xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những sơ suất "chết người"

Nguyễn Hưởng - Di Lâm

Khởi nguồn của những tổn thất nặng nề mà tổ chức tín dụng không thể khắc phục là do cán bộ coi thường quy trình, lãnh đạo "nhắm mắt" ký duyệt hồ sơ

Ngày 16-3, TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo Đặng Thị Kim Anh (nguyên Trưởng Phòng Kế toán Công ty Tài chính Cao su) 7 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Cùng tội trên, bị cáo Nguyễn Thị Lệ Hằng (nguyên quyền trưởng phòng) lãnh 5 năm tù, 3 bị cáo khác (đều là nguyên cán bộ phòng kế toán) mỗi người 4 năm tù giam.

Không thể chối bỏ quy trình tín dụng

Tòa sơ thẩm cáo buộc 5 bị cáo cố ý đề xuất, quyết định giải ngân hồ sơ tín dụng không đủ điều kiện, khiến Công ty Tài chính Cao su mất hơn 45,1 tỉ đồng.

Cụ thể, từ năm 2009-2011, Trần Quốc Hoàng, khi đó là nhân viên tín dụng, thua bạc nên mượn tài sản nhiều người rồi giả chữ ký, lập 21 hồ sơ tín dụng giả. Hoàng mang hồ sơ vào Công ty Tài chính Cao su thế chấp, vay tiền, từ đó "rút ruột" hơn 45,1 tỉ đồng. Dù biết tất cả hồ sơ tín dụng do Hoàng lập ra đều không đủ điều kiện cho vay và giải ngân nhưng các bị cáo vẫn cho qua. Thế nhưng, Hằng và 3 bị cáo nguyên là cán bộ phòng kế toán nhiều lần kêu oan, cho rằng triển khai công việc với chức năng, nhiệm vụ phòng kế toán (theo văn bản công ty ban hành từ năm 1998), không biết về quy trình tín dụng (văn bản ban hành năm 2004). Tuy nhiên, VKSND TP HCM bác bỏ lời biện minh này. Tại tòa, đại diện VKS nhấn mạnh sau khi Công ty Tài chính Cao su mở rộng hoạt động nghiệp vụ, chủ tịch HĐQT có ký ban hành quyết định về quy trình tín dụng. Toàn công ty áp dụng quy trình trong hoạt động cấp tín dụng. Ngoài việc tuân thủ quy định nghiệp vụ kế toán, lãnh đạo - cán bộ phòng kế toán còn có trách nhiệm vận hành quy trình trong việc giải ngân. Cụ thể, phòng kế toán kiểm tra tính đúng đắn, hợp pháp, hợp lệ trong hồ sơ; giao tiền tới đúng đối tượng thụ hưởng. Lãnh đạo doanh nghiệp thời điểm đó xác nhận đã phổ biến, quán triệt quy trình tín dụng xuống từng phòng, ban. HĐXX cũng kết luận 5 bị cáo thẩm định hồ sơ, chi tiền sai quy trình khiến công ty thiệt hại nặng nề.

Những sơ suất chết người - Ảnh 1.

Bị cáo Đặng Thị Kim Anh tại sân tòa ánẢnh: DI LÂM

Trước đó, TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên phạt chủ mưu là Trần Quốc Hoàng mức án tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Phan Anh Minh Ngọc (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Cao su) 5 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Ký nhanh, không cần nghĩ?

Sau khi hoàn tất kết luận điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị VKSND Tối cao truy tố 10 bị can trong vụ thất thoát hàng trăm tỉ đồng, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Phương Nam (Ngân hàng Phương Nam, nay là Sacombank).

Năm 2007, Dương Thanh Cường (đang thụ án chung thân, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Bình Phát) lấy danh nghĩa công ty mua 10,5 ha đất (gồm 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), sau đó đem thế chấp vào Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh 6 (Agribank CN 6) với mục đích vay vốn làm dự án.

Năm 2008, với tư cách Tổng Giám đốc Công ty Bình Phát, Cường ký hồ sơ đề nghị vay 200 tỉ đồng tại Ngân hàng Phương Nam. Xong khâu thẩm định hồ sơ, hội đồng tín dụng ngân hàng chấp thuận duyệt số tiền vay 130 tỉ đồng; đồng thời yêu cầu sở giao dịch ngân hàng thực hiện đầy đủ 8 điều kiện trước khi giải ngân. Dù vậy, ông Trầm Bê - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam, người có thẩm quyền cao nhất trong xét duyệt hồ sơ tín dụng - ký duyệt hồ sơ do Cường gửi tới không đủ điều kiện, bất chấp đề nghị do hội đồng tín dụng đưa ra trước đó. Ba cá nhân là lãnh đạo, cán bộ ngân hàng tự động giải ngân 130 tỉ đồng mà không có bất kỳ chứng từ chứng minh việc sử dụng vốn vay. Hai lần kế tiếp, ông Trầm Bê tiếp tục cho Cường vay hàng trăm tỉ đồng bằng cách đảo nợ, ký hợp đồng vay mới, bỏ qua quy trình khắt khe trong ngân hàng. Vì không có khả năng trả nợ nên Cường ký giấy gán 23 bất động sản trong khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nằm trong hồ sơ thế chấp tại Agribank CN 6.

Tính đến năm 2010, "siêu lừa" nợ ngân hàng hơn 331 tỉ đồng. Bộ Công an đề nghị VKSND Tối cao truy tố Trầm Bê cùng 8 đồng phạm tội danh "Vi phạm hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Cơ quan công an đề nghị truy tố tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với Dương Thanh Cường.

Nghỉ việc sau 12 ngày ký biên bản

Ban đầu trong vụ sai phạm ở Ngân hàng Phương Nam, cơ quan điều tra không xử lý hình sự ông Trầm Viết Trung (Giám đốc Trung tâm Xét duyệt tín dụng kiêm Ủy viên Thường trực Hội đồng Tín dụng Ngân hàng Phương Nam). VKSND Tối cao trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ hành vi ông Trung gây ra. Theo kết luận điều tra bổ sung, ông Trung ký biên bản cuộc họp hội đồng tín dụng, duyệt vay 190 tỉ đồng. Hồ sơ vay vốn Cường nộp vào không đủ điều kiện cấp tín dụng. Hành vi trên phạm vào tội "Vi phạm hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Sau khi ký 12 ngày thì ông này nghỉ việc.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo