xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bác sĩ hồi hộp, vượt trùng khơi ra biển đảo Trường Sa

Trịnh Thiệp

(NLĐO)- Nhiều bác sĩ công tác tại Trường Sa không chỉ khắc khoải về những ca tai nạn có thể chết người của ngư dân mà còn yêu từng cành cây ngọn cỏ.

Vượt trùng khơi vì biển đảo thân yêu

Dù nhiều lần bị phóng viên gọi điện phỏng vấn, “trách móc” nhưng đến lần thứ 3, bác sĩ (BS) CK1 Lê Phước Cường, Bệnh xá trưởng Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) mới có thời gian rảnh để trả lời. Đang là thời điểm cận Tết nên giọng anh chùng xuống khi kể về con gái thứ hai gần được 1 tuổi mà chưa một lần được gặp bố. Chuyện "cậu cả" 5 tuổi hay vòi vĩnh, đòi bố tặng quà sinh nhật, quần áo đẹp dịp Tết nhưng bố cứ hẹn lần hẹn hồi. Rồi giọng anh nao nao về người vợ trẻ một nách 2 con mọn, lại phải một mình quán xuyến 2 bên gia đình khi vắng bóng chồng…Ấy thế nhưng nhắc đến biển đảo, anh lại cười vang khi nói về tình đồng chí, đồng bào ấm áp dù cuộc sống ở biển đảo vẫn còn khốn khó.

BÀI TẾT CỦA THỜI SỰ: Bác sĩ hồi hộp, vượt trùng khơi ra biển đảo Trường Sa - Ảnh 1.

Cảnh sinh hoạt đời thường cùa BS Cường (bên phải) cùng các đồng đội

BS Cường cho biết khi đang công tác tại Viện Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện (BV) Quân y 175 thì được phân nhiệm vụ ra công tác ở biển đảo Trường Sa trong thời gian 1 năm, vào tháng 6-2018. Nhận trọng trách mới được 2 tháng thì ở nhà vợ anh sinh bé thứ hai. Vợ đau một, anh hai ba. Vừa lo cho vợ và đứa con gái bé bỏng, anh vừa phải lo sắp xếp, bắt tay vào việc chăm lo sức khỏe cho bà con ở biển đảo.

BÀI TẾT CỦA THỜI SỰ: Bác sĩ hồi hộp, vượt trùng khơi ra biển đảo Trường Sa - Ảnh 2.

BS Cường khám bệnh cho ngư dân biển đảo

Anh kể may mắn là vợ anh cùng làm trong quân đội và cùng ngành y, nên phần nào hiểu được công việc của chồng. Ngoài sự động viên của vợ và hai bên gia đình thì lãnh đạo BV Quân y 175, đồng nghiệp đã luôn giúp đỡ và hỗ trợ để anh yên tâm công tác.

"Trước khi đi, đã chuẩn bị tâm lý nhưng vừa bước chân lên đảo, cảm xúc nhớ đất liền, gia đình, vợ con cứ ùa về. Bên cạnh đó, áp lực về công việc nơi biển đảo; suy nghĩ làm sao để thích ứng với công việc, môi trường…làm tôi vô cùng lo lắng. Nhưng tình đồng chí, tình đồng bào của ngư dân biển đảo đã làm tôi thêm ấm lòng. Tôi không còn cảm thấy lo lắng, mà biết mình nên làm gì để đảm đương nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất. Nếu chỉ còn phụ trách 1 ngày, tôi cũng sẽ làm hết mình vì đồng bào thân yêu của mình"- BS Cường bộc bạch.

Nỗi buồn vì xa gia đình của anh đã được bù đắp ngày tiếp theo tháng vì ngư dân trên đảo sống rất tình cảm, mộc mạc và chân tình. Ai cũng nghèo nhưng cái tình dành cho BS luôn dạt dào như những ngọn sóng bạc đầu và mặn mòi như nước biển hàng ngàn năm qua. 

BÀI TẾT CỦA THỜI SỰ: Bác sĩ hồi hộp, vượt trùng khơi ra biển đảo Trường Sa - Ảnh 3.

BS Linh (bên phải) cùng đồng đội phẫu thuật cứu ngư dân gặp nạn trên biển

BS Cường ngậm ngùi khi nói về những bệnh nhân ở biển của mình. Họ luôn phải đối mặt với những nguy hiểm và rủi ro trong lúc đánh bắt xa bờ. Những tai nạn lao động trên biển thường xuyên xảy ra, ca nào cũng rất nặng. Ở đất liền dù đã không ít lần chứng kiến những ca bệnh nặng nhưng tận mắt những tai nạn khi ngư dân đối đầu với biển cả, với sóng to cùng gió lớn anh không khỏi chạnh lòng, xót xa cho cuộc mưu sinh quá khắc nghiệt này. Đó cũng là điều anh luôn cảm thấy áp lực, lo lắng. Anh luôn mong muốn mỗi chuyến ra khơi và trở về của mọi người dân biển đảo được bình an, đầy ắp cá...

Đi để trở về

Cũng áp lực và lo lắng không kém là Ths- BS Nguyễn Văn Linh (SN 1986, công tác tại Trung tâm Ung bướu BV Quân Y 175). Sau 1 năm công tác tại quần đảo Trường Sa, BS Linh đã về đất liền được 7 tháng. Khi hỏi điều gì làm anh ấn tượng nhất khi đến Trường Sa, trầm ngâm một lát anh bảo anh sẽ mãi mãi không quên khoảnh khắc lần đầu thấy đảo. Đập vào mắt anh là một biển đảo lớn, nhiều cây xanh và rất nhiều quạt gió chạy bằng năng lượng mặt trời. Nhìn những mảng xanh, cảnh vật xung quanh làm lòng anh dịu lại, bớt lo lắng và cảm thấy thoải mái hơn.

BÀI TẾT CỦA THỜI SỰ: Bác sĩ hồi hộp, vượt trùng khơi ra biển đảo Trường Sa - Ảnh 4.

BS Nguyễn Văn Linh (bên trái) cùng đồng đội trong lễ khánh thành trung tâm y tế Trường Sa

BS Linh thành thật nói về nỗi lo khi nhận nhiệm vụ lên đường công tác ở quần đảo Trường Sa.  Anh lo lắng việc phải làm sao để đảm đương tốt nhất nhiệm vụ được cấp trên giao phó lẫn tự hào vì được làm việc, góp sức mình cho vùng biển đảo máu thịt của tổ quốc… Tuy nhiên, được vợ, gia đình, đồng nghiệp động viên anh phần nào an tâm. Nói thế nhưng đến ngày đi, tâm trạng anh lại bắt đầu hồi hộp và lo lắng…

"Vừa đặt chân xuống tàu, khi tàu từ từ ra khơi xa, cũng là lúc tôi thấy chông chênh. Hải trình kéo dài 3 ngày. Tàu mỗi lúc càng xa đất liền, làm tôi có chút lo lắng, suy nghĩ...Ngày đầu tiên của cuộc hành trình, do không quen, nên tôi bị say sóng, mệt đến nỗi không ngồi dậy nổi, không suy nghĩ được gì. Đến ngày thứ hai, khi khỏe hơn tôi lại tiếp tục băn khoăn về cuộc sống, về một vùng đảo nhỏ mà tôi sắp đến…Nghĩ thế rồi tôi cười mình vì biết rằng khó khăn nào cũng sẽ qua. Lo gì. Vì mình là lính cụ Hồ mà…"- BS Linh chia sẻ.

BÀI TẾT CỦA THỜI SỰ: Bác sĩ hồi hộp, vượt trùng khơi ra biển đảo Trường Sa - Ảnh 5.

Vừa đặt chân đến đảo BS Linh ấn tượng về những chiếc quạt gió và nhiều cây xanh

Sau hơn 1 tháng, anh bắt đầu quen với cái nắng tháng 4 bỏng rát da thịt, quen với những con sóng vỗ không ngơi nghỉ và bén tiếng cùng những người dân chân chất, hiền lành. Rồi anh cũng phải quen cả với việc dù là một BS chuyên khoa phẫu thuật sọ não thế nhưng lên đảo anh lại "bén duyên" với các ca viêm ruột thừa, những vết thương bụng, tổn thương tay chân…"Bà con ngư dân mình nhiều vất vả, nhiều người bệnh nhưng vẫn phải ra khơi. Mà tai nạn trên biển thì thường xuyên xảy ra…"- vị bác sĩ trẻ bỏ lửng câu nói giữa chừng.

BÀI TẾT CỦA THỜI SỰ: Bác sĩ hồi hộp, vượt trùng khơi ra biển đảo Trường Sa - Ảnh 6.

Trường Sa thân yêu lúc màn đêm bắt đầu buông xuống

Sau vài giây lặng lẽ, anh tiếp tục câu chuyện về cuộc sống ngư dân… Những chàng trai rất trẻ, chỉ khoảng 18 tuổi, theo ông cha ngày đêm ra khơi đánh bắt cá. Đã có không ít người bị tai nạn nặng, rất thương tâm trong lúc đánh bắt cá. Có khi tai nạn đứt cả đôi bàn chân nhưng khó khăn lắm mới được đưa vào bờ cấp cứu hoặc một ngư dân bị tai nạn trong khi kéo lưới. Vết thương thấu bụng khiến anh này bị chảy máu nhiều trong ổ bụng. Mất 3 ngày mới đưa được người bị nạn vào trung tâm y tế Trường Sa. Do bệnh nhân mất máu nhiều, khi ấy, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo không ai bảo ai đều xung phong xét nghiệm để hiến máu. "Đảo nhỏ, thiếu thốn nhiều thứ nhưng tình thương thì dư thừa"- BS Linh nhận xét.

Anh kể về cái tình của nhiều ngư dân gặp nạn, được các BS ở trung tâm y tế Trường Sa điều trị, sau nhiều năm, những bệnh nhân cũ này vẫn tìm về thăm hỏi, cảm ơn. Kèm theo đó là những món quà của biển cả. Khi là một con cá còn tươi roi rói, lúc là ký mực khô được phơi trên biển cùng cái nắng đến bỏng mắt và những cơn gió đến khô người...

BÀI TẾT CỦA THỜI SỰ: Bác sĩ hồi hộp, vượt trùng khơi ra biển đảo Trường Sa - Ảnh 7.

BS Linh (thứ ba bên trái) cùng đồng đội tại Nhà ga Hàng không Trường Sa

Khi bắt đầu quen với công việc, yêu con sóng bạc đầu, môi trường và bà con trên đảo là lúc anh hết hạn công tác và trở về đất liền. "Những đêm trực, tôi thích đứng ở bờ kè, nhìn xa xa về phía những chấm sáng lung linh từ những chiếc thuyền trên biển. Vào mùa đánh bắt, biển như sống động, bởi từng vùng sáng lấp lánh đẹp đến nao lòng; khác với ngày thường, biển chỉ là một màu đen buồn đến não ruột"- BS Linh chân thành nói.

"Trước lúc trở về đất liền, tôi bắt đầu đi vòng quanh đảo đứng chụp hình bên từng tán cây ngọn cỏ, đến chào hỏi từng hộ gia đình, ai cũng tay bắt mặt mừng, đầy xúc động. Đây là nơi ghi nhiều dấu ấn của người thầy thuốc quân y, là những ký ức đẹp, là hạnh phúc, là nghị lực, là đợi chờ... Bởi ngư dân nơi biển đảo luôn hướng về đất liền và tất cả người dân Việt đều hướng về vùng biển đảo máu thịt quê hương. Ngày chia tay, trở về đất liền, tôi đứng ở cầu cảng, những cái vẫy tay, những nụ cười hòa cùng tiếng sóng biển trong âm vang tiếng hát đầy xúc động và tha thiết…"- BS Linh ngậm ngùi nhắc.

Đi để trở về, là cuộc hành trình tiếp nối những bàn tay hướng về biển đảo thân yêu để san sẻ, để yêu thương... Để thấy mình trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm, ý nghĩa hơn. Và điều đọng lại nét khảm trong tim mỗi người BS quân y là tình đồng chí, tình đồng bào nơi biển đảo quê hương.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo