xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết "Từ trong ký ức": Cây thước gỗ

NGUYỄN VĂN TÚ

Khi ba mất đi, từng đêm, chúng tôi ngồi nhớ đến ba với chiếc thước gỗ luôn bên mình lúc làm ăn, lúc răn vợ, lúc dạy con, lúc vui chung cùng xóm giềng trong những điệu hò khoan, những quả bóng lăn mà lòng quặn đau...

Tuổi chớm chiều, hình ảnh quê hương cứ hiện lên chập chờn trong giấc ngủ, cồn cào trong nỗi nhớ. Tôi yêu quê tôi nhiều lắm, yêu quê khó nói thành lời. Tôi yêu quê tôi thơm phức bánh tráng sắn nướng giòn tan nhúng vào nồi đường non đang bốc khói thơm lừng rồi từ từ đưa bánh vào miệng thấy ngọt lịm đầu môi. Tôi yêu quê tôi với tô mì quảng Túy Loan (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nức tiếng gần xa đến độ ai đó một lần ngang qua đều không bỏ lỡ món ngon dân dã này. Song hình ảnh quê hương đong đầy trong nỗi nhớ mà tôi không thể nào quên đó vẫn là cây thước gỗ thợ may.

Nuôi gia đình, gìn giữ gia phong

Ba tôi làm nghề thợ may và cây thước gỗ thợ may dài 0,5 m luôn có mặt trong đời sống tinh thần của gia đình chúng tôi hồi nào cũng chẳng ai hay. Ba tôi có 3 vợ, 13 người con. Tất cả đều sống hòa thuận trong một ngôi nhà dưới sự điều khiển của cây thước gỗ thợ may.

Tôi yêu cây thước gỗ, cây thước đã đi suốt cuộc đời làm thợ may của ba tôi và nó có uy lực với gia đình tôi không có gì sánh bằng. Mỗi lần nghĩ đến cây thước gỗ trong bàn tay ba tôi, tôi cứ ngỡ như là cây thiết bản thần thánh của Tề Thiên Đại Thánh. Tôi yêu cây thước gỗ của ba tôi vì mỗi lần các mẹ tôi làm gì không phải với nhau thì cây thước gỗ ấy làm cho các mẹ tôi phải dịu lòng lại, rồi các mẹ lại chị chị, em em thân thiết như chưa bao giờ có chuyện không hay xảy ra.

Cây thước gỗ thợ may của ba tôi không ít lần in hằn trên đôi mông chúng tôi. Nhờ cây thước gỗ ấy mà anh em chúng tôi đều học hành nghiêm túc, trưởng thành, tuy không giàu có gì nhưng ai nấy giờ đây đều có cái chữ, sống đàng hoàng trong cuộc đời mà đây đó vẫn còn lắm bể dâu.

Nhớ những lần ba tôi dùng thước gỗ đánh chúng tôi, chúng tôi đều thấy đau. Nỗi đau xác thịt như phản xạ bùng lên rồi lặn mất để chúng tôi cảm nhận một nỗi đau khác. Nỗi đau vì thương ba một mình ngày đêm dù nắng gắt mưa dầm vẫn cặm cụi vá may để lo cho một gia đình hàng chục miệng ăn. Thương ba lắm khi nhớ đến những ngày cuối năm, ba không có cả thời gian để ăn một bữa cơm trọn vẹn vì phải tranh thủ may áo quần cho người ta "vui xuân đón Tết". Có đêm, thấy ba thức đến tận khuya bên cây thước gỗ thợ may cắt cắt đo đo mà thấy mủi lòng…

Ba tôi rất mê hát bội, hò khoan. Hằng năm, khi các đội hát bội, hò khoan ở xứ Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) về biểu diễn thì cây thước gỗ thợ may đã cùng ba tôi đi giữ trật tự cho các điệu hò, lời khoan này cất lên da diết với bao ân tình trong những đêm trăng vằng vặc. Ba tôi cũng là một người ghiền bóng đá nên được địa phương bầu làm trong ban tổ chức các giải bóng đá làng. Lúc này, cây thước gỗ cũng làm bạn với ba tôi đi giữ trật tự trên những cánh đồng lúa sau mùa gặt còn thơm nồng mùi rơm rạ, lấy làm sân cỏ khi các đội bóng đá làng tranh giải…

Rồi ngày nước nhà thống nhất, nghề may của ba tôi ế ẩm vì thời kỳ này còn bao cấp nên mỗi năm người dân chỉ được nhà nước bán cho vài mét vải để may áo quần nên ba tôi thường thất nghiệp. Thất nghiệp, ba tôi một mình lầm lũi vô núi Gò Nhọn (thôn Thạch Nham, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đào gốc trốc cây mà trồng khoai, sắn. Đêm đến, ba lại lặng lẽ, cặm cụi sửa, may và lúc này mạng vá quần là chính, nhờ vậy cũng trang trải cuộc sống cho mười mấy miệng ăn của gia đình tôi. Khổ đắng như vậy song ba tôi vẫn không ngừng động viên anh em chúng tôi cố học kiếm cái chữ để sống tốt, để người đời khỏi ức hiếp như cái kiếp nghèo khổ của ông tôi.

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Cây thước gỗ - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thương người một đời lao lực

Vì lao lực quá, ba tôi qua đời lúc mới tuổi 54. Tôi thương sự ra đi mãi mãi của người cha lao lực không kể đêm ngày, sống hết mình vì gia đình, vì bà con xóm giềng. Tôi thương cây thước gỗ thợ may không còn như hình với bóng với ba tôi nữa! Buồn lắm!

Khi ba tôi mất, chúng tôi lúc này không còn được ba đánh đòn bằng cây thước gỗ mỗi khi làm chuyện sai trái, lòng không vui mà lại buồn rười rượi!

Mất ba, nhà tôi chao đảo: sa sút về kinh tế, hụt hẫng về tinh thần. Các mẹ tôi gồng gánh đủ đường, người thì đẩy xe bánh mì rao đêm, người bán bánh bèo vỉa hè nuôi chúng tôi… Rồi từng đêm, từng đêm, chúng tôi ngồi nhớ đến ba với chiếc thước gỗ luôn bên mình lúc làm ăn, lúc răn vợ, lúc dạy con, lúc vui chung cùng xóm giềng trong những điệu hò khoan, những quả bóng lăn mà lòng quặn đau…

Bây giờ tôi tuổi đã quá 50, như thời ba tôi khuất núi. Và lúc này đây, hoàng hôn đang trải dài trong cuộc đời tôi, tôi lại nhớ quê hương hơn bao giờ hết. Từ trong ký ức, tôi nhớ dòng sông Túy Loan thơ mộng lúc tập bơi bị ba đánh bằng cây thước gỗ vì chưa biết bơi mà dám nhảy cầu. Nhớ quá đi thôi mùa lụt nước chảy xiết, lon ton đi bắt dế bị ăn đòn bởi cây thước gỗ của ba. Nhớ, thương, lo cho ba quá chừng khi nước lũ đổ về trên con sông Túy Loan dữ dội, cuồn cuộn, ba một mình bơi ra giữa dòng vớt củi trôi theo hàng đống rác rến, bọt bèo. Nhớ mãi không quên, tuổi thơ nhà quê một lần được ba chở xuống phố để mua lại cây thước gỗ bị gãy vì ba đánh mạnh tay do tôi nghịch đánh bạn gãy răng…

Ôi quê hương tôi, quê hương của người cha tận tụy với cây thước gỗ thợ may cho tôi trưởng thành làm người thầy giáo như ngày hôm nay. 

"Thiếu quê hương, ta về, ta về đâu" (*)

Nghe bà nội tôi kể với ba là nhà ông nội khổ lắm, lại thường bị ức hiếp nên ông buồn, tức bỏ làng ra đi. Tha phương cầu thực, ông nội làm thuê đủ nghề để sống rồi gặp bà nội tôi. Mỗi lần hỏi gốc tích, dòng họ, ông tôi không nói, ngồi nhìn đăm chiêu, mắt như có ngấn lệ nên bà không dám hỏi nữa.

Bà nội tôi cũng là dân ngụ cư, nghèo xác xơ nên bà và ông, rổ rá cạp lại sống qua ngày, sinh ra bác Hai, cô Ba và ba tôi. Bác tôi mất sớm vì bệnh đậu mùa. Rồi ông tôi, bà nội tôi cũng lần lượt ra đi để lại cô Ba và ba tôi bấu víu nhau mà sống.

Ý thức vì hoàn cảnh neo đơn, không bà con, dòng họ nơi đất khách quê người, gốc tích thì không còn, ba tôi quyết tâm sinh nhiều con để xã hội không ức hiếp như thời ông nội tôi ngày xưa phải bỏ xứ ra đi. Vì vậy nên mới có chuyện ba tôi nhiều vợ và nhiều con như thế.

Cũng vì vậy mà nỗi đau không quê hương cứ còn dai dẳng, âm ỉ trong lòng anh em chúng tôi cho đến tận bây giờ. Anh em chúng tôi nghe phong thanh có người mách bảo quê nội tôi chỗ này, chỗ nọ cũng đi tìm song vẫn biệt vô âm tín.

Rồi anh em chúng tôi theo ba ngày xưa lấy ngày kỵ cơm ông nội làm ngày chạp mã để tưởng nhớ đến dòng họ mình cho đỡ nhớ. Thật buồn khi ngày chạp mã chỉ quẩn quanh anh em, con cháu chúng tôi, ít người hơn cả đám giỗ (vì đám giỗ có mời khách còn chạp mã theo lệ là không mời khách) vì không có bà con. Xót xa lắm! Mỗi lần nghe ai đó hát "thiếu quê hương, ta về, ta về đâu" lòng tôi lại quặn đau.

(*) Lời bài hát "Về quê" của nhạc sĩ Phó Đức Phương

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Cây thước gỗ - Ảnh 3.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo