lượng công an, bà Sang biết mình đã bị phát hiện nên tự mở lời: "Cô hiểu tại sao các con đến đây rồi, cô không chạy trốn đâu, cô sẽ về để trả nợ này". Còn tâm sự với chúng tôi, bà nói: "Khi mới bỏ đi, tôi cũng muốn quay về nhưng lúc đó con còn nhỏ, sợ ở tù lâu thì không ai nuôi con. Tối ngủ, tôi toàn mơ mình đang ở quê, rồi bị công an bắt. Sau này, áp lực tâm lý cộng thêm công việc, tôi không vượt qua được để ra đầu thú. Trốn truy nã khổ lắm, cứ thấp thỏm lo âu. Ngày mẹ tôi mất, tôi đâu có dám về. Bị bắt như vậy cũng là tốt cho tôi, nợ thì phải trả...".


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo