xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đi săn gà rừng sao mà khó vui...

Theo Báo Khánh Hòa

Cơn sốt săn gà rừng đang bùng lên ngày càng dữ dịp cận Tết, khiến chúng đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt.

Nuôi gà rừng làm cảnh và nhậu thịt gà rừng đang là thú vui của nhiều người.

Theo chân thợ săn gà rừng

Sau nhiều lần nài nỉ, Thắng - một “thợ săn” có thâm niên ở xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) mới đồng ý cho chúng tôi cùng đi bẫy gà rừng. Đồ nghề mà anh mang theo cho chuyến đi rừng là một chú gà mồi, 40 chiếc bẫy giò, ít thức ăn và nước uống. Thắng bảo: “Ở khắp các vùng núi Ninh Hòa nơi nào cũng có gà rừng, nhưng không đâu nhiều bằng dãy Hòn Hèo, nhất là khu vực xã Ninh Vân. Vì thế, những tay bẫy gà ở Nha Trang, Diên Khánh cũng mang gà mồi đến đây đặt bẫy”.


Một thợ săn chuẩn bị đồ nghề trước lúc đi bẫy gà rừng

Một thợ săn chuẩn bị đồ nghề trước lúc đi bẫy gà rừng

Chúng tôi đến Ninh Vân hơn 4 giờ 30 sáng. Sau khi gửi xe và chuẩn bị đồ nghề, Thắng chăm chú lắng nghe tiếng gà gáy để xác định điểm bẫy. Khi nghe tiếng gáy của một chú gà rừng ở phía đồi xa, anh bảo chúng tôi thẳng tiến về phía những quả đồi còn vùi mình trong màn sương sớm. Sau hơn 30 phút đi bộ, chúng tôi đến một rẫy điều ở thôn Tây nằm ở lưng chừng dãy Hòn Hèo. Theo kinh nghiệm của Thắng, đây là vị trí “đắc địa” để bẫy gà rừng, bởi giáp với bìa rừng có rẫy của người dân, gần suối, lũ gà khi đi kiếm ăn vào buổi sáng nhất định sẽ qua đây. Đến nơi, anh chọn một khoảng đất trống bên con suối nhỏ làm điểm đặt bẫy giò. Những chiếc bẫy được làm bằng dây phanh xe đạp nối với sợi dây dù làm thòng lọng. Chỉ hơn 5 phút, 40 chiếc bẫy giò được anh cột với cành cây rừng, vít đinh cắm xuống đất, rồi ngụy trang bằng lá khô hoàn tất. Chuẩn bị xong, anh đưa chú gà mồi ra đặt ở giữa, cách giàn bẫy 3 - 4m.

Theo lời kể của Thắng, con gà mồi này anh mua của một tay bẫy có tiếng ở xã Ninh Phước, với giá 800.000 đồng. Nó không phải là gà rừng thuần chủng mà là gà rừng lai đời F1. “Con gà mồi này đã “chinh chiến” nhiều, khả năng dụ gà rừng hay nên bảng thành tích của nó cũng dày cộm”, Thắng không giấu được vẻ tự hào khi sở hữu được con gà mồi hay. Cũng theo lời anh, có mấy người quen ở Nha Trang đã nài nỉ anh nhượng lại chú gà chiến này với giá 3 triệu đồng nhưng anh không bán. Ở nhà anh vẫn còn đến 4 con gà mồi khác đang cho người thân mượn để đi bẫy gà bán dịp Tết.


 Một thợ săn chuẩn bị đồ nghề trước lúc đi bẫy gà rừng

 Một thợ săn chuẩn bị đồ nghề trước lúc đi bẫy gà rừng

Đặt xong bẫy, gà mồi vỗ cánh, cất tiếng gáy, ở đằng xa vọng lại tiếng gà rừng đáp trả, Thắng giục chúng tôi lùi ra xa, nép mình dưới những gốc điều lớn. Anh vừa quan sát động tĩnh xung quanh vừa thầm thì: “Loài này rất tinh khôn, chỉ cần một tiếng động nhẹ là chúng bay đi và không bén mảng đến nữa. Cho nên, khi đã đặt bẫy xong phải núp cho kỹ rồi chờ đợi...”. Từ đằng xa, tiếng gà gáy đáp trả mỗi lúc một gần, nhưng vẫn chưa thấy chú gà nào xuất hiện. Hơn 1 giờ đồng hồ không động tĩnh, thấy chúng tôi tỏ ra chán nản, Thắng rỉ tai: “Bẫy gà rừng phải kiên trì”. Theo lý giải của Thắng, gà rừng sinh sống theo từng “lãnh địa” riêng và chúng tức nhau tiếng gáy. Chính vì đặc tính này mà gà rừng dù tinh khôn đến đâu cũng bị dụ. Khi con gà mồi cất tiếng gáy như thách thức, con gà bản địa chắc chắn sẽ tìm đến xua đuổi kẻ mới đến để giữ “lãnh địa” và đàn gà mái trong vùng đất “cai quản” của chúng.

Thắng nói chưa dứt lời thì trong lùm cây trước mặt có tiếng gà rừng gáy đáp lại. Sau tiếng gáy là một chú gà rừng trống đẹp mã, lông đỏ, chân chì, cựa dài nhọn, đôi tai trắng phau bay đến. Nó xù lông cổ nhìn chú gà mồi. Chú gà mồi cũng rướn cổ gáy khiêu khích. Thấy đối thủ nghênh chiến, chú gà rừng lao vào, nhưng chưa kịp ra đòn thì chân nó đã dính vào bẫy, giãy phành phạch, kêu quang quác. Nhìn con gà bẫy được rất đẹp, Thắng gỡ bẫy một cách thận trọng để không làm chân gà bị tổn thương và giữ cho bộ lông còn nguyên vẹn. “Con gà này đẹp, nếu thuần dưỡng được cho bớt nhát, có thể bán cho dân chơi gà cảnh với giá hơn 1 triệu đồng” - anh bảo.

Thưa dần tiếng gà gáy

Bỏ chiến lợi phẩm vào một chiếc túi chuyên dụng, thu dọn bẫy giò, Thắng tiếp tục đi sang đồi khác. Trên đường đi, anh chia sẻ: “Trước đây, gà rừng nhiều, có ngày tôi bẫy được cả chục con, bây giờ nhiều người bẫy quá nên không còn nhiều. Ở Ninh Xuân có đến 7 - 8 người chuyên nghề bẫy gà rừng, hạng “nghiệp dư” có hơn chục người; còn tính cả thị xã thì nhiều lắm. Đôi khi, mình bẫy ở đồi này, người khác bẫy ở đồi kia, không thấy nhau, chỉ nghe tiếng gà mồi gáy cứ tưởng gà rừng, đợi hoài chẳng thấy đâu”. Theo lời Thắng, cứ vào dịp Tết, nhiều người ở phố thị lại lùng mua gà rừng về nhậu, bởi thịt gà rừng là món “độc”. Cận Tết, mỗi con gà rừng có thể bán được với giá gấp đôi ngày thường, nên mấy tháng trước Tết, thợ săn đổ xô vào rừng bẫy gà về bán.

Theo dấu chân của thợ bẫy gà rừng, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Hưng, người dân Ninh Vân đi chăn bò sớm và được ông cho biết: “Ở Ninh Vân trước đây gà rừng rất nhiều, cứ sáng sớm là gáy vang khắp núi đồi. Bây giờ người bẫy gà nhiều nơi đổ về nên lượng gà rừng ngày càng cạn kiệt, thưa dần tiếng gáy. Thậm chí vài người dân địa phương cũng tìm mua bẫy về bắt gà rừng ”.

Ở Ninh Hòa và một số vùng cao ở Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Diên Khánh... cũng có nhiều người đi bẫy gà rừng. Hỏi chuyện người dân ở các địa phương vùng núi, chúng tôi được biết, trước đây gà rừng rất nhiều. Thậm chí, chúng còn quanh quẩn, ăn với gà nhà, nhưng bây giờ do săn bắt quá mức nên thi thoảng mới nghe tiếng gáy của chúng. Ông Cao Phiên (xã Sơn Tân, Cam Lâm) cho rằng: “Với tốc độ tận diệt gà rừng như hiện nay, chẳng bao lâu nữa giống gà rừng quý này sẽ tuyệt chủng...”.

Gặp chúng tôi trên đường đi bẫy gà ở xã Sơn Tân trở về, người thanh niên tự xưng tên Hải (ở Cam Tân, Cam Lâm) cho biết: “Hiện nay, giá gà rừng cảnh đẹp hơn 1 triệu đồng/con; trong khi gà rừng thịt bán cho các nhà hàng, quán nhậu cũng được hơn 200.000 đồng/con nên nhiều người đổ xô vào rừng bẫy gà. Không chỉ dân đi bẫy chuyên nghiệp, nhiều người còn mang gà đi bẫy như một thú tiêu khiển”. Cũng theo chia sẻ của Hải, những người đi bẫy gà rừng thường đi vào lúc sáng sớm hoặc chiều tà. Hiện nay, gà rừng không còn nhiều, nhưng mỗi ngày Hải có thể kiếm được 3 - 4 con, nếu may mắn bẫy được gà ngũ sắc có thể bán cho dân chơi ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... với giá 2 - 3 triệu đồng/con.

Rảo quanh một số quán nhậu chuyên “đặc sản” rừng ở Nha Trang, Cam Lâm, Ninh Hòa..., chúng tôi thấy có không ít quán đưa món gà rừng vào thực đơn. Chủ một quán nhậu ở ngoại thành Nha Trang cho biết: “Món gà rừng rất được thực khách ưa chuộng, nhưng khả năng đáp ứng hạn chế, bởi nguồn hàng ngày càng khan hiếm. Để duy trì món này, chúng tôi phải đặt hàng từ các đầu nậu chuyên thu mua thịt rừng ở các địa phương trong tỉnh”.

Hiện nay, thú chơi gà rừng làm cảnh đang trở thành phong trào ở nhiều nơi; trong khi đó, thịt gà rừng trở thành món nhậu đặc sản, nên dù số lượng ngày càng giảm sút nhưng cơn sốt săn gà rừng vẫn không giảm. Nếu tình trạng này không được xử lý, gà rừng sẽ đứng trước nguy cơ bị tận diệt.

Ông Nguyễn Khương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Gà rừng là một loại động vật hoang dã thông thường nhưng cần được bảo vệ. Các hành vi săn bắt, tiêu thụ gà rừng đều vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; người vi phạm sẽ bị xử lý. Để tăng cường bảo vệ động vật hoang dã nói chung, gà rừng nói riêng, chi cục đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các địa phương tăng cường tuần tra, xử lý các đối tượng săn bắt, tiêu thụ loại động vật hoang dã này.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo