xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cẩn trọng với bệnh trẻ em

ANH THƯ

Cuối tháng 2, đầu tháng 3, một số bệnh trẻ em bắt đầu vào mùa

Nhiều bệnh trẻ em đến hẹn lại lên, bắt đầu vào giai đoạn cao điểm theo chu kỳ hằng năm trong thời điểm cuối tháng 2 và tháng 3 sắp tới: thủy đậu, quai bị, tay chân miệng…, trong khi dịch sởi vẫn chưa hết hẳn và sốt xuất huyết (SXH) cũng chỉ vừa mới hạ nhiệt.

Không ít bệnh để phòng ngừa

Ngồi chờ xe buýt trước Viện Pasteur (TP HCM), chị An Mai (34 tuổi, ngụ quận 4, TP HCM) tranh thủ xem xét tay chân và hỏi kỹ đứa con trai 7 tuổi xem có bị ngứa ở đâu không. "Em cháu bị lên trái rạ (thủy đậu), tôi vội đưa cháu đi chích ngừa, kẻo bệnh thì phải nghỉ học cả mấy tuần" - chị giải thích. Con trai nhỏ của chị Mai năm nay 5 tuổi, vừa ăn Tết ở quê vào 1 ngày thì phát hiện thủy đậu. Sợ anh bị lây bệnh từ em, chị đưa đi chích ngay với hy vọng vắc-xin có thể giúp thoát bệnh hoặc nếu bệnh thì cũng nhẹ hơn, vì nghe nói 10 ngày sau vắc-xin này đã bắt đầu có tác dụng, trong khi thời gian ủ bệnh lên tới 14 ngày.

Cẩn trọng với bệnh trẻ em - Ảnh 1.

Đưa trẻ đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chị Ng.T.A và chị Tr.X.A, 2 người bạn thân đều vừa kết hôn cũng tranh thủ đến đây để chích ngừa sởi, bởi xem trên tivi thấy cảnh một thai phụ bị sởi, con có nguy cơ dị tật nên rất sợ. "Tôi có chích hồi 9 tháng tuổi, còn có chích nhắc hay không thì giấy tờ đã thất lạc nên đi chích lại cho chắc ăn. Vả lại, tôi nghe nói chích bây giờ là chích gián tiếp cả cho con, giúp con tránh được bệnh mấy tháng đầu đời" - chị X.A. nói.

Tay chân miệng: Đỉnh thường rơi vào tháng 3-4

Bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho biết trong thời gian sắp tới, một số bệnh thường gặp ở trẻ em sẽ vào mùa, đầu tiên là thủy đậu, sau đó là quai bị; đến tháng 3-4 sẽ là đỉnh thứ nhất của bệnh tay chân miệng (TCM) hằng năm. Ngoài ra, không thể lơ là SXH vì dù cao điểm thường nằm trong mùa mưa nhưng đó vẫn là bệnh quanh năm. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1, nhận định dựa vào thời tiết năm nay bệnh TCM sẽ đạt đỉnh thứ nhất trong năm vào khoảng tháng 4, bởi đỉnh này thường rơi vào giai đoạn thời tiết nóng nhất.

Riêng SXH, căn bệnh gia tăng mạnh trong thời gian vừa qua đang rơi vào giai đoạn "hạ nhiệt". Theo thống kê mới nhất của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, tuần cuối cùng của tháng 1 (25 đến 31-1) số ca SXH đã giảm đến 29% so với số trung bình của 4 tuần trước đó, song vẫn cao hơn 257% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng bệnh TCM đang rơi vào giai đoạn thấp điểm trong năm với chỉ 28 ca nhập viện trong tuần cuối cùng của tháng 1, giảm 58% so với trung bình 4 tuần trước đó. Tuy nhiên, như các chuyên gia đã cảnh báo, chỉ hơn 1 tháng nữa căn bệnh này có thể trở lại giai đoạn cao điểm. Vì vậy, phụ huynh cần giúp trẻ đề phòng bằng cách rửa tay thường xuyên cho trẻ và cho chính mình, giữ vệ sinh môi trường sống, đồ chơi…

Sởi, thủy đậu, quai bị: cần chích ngừa đủ

BS Trương Hữu Khanh lưu ý căn bệnh thủy đậu, giai đoạn cao điểm rơi vào tháng 2 đến tháng 6 hằng năm và đã bắt đầu xuất hiện. Thủy đậu là một bệnh có thời gian lây nhiễm khá dài, từ 2-3 ngày trước khi nổi bóng nước và kéo dài tới 3 tuần sau khi các bóng nước lặn hẳn, nên nếu trẻ bị có thể ảnh hưởng nhiều tới việc học tập và lây nhiễm cho nhiều người. Nguy hiểm nhất là phụ nữ mang thai bị thủy đậu. Nếu nhiễm trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai nhi có nguy cơ bị sẩy hoặc bị đục thủy tinh thể khi ra đời. Trẻ em dưới 3 tháng bị bệnh cũng rất nguy hiểm. Vì vậy, phụ nữ được khuyên tiêm vắc-xin này trước khi mang thai ít nhất 1 tháng, vì bé có thể được kháng thể từ mẹ bảo vệ cho đến 9 tháng tuổi.

Nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng vừa trải qua một đợt dịch sởi từ cuối năm ngoái nên theo BS Khanh, có thể đến cuối tháng 6 đợt bệnh này mới hết hoàn toàn. Để phòng ngừa sởi thì cũng phải chích ngừa. Thống kê từ Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho thấy tuần cuối của tháng 1, toàn thành còn 126 ca sởi, đã giảm 20% so với trung bình 4 tuần trước đó.

Nếu trẻ đã chích ngừa sởi đủ 2 mũi thì có thể yên tâm khi lớn lên. Với phụ nữ tuổi sinh đẻ, nếu chưa tiêm ngừa sởi, không nhớ rõ chích nhắc mũi thứ 2 hay chưa, chích nhắc quá trễ và cũng chưa từng lên sởi thì nên đến cơ sở y tế tiêm ngừa trước khi mang thai 1-3 tháng. Vắc-xin này nếu chích dư mũi cũng không gây hại gì nhưng nếu để mắc bệnh khi mang thai thì rất nguy hiểm cho mẹ và con.

Cả 3 bệnh thủy đậu, quai bị, sởi đều chỉ mắc 1 lần trong đời, tức những ai từng bệnh thì cũng được miễn dịch suốt đời như người đã tiêm đủ vắc-xin. 

Đi khám ngay nếu sốt trên 2 ngày, sốt cao khó hạ

BS Nguyễn Minh Tiến cảnh báo dấu hiệu đầu tiên và dễ dàng nhất để phụ huynh nhận biết và nghi ngờ trẻ mắc SXH, sốt siêu vi, TCM, thủy đậu... chính là sốt. Nếu sốt trên 2 ngày, sốt cao khó hạ (không hoặc kém đáp ứng với thuốc hạ sốt) thì phải đưa trẻ đi khám ngay.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo