xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lừa xuất khẩu lao động

VY THƯ

Hai vụ án liên quan đến lừa xuất khẩu lao động vừa được đưa ra xét xử tại TPHCM. Những kẻ lừa đảo đã bị xử phạt nghiêm khắc và đây cũng là bài học cho những người nhẹ dạ cả tin

Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM ngày 17-5 xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Hứa Thị Hạnh Nguyên (SN 1972, ngụ huyện Củ Chi - TPHCM), rất nhiều  nạn nhân không hiểu nổi vì sao lại có thể tin tưởng giao tất cả vốn liếng dành dụm bao năm cho một người từng có hai tiền án tiền sự về tội lừa đảo một cách dễ dàng như thế.
 
Hứa thật nhiều
 
Dù không có tư cách pháp nhân và khả năng làm hồ sơ lao động hợp tác nước ngoài, nhưng Hứa Thị Hạnh Nguyên từng hai lần đi hợp tác lao động tại Hàn Quốc lại khéo hứa hẹn nên nhiều người lầm tưởng Nguyên có tham gia đường dây làm hồ sơ đưa người đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Thậm chí nhiều  đầu mối cung cấp nguồn lao động cũng bị Nguyên cho nếm quả lừa.
img
Bị cáo Hứa Thị Hạnh Nguyên trong phiên tòa ngày 17-5. Ảnh: PHẠM DŨNG
 
Với lời hứa giúp làm hồ sơ đi lao động Hàn Quốc, Nhật Bản cộng với việc lấy các công ty uy tín như Công ty Suleco, Công ty Tracimexco và cả Sở LĐ-TB-XH TPHCM làm “mồi”, Nguyên nhận nhiều hồ sơ của người lao động rồi... để đó. Số tiền đặt cọc 2.000 - 3.000 USD lo chi phí thủ tục được Nguyên ôm trọn để tiêu xài và trả nợ.
 
Nhằm tạo lòng tin, Nguyên giới thiệu người lao động đi khám sức khỏe, học tiếng nước ngoài và cả làm bằng tốt nghiệp THPT giả. Sau một thời gian chờ đợi không có kết quả, người bị hại đến đòi lại tiền, Nguyên chỉ trả một ít hoặc chây ì không trả đồng nào. Ngay cả khi ra tòa, số tiền HĐXX tuyên buộc Nguyên phải trả là 18.800 USD và 401 triệu đồng cũng chưa biết đến bao giờ 8 người bị hại mới lấy lại được bởi với 3 bản án liên tiếp, Nguyên phải ngồi tù đến 27 năm.
 
Trước đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã bác đơn kháng cáo, y án sơ thẩm 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Lưu Thị Dung (31 tuổi, ngụ Phú Thọ). Dung là đồng phạm giúp sức cho Hoàng Thị Hải (SN 1971, ngụ Thanh Hóa) đã bị TAND tỉnh Đồng Nai xét xử và tuyên phạt 18 năm tù nhưng không kháng cáo.
 
Nắm rõ tâm lý những người đóng tiền đi xuất khẩu lao động muốn đi được để có thể kiếm tiền về trả nợ, thông qua người quen, các đầu mối như Dung, Hải tung tin về khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, thời gian đi nhanh, hưởng lương cao, hồ sơ thủ tục đơn giản, chi phí là 180 triệu đồng/người. Sau khi tiếp nhận số lao động do Dung đưa vào TP Biên Hòa, Hải thuê nhà cho họ ở chờ “ngày ký hợp đồng với công ty”, tổ chức cho người lao động đi khám sức khỏe, đưa đến trường dạy nghề học (chi phí do Hải trả).
 
Động tác giả đó tạm thời tạo được lòng tin cho người lao động nhưng rồi họ chờ đợi hết ngày này sang ngày khác mà vẫn không được đi đâu, một số người đòi lại tiền chỉ được Hải trả nhỏ giọt. Thậm chí vì thiếu hiểu biết, khi được Hải đề nghị viết giấy biên nhận “đã nhận lại đủ 180 triệu đồng”, có người cũng đã viết cho đến khi TAND tỉnh Đồng Nai đưa vụ án ra xét xử, không được Hải trả tiền đã làm đơn tố cáo Hải tại tòa.
 
Tiền mất, nợ mang
 
Nạn nhân trong các vụ án này đa số là những người lao động nghèo, gặp khó khăn về việc làm, phải vay mượn, cầm cố tài sản. Cũng vì vậy mà họ mong được đi xuất khẩu lao động càng nhanh càng tốt để kiếm tiền về trả nợ, giúp đỡ gia đình và có ít vốn.
 
Ông T.T.Đ nghe tin tại Đồng Nai có đường dây lo đi xuất khẩu lao động nên lặn lội từ Hà Tĩnh vào tìm đến nhà  Hoàng Thị Hải đặt vấn đề nhờ giúp. Hải nhận lời và ra giá 180 triệu đồng, thời gian khoảng 2-3 tháng sẽ đi Hàn Quốc lao động. Tin lời, ông Đ. đem giấy chủ quyền nhà đất ra thế chấp ngân hàng.
 
Sau khi nộp tiền và nhận biên nhận, ông Đ. được Hải thuê nhà trọ ở để chờ đi hợp tác lao động. Sau đó, khi về quê thăm gia đình, Hải gặp ông T.T.T - anh ruột của ông Đ. và nhận thêm 50 triệu đồng nữa với lời hứa chắc chắn sẽ lo cho ông Đ., nhưng thực tế Hải không làm gì. Chờ mãi trong vô vọng, cuối cùng ông Đ. đến gặp Hải rút tiền và chỉ được trả lại 100 triệu đồng.
 
Qua người quen, chị N.T.T.H (ngụ huyện Củ Chi) đã nhờ Hứa Thị Hạnh Nguyên lo cho em trai là N.M.S đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Nguyên sốt sắng nhận lời và hứa sẽ nộp hồ sơ vào Công ty Suleco (quận 5), chi phí đặt cọc là 3.000 USD. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Nguyên không làm hồ sơ cho S. đi xuất khẩu lao động tại Công ty Suleco mà nói chuyển qua Công ty Hiteco (quận Tân Bình). Để bổ sung hồ sơ, S. được đưa đi khám sức khỏe, nhưng do S. bị gãy chân đang còn nẹp trong đùi nên không đủ sức khỏe để đi.
 
Viện lý do này, Nguyên cho biết hồ sơ của S. không nộp được vào Công ty Hiteco. Thể hiện “trách nhiệm”, Nguyên hứa sẽ chuyển hồ sơ  qua Công ty Tracimexco. Thấy Nguyên quá nhiệt tình, chị H. đưa cho Nguyên 4.000 USD đặt cọc để Nguyên lo tiếp cho 4 người em chồng đi lao động tại Nhật Bản. Tuy nhiên, sau khi nhận xong tiền, Nguyên không thực hiện theo thỏa thuận mà lặn mất tăm.
 

Trên đây chỉ là hai người bị hại điển hình trong nhiều bị hại của hai vụ án nêu trên. Bản án nghiêm khắc là sự răn đe đối với những người đã và đang có ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền mồ hôi, công sức của người khác bằng phương thức, thủ đoạn tương tự. Nhưng đây cũng là bài học cảnh giác cho những người muốn đi xuất khẩu lao động bằng mọi giá.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo