xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cách xử lý vật gây thương tích

ANH THƯ

Việc đầu tiên nên chú ý với nạn nhân bị thương bởi vật nhọn là xem họ có bị ngừng tim, ngừng thở không

Trong một vụ tai nạn lao động gần đây ở quận 12, TP HCM, ông V.V.T (SN 1966) đã suýt mất mạng khi ngã từ giàn giáo công trường xuống, bị một thanh sắt dài hơn 1 m đâm xuyên từ mông qua vùng thắt lưng, làm gãy cả xương chậu và tổn thương nhiều cơ quan nội tạng. Ông T. đã được cố định thanh sắt và chuyển đến Bệnh viện (BV) Đa khoa Tâm Trí gần đó. Ca mổ hơn 1 giờ đã cứu sống ông.

Giữ nguyên hiện trạng để tránh mất máu

Theo bác sĩ (BS) Cao Hùng Phú, Giám đốc BV Đa khoa Tâm Trí và là thành viên kíp mổ, điều may mắn với ông T. là dù thanh sắt khá vướng víu khi di chuyển nhưng những người đưa ông đến BV vẫn quyết định giữ nguyên hiện trạng. “Trong ca này, nếu rút thanh sắt ra, bệnh nhân có thể không qua khỏi vì làm xuất huyết tại chỗ, choáng, sốc do đau… Nhất là khi thanh sắt này lại dài, đường kính đến 2 cm và đâm sâu vào cơ thể nạn nhân đến 30 cm” - BS Phú giải thích.

 

Ca mổ loại bỏ thanh sắt đâm xuyên người ông V.V.T. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Ca mổ loại bỏ thanh sắt đâm xuyên người ông V.V.T. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

 

TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cho biết ngoài các trường hợp tự rút vật nhọn (dao, đinh sắt, cọc…), ông còn gặp những tình huống người bị nạn mắc kẹt vào các loại máy móc và người xung quanh thì nỗ lực kéo nạn nhân ra. Họ không biết rằng sự cố gắng này không những không giúp được gì mà còn có thể gây tổn thương cho nạn nhân nhiều hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

“Vật nhọn khi đâm vào cơ thể từ bên ngoài hoặc trường hợp một phần cơ thể bị mắc kẹt vào chi tiết máy, có thể làm thương tổn da, gân, cơ, các mạch máu, thần kinh, xương, cơ quan nội tạng… Trong đó, nguy hiểm hàng đầu vẫn là đứt các mạch máu. Khi còn trong cơ thể, dị vật có tác dụng như một nút chặn, không cho máu tuôn ra ồ ạt. Vì vậy, vội vã rút nó ra có thể khiến nạn nhân xuất huyết nhiều, có nguy cơ tử vong” - BS Lý phân tích.

Ở một góc nhìn khác, ThS-BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, cho rằng việc tự ý rút vật gây thương tích khỏi cơ thể nạn nhân còn vô tình tạo ra khó khăn cho BS khi xử lý vết thương. Bởi lẽ, BS sẽ khó xác định đầy đủ những thương tổn mà vật ấy đã gây ra, nhất là khi nó đâm sâu và ảnh hưởng đến nhiều tổ chức khác nhau trong cơ thể.

Cần xử lý đúng cách

Những hình ảnh đầu tiên về cậu bé Dương Minh Phát - 12 ngày tuổi, bị dao đâm thấu sọ - từng khiến nhiều người choáng váng. Khi ấy, Phát vừa được chuyển đến TP HCM, đầu quấn băng trắng với con dao còn nằm nguyên vị trí, chỉ thấy phần cán. Tuy nhiên, quyết định “cố định dị vật” như vậy lại là cách xử lý rất chuẩn xác của BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Ít ai biết trong suốt hơn 3 giờ của ca phẫu thuật lịch sử tại BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), công đoạn phức tạp nhất là rút con dao ra khỏi đầu bé Phát và các BS đã tạo nên điều kỳ diệu. Bởi lẽ, chỉ cần một sơ suất nhỏ thì mức độ nguy hiểm có thể tăng lên gấp bội so với lúc bị dao đâm vào.

BS Huy khuyên việc đầu tiên nên làm với nạn nhân bị thương bởi vật nhọn là kiểm tra sinh hiệu của họ. Nếu nạn nhân bị ngừng tim, ngừng thở thì phải thực hiện hồi sinh tim phổi đúng cách. Sau đó, rửa sạch vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc nước sạch, rồi cầm máu bằng cách băng ép (bằng băng, gạc, vải… sạch). Phải cố định vật nhọn đang mắc kẹt trong cơ thể nạn nhân, phương án hữu hiệu nhất vẫn là dùng băng vải hoặc bất cứ loại vải gì tìm được nhưng phải sạch. Động tác này rất quan trọng vì giữ vật nhọn không bị xô lệch, tránh chảy máu nhiều và giảm đau đớn cho nạn nhân.

Với các trường hợp tai nạn lao động khiến một phần cơ thể bị mắc kẹt trong máy móc, BS Lý lưu ý đừng tự kéo nạn nhân ra. Thay vào đó, nên tìm ghế, vật dụng kê đỡ… nhằm giúp nạn nhân có tư thế thuận lợi nhất. Đừng động chạm nhiều đến thương tích trong quá trình di chuyển vì ở những trường hợp này, vết thương thường lớn và nguy cơ sốc do đau khá cao.

 

Khi lúng túng, hãy hỏi tổng đài cấp cứu

Thường thì những dạng tai nạn như đã nêu khiến người xung quanh hốt hoảng, không đủ tỉnh táo để xử lý. ThS-BS Võ Quang Huy khuyên trong trường hợp không chắc mình có thể xử lý được, nên gọi tổng đài 115 để đội cấp cứu chuyên nghiệp tới hiện trường và giữ liên lạc trong thời gian chờ xe cấp cứu tới. Đặc biệt, nếu nạn nhân cần sơ cứu gấp vì gặp phải các tình huống như ngưng tim, ngưng thở, mất máu nhiều…, hãy hỏi nhân viên tổng đài 115 để thực hiện đúng cách. Người trực tổng đài cũng là nhân viên y tế và có nhiệm vụ hướng dẫn trong tình huống này.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo