xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bác sĩ thờ ơ, bệnh nhân chết dở

NHÓM PHÓNG VIÊN

Vụ chậm chuyển viện khiến 1 nữ sinh ở Đắk Lắk bị cưa chân mới đây không phải là trường hợp cá biệt. Đầu năm nay, 1 thanh niên ở Đắk Nông cũng lâm cảnh tương tự

Liên quan đến vụ “Nữ sinh bị cưa chân vì bác sĩ (BS) tắc trách” (Báo Người Lao Động đã phản ánh), ngày 15-3, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk khẩn trương làm rõ sự việc và xử lý theo quy định. Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu công khai kết quả xác minh, xử lý cho báo chí; báo cáo về cục trước ngày 28-3.

Cú sốc quá lớn

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk), cho biết đã tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với BS Y Tâm - người trực tiếp bó bột chân cho em Lê Thị Hà Vi (SN 2000;học sinh lớp 10, Trường THPT Y Jút, huyện Cư Kuin).

Theo tường trình, BS Y Tâm cho biết do công việc nhiều, áp lực lớn nên không quán xuyến hết, dẫn đến sự việc đáng tiếc. BV đã có văn bản báo cáo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk và đang chờ hướng dẫn để tiếp tục xử lý vụ việc.

Em Lê Thị Hà Vi đang điều trị sau khi phẫu thuật đoạn chi tại Bệnh viện Chợ Rẫy Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Em Lê Thị Hà Vi đang điều trị sau khi phẫu thuật đoạn chi tại Bệnh viện Chợ Rẫy Ảnh: NGUYỄN THẠNH

“Mong ước của Vi là trở thành một chiến sĩ công an nhưng giờ sức khỏe không cho phép. Do đó, gia đình đã đề nghị nếu sau này cháu học ngành văn thư, kế toán thì BV có trách nhiệm bảo đảm việc làm. Chúng tôi đã đồng ý với gia đình và sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ cháu” - ông Nguyễn Văn Tâm nói.

 

Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) - nơi nữ sinh Lê Thị Hà Vi bị hoại tử chân do tắc trách của bác sĩẢnh: CAO NGUYÊN
Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) - nơi nữ sinh Lê Thị Hà Vi bị hoại tử chân do tắc trách của bác sĩẢnh: CAO NGUYÊN

Theo một lãnh đạo Huyện ủy Cư Kuin, đơn vị đã giao cho Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy liên hệ với BV để nắm sự việc và xử lý nghiêm nếu có sai phạm.

Cùng ngày, BS Đỗ Lê Hoàng Sơn, Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Chợ Rẫy (TP HCM), cho hay hiện sức khỏe của Vi tốt, vết thương khô, sạch nhưng còn đau. Em đang được điều trị kháng sinh, giảm đau, truyền dịch. Trước khi quyết định đoạn chi Vi, các BS đã cân nhắc kỹ, cố gắng giữ lại chân cho em nhưng chân đã hoại tử quá nhiều, phải cắt bỏ để bảo toàn tính mạng bệnh nhân.

Nằm trên giường bệnh, Vi đã khóc trước cú sốc quá lớn trong đời. “Hôm đó đi học về, đến ngay ngã tư, xe em va chạm với một xe máy khác. Tai nạn như vậy, tưởng không đến nỗi em phải chịu cảnh thế này” - Vi chua chát.

Nhìn chân con không còn nguyên vẹn, ông Lê Văn Long chỉ mong sao Vi qua nguy kịch trước mắt chứ chưa dám nghĩ đến tương lai. Bà Nguyễn Thị Lam, mẹ Vi, nhớ lại: “Đêm đầu tiên sau khi bó bột, chân Vi sưng to, cháu đau nhức kinh khủng nhưng cố chịu đựng đến sáng hôm sau. Thấy con đau đớn, tôi chạy khắp BV tìm BS nhưng đúng hôm rơi vào chủ nhật nên không có người tới kiểm tra. Thấy phần chân trên của con đen tím, hết cách, gia đình phải tự tay cắt bột nới ra”.

Sang đến hôm thứ hai, đau nhức không chịu nổi, Vi khóc cả đêm. Bà Lam tìm hỏi lãnh đạo BV thì được thông báo hội chẩn sẽ mổ vào thứ ba. Gia đình đợi ngay phòng mổ cả buổi, BS ra thông báo không thể mổ được do chân Vi sưng vù, nhiều mảng da phồng bóng nước, phải chọc chảy dịch ra… Mãi đến khi chuyển lên BV Đa khoa tỉnh rồi chuyển xuống BV Chợ Rẫy thì chân cô bé không còn cứu được nữa.

“Sao để lâu vậy, hư chân tôi rồi!”

Ngay sau khi Báo Người Lao Động thông tin về trường hợp em Lê Thị Hà Vi, anh Lê Văn Trọng (25 tuổi; ngụ huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đã bức xúc phản ánh với báo về tình cảnh tương tự của mình. Theo đó, vào ngày 26-1, Trọng bị tai nạn ở xa nhà nên cha mẹ không hề hay biết. Bạn bè đưa anh đi cấp cứu tại BV Đa khoa Thiện Hạnh (tỉnh Đắk Lắk). Tại đây, các BS chẩn đoán anh bị bể bánh chè, tắc mạch máu.

“Khi ba mẹ tới nơi, chân tôi đã sưng to và không còn cảm giác gì. Họ giữ tôi hơn 5 giờ trong khi không làm được gì. Khi ba mẹ tôi ra, họ mới chuyển tôi qua BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Qua đây, BS la quá trời. Họ kêu sao để lâu vậy, hư chân tôi rồi” - anh Trọng bức xúc.

Tại BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, Trọng được mổ khai thông mạch máu. Sang hôm sau, BS cho hay có vấn đề và cần theo dõi. Gia đình sợ quá nên chuyển anh xuống BV Chợ Rẫy.

“BS BV Chợ Rẫy bảo sao không chuyển xuống sớm, làm hư chân tôi rồi. Ở đó, tôi được mổ nhưng không kịp, chân đã bị hoại tử, phải cắt bỏ trên đầu gối. Họ bảo nếu không xuống đây kịp thời thì tôi sẽ bị nhiễm trùng lan tới thận, sẽ chết sau mấy ngày. Tôi mới tốt nghiệp cao đẳng y tế và vừa đi làm. Đau đớn thay, giờ tôi không được đi làm nữa...” - anh tấm tức.

Đề cập vụ việc này, ông Phan Trọng Nhơn, Phó Giám đốc BV Đa khoa Thiện Hạnh, cho biết theo hồ sơ bệnh án, anh Trọng nhập viện lúc 15 giờ 25 phút ngày 26-1 do bị tai nạn giao thông. Sau khi thăm khám lâm sàng, đến 16 giờ 47 phút, BV đã cho bệnh nhân đi xét nghiệm động mạch. Đến 17 giờ, khi có kết quả cho thấy bệnh nhân bị tổn thương động mạch khoeo và mâm chày bị tổn thương cấp độ 6 (cấp độ tổn thương nặng nhất), BV chuẩn bị phẫu thuật nhưng gia đình không đồng ý mà xin chuyển viện.

Theo ông Nhơn, đối với trường hợp tổn thương động mạch nặng như anh Trọng, ca phẫu thuật tỉ lệ thành công chưa được 50%. “Toàn bộ thời gian anh Trọng ở BV chưa đầy 2 giờ, BV cũng đã xác định đầy đủ tổn thương nên không thể nói BV bỏ bê bệnh nhân được” - ông Nhơn phân trần.

Tuy nhiên, chiều cùng ngày, anh Trọng khẳng định mình nhập viện khoảng 14 giờ 30 phút hôm 26-1. Vì nhà cách BV gần 80 km nên khi hay tin, cha mẹ Trọng đến nơi thì anh đã nằm viện hơn 3 giờ.  Sau đó 30 phút, BS bảo mổ thì tỉ lệ thành công 50-50 nên cha mẹ anh mới xin chuyển qua BV tỉnh. Lúc đó đã gần 19 giờ.

Mẹ anh Trọng cũng khẳng định con bà bị giữ lại ở BV Đa khoa Thiện Hạnh quá lâu và bà có đủ bằng chứng để chứng minh điều đó. “Nhà tôi chỉ có một đứa con trai. Chuyện xảy ra, cả họ hàng không ai ăn Tết được. Giờ con nó bị vậy rồi, đau lòng lắm” - người mẹ nghẹn lời.

Nhìn thẳng vào sự thật để rút kinh nghiệm

Nhận định về các tai biến y khoa, GS Đỗ Kim Sơn, nguyên Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội), cho rằng nên thành lập hội đồng chuyên môn kiểm tra để đánh giá đúng và rút kinh nghiệm, thậm chí xử lý nếu có sai sót về quy trình chuyên môn nhằm bảo vệ quyền lợi của người bệnh cũng như tạo điều kiện cho thầy thuốc hành nghề.

Theo GS Sơn, người dân rất bất bình vì những sai sót y tế có thể ảnh hưởng đến tính mạng, thậm chí cả tương lai của bệnh nhân. Với những yếu kém của ngành y tế, cần phải nhìn thẳng vào sự thật để rút kinh nghiệm. Có những sai sót y tế là do cả ê-kíp chứ không phải riêng người phẫu thuật mà nguyên nhân là bỏ qua quy trình chuyên môn. Thực tế, ở nhiều tuyến y tế cơ sở, nhân lực yếu kém, thiếu trang thiết bị nên bệnh nhân cảm thấy không yên tâm, thường chạy về tuyến tỉnh và trung ương điều trị.

“Nghề y là nghề mà thầy thuốc phải học suốt đời, nếu không sẽ trở thành bình thường, “quen mắt” và có lúc sẽ vô cảm. Do vậy, tại các cơ sở y tế lớn, có uy tín, thầy thuốc muốn trụ được phải qua nhiều sàng lọc, yêu nghề, có tấm lòng. Nhược điểm của các BS ngày nay là dựa vào máy móc quá nhiều nên thiếu kinh nghiệm lâm sàng. Nếu không sát sao bệnh nhân thì BS khó đánh giá chính xác” - GS Sơn nhìn nhận.

Một lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận dù bộ đã ban hành thông tư quy định về chuyển tuyến điều trị nhằm tạo thuận lợi cho bệnh nhân, bảo đảm người bệnh nặng được cứu chữa kịp thời ở tuyến trên, song vẫn còn tình trạng bệnh vượt khả năng cứu chữa của cơ sở nhưng BV vẫn giữ lại khiến bệnh trở nặng.

Nguyên nhân là do bất cập về chuyên môn kỹ thuật của đơn vị và một phần vì quy định về thanh toán bảo hiểm. Nếu BV chuyển bệnh nhân sẽ mất “khách hàng”, nguồn quỹ BHYT thanh toán sẽ chuyển sang BV tiếp nhận bệnh nhân.

Tuy nhiên, không ít trường hợp dù các BV tuyến dưới không đủ điều kiện chữa trị vẫn tìm mọi lý do để giữ chân bệnh nhân ở lại. Chỉ đến khi bệnh nhân nguy kịch, BV tuyến dưới mới vội vàng cho chuyển tuyến. Lúc này đã quá muộn hoặc bệnh nhân phải mất thêm thời gian dài để điều trị vì bệnh quá nặng…

Hỗ trợ lắp chân cho em Vi

Sáng 15-3, TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cho biết sau khi được Báo Người Lao Động kết nối, gia đình em Lê Thị Hà Vi đã điện thoại cho ông.

Dự kiến trong vài ngày tới, Vi sẽ được chuyển đến BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM. Theo BS Lý, Vi cũng sẽ được điều trị tâm lý bởi các trường hợp tương tự, bệnh nhân rất hoảng hốt, bi quan, có nhiều ý nghĩ tiêu cực và dễ ảnh hưởng đến cuộc sống, việc học hành sau này nếu không được can thiệp. Nếu mọi chuyện diễn biến tốt, dự tính vài tuần nữa, BV sẽ làm chân giả cho em. Loại chân giả này được sản xuất ngay tại xưởng chỉnh hình của BV, gia công riêng theo các số đo của bệnh nhân, có dáng vẻ như chân thật, trụ kim loại vững chắc, các khớp linh hoạt.

“Chịu khó tập luyện một thời gian để sử dụng thành thục, Vi có thể đi đứng, vận động gần như một người bình thường” - BS Lý nói.

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo