xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ông Tất Thành Cang đề nghị xem lại tội danh

Phạm Dũng

Ông Tất Thành Cang cho rằng tội danh mà tòa sơ thẩm đã tuyên là chưa phù hợp và việc vi phạm pháp luật của ông là do thuộc cấp không trung thực, gian dối

Ngày 6-6, TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên phúc thẩm xét xử ông Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM) và các đồng phạm trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty SADECO (công ty con của Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC).

Cấp dưới gian dối?

Mở đầu phiên xử, chủ tọa thông báo bị cáo Vũ Xuân Đức (nguyên Phó tổng giám đốc IPC) vắng mặt do đang bị tạm giam trong một vụ án khác và sẽ được dẫn giải đến phiên xử trong ngày hôm sau.

Nêu lý do kháng cáo, ông Tất Thành Cang đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét tội danh mà TAND TP HCM đã tuyên. Ông Cang cho rằng tội danh mà tòa sơ thẩm đã tuyên là chưa phù hợp. Đồng thời việc vi phạm pháp luật của ông là do thuộc cấp không trung thực, gian dối vốn của Văn phòng Thành ủy tại SADECO khiến bị cáo chỉ đạo không chính xác. HĐXX hỏi: "Bị cáo nhận thức hành vi của mình có sai không?", ông Cang cho rằng ông không vi phạm điều 219 Bộ Luật Hình sự.

Bị cáo Tề Trí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT SADECO) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với lý do "Bị cáo đã nỗ lực khắc phục hậu quả trong các giai đoạn khởi tố, điều tra. Sau phiên tòa sơ thẩm, gia đình bị cáo đã bồi thường số tiền mà bị cáo phải liên đới bồi thường cho SADECO 465 triệu đồng. Mong HĐXX phúc thẩm xem xét tổng thể, khách quan và toàn diện vụ án để xét xử bị cáo, phù hợp với các chứng cứ khách quan".

Bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng Giám đốc SADECO) và các bị cáo khác cũng giữ nguyên kháng cáo, mong cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh và giảm án. Bà Phúc xin xem xét giảm nhẹ hình phạt cả 2 tội "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". 

Trước bục khai báo, bà Phúc trình bày bà đã vận động gia đình nộp toàn bộ số tiền 465 triệu đồng mà TAND đã tuyên buộc bà có trách nhiệm liên đới bồi thường để khắc phục hậu quả. Đồng thời, bà Phúc xin giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội về phụng dưỡng cha mẹ già bị bệnh, chăm sóc các con.

Trong vụ án này, SADECO kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm buộc các bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc và các đồng phạm bồi thường số tiền 2,8 tỉ đồng, hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 13 ngày 7-12-2017 của Công ty SADECO (đăng ký tăng vốn điều lệ từ 170 tỉ đồng lên 260 tỉ đồng). Bên cạnh đó, SADECO yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho SADECO với số vốn điều lệ đăng ký là 170 tỉ đồng.

Ông Tất Thành Cang đề nghị xem lại tội danh - Ảnh 1.

Ông Tất Thành Cang cùng các bị cáo tại tòa (Ảnh: HUẾ XUÂN)

Phạm tội đặc biệt nghiêm trọng

Theo bản án sơ thẩm, có đủ cơ sở kết luận bị cáo Tất Thành Cang, Tề Trí Dũng và đồng phạm mắc nhiều sai phạm suốt quá trình chuyển nhượng 9 triệu cổ phần SADECO cho Công ty Nguyễn Kim.

Theo quy định khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần, vốn Văn phòng Thành ủy TP HCM tại SADECO phải được thực hiện đấu giá. Tuy nhiên, các cá nhân liên quan đã thống nhất phát hành 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần mà không thông qua thẩm định giá, đấu giá.

Là người giữ cương vị Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, bị cáo Tất Thành Cang phụ trách trực tiếp Văn phòng Thành ủy TP HCM (chủ sở hữu vốn Thành ủy TP HCM tại IPC). Bị cáo biết rõ việc phát hành cổ phần phải thực hiện đấu giá, thẩm định giá theo điều 38 Nghị định 91/2015/NĐ-CP nhưng không chỉ đạo Văn phòng Thành ủy, người đại diện vốn có ý kiến về việc đấu giá, thẩm định giá theo quy định. Hành vi của bị cáo Tất Thành Cang đã đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", được quy định tại điều 219 Bộ Luật Hình sự.

Theo tòa sơ thẩm, bị cáo Tất Thành Cang là người có chức vụ cao nhất trong các bị cáo, có tầm ảnh hưởng lớn, có vai trò đầu vụ. Tuy nhiên, do bị cáo Cang chỉ có vai trò quyết định với phần vốn của Văn phòng Thành ủy, chưa có tài liệu thể hiện ông Cang chỉ đạo đối với phần vốn còn lại. Do đó, về trách nhiệm dân sự, ông Cang phải chịu trách nhiệm đối với phần vốn của Văn phòng Thành ủy tại SADECO (16,7%) là 184,2 tỉ đồng.

Bị cáo Tề Trí Dũng được xác định có vai trò chủ mưu, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện một số hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho SADECO 1.103 tỉ đồng. Trong đó, thất thoát tài sản nhà nước là hơn 669 tỉ đồng, gồm vốn của UBND TP HCM là hơn 485 tỉ đồng, tương đương 44%.

Ngoài sai phạm phát hành 9 triệu cổ phần trái luật, TAND TP HCM còn cáo buộc tội danh "Tham ô tài sản" đối với bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc. Hai bị cáo và các đồng phạm lợi dụng thẩm quyền quản lý nguồn tiền thù lao khen thưởng của SADECO chiếm hưởng với tổng số tiền hơn 4,6 tỉ đồng.

Trong bản án, tòa sơ thẩm đánh giá hành vi tội phạm của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát tài sản nhà nước. Các bị cáo còn làm mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước.

Mức án của các bị cáo

Ngày 8-1, TAND TP HCM tuyên phạt ông Tất Thành Cang mức án 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Bị cáo Tề Trí Dũng bị tuyên phạt 20 năm tù về 2 tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Tham ô tài sản". Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt 2 năm tù cho hưởng án treo đến 16 năm tù.

Ông Tề Trí Dũng lại bị khởi tố

Cơ quan CSĐT Công an TP HCM vừa khởi tố 4 bị can, gồm: Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC), Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng Giám đốc SADECO), Vũ Xuân Đức (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty IPC), Trần Đăng Linh (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty IPC) về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí. Các bị can bị khởi tố do liên quan đến sai phạm chuyển nhượng nền đất tại dự án khu định cư An Phú Tây (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh).

Năm 2001, UBND TP HCM giao SADECO làm chủ đầu tư dự án khu định cư An Phú Tây (diện tích gần 47 ha) để xây dựng phục vụ tái định cư các dự án trong khu đô thị Nam TP HCM. IPC góp vốn đầu tư vào dự án cùng SADECO với tổng số tiền hơn 492 tỉ đồng.

Xây dựng hạ tầng xong, Hội đồng thành viên IPC ra nghị quyết sẽ chuyển nhượng khi đủ điều kiện toàn bộ các lô đất đang lập thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất kinh doanh) với diện tích hơn 25.000 m2 và 1 chung cư R1 với diện tích gần 18.000 m2. Sau đó, ký 6 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đơn giá từ 7 - 8,8 triệu đồng/m2, tổng diện tích chuyển nhượng hơn 24.000 m2, tổng số tiền thu được chỉ hơn 186 tỉ đồng.

Theo Thanh tra TP HCM, IPC chuyển nhượng số lượng lớn nền đất tại dự án An Phú Tây cho một số cá nhân thay vì tổ chức bán qua sàn giao dịch bất động sản, không tổ chức đấu giá, bán với giá chưa phù hợp là không cần thiết, vì thời điểm bán IPC chưa cần vốn. Việc chuyển nhượng không hiệu quả, bán giá "rẻ bèo" gây thất thoát cho nhà nước. Trách nhiệm chính về tổng giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách, phòng kinh doanh IPC.

Sỹ Hưng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo