xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cấp cứu F0 bất kể giờ giấc

NGUYỄN THUẬN

TP HCM đang triển khai tổ phản ứng nhanh của phường, quận phối hợp trạm y tế lưu động cấp cứu bệnh nhân Covid-19 và cả bệnh nhân thông thường tại nhà

Hơn 1 giờ sáng một ngày cuối tháng 8-2021, bác sĩ (BS) Đinh Nho Tài - Trạm trưởng Trạm Y tế phường 11, quận Bình Thạnh, TP HCM; tổ trưởng tổ phản ứng nhanh - vẫn đang loay hoay làm hồ sơ bệnh án tại trạm y tế phường, điện thoại đổ chuông dồn dập, đầu dây bên kia giọng một người đàn ông hốt hoảng thông báo ba mình đang khó thở nhờ BS đến giúp.

Không bệnh nhân nào bị bỏ lại phía sau

BS Đinh Nho Tài lập tức mặc đồ bảo hộ, chạy xe máy đến nhà bệnh nhân cách chừng 700 m, trên đường đi, anh liên tục gọi đồng nghiệp và xe cứu thương đến hỗ trợ. Bảy phút sau, BS Tài đã có mặt tại số nhà 274/8 Nguyễn Văn Đậu (phường 11), bệnh nhân nam 58 tuổi đang có dấu hiệu suy hô hấp, thở nặng nhọc. BS Tài đo SpO2 (nồng độ ôxy trong máu) chỉ còn 55%, anh tiến hành cho bệnh nhân thở ôxy, 10 phút sau, SpO2 lên 80%.

Khai thác tiền sử bệnh từ người thân, được biết bệnh nhân đang bị bệnh gan, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), béo phì và hen suyễn. Bệnh nhân được test nhanh Covid-19, có kết quả âm tính SARS-CoV-2, xe cấp cứu cũng vừa đến, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Lúc xác nhận bệnh nhân được chuyển viện an toàn đã gần 3 giờ sáng, BS Tài cùng đồng nghiệp tiếp tục nhận thêm 3 ca cấp cứu khác, 6 giờ sáng lại có cuộc họp chống dịch. Hôm đó, BS Tài đã thức trắng đêm.

Cấp cứu F0 bất kể giờ giấc - Ảnh 1.

Tổ phản ứng nhanh phường 11, quận Bình Thạnh, TP HCM trong một lần chuyển bệnh nhân cấp cứu đến bệnh viện và bình ôxy lưu động được bác sĩ Tài gắn sau xe máy để tiện hỗ trợ bệnh nhân. Ảnh: ĐINH TÀI

TP HCM hiện có 312 tổ phản ứng nhanh và 401 trạm y tế lưu động. Người dân có thể tra cứu thông tin, số điện thoại của tổ phản ứng nhanh trên trang Facebook của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (https://www.facebook.com/ksbthcm)”.

BS Tài cho biết trường hợp cấp cứu ban đêm là không hiếm, hầu như ngày nào cũng có, tiếp nhận nhiệm vụ trong tổ phản ứng nhanh nên anh đã quen với việc này. Khi có ca cấp cứu, anh cùng đồng nghiệp cố gắng tiếp cận bệnh nhân nhanh nhất, bất kể ngày đêm. Nhận thấy nhiều ca cấp cứu phải thở ôxy nhưng đợi xe cấp cứu mang ôxy đến sẽ mất thời gian, BS Tài gắn hẳn bình ôxy nhỏ cơ động vào sau xe máy của mình để kịp hỗ trợ bệnh nhân.

"Là đội phản ứng nhanh nên chúng tôi xác định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ kịp thời cho bệnh nhân F0 và cả bệnh nhân thông thường. Dù công việc có nhiều áp lực nhưng chúng tôi quyết tâm không để bệnh nhân nào bị bỏ lại phía sau" - BS Tài tâm sự.

Đội phản ứng nhanh của phường 11, quận Bình Thạnh có 12 người, chia làm 2 đội, mỗi đội 6 người, chia ca trực cách ngày. Có 2 số điện thoại đường dây nóng gửi đến cho tất cả người dân của phường. Tất cả các ca cấp cứu đều được đội phản ứng nhanh tiếp nhận, sau đó kíp trực xuống nhà bệnh nhân đánh giá tình trạng bệnh, nếu không nghiêm trọng sẽ hướng dẫn bệnh nhân tiếp tục chăm sóc tại nhà, bệnh nặng sẽ cho chuyển viện.

Trên địa bàn phường có 3 trạm y tế lưu động, mỗi trạm phụ trách một khu vực, khi có ca cấp cứu, tổ phản ứng nhanh sẽ báo cho trạm lưu động nhanh chóng đến nhà bệnh nhân.

Giảm tải cho bệnh viện

Mô hình tổ phản ứng nhanh phối hợp trạm y tế lưu động chăm sóc, cấp cứu cho bệnh nhân F0 và bệnh nhân thông thường tại nhà, bước đầu cho thấy rất có hiệu quả. Khi nhận ca cấp cứu, tổ phản ứng nhanh phường 11, quận Bình Thạnh sẽ tiếp cận để đánh giá tình hình, phân luồng bệnh nhân, nếu bệnh nhẹ sẽ hướng dẫn tự điều trị tại nhà, bệnh nhân Covid-19 sẽ chuyển đến Bệnh viện quận Bình Thạnh hoặc Bệnh viện dã chiến Covid-19 Bình Thạnh.

Trường hợp bệnh nhân không mắc Covid-19, chỉ cấp cứu bệnh thông thường, tổ phản ứng nhanh sẽ chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Sự phân luồng ngay từ đầu giúp giảm tải đáng kể cho các bệnh viện. Hiện nay mỗi phường có một xe cấp cứu, khi cần thiết thì tổ phản ứng nhanh sẽ chủ động nhờ sự hỗ trợ của phường kế bên hoặc xe của khu cách ly.

Nhờ sự có mặt kịp thời của tổ phản ứng nhanh và trạm y tế lưu động, vợ chồng anh Nguyễn Văn Sang (32 tuổi; phường 6, quận Tân Bình) đã được test nhanh Covid-19 và hỗ trợ để sức khỏe trở lại bình thường. Anh Sang kể khi biết tin 2 người hàng xóm sát nhà mắc Covid-19, anh và vợ đang mang thai 5 tháng rất lo lắng. Mua test nhanh về thử, kết quả dương tính khiến họ sốc, hoảng loạn. Ngày 23-8, vợ khó thở, anh gọi điện nhiều lần cho tổ dân phố không được, anh tra trên internet số điện thoại của đội phản ứng nhanh phường 6.

Một lúc sau, xe cấp cứu đến đầu hẻm, 4 nhân viên y tế của tổ phản ứng nhanh và trạm y tế lưu động mang theo thuốc cấp cứu, bình ôxy, máy đo SpO2, kit test nhanh vào kiểm tra cho thai phụ. Sau khi được chăm sóc y tế, các chỉ số sức khỏe của chị dần ổn định. Vợ chồng anh Sang được test nhanh và lấy mẫu gửi đi làm RT-PCR, kết quả khẳng định dương tính. Vì thai phụ thuộc nhóm nguy cơ diễn tiến nặng, cả vợ chồng anh đã được đưa đi cách ly tập trung để tiện theo dõi sức khỏe.

BS Nguyễn Bá Tri - Trạm trưởng Trạm Y tế phường 6, thành viên tổ phản ứng nhanh - cho biết khi nhận ca cấp cứu, nhân viên y tế sẽ cố gắng tiếp cận sớm nhất, trong vòng 5 đến 10 phút. Mục tiêu phấn đấu là cố gắng nhanh nhất có thể, để giảm bớt nguy cơ bệnh nhân gặp tình trạng nguy hiểm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo