xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xử gian lận điểm thi: Thí sinh Hà Giang “thực sự quá khổ, quá vất vả"

B.H.Thanh

(NLĐO)- Ông Vũ Văn Sử, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, đã có phần trả lời các câu hỏi của Hội đồng Xét xử, Viện Kiểm sát Nhân dân, các luật sư trong phiên toà xét xử sáng 16-10.

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang sáng 16-10, Hội đồng xét xử (HĐXX), Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), các luật sư tiếp tục xét hỏi bị cáo, những người được triệu tập có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan trong vụ án.

HĐXX dành nhiều thời gian để xét hỏi những người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan trong vụ án, trong đó có ông Nguyễn Thế Bình, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Giang, là người đại diện cơ quan này được cử đến dự tòa với tư cách đơn vị liên quan; ông Vũ Văn Sử, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang.

Xử gian lận điểm thi: Thí sinh Hà Giang “thực sự quá khổ, quá vất vả - Ảnh 1.

Ông Vũ Văn Sử, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang

Trả lời các câu hỏi của HĐXX, ông Bình cho rằng ở góc độ chuyên môn và các quy trình làm việc, các bị cáo đã trình bày thống nhất, chính xác. Ông nhận định 5 bị cáo đang khai mâu thuẫn nhau nên ông không đánh giá được hành vi cụ thể của từng bị cáo.

Theo ông Bình, vụ việc xảy ra là sự cố ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến ngành, "vụ án làm tổn hại danh dự, uy tín của toàn ngành". Ông bày tỏ sự tiếc nuối khi các bị cáo từng là cán bộ hoặc lãnh đạo Sở, đều công tác lâu năm và có nhiều cống hiến cho hoạt động chung của ngành giáo dục tỉnh.

Trình bày nguyện vọng gửi HĐXX, ông Bình nói rằng Sở GD-ĐT mong muốn tòa khi toà tuyên án, ngoài đảm bảo sự công minh của pháp luật thì cũng tính đến sự đóng góp của bị cáo, tạo cơ hội cho các bị cáo khắc phục sai lầm, có cơ hội làm lại cuộc đời.

Còn ông Vũ Văn Sử thừa nhận đã chuyển danh sách một số thí sinh cho bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, trong đó có một nữ thí sinh có bố qua đời trước ngày thi đầu tiên nên khi đưa thông tin thí sinh này cho bị cáo Chính, ông Sử nhắn nhủ xem xét, để ý “nếu đỗ tốt nghiệp thì tốt, nếu không thì phải xem xét đưa vào danh sách xét đặc cách”.

HĐXX hỏi: "Vậy ông phát hiện sai phạm gì trong kỳ thi năm 2018 và đã xử lý ra sao?", ông Sử cho biết sau khi phát hiện một trong 2 ổ khóa phòng nơi chứa bài thi đã bị mở, ông lập tức nhờ người đi tìm Nguyễn Thanh Hoài, nguyên trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng - Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, nhưng không được. Sau đó, kiểm tra camera an ninh, ông Sử phát hiện Vũ Trọng Lương đã giật tờ niêm phong và mở ổ khóa, đưa máy tính ra ngoài.

"Tôi thấy sự việc nghiêm trọng nên không ăn nổi cơm, tôi đi tìm Lương nhưng cũng không thấy" - ông Sử nói và cho biết đêm hôm đó, ông dùng cả thuốc an thần nhưng cũng không ngủ được.

Ngày hôm sau, tại cuộc họp trong Sở GD-ĐT, bị cáo Vũ Trọng Lương ban đầu không thừa nhận vi phạm. Tuy nhiên, sau khi được đích thân ông Sử đưa quy chế thi, Lương mới thừa nhận đã vận chuyển các tài liệu thi ra khỏi phòng bảo mật mà chưa được sự cho phép của Hội đồng thi.

Ông Sử thừa nhận sai phạm và khẳng định bản thân đã nhận trách nhiệm với cơ quan cao nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sẵn sàng nhận kỷ luật.

Tiếp đó, HĐXX đề nghị ông Vũ Văn Sử đặt cương vị là người có vai trò cao nhất ngành giáo dục Hà Giang thời điểm xảy ra vụ án để tự nói về trách nhiệm của bản thân: "Dư luận rất quan tâm việc chống tiêu cực nhưng trong kỳ thi lại có biểu hiện tiêu cực của một số cán bộ. Ông nghĩ gì?". Ông Sử cho rằng điều khó nhất chính là yếu tố con người, ông không bao giờ ngờ tỉnh Hà Giang lại xảy ra việc nâng điểm thi. Đây là lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử thi cử nước nhà, từ "choáng, sốc" cũng không đủ để phản ánh.

HĐXX tiếp tục đặt câu hỏi: "Ông đã nói với cấp dưới quan tâm đến một số con em cán bộ lãnh đạo Hà Giang? Là người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh nhà, liệu đây có phải là mở lối cho tội phạm tiêu cực?". Ông Sử trình bày bản thân nghĩ không phải như vậy. Đó chỉ là những câu nói trong những câu chuyện hàng ngày khi ông ngồi uống nước với cấp dưới. "Nói xong tôi cũng quên câu chuyện đó ngay. Câu chuyện chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp có ít người thôi" - ông Sử phân bua.

Xử gian lận điểm thi: Thí sinh Hà Giang “thực sự quá khổ, quá vất vả - Ảnh 2.

Ông Vũ Văn Sử (đứng) khai trước toà - Ảnh chụp màn hình

Về chi tiết bị cáo Chính nhắn tin lại cho 1 người nhờ vả nói "thương các em (các thí sinh) Hà Giang mình…", ông Sử nhận xét trước toà rằng: "Theo tôi hiểu tin nhắn đó là nói về tất cả các thí sinh tại Hà Giang, các cháu thực sự quá khổ, quá vất vả".

Cuối cùng ông mong HĐXX xem xét, "cuộc đời con người ta ai cũng có lúc sai lầm, sai thì đã sai rồi. Mong HĐXX xem xét, khoan hồng để anh em có cơ hội để sửa chữa sai lầm".

Ngoài ra, theo lời khai của bị cáo Hoài, với danh sách 12 người mà bị cáo Chính đưa cho bị cáo nhờ nâng điểm, thì Hoài khẳng định với uy tín của bản thân có thể nhờ được 24 giám thị quay lại phòng chấm thi để sửa điểm môn Ngữ Văn.

Khi đại diện luật sư hỏi: "Bị cáo tự tin có thể gọi được tối đa 24 giám thị quay lại phòng chấm thi để sửa điểm môn ngữ văn, vi phạm hình sự không?", bị cáo Hoài vẫn khai "có thể gọi được".

HĐXX hỏi bị cáo Hoài: "Giả sử 24 giám thị quay lại phòng chấm thi để sửa điểm môn ngữ văn thì công an làm nhiệm vụ bảo vệ phòng chứa bài thi và chấm thi có cho vào không?", Bị cáo Hoài khai, chiều 9-7-2018, thời gian này ban thư ký vẫn làm việc bình thường, công an bảo vệ khu vực chấm thi và phòng chứa bài thi vẫn làm việc bình thường nên cán bộ chấm thi vẫn vào được.

Phiên toà sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang dự kiến diễn ra trong 3 ngày: 14, 15, 16-10. Các bị cáo gồm: Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương, nguyên trưởng và phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục - Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại điều 356 Bộ luật hình sự.

Bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", quy định tại điều 358 Bộ luật hình sự.

Bị cáo Phạm Văn Khuông, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang và Lê Thị Dung, nguyên phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an tỉnh Hà Giang, bị truy tố về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", quy định tại điều 366 Bộ luật Hình sự.

Các cơ quan tố tụng xác định 5 bị cáo nêu trên đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, thực hiện hành vi sửa bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh. Trong đó, thí sinh được nâng điểm cao nhất là 29,95 điểm với 4 môn; người thấp nhất 2,2 điểm đối với 1 môn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo