xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thẩm phán xin nghỉ việc vì quá tải

Bài và ảnh: Di Lâm

Thời gian nghiên cứu hồ sơ quá ít trong khi tình hình tội phạm, tranh chấp dân sự, thương mại ngày càng phức tạp, khó lường; quy định pháp luật liên tục sửa đổi, bổ sung... khiến thẩm phán chịu nhiều áp lực

Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội vào sáng 5-11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận hiện ngành tòa án đang phải đối mặt với thực tế là rất nhiều thẩm phán xin nghỉ việc và điều này xảy ra ở tất cả các địa phương. Trước đó, trong cuộc thảo luận tổ, bà Trịnh Ngọc Thúy - Phó Chánh án TAND TP HCM - cho biết thời gian qua, đơn vị nhận rất nhiều đơn xin nghỉ việc của thẩm phán và thư ký do quá tải trách nhiệm và áp lực công việc.

Căng thẳng bởi áp lực

Về vấn đề này, nguyên Chánh án TAND TP HCM Ung Thị Xuân Hương từng chia sẻ TAND TP đã giải quyết chế độ nghỉ việc cho gần 20 người chỉ trong 6 tháng, trong số đó có 10 thẩm phán. Trong số thẩm phán nghỉ việc này, có người nộp đơn xin nghỉ chỉ sau một tháng nhận quyết định bổ nhiệm; có người rất vững chuyên môn.

Thẩm phán xin nghỉ việc vì quá tải - Ảnh 1.

HĐXX vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” tuyên gần 10 bản án tử hình, vấp phải sự phản ứng gay gắt từ người nhà bị cáo

Theo bà Ung Thị Xuân Hương, từ năm 2017, các vụ án hình sự tại TP ngày càng phức tạp, số vụ án điểm tăng cao. Có những phiên tòa có tới hàng chục bị cáo, mấy trăm người liên quan. Với những vụ án mà bị cáo phạm tội có tổ chức, người làm công tác xét xử có thể đối mặt với hành động đe dọa, trả đũa. Cán bộ tòa án giải quyết tranh chấp ở lĩnh vực khác có thể gặp những đương sự phản ứng gay gắt, tiêu cực.

TAND TP HCM đã từng xảy ra sự việc đương sự tức giận thủ sẵn xăng trong chai nước, châm lửa đốt trước phòng xử án vì không đồng tình với bản án HĐXX vừa tuyên. Nếu HĐXX không nhanh chóng thoát ra và bảo vệ tòa án không ngăn chặn kịp thời thì hậu quả sẽ khôn lường. Hay tại TAND huyện Bình Chánh, đương sự hung hăng rượt đuổi thẩm phán sau khi kết thúc phiên tòa.

Một cựu thẩm phán (từng công tác tại một tòa án quận) thừa nhận chất lượng xét xử là một trong những áp lực nặng nề đối với thẩm phán, thư ký. Bởi thời gian nghiên cứu hồ sơ quá ít trong khi tình hình tội phạm cũng như tranh chấp dân sự, thương mại ngày càng phức tạp, khó lường; quy định pháp luật lại liên tục sửa đổi, bổ sung, đòi hỏi đội ngũ xét xử phải liên tục cập nhật.

"Ngoài ra, khi mạng xã hội phát triển, không ít thẩm phán cảm thấy căng thẳng vì hứng "đá" trên Facebook sau khi tuyên án. Đây là một trong những lý do thẩm phán muốn nghỉ" - ông Nguyễn Minh Cảnh, nguyên thẩm phán Tòa Hình sự (TAND TP HCM), nói.

Giảm tải bằng hòa giải, đối thoại

Lúc đương chức Chánh án TAND TP HCM, bà Ung Thị Xuân Hương có đề xuất cấp trên mở thêm cơ chế bảo vệ những người tiến hành tố tụng như: tăng cường cảnh sát hỗ trợ tư pháp; quan tâm nhiều hơn đến cơ sở vật chất, môi trường làm việc. Bà Hương cho hay nhiều thư ký tòa dân sự ngồi làm việc chung một phòng, nếu đương sự vào đó lớn tiếng, gây gổ thì rất khó xử trí.

Một vấn đề khác mà bà Trịnh Ngọc Thúy nêu ra tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra đó là TAND TP HCM đã giảm gần đủ 10% biên chế theo chỉ tiêu. Trong khi hằng năm các loại án đều tăng, biên chế giảm nhưng vẫn bổ nhiệm thẩm phán dẫn đến tình trạng thiếu thư ký. Hiện có thư ký ở TAND TP HCM giúp việc cho 3 thẩm phán. Ở phiên họp xem xét đưa người đi cai nghiện, thẩm phán này trống lịch xét xử phải ngồi làm thư ký cho thẩm phán kia. Bà Trịnh Ngọc Thúy nhấn mạnh các cấp xét xử thuộc TP HCM không xin thêm mà chỉ mong giữ nguyên số lượng biên chế.

Theo Chánh án TAND TP HCM Lê Thanh Phong, giải pháp thiết thực giúp cơ quan xét xử giảm áp lực trong thời gian gần đây được nhắc đến nhiều chính là việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại. Đây là bước quan trọng trong cải cách tư pháp, ngăn ngừa tiêu cực phát sinh, góp phần xây dựng tòa án trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, góp phần không nhỏ trong việc giảm tải, giảm áp lực cho những người tiến hành tố tụng tại TP cũng như góp phần chấm dứt mâu thuẫn một cách nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả.

Tại TAND TP HCM, trung bình mỗi thẩm phán thụ lý 10 vụ việc/tháng. Ở TAND quận, huyện, một thẩm phán có khi phải xử 18 vụ án/tháng.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo