xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hào sảng miền Tây

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

Miền Tây - âm vang của tiếng gọi phóng khoáng mà ân tình, cởi mở; cái tên của biết bao phong vị bản sắc vùng đất bạt ngàn cá nước chim trời, của rau thơm cỏ ngọt... thôi thúc lòng ta, giục bước chân ta hãy đến đó ít nhất một lần

Miền Tây Nam Bộ còn được người dân Việt yêu thương gọi với cái tên miền Tây. Cái tiếng gọi từ thiên nhiên mênh mông ấy hút hồn tôi từ lúc còn là gã sinh viên “giang hồ vặt” trên các vỉa hè xứ Huế, trên những chang chang cồn cát dọc miền Trung tung hứng gió Lào. Giấc mơ miền Tây từ trang sách Đoàn Giỏi, Sơn Nam..., cả vọng từ những bài văn tế của cụ Nguyễn Đình Chiểu cứ trở đi trở lại trong những ngày chiều vàng trở gió tro bay, những ngày mưa da diết lưng đèo heo hút và cả những sáng bình yên nước sông Hương trong như một dải mộng.

Đơn giản mà sống!

Ngày đẹp trời nọ, vô thấu Sài Gòn, thằng bạn đang học hứa hẹn một chuyến miền Tây hoang dã. Rồi cái ngày đó cũng đến thỏa nỗi mong chờ. Xe đò buổi trưa. Qua phà. Qua phà. Tối thì về đến một liếp nhà ở Bạc Liêu mà chủ nhà gọi đùa là “nhà đá”. Chủ nhà cười hề hề bảo không phải hiểu “nhà đá” là nhà tù mà đó là cách dân miền Tây gọi “cái nhà đá một cú là sập” của mình. Chủ nhà 40 năm trước là người Huế, bây giờ là một trung niên tóc pha sương về chiều, tên gọi Hai Tình, nói giọng miền Tây, sức rượu xây chừng từ sáng sang đêm coi như chuyện nhỏ, ca vọng cổ mùi 6 câu ngọt như lùi mía.

Người miền Tây dễ gần, chân chất, bao dung Ảnh: TRẦN CHÍ KÔNG
Người miền Tây dễ gần, chân chất, bao dung Ảnh: TRẦN CHÍ KÔNG

Ra đi từ tuổi 15. Bốn mươi năm lập nghiệp ở miền Tây, gia tài gã trai Huế chỉ là một liếp nhà lá sát mép sông quanh năm lộng gió, trên vách treo một cây đờn kìm phím lõm, một chiếc xuồng ba lá, một thằng cu mới lên 5 đang ngồi trong lòng mẹ khép nép nhìn người lạ, một người vợ đảm đang biết làm đẹp mặt chồng khi khách giang hồ ghé chơi...

Nhà cửa, gia sản thì tuềnh toàng thế thôi nhưng hiểu biết miền Tây của ông thì kiến thức tày trời. Thím Hai Tình góp chuyện, rằng xưa ông già không cho thím cưới Hai Tình. Một bữa, thấy Hai Tình sắp sửa đón thím xuống ghe bầu chở đi, ông rút cây dao đang giắt trong lưng quần định chém cái thằng dám tán tỉnh con gái ông. Ai ngờ dao sắc quá, cắt đứt dây lưng quần, khiến ông một phen tẽn tò và nghĩ là trời buộc ông phải để cho hai đứa nó thương nhau, nên thôi... “Ông ốm như cái thùng thiếc mà liều quá trời là liều, khiến tui cũng liều theo” - thím Hai Tình cười, thằng nhóc cũng cười theo.

“Uống đi chú, chừng đó nhằm nhò gì. Đây là khô sặc, đây là khô thèo lèo. Chú xem ngoài Huế không có con cá linh này, con cá hú này. Lá cá chài này dùng để gói cá. Nhậu với nhau nói lẹo chẹo cho vui ha. Ủa, mà có biết “lẹo chẹo” là chi không vậy? Là nói qua nói lại đó. Hay nói “buồn nghiến” là buồn rất nhiều, buồn đến nát lòng đó chú. Mấy chữ đó trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh dùng nhiều lắm đó. Đưa cái lẩu ra được rồi đó em. Đời tôi, nói cho cùng nếu được như một cái lẩu mắm miền Tây là coi như đạt đạo làm người. Cứ đơn giản mọi cái mà sống chú ơi. Có rắc rối thì cũng nên rắc rối như cái lẩu mắm thôi, cho nó ngọt...” - ông Hai Tình gợi chuyện.

Chén rượu xây chừng dưới trăng, trên sóng nước. Đêm đó, tôi được học một bài vỡ lòng tuyệt luân về miền Tây vô tiền khoáng hậu từ ông Hai Tình.

Năm tính cách đặc thù

Giọng miền Nam của ông Hai Tình tiếp tục hào sảng: “Giờ nói đến tính cách người miền Tây nhe. Mẫu người thích hồ hải tang bồng như chú thì mê miền Tây là phải. Trọng nghĩa khinh tài nè, là người Nam Bộ. Bộc trực, mạnh mẽ, ngang tàng là người Nam Bộ mà đôn hậu, hiếu khách cũng là tính cách độc đáo nơi đây đó chú. Có câu này hay lắm, chú cố nhớ nghen: “Ra đi là sự đã liều/ Nắng mai không biết, mưa chiều không hay”...

Nhiều năm sau, đọc “Tính cách văn hóa người Việt Nam Bộ như một hệ thống” của GS Trần Ngọc Thêm, tôi hiểu cái tình ý của ông Hai Tình nhiều hơn.

Theo GS Trần Ngọc Thêm, người Việt Nam Bộ có 5 tính cách. Thứ nhất là tính sông nước và sông nước đã trở thành cơ sở để diễn đạt tính cách con người. Thứ hai là tính bao dung, có được bởi nơi đây gặp gỡ nhiều tuyến giao thông, của cư dân nhiều tộc người... Tính bao dung nó thể hiện ra ngay trong dĩa rau sống với sự hiện diện của nhiều loại rau. Tính bao dung làm cho các tộc người ở chung với nhau mà vẫn tôn trọng phong tục tập quán của nhau... Tính bao dung khiến người ta dung nạp được những tính cách trái ngược nhau: Thương thì thương mút mùa, ghét thì ghét mãn kiếp. Khi không ưng thì cạy miệng cũng không nói, khi đã thuận tình thì mở gan ruột cho xem.

Thứ ba là tính năng động. Những người miền Trung đi vào Nam Bộ là những hạt giống được chọn lọc tự nhiên một cách đặc biệt. Họ hoặc là những người nghèo nhưng thông minh; hoặc tù tội; hoặc trí thức bất đắc chí nên tính cách ngang tàng; thừa bản lĩnh, họ từ bỏ cuộc sống khép kín sau lũy tre làng và chấp nhận một cách mãnh liệt cuộc sống đầy biến động, gian nguy. Sự hình thành văn hóa Nam Bộ đã gặp tính mở - thoáng và tính năng động của phương Tây, khiến họ có khả năng dễ thay đổi cách sống, dễ tiếp nhận cái mới, dám làm ăn lớn... Nên nhớ ngày trước, Nam Bộ là nơi có phong trào Âu hóa y phục sớm nhất nước với bộ veston, sơ-mi cổ cồn, chân đi giày mõm ngóe; nay thì Nam Bộ là nơi tiếp nhận kinh tế thị trường đầu tiên, xé rào, bung ra đầu tiên...

Thứ tư là tính trọng nghĩa khinh tài. Tính cách đặc biệt này dẫn đến các hệ quả là tính hiếu khách, tính hào hiệp. Thứ năm là tính thiết thực, trọng nội dung hơn hình thức.

... Thấm thoát 15 năm sau tôi mới về lại. Một ngôi nhà xây mọc lên nền cũ thay cho liếp nhà lá hoang tàn. Chú bé ngày nào ngồi trong lòng mẹ dòm khách bây giờ là một kỹ sư nuôi tôm vừa lấy vợ, báo tin: “Tía mất năm kia rồi chú ơi! Ông nói chôn ông ở đây, không đưa về Huế, bởi cái đất miền Tây này đã nuôi ông, ông sống trọn đời, trọn tình với nó thì việc chi phải đưa ông về quê. Con tìm được quê nội con ngoài Huế rồi. Ai cũng nói con giống hệt ông cố nội. Chú ngồi chơi, để con kêu vợ con kiếm cái gì chú cháu mình làm một ly heng...”.

Ừ nhỉ, chú Hai Tình nói đúng. Cái đất miền Tây này đã nuôi ông; ông sống trọn đời, trọn tình với nó thì việc chi phải đưa ông về cố xứ...!

Kỳ tới: Vùng đất lạ lùng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo