xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chấn thương nhẹ, chớ chủ quan

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Sau khi được sơ cứu chấn thương phần mềm ban đầu, người bệnh nên đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt để được bác sĩ chẩn đoán, nhận định mức độ tổn thương

Một số chấn thương phần mềm nếu xử lý ban đầu sai cách có thể khiến vết thương trầm trọng hơn.

Nguy cơ tổn thương mạch máu

Chấn thương nhẹ phần mềm (cơ, dây chằng, gân, da và các mô bao quanh…) là chấn thương rất thường gặp do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, té ngã… Chấn thương này gây ra các triệu chứng như vết bầm, phù nề, sưng đau…

Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM gần đây tiếp nhận khá nhiều ca chấn thương nhẹ phần mềm, cả một số ca nặng như đứt dây chằng chéo khớp gối, viêm gân, chấn thương vùng kín.

Trường hợp vừa mới đây là bệnh nhân N.M.K (42 tuổi, ngụ TP HCM). Bệnh nhân K. được chuyển đến BV trong tình trạng nhiễm trùng phần mềm, hoại tử một phần da chân phải. Trước đó, anh bị tai nạn giao thông, chân phải bị rách một đường dài, chảy máu nhiều, được đưa vào sơ cứu tại trạm y tế địa phương.

Do không được khử trùng triệt để trước khi khâu vết thương, cùng việc tự ý sử dụng dầu nóng để giảm đau, chân anh K. bị sưng to, nhiễm trùng dẫn đến hoại tử, phải tiến hành phẫu thuật cắt lọc và ghép da để điều trị vết thương.

Theo PGS-TS-BS Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Đại học Y Dược TP HCM, khi bị chấn thương, các tổ chức tế bào vỡ ra, sự liên kết giữa các mô bị phá vỡ. Lúc này, phản ứng viêm diễn ra giúp cô lập, xử lý và tái tạo sự sống tại khu vực tổn thương. Khi phản ứng viêm xảy ra quá mức sẽ gây ra tình trạng sưng, phù nề… phải can thiệp giảm viêm để tránh ảnh hưởng vận động phục hồi sau này.

Mỗi ngày, BV Đại học Y Dược TP HCM tiếp nhận 20 - 30 ca nhập viện điều trị do chấn thương. Trong trường hợp nhẹ, người bệnh được điều trị nội khoa và hướng dẫn chăm sóc vết thương tại nhà. Những trường hợp nặng, người bệnh buộc phải nhập viện theo dõi, hay có chỉ định phẫu thuật.

BS chuyên khoa II Võ Hòa Khánh, Trưởng Phòng Quản lý Chất lượng BV Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cho biết chấn thương phần mềm có thể gây ra những tổn thương như cơ, dây chằng, gân; tổn thương các thành phần khác như da, bao khớp và các tổ chức liên kết khác.

Tổn thương phần mềm nặng bao gồm tổn thương mạch máu và thần kinh. Phần mềm tổn thương sẽ làm chảy máu, dẫn đến tình trạng đau, sưng, phù nề, giảm hoặc mất chức năng vận động của chi. Chấn thương phần mềm ở những vùng như khoeo chân, đầu gối sẽ có nguy cơ dẫn đến tổn thương mạch máu, thần kinh làm thiếu máu chi.

Chấn thương nhẹ, chớ chủ quan - Ảnh 1.

Một trường hợp chấn thương phần mềm đến điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM

Không xoa bóp khi chấn thương phần mềm

Các hoạt động thể dục thể thao bên cạnh nhiều lợi ích cho sức khỏe, người chơi thể thao nghiệp dư nhiều khi phải đối mặt với những chấn thương trong quá trình tập luyện và thi đấu. Một số chấn thương trong lúc chơi thể thao có thể để lại nhiều di chứng nặng nề nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách.

ThS-BS Huỳnh Phương Nguyệt Anh, Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Đại học Y Dược TP HCM, cho biết chấn thương thể thao nhiều nhất là chấn thương nông ở phần mềm (da và mô dưới da), chấn thương hệ thống cơ, xương, khớp và các mô liên quan như sụn, dây chằng, trật khớp… Tùy theo loại chấn thương, vị trí và mức độ nghiêm trọng mà có những cách xử lý khác nhau.

"Không ít người dân có thói quen tự ý sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm để điều trị các chấn thương phần mềm. Bên cạnh công dụng giảm đau, một số thuốc có thể gây ra tác dụng phụ. Vì vậy, việc sử dụng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ, tránh việc sử dụng không đúng cách gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng, nhất là với những người có nhiều bệnh nền" - BS Nguyệt Anh tư vấn.

BS Nguyệt Anh cho biết thêm là không nên xoa bóp khi bị chấn thương phần mềm, vì xoa bóp sẽ làm tăng chảy máu, tăng phù nề làm tổn thương nặng lên. Tránh xoa bóp ít nhất trong 72 giờ đầu sau chấn thương. Không chườm nóng, vì chườm nóng sẽ làm tăng chảy máu. Lưu ý cần tránh tác động nhiệt nóng nào vào vùng tổn thương như chườm khăn nóng, rửa vòi nước ấm… trong 48 giờ đầu tiên. Chỉ chườm nóng (chườm ấm) sau 48 giờ.

Với việc sử dụng túi chườm, cần tìm hiểu khi chọn sử dụng cách chườm nóng hay chườm lạnh. Trong 3-5 ngày đầu, khi vết thương đang ở giai đoạn cầm máu, nên chườm lạnh để mạch máu co lại, cô lập vùng chấn thương và giảm sưng. Sau khi chuyển sang giai đoạn tái tạo mô thì mới tiến hành chườm nóng để làm giãn mạch, tăng cường dòng máu tới phục hồi vết thương.

Theo các bác sĩ tại Việt Nam, mỗi năm ước tính số trường hợp gặp phải chấn thương ở người chơi thể thao nghiệp dư lên đến hàng ngàn người. Do đó, những người chơi thể thao cần được tư vấn và hướng dẫn cách vận động phù hợp để phòng ngừa chấn thương.

Một số phương pháp dân gian như dùng mật gấu, dầu nóng, đắp rượu thuốc, lá cây… vào vùng tổn thương, các phương pháp này hoàn toàn không có tác dụng giảm sưng mà còn có thể gây phỏng da, khiến vết thương sưng, phù nề nhiều hơn.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo