xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bao giờ TPHCM có trung tâm chống độc?

Bài và ảnh: Phan Sơn

Tại TPHCM mỗi năm có hơn 5.000 ca ngộ độc, hơn 1/5 trong số đó bị tử vong. Cả nước hiện có trung tâm chống độc Bạch Mai (Hà Nội) và Huế, nhưng TPHCM, trung tâm kinh tế-xã hội lớn nhất nước, lại... không có

Ngày 2-12, N.C.T, 16 tuổi, ngụ tại Q.11-TPHCM, được chuyển đến Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 trong tình trạng nôn ói, đau bụng, lơ mơ. Người nhà cho biết từ một tháng trước đó, T. ăn nhiều, tiểu nhiều nhưng sụt cân. Qua xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện nồng độ đường và men gan tăng rất cao, chứng tỏ gan và tụy bị nhiễm độc rất nặng. Người nhà cho biết trước đó trong gần 4 năm trời, nạn nhân liên tục uống một loại thuốc đông dược trị viêm xoang. Sau khi loại trừ hết những nguyên nhân có thể, các bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp ngộ độc đông dược.

Chẩn đoán theo kinh nghiệm

Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng lên đến vài trăm người tại TPHCM thời gian qua đã khiến nhiều người lo lắng. Không chỉ thế, vừa qua còn xảy ra những vụ ngộ độc rượu, mới nhất là vụ ngộ độc rượu tại Q.6-TPHCM khiến 3 người tử vong và 1 cấp cứu. Chưa kể những vụ ong đốt, ngộ độc do thuốc diệt cỏ, thuốc ngủ, thuốc cảm cúm ở người lớn (phần lớn là tự tử), ngộ độc cấp ở trẻ em... vẫn được cấp cứu tại các BV mỗi ngày, khiến TPHCM thật sự trở thành “điểm nóng về ngộ độc”.

Nếu theo ước tính của Bộ Y tế, tỉ lệ ngộ độc tại nước ra hằng năm là 800 ca/1 triệu dân, thì mỗi năm TPHCM có đến hơn 5.000 ca ngộ độc. Nhưng thực tế con số chắc chắn còn cao hơn nhiều, bởi theo các chuyên gia về hồi sức-cấp cứu (HSCC), nhiều vụ ngộ độc không được bác sĩ phát hiện mà cho là do bệnh lý khác gây ra, thậm chí nếu nghi ngộ độc cũng không biết nạn nhân ngộ độc do chất gì!

Theo bác sĩ Cao Hoài Nhân, Trưởng Khoa HSCC, BV Nguyễn Tri Phương, việc chẩn đoán ngộ độc ở nạn nhân cấp cứu phần lớn dựa vào kinh nghiệm. Nếu người nhà nạn nhân cung cấp cho bác sĩ tác nhân gây ngộ độc (vỉ thuốc ngủ, chai thuốc diệt chuột...), việc chẩn đoán và điều trị dễ dàng; ngược lại, việc chẩn đoán không khác gì “thầy bói mù sờ voi” vì có hàng trăm tác nhân gây độc khác nhau, từ đây việc điều trị gặp nhiều khó khăn bởi nếu không biết được chất độc thì không thể sử dụng chất đối kháng thích hợp cho nạn nhân.

Thiếu và yếu

Bất cập lớn nhất trong công tác chống độc tại TPHCM là không tập hợp được con người và trang-thiết bị, dù ở BV này hoặc BV kia cũng có nỗ lực phát triển. Đơn cử, BV Nhân dân 115, nơi có tập thể y-bác sĩ làm công tác chống độc rất tốt những năm qua và phần lớn đội ngũ này được đào tạo bài bản về chuyên môn, nhưng lại chưa được phân công, giao quyền hạn và đầu tư đúng mức. Trong khi đó, tại nhiều BV cấp TP, ngay cả các bác sĩ khoa HSCC cũng lúng túng, xử lý chậm và không đúng, khiến tỉ lệ tử vong vì ngộ độc tăng cao. Theo một bác sĩ lâu năm về HSCC, khó có thể trách những đồng nghiệp này, vì ngay cả trong các đại học y khoa hiện nay sinh viên cũng không được học môn HSCC-chống độc, nên khi ra trường tất cả đều “mày mò”, tự học. Đó là bác sĩ tuyến TP, bác sĩ tuyến cơ sở còn gần như “mù tịt” về chống độc, chưa kể trang-thiết bị chống độc ở đây chỉ là con số 0!

Một khó khăn lớn cũng đáng nói là TP chưa có một phòng xét nghiệm độc chất. Trước những trường hợp nghi ngộ độc nhưng không tìm được tác nhân, các BV ở TP hiện nay thường chuyển mẫu thử đến xét nghiệm tại BV Chợ Rẫy hoặc Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm, nhưng nơi đầu chỉ phân tích được một số độc chất cơ bản, còn nơi sau chỉ làm trong giờ hành chính. Do không xác định được độc chất nên các trường hợp tử vong thường trở thành “bí hiểm”, bác sĩ không rút được bài học gì về chuyên môn để đối phó với những vụ ngộ độc tương tự sau đó.

Bác sĩ chuyên ngành độc chất học đầu tiên

Nghiên cứu độc chất học lâm sàng (clinical toxicology) tại Anh 2 năm với học bổng đề án 322 của Bộ GD-ĐT, nữ bác sĩ Đinh Nguyễn Thiên Kim, BV Nguyễn Tri Phương, được xem là người nghiên cứu độc chất học bài bản đầu tiên của VN. Trở về nước vào tháng qua, bác sĩ Kim nhận xét lĩnh vực chống độc ở TP hiện nay gần như bỏ ngỏ và muốn phát triển nhanh chỉ còn cách đốt giai đoạn, không phạm những sai lầm như những quốc gia khác đã vấp phải. Ngoài việc xây dựng và phát triển đội ngũ người làm công tác chống độc, theo bác sĩ Thiên Kim, quan trọng nhất là TP cần xây dựng một trung tâm nghiên cứu độc chất. Mục tiêu trước mắt của chị là cùng đồng nghiệp xây dựng những hướng dẫn chống độc để bác sĩ lâm sàng áp dụng trong trường hợp cần thiết.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo