xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rơi lệ với "Nhật ký Bên dòng Mê Công"

Theo ĐĂNG HUỲNH (Báo Cần Thơ)

Tôi đã may mắn cầm trên tay quyển nhật ký. Và bài viết này được viết với mong muốn những ai đã qua thời chiến tìm lại hồi ức...

​Đó là quyển nhật ký của một liệt sĩ quê lúa Thái Bình chọn đất Cần Thơ lập nghiệp. Quyển nhật ký anh chỉ đề tựa "Vài dòng nhật ký" nhưng ở nhiều trang viết, anh cẩn thận ghi "Bên dòng Mê Công" làm tiêu đề cho những dòng suy tưởng. Hơn 32 năm trôi qua, quyển nhật ký "có lửa" ấy vẫn chưa được đọc trọn vẹn bởi cha mẹ anh không dám "đọc" nỗi đau. Lửa vẫn âm ỉ trong bầu nhiệt huyết tuổi 19…

Tôi đã may mắn cầm trên tay quyển nhật ký. Và bài viết này được viết với mong muốn những ai đã qua thời chiến tìm lại hồi ức, người trẻ hôm nay tự hào về một thế hệ quên mình phụng sự Tổ quốc.

"Chúng tôi đi trong mưa đầu mùa ấy. Ướt hết rồi mà vẫn cố ca vang. "Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ"…". Liệt sĩ Lê Quốc Văn- tác giả cuốn nhật ký, đã lạc quan khi viết những câu thơ như thế. Tuổi 19 sống dấn thân, trách nhiệm, với sự can trường và lạc quan của người lính là điều mà ai đã đọc qua nhật ký "Bên dòng Mê Công" sẽ dễ dàng cảm nhận được.

Dặm dài hành quân

Từ tư liệu của gia đình, liệt sĩ Lê Quốc Văn sinh năm 1965 tại Vũ Thư- Thái Bình, hy sinh khi đang làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia vào tháng 12-1984. Lúc ấy anh chưa tròn 19 tuổi. Cũng xin nói thêm, do trong những trang nhật ký, thư và bài thơ của mình, anh đều ký tên Lê Văn nên xin được gọi anh như thế. Những kỷ vật của liệt sĩ Lê Văn được bàn giao cho gia đình đầu năm 1985, gồm 1 quyển nhật ký, 1 tập thơ, 1 tập ảnh, 1 chiếc gương nhỏ và xấp thư cùng 2 bộ quần áo mỏng. Liệt sĩ Lê Văn nhập ngũ tháng 2-1984, đến lúc hy sinh anh chỉ mới tròn 8 tháng binh nghiệp. 8 tháng- 240 ngày, khoảng thời gian chưa đủ dài nhưng đủ để khắc họa chân dung anh- một người lính sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.


Một số kỷ vật của liệt sĩ Văn do đồng đội mang về giao lại cho gia đình. Ảnh: DUY KHÔI

Một số kỷ vật của liệt sĩ Văn do đồng đội mang về giao lại cho gia đình. Ảnh: DUY KHÔI

Nhật ký "Bên dòng Mê Công" được liệt sĩ Lê Văn khởi viết vào thứ bảy, ngày 8-9-1984 và trang viết cuối cùng là thứ bảy, ngày 8-12-1984, tức 1 ngày trước khi anh bị trúng mìn và 3 giờ sáng ngày 10-12 thì anh hy sinh. Cầm quyển nhật ký nhỏ với những trang viết úa màu thời gian tôi và những người bạn cứ rưng rưng, nghe như câu chuyện anh kể mới hôm qua. Hơn 30 trang nhật ký, anh viết nhiều về những chặng đường hành quân, trinh sát trên đất bạn. Đó là chuyến Lê Văn cùng đồng đội Tiểu đoàn Tây Đô vào núi Ural- chốn núi rừng hiểm trở, vào một sáng sớm mưa như trút nước, trên vai là ba lô nặng trĩu, bên hông bao xe đạn đầy ắp, phải vượt suối, băng rừng ở độ dốc thăm thẳm. Hay trong chuyến trở về Kdol (Kandal?) ngày 23-9-1984, Lê Văn kể: "Dọc đường qua nhiều rừng già, suối lớn, địa bàn bị nước vô nên không xác định được phương hướng. Cuối cùng tất cả bị lạc, đành cắt theo hướng mặt trời mọc mà đi…". Theo các cựu chiến binh từng làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, trong suốt 10 năm giúp bạn (1979-1989), chỉ có Tiểu đoàn Tây Đô là đơn vị thực hiện được những cuộc hành quân vào núi Ural, khiến quân Pôn Pốt "trở tay không kịp". Và, anh Văn chắc hẳn là những người trong đoàn hành quân năm ấy.

Dặm dài hành quân, ăn cơm với muối tiêu là chuyện thường, nước uống thiếu thốn vì suối cạn, phải lấy ở rất xa. Đầu tháng 11-1984, Lê Văn bị sốt rét rừng, liên tục 4 ngày liền. Liệt sĩ Lê Văn chia sẻ trong nhật ký: "Sao mình lại sợ những lần sốt rét như vậy nhỉ. Ngoài thì nóng ran, trong thì lạnh run từ xương sống lên tới khắp cơ thể, rồi ho và mệt quá trời".

Biết bao khó khăn gian khổ phải vượt qua ở nước bạn nhưng liệt sĩ Lê Văn không than vãn, bi ai mà giữ khí tiết can trường của bộ đội Cụ Hồ. Đôi lúc anh còn bông đùa, thuật lại cảnh đêm đêm ngồi cùng đồng đội kể chuyện quê hương, nghĩa vụ người trai, chuyện người yêu quê nhà biết giờ này có nhớ mình không. Điều làm chúng tôi xúc động khi lần giở những trang nhật ký của anh là nhiệt huyết của người trẻ với trọng trách được Tổ quốc tin giao. Trong một ngày đầu chiến dịch, ngày 17-10-1984, liệt sĩ Lê Văn hào hứng viết: "Ôi, sao mình thấy mỗi khi vào chiến dịch mới vui làm sao, ai ai cũng náo nức. Ai cũng muốn đi trọn cả cao điểm của chiến dịch mừng công này".

Tuổi 19 yêu thương

Cụ bà Trần Thị Kim Loan, mẹ liệt sĩ Lê Văn, kể với chúng tôi rằng, lúc còn ở Trung Tâm (tên gọi cũ của Viện Lúa ĐBSCL là Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp ĐBSCL, gọi tắt là Trung Tâm- PV) Lê Văn và cô gái Út G. có "chớm yêu". Ngày Lê Văn lên đường nhập ngũ, tháng 2-1984, G. có ra tận chợ Ô Môn tiễn đưa anh. Câu chuyện nhỏ ấy để thấy rằng, khi Tổ quốc cần, Lê Văn đã sẵn sàng theo tiếng gọi non sông, dù mối tình đầu vẫn da diết trong anh. 7 tháng sau buổi tiễn quân ở Ô Môn, Lê Văn ghi trong nhật ký: "Mấy hôm nay đơn vị đi công tác hết, chỉ còn lại mấy người ở lại nhà. Những đêm này sao cô đơn lạ, nhớ Út G. quá chừng. Đêm nay ở nhà, chắc em đang cùng chúng bạn đi dạo trên mảnh đất Trung Tâm. Nhớ bé nhưng thơ mộng vô cùng, nhớ đến từng ngón tay, từng bờ tóc đen nhánh…". Trong một đoạn nhật ký khác, Lê Văn vẫn khôn nguôi nỗi nhớ bạn gái quê nhà Ô Môn, anh tự hỏi lòng mình: "Không biết bây giờ Út đang làm gì? Có hiểu hết được những gian lao, vất vả của đời lính trinh sát mà mình đang phải trải qua không? Nếu biết em có thông cảm và dành cho mình một sự đối đãi ra sao?".


Chân dung Liệt sĩ Lê Quốc Văn. Ảnh: Duy Khôi (chụp lại)

Chân dung Liệt sĩ Lê Quốc Văn. Ảnh: Duy Khôi (chụp lại)

Qua những kỷ vật của liệt sĩ Lê Văn để lại, không kềm được lòng trước một tâm hồn bay bổng, khát khao yêu thương và đầy lòng nhân ái. Anh đã gọi ngày 18-9-1984 là "Ngày Đau thương" bởi lúc 10 giờ đêm, anh hay tin Huấn, người bạn thân nhất hồi còn ở Tây Đô hy sinh trong một trận đánh trả của địch. Rồi anh nghẹn ngào nhắc lại những buổi thâu đêm anh cùng Huấn trò chuyện, những buổi anh em đi rừng kiếm măng. Có lẽ, trong cả quyển nhật ký, đoạn này đã nói lên rõ dòng tư tưởng trong tâm hồn người lính. Đau đớn vì mất đi người bạn, người đồng đội nhưng anh đón nhận trong tâm trạng "đã chấp nhận chiến tranh". Và, Lê Văn đã nhủ với lòng, với bạn bằng khí khái của một dũng sĩ: "Chiến tranh đã cướp đi một người bạn, một người đồng chí. Tao nguyện sẽ trả thù cho mày, Huấn ạ!".

Trong lá thư gửi về cho cha mẹ ở Trung Tâm, Lê Văn có lần chia sẻ chỉ hơn 1 năm nữa là anh sẽ tròn tuổi 20. Anh mong đến thời khắc đó để cảm nhận tuổi 20 đẹp như thế nào, đáng quý chừng nào. Điều mà những tưởng đời người ai cũng trải qua nhưng anh Lê Văn đã không thể có được. Anh Văn đã đón nhận sự sống và cả cái chết bằng sự quả cảm của người lính, nhiệt huyết của người trẻ và trách nhiệm với non sông.

Tuổi 19 yêu thương, xin được gọi anh như thế. Trong đoạn "Bên dòng Mê Công", anh Lê Văn tả cảnh nhìn đôi vợ chồng người Campuchia đang vật lộn giữa sóng dữ trên chiếc thuyền con. Người chồng ra sức lèo lái, người vợ ngồi mũi ôm ghì lấy con thơ. Vậy mà họ đã vượt sóng vào được tới bờ. Anh Lê Văn đã đúc kết khi nhìn cảnh này: "Tình yêu cuộc sống đã giúp họ chiến thắng!". Một người nhạy cảm với cuộc sống, nhìn cuộc sống bằng ánh nhìn yêu thương, quan tâm mới có thể ghi vào nhật ký những câu từ nắn nót như thế.

Mẹ mãi gọi tên anh...

Trong ngôi nhà nhỏ ở Viện Lúa ĐBSCL, hai vợ chồng tuổi "xưa nay hiếm" rưng rứt kể cho chúng tôi nghe về người con yêu quý. Đôi bàn tay guộc gầy, già nua run rẩy trên từng kỷ vật. Vậy mà 32 năm qua, họ vẫn chưa đọc nổi vài mươi trang nhật ký của con. Thời gian làm bạc mái đầu mà nỗi đau mất con thì vẫn rươm rướm như mới hôm qua

Cha mẹ của liệt sĩ Lê Văn là ông Lê An Ninh và bà Trần Thị Kim Loan, đều là cán bộ hưu trí của Viện Lúa ĐBSCL. Cụ Ninh năm nay đã 82 tuổi, còn rất minh mẫn, là nhà khoa học lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, vinh dự được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học- Công nghệ. Liệt sĩ Lê Văn là người con thứ hai, còn chị cả và hai em. Bà Loan nói rằng, con hy sinh vì Tổ quốc thì thật tự hào, chỉ thương con không một ngày sung sướng. Bà nhớ như in ngày sinh anh Văn, quê lúa Thái Bình bị dịch vàng rụi, đói khổ triền miên. Vậy mà anh Văn vẫn lớn nhanh, lanh lợi và có khiếu văn chương, hội họa. Tôi cũng khá bất ngờ trước những nét vẽ trong nhật ký của anh, sắc sảo và có hồn. Năm 1983, lúc 17 tuổi, anh Văn theo cha mẹ vào Cần Thơ sống do ông Ninh chuyển công tác về Viện Lúa ĐBSCL.

Tuổi 82, già yếu khiến cụ Ninh chậm chạp nhưng nhắc đến tuổi thơ con, mắt ông sáng lấp láy, cao hứng kể chuyện con "khỉ khọt". Nào là anh Văn có tài giăng lưới, bắt cá, nhấp cá lóc. "Nó đi một chút về là tay cầm xâu cá, quấn mớ bông súng quanh cổ, miệng véo von từ đầu ngõ"- cụ Ninh kể. Còn trong trí nhớ của bà Loan, anh Văn có hiếu, thương chị em và rất chăm chút cho gia đình. Đêm trước khi anh đi nghĩa vụ, anh cứ nhắc cha mẹ hoài, phải giữ gìn sức khỏe, tập thể dục thường xuyên, đừng tham công tiếc việc. Anh còn nói khi làm xong nghĩa vụ người trai, anh sẽ cưới cô người yêu, sinh cháu nội đích tôn cho ông bà ẵm bồng.

Tôi may mắn tìm gặp anh Nguyễn Tấn Sinh, bạn chí thân đồng hương Thái Bình, vào Cần Thơ cùng đợt với anh Văn, cùng nhập ngũ và cùng sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế nhưng khác đơn vị. Anh Sinh mải mê kể chuyện tuổi thơ anh Văn "nghịch phá chúa" nhưng rất khéo tay. Tài leo dừa thoăn thoắt, chuyền từ ngọn dừa này sang ngọn dừa khác của anh Văn khó ai sánh kịp. Ngày hai anh em cùng làm tân binh, huấn luyện ở Sóc Trăng, đêm đêm nằm cạnh nhau, anh Văn hay động viên anh Sinh cực khổ cũng phải cố, nhiệm vụ phải hoàn thành. "Phải Văn còn cũng con cái đề huề như tôi bây giờ rồi"- anh Sinh nghẹn ngào khi nhắc về người bạn liệt sĩ của mình.

Tôi đã đọc nhiều vần thơ, thư và nhật ký của anh, qua sự cho phép của gia đình, và cảm nhận rằng, anh rất giỏi văn chương. Đọc đoạn anh ví von đời trinh sát của mình mà tôi dâng trào cảm xúc: "Biết bao khu rừng mình đã qua, bao nhiêu đồi núi mình đã được đặt chân đến, ước gì bây giờ có em đi bên cạnh. Mình chắc là quá mơ mộng. Mình đi như vậy ôi sao giống những nhà địa chất quá, chỉ khác trong tay mình là cây súng chứ không phải là cây búa và cây bút". Trong kỷ vật của anh, có 8 bài thơ, khi anh tặng mẹ, tặng bạn, tặng người yêu, đều rất hay về cấu tứ, câu từ. Bài thơ "Kôngpông Chnăng" được liệt sĩ Lê Văn viết tháng 5-1984 có đoạn:

"Có Ural chạy dài theo gió

Bốn mùa mây phủ trời xanh

Ở trong đó có gì huyền thoại

Với rừng dầu và muỗi vắt bên tai"

Như một sự linh cảm, bài thơ "Nhớ mẹ" được liệt sĩ Lê Văn sáng tác vào mùa đông năm 1984, có đoạn:

"Chắc xuân này con không về với mẹ

Để mẹ chờ ba ngày


Bà Loan viếng mộ con trai ở Nghĩa trang Liệt sĩ quận Ô Môn. Ảnh: DUY KHÔI

Bà Loan viếng mộ con trai ở Nghĩa trang Liệt sĩ quận Ô Môn. Ảnh: DUY KHÔI


Ông bà An Ninh bồi hồi bên kỷ vật con trai- Liệt sĩ Lê Văn. Ảnh: DUY KHÔI

Ông bà An Ninh bồi hồi bên kỷ vật con trai- Liệt sĩ Lê Văn. Ảnh: DUY KHÔI

Tết sắp qua"

Và rồi anh nhắn nhủ với mẹ già ở Cần Thơ:

"Lòng con buồn xin vài câu chúc Tết

Để bên này con tiếp bước hành quân

Nhớ con mẹ đừng buồn đừng tủi

Tiếng pháo giao thừa- đó tiếng con!".

Quả vậy, Tết năm đó và 32 năm đã qua, anh chỉ về với cha mẹ già trong hương khói tinh anh.

"Mẹ so đũa thừa lại nhắc tên anh"

Bà con ở Viện Lúa ĐBSCL nhắc đến mái tóc của bà Kim Loan, mẹ liệt sĩ Lê Văn, như một câu chuyện về tình mẹ. Ngày xưa tóc của bà óng mượt, đen lay láy. Vậy mà chỉ chưa đầy tuần sau khi nhận giấy báo tử của con, đêm đêm bà ôm di ảnh con vào lòng rấm rứt, mái tóc bà bỗng bạc phơ từ đó. 32 năm sau ngày anh Văn hóa thành hồn thiêng sông núi, chưa khi nào ông bà An Ninh nghĩ con đi xa. Thỉnh thoảng, ông bà lại ghé qua Nghĩa trang thắp nhang cho con. Bàn thờ của anh Văn hôm nào cũng có đóa hoa hồng, hoa huệ cắt từ vườn nhà, bà Loan nâng niu cắm trước di ảnh.

Bữa trưa ông bà mời tôi dùng cơm, tôi lãnh phần dọn chén. 3 chén đũa cho ba người ăn. Bà lặng thinh đi lấy 1 cái chén và đôi đũa khác, bới cơm, bỏ cá rồi gọi: "Văn ơi, về ăn cơm nhé con!". Tôi chết lặng và thấy mình như có lỗi. Thì ra với ông bà, anh Văn vẫn sống mãi trong tâm can một cách đặc biệt. Tôi đắng lòng chợt nhớ lại mấy câu thơ của nhà thơ Thu Bồn:

"Bữa ăn sum vầy bên bếp lửa

Mẹ so đũa thừa lại nhắc tên ta"


Một trang trong quyển nhật ký của liệt sĩ Lê Văn. Ảnh: DUY KHÔI

Một trang trong quyển nhật ký của liệt sĩ Lê Văn. Ảnh: DUY KHÔI

32 năm, thời gian đủ để một người trưởng thành, đủ để những vết thương liền da theo năm tháng. Nhưng nỗi đau người mẹ thì vẫn vẹn nguyên, dù rằng đó là nỗi đau xen lẫn tự hào. Tình mẹ đã vậy mà tình con cũng đằm sâu khôn tả. Trong kỷ vật đồng đội anh mang về, có chiếc khăn bà Loan tự tay khâu tặng con trước lúc nhập ngũ. Anh gói ghém cẩn thận, nếp gấp thẳng tắp và cẩn thận ghi lên khăn hai chữ "Kỷ Niệm". Anh trân trọng tình mẹ qua đường kim mối chỉ.

Cụ Lê An Ninh chỉ hay nhắc chuyện vui của con, sợ nhắc chuyện buồn vì căn bệnh tuổi già không cho phép ông xúc động. Tôi đã khóc nhiều khi đọc được bài thơ "Nhớ con trai" do cụ Ninh sáng tác, trên một tờ giấy mỏng, lẫn trong mớ kỷ vật của con:

"Mây đã tan còn mong chi mây tụ

Hoa đã tàn đâu nở lại trần gian

Nhưng vết thương lòng đâu dễ đa đoan

Người trong cuộc khóc người trong cuộc"

Nhưng rồi cụ dặn lòng, an ủi mình và cả an ủi con:

"Sống trên đời như hai chữ phù vân

Chết như con cũng là đẹp muôn phần"

Đúng như lời ông bà An Ninh nói với tôi rằng, nỗi đau mất con không phải chỉ ông bà mới có. Bao nhiêu bậc cha mẹ trên đất nước này tiễn con ra trận nhưng đâu được đón con về. Nhưng đọc những dòng nhật ký của liệt sĩ Lê Văn, đọc được những khát khao yêu thương và cống hiến cho Đảng, cho đất nước, cho hòa bình của anh, tôi nghĩ mình cần viết ra để một thế hệ thanh niên đã lên đường làm nghĩa vụ quốc tế cao cả thấy mình trong đó; để tuổi trẻ hôm nay tự hào về truyền thống hào hùng của cha anh. Một lối sống đẹp, sống có ích và sống hiến dâng đáng trân quý.

* * *

"Nắng chiều tỏa xuống sông Ô Môn quê em. Làng xóm vui đầm ấm. Lòng em bao thầm nhớ…". Bài hát "Chiều trên sông Ô Môn" bỗng đâu vang xa từ chiếc loa truyền thanh. Bà Loan tỉ mẩn lau chùi phần mộ rồi từ giã con ra về. Bóng bà cụ tuổi "cổ lai hy" trải dài theo bóng nắng, đôi bàn tay nhăn nheo quệt vội giọt nước mắt tuôn rơi. Rồi bà đưa đôi mắt về đài tưởng niệm Tổ quốc ghi công, nhìn những hàng mộ thẳng tắp, nhìn cờ đỏ sao vàng in rõ trên từng phần mộ… Bà nhìn thật lâu hàng chữ "Liệt sĩ Lê Quốc Văn".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo