xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết "Từ trong ký ức": K.8, làm sao quên!

Nguyễn Phương Hà

Đã nửa thế kỷ trôi qua nhưng chúng tôi không bao giờ quên sự đùm bọc, nuôi dạy của người dân các tỉnh phía Bắc đối với đoàn học sinh K.8 của vùng tuyến lửa Vĩnh Linh trong những năm chiến tranh ác liệt

Quê tôi ở bờ Bắc sông Bến Hải, ngay cửa biển Cửa Tùng, trước kia là xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Sau Hiệp định Genève 1954, huyện Vĩnh Linh trở thành đặc khu giới tuyến, gọi là đặc khu Vĩnh Linh, đơn vị hành chính tương đương với một tỉnh và dòng sông quê tôi trở thành vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền Nam - Bắc mấy chục năm trời.

Bom cày, đạn xới

Vĩnh Linh là một vùng đất trù phú. Thời đó tuy còn nghèo nhưng đời sống ngày càng được cải thiện, xóm làng đầm ấm, yên vui, trường học, trạm y tế và các công trình khác mọc lên khắp các thôn xã, bọn trẻ chúng tôi nô nức đến trường.

Nhưng rồi cảnh thanh bình, đầm ấm ấy chẳng được bao lâu. Sau sự kiện vịnh Bắc Bộ (1964), giặc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc. Từ năm 1966, máy bay Mỹ đánh phá đặc khu Vĩnh Linh ngày càng ác liệt. Quê hương tôi không ngày nào vắng tiếng rú của máy bay phản lực. Người dân không đêm nào có giấc ngủ yên, trẻ con cứ giật mình thon thót vì tiếng nổ của đạn bom, ngày nào cũng có hàng chục người chết và bị thương, cả vùng quê tan tác, điêu tàn. Trường học sơ tán, mỗi lớp một nơi rồi chuyển xuống hầm, xuống địa đạo. Đến tháng 4-1967, lớp học cũng giải tán. Bạn bè tôi mỗi đứa một nơi, lâu lâu lại nghe tin đứa này bị thương, đứa kia chết vì bom nổ sập hầm. Khi đó, đi đâu cũng ngửi thấy mùi hăng hắc của lá cây cháy sém trộn với mùi thuốc bom khét lẹt - mùi của chiến tranh hủy diệt. Những mảnh bom, mảnh đạn đại bác xanh xám đầy ma quái cắm vào đất, vào cây, vào bất cứ vật gì nổi trên mặt đất, vào bất cứ người nào không kịp lăn xuống hầm, hào.

Ác liệt nhất là trận đánh phá hủy diệt xã Vĩnh Quang của không quân Mỹ ngày 20-6-1967. Tôi nhớ như in, đó là một buổi sáng mùa hè, bầu trời xanh trong và gợn gió mát. Khoảng 7 giờ, 2 chiếc L.19 lượn vòng rồi ném xuống mấy quả bom khói, lập tức, nhiều tốp máy bay phản lực từ các hướng bay đến, bổ nhào rồi ném bom, phóng tên lửa vào các mục tiêu như hầm hố, địa đạo, trận địa của dân quân. Khói lửa mịt mù cùng với tiếng nổ rền vang khắp nơi, tiếng bom ầm ầm, rung chuyển cả mặt đất; tiếng pháo 12,7 li của dân quân từ các trận địa bắn lên giòn giã.

Lần đó, máy bay của giặc Mỹ đã đánh phá quê tôi trong 3 ngày liền, nhiều hầm hào, địa đạo bị đánh sập, hàng trăm người thương vong. Riêng ở địa đạo thôn An Hòa, bom Mỹ đã chôn vùi 61 người, ở đó bây giờ có tấm bia mộ tập thể gọi là Đồi Sáu Mốt.

Sau đợt đánh phá ác liệt ấy, người dân xã Vĩnh Quang sơ tán lên các xã khác ít ác liệt hơn như Vĩnh Tân, Vĩnh Thạch, Vĩnh Hiền, Vĩnh Kim, chỉ những nam nữ thanh niên ở lại tham gia dân quân chiến đấu. Gia đình tôi chạy lên thôn Động Sỏi rồi chuyển đến Khe Ba (xã Vĩnh Thạch), được mấy tháng thì tôi được cán bộ xã báo là chuẩn bị để ra miền Bắc.

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: K.8, làm sao quên! - Ảnh 1.

Cựu học sinh K.8 đón bạn học từ xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam vào thăm (tháng 10-2012). (Ảnh do ông Minh Phong - Công an tỉnh Gia Lai - cung cấp)

13 ngày gian khổ

Đầu tháng 8-1967, tất cả học sinh cấp I, II được tập trung ở vùng miền Tây của Vĩnh Linh để đi ra Bắc. Chúng tôi được gọi là đoàn học sinh K.8. Mỗi nhóm lớp có thầy cô giáo phụ trách và một anh hoặc chị bảo mẫu đi cùng. Hành trang của chúng tôi chỉ một vài bộ quần áo cũ để trong cái túi vải có quai đeo, một ống bương đựng nước uống, giấy khai sinh và học bạ đứa nào có thì mang theo.

Đường ra miền Bắc là một hành trình đầy gian nan và nguy hiểm, đặc biệt là đoạn từ Vĩnh Linh ra Hà Tĩnh vì đường sá đã bị bom đạn bằm nát. Xe đưa chúng tôi đi là xe tải quân sự chở bộ đội và vũ khí vào Nam, khi trở ra Bắc thì đón đoàn học sinh K.8.

Thường thì xe chạy vào ban đêm vì ban ngày máy bay Mỹ rình rập đánh phá. Đoàn chúng tôi cũng bị máy bay Mỹ chặn đánh nhiều trận trên những đoạn đường qua Quảng Bình, Hà Tĩnh, một số xe bốc cháy, một số học sinh bị thương vong. Các chú bộ đội lái xe rất dũng cảm và tài tình, vượt qua những đoạn đường hẹp cạnh hố bom, vực sâu hay đèo dốc trong đêm tối hoặc phải lái xe khéo léo để vượt qua những trận bom đạn ác liệt của quân thù.

Đoàn đi đến từng trạm (chỉ là nhà dân hoặc sân kho của hợp tác xã), có người đón và được ăn uống, nghỉ ngơi. Ban ngày, chúng tôi nghỉ ở trạm hoặc đi bộ, đôi khi có lệnh dậy đi từ nửa đêm, đến trạm khác lại nghỉ và chờ xe, có lúc phải đi bộ qua những bãi cát nóng bỏng ở Quảng Bình hay vượt đèo cao, qua sông bằng phà hoặc thuyền của dân địa phương. Khi mệt và đói thì được lệnh nghỉ, ăn cơm nắm ở trạm đã chuẩn bị cho. Cứ như thế, chúng tôi đi suốt nhiều ngày, càng ra Bắc, đường càng dễ đi và ít khi có máy bay Mỹ đánh phá, không khí yên bình hơn.

Cuối cùng, sau 13 ngày đêm vất vả, căng thẳng trên những chặng đường, vào khoảng 10 giờ đêm hôm đó, xe chúng tôi dừng lại ở một cái sân rộng có mấy dãy nhà, đó là sân kho của Hợp tác xã Hùng Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Hà (hợp nhất từ 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam).

Học sinh K.8 được chia về các nhà dân, mỗi nhà một vài đứa, tôi được gia đình bà Tích đón về. Sáng hôm sau, ngủ dậy, thấy anh Thận phụ trách cũng ở cùng nhà.

Ngôi nhà gỗ ba gian lợp lá mía rất dày, tường đất nhưng được quét vôi trắng khá sạch sẽ, mảnh vườn với nhiều loại rau xanh tốt, một cái ao vừa thả bèo vừa nuôi cá, cũng là nơi tắm giặt, rửa ráy.

Sau hơn một tháng sinh hoạt, ăn uống tập thể theo từng khối lớp, chúng tôi được phân về các xã, các huyện khác nhau, sống ở các gia đình người dân như con cháu trong gia đình, cùng sinh sống, học tập và làm việc như người ở địa phương.

Học sinh K.8 của thôn An Hòa chúng tôi được bố trí ăn học ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân. Chúng tôi được người dân yêu thương, dạy bảo từ công việc đến nếp sống, văn hóa ứng xử của người dân miền Bắc; được học tập ở trường và tập làm những công việc nhà nông từ làm cỏ, cuốc đất, tưới rau, cắt rạ, nhổ mạ, cắt cỏ, chăn trâu…

Chỉ sau một thời gian, chúng tôi đã làm được mọi công việc của gia đình và hợp tác xã. Cứ thế, chúng tôi lớn lên, trưởng thành và khao khát được trở về quê hương thân yêu.

Các anh chị lớp lớn tốt nghiệp cấp II, lần lượt trở về quê chiến đấu hoặc tham gia quân đội, nhiều người tiếp tục học lên cấp III, học đại học, làm công nhân hoặc đi nước ngoài tu nghiệp…

Ân tình không quên

Sau này, tôi được biết K.8 là một chủ trương, một kế hoạch lớn của Đảng và nhà nước nhằm sơ tán 3.000 học sinh từ 7 đến 15 tuổi của vùng tuyến lửa Vĩnh Linh, Gio Linh ra hậu phương miền Bắc để ăn học an toàn, bảo đảm nguồn lực cho cuộc chiến đấu lâu dài và kiến thiết đất nước trong tương lai.

Học sinh K.8 được đưa ra sinh sống và học tập ở nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Nam Hà, Thái Bình, Ninh Bình. Sau chiến tranh, chúng tôi đều trưởng thành, trở về xây dựng lại quê hương hoặc tỏa đi khắp mọi miền đất nước. Nhiều người trở thành sĩ quan quân đội, công an, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên hoặc tham gia chiến đấu và hy sinh ở các chiến trường, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày ấy, chúng tôi không bao giờ quên được những năm tháng chiến tranh đau thương và oanh liệt; không bao giờ quên ân tình sâu nặng đối với người dân các tỉnh phía Bắc đã đùm bọc, nuôi dạy, bồi đắp cho chúng tôi những giá trị văn hóa của miền phù sa sông Hồng, sông Mã.

Chúng tôi khắc ghi công ơn của Bác Hồ, của Đảng và Chính phủ và các địa phương đã thực hiện một chủ trương đúng đắn, sáng suốt, không chỉ có ý nghĩa chiến lược mà còn đầy tính nhân văn cao cả. Điều đó luôn nhắc nhở chúng tôi phải sống thật xứng đáng, cống hiến hết mình cho đất nước, cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. 


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: K.8, làm sao quên! - Ảnh 2.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo