xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giao lưu trực tuyến: Vì sao nhiều dịch bệnh diễn biến bất thường?

N. Dung

(NLĐO) - Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Điểm mặt bệnh nguy hiểm mùa thu - đông" được Bộ Y tế phối hợp với Báo Người Lao Động tổ chức từ 14 giờ đến 16 giờ ngày 4-10 (thứ 5) tại hai đầu cầu Hà Nội và TP HCM. Mời bạn đọc tham gia.

Giao lưu trực tuyến: Vì sao nhiều dịch bệnh diễn biến bất thường? - Ảnh 1.

Một cháu bé bị tay chân miệng, các bác sĩ phải cố định tay chân để bé không giật các thiết bị ra - Ảnh: ANH THƯ

Thời gian gần đây, nhiều dịch bệnh đang diễn biến phức tạp với sự gia tăng của các ca mắc sởi, tay chân miệng, cúm, sốt xuất huyết,… ở nhiều tỉnh, thành. Thêm vào đó, thời tiết vào mùa thu - đông đã tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát, lan rộng. 

Bệnh tay chân miệng hiện đã có mặt tại 63 tỉnh/thành phố với gần 54.000 ca mắc.Chỉ riêng tại TP HCM đã ghi nhận hơn 18.000 trường hợp mắc tay chân miệng và hơn 3.000 trẻ phải nhập viện điều trị. 

Trong khi đó, dịch sốt xuất huyết tiếp tục lây lan với hơn 56.000 ca mắc được ghi nhận. Tại miền Bắc, số mắc bệnh sởi và cúm mùa tiếp tục gia tăng.

Làm thế nào để chủ động đối phó với nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm mùa thu - đông? Diễn biến bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi... có gì bất thường? Những bệnh này đã có vắc-xin phòng ngừa, những dấu hiệu sớm để nhận biết bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm?

Những nội dung này sẽ được giải đáp chi tiết trong chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Điểm mặt bệnh nguy hiểm mùa thu - đông" được tổ chức từ 14 giờ đến 16 giờ (thứ 5) ngày 4-10 tại hai đầu cầu Hà Nội và TP HCM. Với sự tham gia của các khách mời:

BS Phạm Hùng, Trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)

 ThS-BS Nguyễn Trọng Toàn, Phó trưởng Khoa Kiểm soát- Phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP HCM

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực- chống độc, BV Nhi Đồng 1, TP HCM 

Mời bạn đọc tham gia đặt câu hỏi về chủ đề này ở phần đặt câu hỏi bên dưới.

Mai Hương

  14:05 ngày 04/10/2018

Thưa bác sĩ, con tôi 9 tháng, vừa chích sởi xong. Xin cho hỏi là bao lâu vắc-xin có tác dụng và bao lâu thì độ bảo vệ tăng lên 100%? Trước khi vắc-xin có tác dụng, tôi nên ngừa sởi bằng cách nào?

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang

Thường sau khoảng 4 tuần sau khi chích vắc-xin thì bé bắt đầu có miễn dịch tốt. Tuy nhiên, để có được độ bảo vệ 95-100% thì cần phải chích mũi sởi thứ 2 lúc 18 tháng. Trước khi vắc-xin có tác dụng, bạn nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với đám đông, nhất là tiếp xúc với các trẻ có phát ban. Vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ.

Phạm Bình

  14:06 ngày 04/10/2018

Con tôi sinh non 2 tháng, nếu tính theo ngày sinh đã đủ tuổi chích sởi (9 tháng). Tôi có nên đưa cháu đi chích bây giờ không? Trẻ sinh non chích có nguy hiểm không, có phải cộng thêm 2 tháng non và chích lúc 11 tháng không?

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang

Trẻ sinh non thường có cân nặng thấp hơn trẻ đủ tháng, có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cao hơn nên cần được chích ngừa đúng theo lịch. Nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả sinh kháng thể bảo vệ sau chích vắc-xin và các tác dụng không mong muốn tương tự nhau giữa trẻ đủ tháng và trẻ sinh non. Hiện nay, chúng ta ở mùa cao điểm của bệnh sởi nên bạn cần đưa con đi chích ngừa đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trần Thụy An

  14:15 ngày 04/10/2018

Thưa bác sĩ, con tôi từng bị tay chân miệng hồi năm 2011, nặng, do EV71. Xin cho hỏi như vậy cháu có được miễn dịch phần nào và bớt nguy cơ không ạ?

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang

Bệnh tay chân miệng không có miễn dịch vĩnh viễn do có nhiều loại enterovirus gây bệnh, vì vậy bé vẫn có thể mắc bệnh tay chân miệng. Vấn đề quan trọng là chẩn đoán sớm và đến cơ sở y tế kịp thời để điều trị.

Phạm An

  14:19 ngày 04/10/2018

Tôi có đọc báo và đọc phát biểu của Viện Pasteur về chủng virus EV71 đã biến thể từ B5 sang C4. Xin cho hỏi chủng C4 này ở Việt Nam từng xuất hiện chưa và nguy hiểm đến cỡ nào?

ThS-BS Nguyễn Trọng Toàn

Hệ thống giám sát của Viện Pasteur TP HCM đã phát hiện có sự thay đổi thứ nhóm gien của vi-rút gây bệnh tay chân miệng. Theo đó, giai đoạn 2012 - 2017, ghi nhận sự lưu hành ưu thế thứ nhóm gien B5 và tăng dần thứ nhóm gien C4 (của chủng vi-rút EV71). Sự dịch chuyển thứ nhóm gien C4 này khiến cho cộng đồng chưa có miễn dịch, dễ xảy ra nhiều ca mắc hơn và làm gia tăng nguy cơ gây dịch, nhất là trong bối cảnh thứ nhóm gien C4 dễ gây biến chứng nặng, đặc biệt ở trẻ em dưới 5 tuổi, cao gấp 1,7 lần so với các thứ nhóm gien khác của vi-rút EV71. Như vậy, nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng hiện hữu tại phía Nam nếu chính quyền, ngành y tế các cấp và cộng đồng không kiên trì thực hiện quyết liệt, liên tục, đồng bộ các biện pháp phòng bệnh.

Trong 20 năm qua, dịch tay chân miệng lớn nhất tại Việt Nam là năm 2011 với hơn 113.000 trường hợp mắc và 170 trường hợp tử vong, cũng do chuyển đổi sang thứ nhóm gien C4 này. Trên thế giới, nhiều vụ dịch lớn do thứ nhóm gien C4 cũng được ghi nhận như tại Trung Quốc năm 2009 với hơn 1,5 triệu trường hợp mắc và 353 trường hợp tử vong, tại Campuchia năm 2012 với 54 trường hợp tử vong.

Nguyễn Duyên

  14:19 ngày 04/10/2018

Xin bác sĩ chỉ cho tôi các dấu hiệu phát hiện sớm bệnh tay chân miệng, dấu hiệu nào cho thấy tôi nên đưa cháu đi khám, dấu hiệu nào cần cấp cứu?

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang

Dấu hiệu sớm phát hiện tay chân miệng là:

- Bé sốt.

- Đau họng, loét họng.

- Xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, ở đầu gối, ở mông.

Khi có các dấu hiệu nêu trên, chị cần đưa bé đến cơ sở y tế để khám bệnh.

Các dấu hiệu nặng, cần đưa tới cơ sở y tế để cấp cứu là:

- Bé sốt cao, liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

- Giật mình, chới với.

- Run chi, đi đứng loạng choạng.

- Bé đừ, nôn ói nhiều.

- Bé thở bất thường.

- Da nổi bông tím, tay chân lạnh.

- Bé mê.

Nam Hải (Hà Nội)

  14:26 ngày 04/10/2018

Xin chuyên gia đánh giá tình hình dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết và dịch sởi tại các tỉnh phía Nam thời điểm này. Vì sao sốt xuất huyết và tay chân miệng lại tăng cao ở phía Nam trong khi miền Bắc lại ít hơn? Vấn đề đáng ngại nhất tại thời điểm này là vấn đề gì thưa chuyên gia?

ThS-BS Nguyễn Trọng Toàn

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh do muỗi truyền, bệnh nguy hiểm vì tốc độ lây lan nhanh, có thể gây tử vong nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và dự phòng. Các tỉnh, thành phố phía Nam là nơi lưu hành chủ yếu của bệnh sốt xuất huyết Dengue, chiếm trên 60% ca mắc so với cả nước. Miền Nam với khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều quanh năm, thích hợp cho muỗi truyền bệnh sinh sôi phát triển khiến cho tốc độ lây truyền bệnh lớn hơn, nhanh hơn, mầm bệnh được phát tán quanh năm.

Năm 2018, bệnh sởi trên thế giới có những diễn biến bất thường. Tại châu Âu, mặc dù tỷ lệ miễn dịch khá cao, phòng chống tốt nhưng trong 8 tháng đầu năm 2018, ghi nhận 47.098 trường hợp mắc sởi. Nhiều nước châu Á cũng có tỷ lệ bệnh nhân mắc sởi cao. Tại khu vực phía Nam, sự gia tăng bệnh sốt phát ban/sởi bắt đầu từ giữa tháng 8. Số ca mắc chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi, phần lớn tập trung tại vùng Đông Nam Bộ, như Đồng Nai, TP HCM và Bình Dương.

Bệnh tay chân miệng hiện đang vào mùa, số bệnh nhân thường tăng cao vào tháng 8 đến tháng 11. Năm 2018 so với cùng kỳ giảm 31% nhưng trong tháng 8, 9 số ca tăng rất nhanh, cao hơn khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2017 và các năm trước đó. Số ca bệnh tại phía Nam chiếm 70% số ca mắc của cả nước

Trần Thị Trà

  14:27 ngày 04/10/2018

Sau cơn khủng hoảng bệnh tay chân miệng năm 2011, lần này EV71 quay lại, ngành y tế có kế hoạch nào để đừng xảy ra nhiều ca tử vong như năm 2011 không?

ThS-BS Nguyễn Trọng Toàn

Vận dụng bài học kinh nghiệm từ vụ dịch 2011, các hướng dẫn cập nhật trong giám sát, phòng chống, phân độ và điều trị bệnh tay chân miệng được ban hành và triển khai toàn quốc. Dấu hiệu cảnh báo dịch, thay đổi chủng gây bệnh tay chân miệng đã được ghi nhận sớm hơn từ hệ thống giám sát rộng khắp. Như thời gian qua, sự gia tăng số ca mắc và sự thay đổi thứ nhóm gien của vi -rút EV71 đã sớm được ghi nhận từ tháng 8-2018. Theo đó, công tác chỉ đạo phòng chống dịch đã được triển khai ngay trong toàn khu vực. Thêm nữa, hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm trực tuyến đã giúp  các ổ dịch, điểm nóng sớm được phát hiện, điều tra và xử lý kịp thời, qua đó giới hạn sự lây lan của bệnh.

Trong các năm qua, công tác điều trị cũng được củng cố qua việc tổ chức tập huấn thường xuyên, chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc điều trị của tuyến trên xuống tuyến dưới. Năng lực dự phòng và điều trị đã được tăng cường để sẵn sàng ứng phó dịch tay chân miệng, khống chế không để dịch lan rộng kéo dài và hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

HUỲNH THỊ MỸ PHƯỢNG

  14:28 ngày 04/10/2018

Thưa bác sĩ, con em bị sốt (7 giờ sốt 1 lần và sốt 38 độ C) nổi hồng ban và lở trắng trong miệng, không lở ở lòng bàn tay chân. Em đưa bé đi khám cách đây 2 ngày, bác sĩ có cho thuốc uống 5 ngày và nói về nhà theo dõi tay chân miệng. Vây con em có bị tay chân miệng không và khi nào thì cần đưa ngay đến bệnh viện?

BS Nguyễn Trung Cấp

Khi trong cộng đồng đang có dịch tay chân miệng và trẻ có các mụn nước và lở loét ở tay chân miệng thì đều có thể nghĩ đến trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Bệnh tay chân miệng do virus cosakie gây ra thường nhẹ nhưng nếu do virus EV71 gây ra có thể diễn biến nặng nên những trẻ bị tay chân miệng cần theo dõi sát, nếu có dấu hiệu nặng như sốt liên tục không kiểm soát được, mệt lả, đờ đẫn, chân tay co giật, khó thở cần phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Nguyễn Trung

  14:29 ngày 04/10/2018

Dịch tay chân miệng hiện nay bùng phát rất nhiều nơi. Xin cho hỏi có cách nào bảo vệ cho trẻ tốt không? Tôi thấy lây lan kiểu này chắc là phải cho con nghỉ học một thời gian quá!

BS Nguyễn Trung Cấp

Bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hoá, khi thức ăn, nước uống bị ô nhiễm mầm bệnh hoặc bề mặt, vật dụng bị ô nhiễm thì khi ăn, tiếp xúc có thể nhiễm bệnh. Do đó, để dự phòng, phải đảm bảo tốt việc ăn chín, uống sôi, vệ sinh bàn tay, vật dụng, các bề mặt nghi ngờ nhiễm virus. Những trẻ đang bị bệnh nên cách ly để tránh lây lan cho những trẻ khác.

Phạm Đăng Xuân (Đồng Nai)

  14:30 ngày 04/10/2018

Bác sĩ vui lòng chỉ cho tôi cách phát hiện bệnh sởi sớm? Trường hợp nào nên đưa bé đi viện?

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang

Các dấu hiệu chẩn đoán sớm bệnh sởi:

- Bé sốt, ho, sổ mũi, mắt đỏ.

- Phát ban ở mặt, lan xuống thân, tay, chân.

Tất cả các trường hợp có các dấu hiệu nêu trên, nghi ngờ phát ban dạng sởi, phải đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ phát hiện các biến chứng do sởi, từ đó có thể nhập viện kịp thời.

Phương Ngọc

  14:30 ngày 04/10/2018

Bệnh sởi lây qua những con đường nào, nếu đã mắc sởi một lần thì có bị lại không? Tôi hồi nhỏ từng mắc sởi, vậy con mới sinh của tôi có được truyền kháng thể từ tôi không ạ?

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang

Bệnh sởi lây qua đường hô hấp, qua các dịch tiết, nước bọt của người bệnh. Nếu đã mắc sởi một lần thì có miễn dịch vĩnh viễn. Nếu chị đã từng mắc sởi, con chị sẽ được truyền kháng thể từ mẹ qua, có thể bảo vệ cho trẻ trong 6-9 tháng sau sinh.

Trần Thị Hoài My

  14:31 ngày 04/10/2018

Nếu tôi chích sởi trước khi mang thai thì con tôi có kháng thể sởi không, thưa bác sĩ? Kháng thể này bảo vệ bé được bao lâu? Nếu không chích, con tôi có dễ bệnh hơn không?

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang

Nếu chị chích sởi trước khi mang thai thì kháng thể từ mẹ sẽ truyền sang con. Tuy nhiên, hiệu giá kháng thể thấp, vì vậy trẻ vẫn có thể mắc bệnh. Để có sự bảo vệ tốt, cần cho trẻ chích ngừa sởi lúc 9 tháng.

Phạm Ngọc Ninh

  14:31 ngày 04/10/2018

Tại sao có năm tay chân miệng bị nhiều nhưng lại toàn bệnh nhẹ, có năm bị có vẻ ít nhưng lại nặng? Có phải trường hợp nào phát hiện bệnh tay chân miệng cũng cần đi khám không, hay khi có dấu hiệu nặng nào mới phải đi?

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang

Năm nay, bệnh tay chân miệng có khuynh hướng nặng vì sự xuất hiện trở lại của chủng enterovirus 71 (EV71). Đây là loại virus thường gây bệnh cảnh tay chân miệng nặng, có thể có biến chứng tổn thương não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, có thể gây tử vong.

Tất cả các trường hợp phát hiện hoặc nghi ngờ tay chân miệng nên đến cơ sở y tế để được khám bệnh và tư vấn.

Quỳnh

  14:33 ngày 04/10/2018

Mùa thu - đông ở miền Bắc thường xảy ra rất nhiều dịch bệnh, từ viêm đường hô hấp đến tay chân miệng, sởi, viêm phổi, tiêu chảy... Tình trạng này là do đâu? Có biện pháp gì để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm này?

BS Nguyễn Trung Cấp

Vào mùa thu đông, một số virus có xu hướng sẽ gia tăng, đặc biệt là các virus lây truyền qua đường hô hấp. Thông thường trong mùa lạnh, niêm mạc đường hô hấp dễ bị tổn thương, giảm sức đề kháng khiến cơ thể dễ nhiễm virus hơn. Một số giai đoạn cuối thu đầu đông, miền Bắc thường có mưa phùn, nồm ẩm làm các giọt dịch tiết đường hô hấp của người bệnh phát tán ra tồn lưu lâu hơn trong không khí và các vật dụng, làm tăng nguy cơ lan rộng của mầm bệnh.

Để dự phòng, mọi người nên giữ ấm cổ, mũi khi trời lạnh. Trong cộng đồng có dịch xuất hiện, nên hạn chế đến chỗ đông người, những người có biểu hiện bệnh nên chú ý đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi để tránh phát tán mầm bệnh ra môi trường. Người tiếp xúc gần với bệnh nhân nên đeo khẩu trang, che miệng và rửa tay thường xuyên, vệ sinh bề mặt, vật dụng ô nhiễm.

Ngoài ra, mọi người có thể tiêm phòng đối với những bệnh đã có vắc-xin như cúm, sởi...

Khánh Minh

  14:34 ngày 04/10/2018

Tôi chưa từng mắc sởi và chưa chích sởi. Tôi đang chăm một đứa con 9 tháng bị sởi. Xin bác sĩ cho hỏi tôi có nguy cơ lây bệnh không? Nếu không bị lây, tôi có nguy cơ biến thành vật trung gian đem bệnh đến cho đứa con còn lại không? Còn trong bệnh tay chân miệng, người lớn cũng dễ thành trung gian truyền bệnh lắm phải không?

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang

Anh chưa từng mắc sởi và chưa chích sởi nên có nguy cơ mắc bệnh sởi khi chăm sóc bé. Anh có thể bị lây bệnh và mang mầm bệnh cho đứa con còn lại. Vì vậy, khi chăm sóc bé bị bệnh, anh cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch bằng xà bông sau khi chăm sóc bé. Tốt nhất, anh nên hạn chế tiếp xúc với bé còn lại.

Trong bệnh tay chân miệng, người lớn cũng có thể mang mầm bệnh từ trẻ bệnh sang trẻ lành, qua các dịch tiết, phân của trẻ bệnh. Vì vậy, biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng là vệ sinh sạch sẽ, rửa tay, sát trùng đồ chơi và các vật dụng, lau sàn nhà.

Nguyễn Hữu Khanh

  14:34 ngày 04/10/2018

Chào quý bác sĩ Nhà tôi ở TP HCM có 4 người, 2 bé lên 7 và 9. Vậy có nên cho cả gia đình chích ngừa cúm hàng năm? Lợi hại thế nào và các bé có nên chích ngừa luôn không?

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang

Chích ngừa cúm thường được khuyến cáo trong những vùng có dịch cúm, cho các đối tượng có nguy cơ bệnh cao như: trẻ non tháng, mắc các bệnh lý mãn tính (bệnh tim, bệnh phổi mãn...), người già trên 65 tuổi. Các trường hợp này nên được khuyến cáo chích ngừa hàng năm. Nếu gia đình bạn có nhu cầu chích ngừa, nên đến cơ sở y tế để được tư vấn.

Nguyễn Thu Mai

  14:35 ngày 04/10/2018

Tôi có 2 con nhỏ 4 tuổi và 6 tuổi nên rất lo lắng dịch bệnh tay chân miệng. Nghe nói hiện đã có 2 loại vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng, cụ thể là virus EV71 nhưng chưa triển khai đại trà. Đại diện đơn vị Bộ Y tế, Viện Pasteur có thể cung cấp cho chúng tôi thêm thông tin về vắc-xin này, đã sử dụng lâm sàng chưa, khi nào trẻ được tiêm?

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang

Hiện nay đã có hai loại vắc-xin phòng tay chân miệng do EV71 gây nên, đang được thử nghiệm tại Trung Quốc. Để có thể được sử dụng trên toàn thế giới, cần phải có thời gian kiểm định tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin (vài năm). Vì vậy, hiện nay tại nước ta vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng.

Vũ Thu Hà

  14:36 ngày 04/10/2018

Năm nào tôi cũng tiêm vắc-xin ngừa cúm nhưng thi thoảng tôi vẫn bị nhiễm cúm. Có phải cơ địa tôi không đáp ứng với vắc-xin hay còn một lý do nào khác, thưa chuyên gia?

BS Nguyễn Trung Cấp

Virus cúm là virus có tính biến đổi rất mạnh nên thông thường chủng cúm của mỗi năm đều có đặc tính kháng nguyên khác nhau. Vì thế, vắc-xin cúm chỉ có hiệu lực trong vòng 1 năm, khi sang năm khác chủng thay đổi nên vắc-xin cũ sẽ không còn hiệu lực, nên để ngừa cúm cần phải tiêm vắc-xin hàng năm.

Nguyễn Thị Thúy Ngà

  14:38 ngày 04/10/2018

Tôi ở tỉnh Bình Phước, đang có con nhỏ nên rất lo lắng. Nghe nói hiện tượng trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng rất đông, dồn dập, mỗi giờ phải tiếp nhận cả chục trẻ, Bệnh viện Nhi đồng 1 quá tải, giờ phải trưng dụng cả căn-tin để chứa người. Vậy xin hỏi nếu số trẻ tiếp tục đưa vào với số lượng lớn thì liệu khả năng tiếp nhận của bệnh viện có đáp ứng nổi không?

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang

Các trẻ bị tay chân miệng có thể được điều trị tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên. Chỉ có các trường hợp nặng (độ 3, 4) mới cần chuyển đến các bệnh viện tuyến cuối như Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhi Đồng Thành phố. Nếu chẳng may con bạn bị tay chân miệng, bạn cần đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Quang Nguyễn

  14:39 ngày 04/10/2018

Tôi có đọc thông tin cùng một bệnh nhưng nguyên nhân lại khác nhau có thể do virus hoặc vi khuẩn. Vậy với những bệnh có triệu chứng gần giống nhau thì làm sao để phân biệt được chính xác nguyên nhân? Điều trị có gì khác nhau?

BS Nguyễn Trung Cấp

Các tác nhân bệnh khác nhau nếu gây tổn thương ở cùng một cơ quan thì có thể biểu hiện lâm sàng tương tự nhau. Chẳng hạn viêm họng có thể do vi khuẩn, virus hoặc trào ngược dịch dạ dày nên để phân biệt được các nguyên nhân đòi hỏi thầy thuốc phải hỏi bệnh, phải khám kỹ và sử dụng các xét nghiệm cần thiết để phân định.

Về điều trị, thông thường những tác nhân do vi khuẩn có đáp ứng với kháng sinh, còn tác nhân do virus thuốc kháng sinh không có tác dụng. Việc điều trị cụ thể trên mỗi bệnh nhân sẽ do thầy thuốc căn cứ vào tình trạng của bệnh nhân để quyết định.

Lê Thùy Dung

  14:39 ngày 04/10/2018

Tôi thấy nhiều thông tin cho rằng không nên cho trẻ nhập viện khi nghi bị bệnh sởi. Nếu vậy chăm sóc tại nhà như thế nào là đúng nhất để trẻ mau khỏe mạnh? Cảm ơn bác sĩ.

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang

Trẻ bị sởi nên được đưa đến khám tại cơ sở y tế để được điều trị. Nếu trẻ có biến chứng sẽ được nhập viện; nếu không có thể được điều trị tại nhà. Cách chăm sóc trẻ tại nhà nếu như trẻ được bác sĩ cho điều trị ngoại trú sẽ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Huỳnh Thanh Nga

  14:40 ngày 04/10/2018

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh thường gặp nhưng vẫn thường xuyên có người bị tử vong. Vậy, theo bác sĩ, vì sao có các trường hợp tử vong đáng tiếc như vậy?

BS Nguyễn Trung Cấp

Bệnh sốt xuất huyết do virus dengue gây ra, chúng thường gây 2 tình trạng lâm sàng nặng: một là tăng tính thấm thành mạch gây thoát dịch. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến cô đặc máu và sốc. Nếu bệnh nhân không được xử trí phù hợp và kịp thời có thể dẫn đến tử vong do sốc và suy đa phủ tạng. Hai là, chúng gây giảm tiểu cầu trong máu dẫn đến nguy cơ chảy máu ở người bệnh. Nếu chảy máu nội tạng như: xuất huyết tiêu hoá, băng kinh, xuất huyết não... mà không kiểm soát được cũng có thể dẫn đến tử vong.

Thai

  14:47 ngày 04/10/2018

Kính gửi BS Quang, BV Nhi đồng 1: BV có ý kiến gì về 6 ca tử vong vừa qua tại miền Nam? BV đang đối phó như thế nào và chuẩn bị gì trong khi cả 3 bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết đang gia tăng? Làm thế nào để giảm tử vong?

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang

Hiện nay, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, trang thiết bị, thuốc men để đối phó với dịch bệnh, đặc biệt là tay chân miệng, sốt xuất huyết nặng. Để điều trị tốt, các bệnh này, bệnh viện đã tổ chức huấn luyện cho toàn bộ nhân viên cách chẩn đoán, xử trí thích hợp. Đồng thời, để nâng cao năng lực điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tăng cường huấn luyện trực tuyến, thảo luận bệnh án qua telemedicine, tham vấn trực tuyến đối với các trường hợp nặng qua các phần mềm Viber, Zalo... nhằm tạo điều kiện cho các bệnh nhân tại tuyến tỉnh có thể được theo dõi và điều trị trực tiếp bởi các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng 1. Từ đó, có thể giảm tải cho tuyến trên.

Trần Thế Hoà

  14:47 ngày 04/10/2018

Theo tôi biết nhiều dịch bệnh hiện nay chưa có thuốc và chưa có vắc-xin, vậy những bệnh có nguyên nhân do virus thì làm thế nào để điều trị khỏi?

BS Nguyễn Trung Cấp

Thông thường với bệnh đã có thuốc điều trị thì các thầy thuốc sẽ chỉ định thuốc điều trị đặc hiệu, những mầm bệnh chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin thì bệnh nhân sẽ được điều trị để điều chỉnh những rối loạn trong cơ thể, hỗ trợ các cơ quan bị tổn thương để người bệnh vượt qua giai đoạn bệnh.

Tuy nhiên, cũng có mầm bệnh mà độc lực quá mạnh như virus Ebola, không phải trường hợp nào cũng điều trị hỗ trợ thành công.

Thu Hoài

  14:49 ngày 04/10/2018

Những virus nào hay tấn công phụ nữ mang thai? Vì sao virus lại nguy hiểm trong 3 tháng đầu thai kỳ? Cảm ơn chuyên gia.

BS Nguyễn Trung Cấp

Có rất nhiều mầm bệnh có thể ảnh hưởng đến thai nhi như: cúm, rubella... Thông thường, trong 3 tháng đầu, thai nhi hình thành các cơ quan, bộ phận nên nếu nhiễm các loại virus như kể trên có thể dẫn đến sẩy thai hoặc dị tật thai nhi. Một số mầm bệnh trong 3 tháng cuối có thể dẫn đến tình trạng sinh non hoặc trẻ bị nhiễm bệnh chu sinh, tức là nhiễm bệnh từ trong bụng mẹ. Do đó, trước khi có ý định mang thai, nên tiêm phòng để dự phòng đối với những bệnh đã có vắc-xin như: cúm, rubella, sởi, viêm gan B...

Hồng Quang

  14:49 ngày 04/10/2018

Ở người lớn, nếu mắc sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết có thể bị biến chứng nặng không?

BS Nguyễn Trung Cấp

Bệnh tay chân miệng ở người lớn thường nhẹ, tuy nhiên sởi và sốt xuất huyết có những bệnh nhân diễn biến rất nặng, thậm chí tử vong.

Hoàng

  14:51 ngày 04/10/2018

Có phải virus gây bệnh tay chân miệng biến đổi gây bệnh nặng hơn không?

ThS-BS Nguyễn Trọng Toàn

Trong số các vi-rút đường ruột, coxsackievirus A16 (CA16) và EV71 là các tác nhân phổ biến gây bệnh tay chân miệng. Trong khi nhiễm CA16 thường gây bệnh nhẹ và ít gây biến chứng thần kinh; nhiễm EV71 thường liên quan đến các biến chứng thần kinh nặng và có thễ dẫn đến tử vong vì vi-rút này gây nhiễm và tấn công tế bào. Vi-rút EV71 bao gồm nhiều thứ nhóm gen khác nhau, lưu hành chủ yếu tại các nước châu Á Thái Bình Dương. Nhiễm vi-rút EV71 gây biến chứng thần kinh cao gấp 5,1 lần so với nhiễm các vi-rút đường ruột khác gây bệnh tay chân miệng. Đa số các trường hợp tử vong đều phát hiện do nhiễm vi-rút EV71: 93% trường hợp tử vong tại Trung Quốc năm 2008-2012, 82% trong vụ dịch tay chân miệng tại Việt Nam năm 2011 và 100% trong số các trường hợp tử vong trong năm nay có mẫu xét nghiệm.

Cho đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có lưu hành vắc-xin phòng ngừa nhiễm vi-rút EV71 tại Việt Nam. Chính vì vậy thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và đưa trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất là biện pháp vô cùng quan trọng nhằm phòng ngừa mắc bệnh tay chân miệng và hạn chế các biến chứng gây tử vong của vi -rút EV71.

Phạm Thị Trân

  14:51 ngày 04/10/2018

Tôi nghe nói có vài ca người lớn mắc tay chân miệng, không biết thực hư ra sao? Xin cho hỏi người lớn có nguy cơ bị tay chân miệng không và khi bị có nặng không? Mẹ tôi (60 tuổi) đang cùng chúng tôi chăm 2 con cùng bị tay chân miệng, tôi rất sợ người già bị lây sẽ nguy hiểm…

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang

Người lớn có thể mắc tay chân miệng nhưng thường nhẹ hơn so với trẻ.

Hoàng Thị Vân

  14:52 ngày 04/10/2018

Trên thế giới có vắc-xin trị tay chân miệng chưa? Trẻ bị tay chân miệng rồi thì có được chút kháng thể nào không? Con trai tôi năm nay 4 tuổi, mới bị tay chân miệng cách đây gần nửa năm, không biết lần này cháu có miễn nhiễm?

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang

Hiện nay đã có 2 loại vắc-xin phòng tay chân miệng do EV71 gây nên, đang được thử nghiệm tại Trung Quốc. Để có thể được sử dụng trên toàn thế giới, cần phải có thời gian kiểm định tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin (vài năm). Vì vậy, hiện nay tại nước ta vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng.

Nguyễn Quân (Đồng Nai)

  14:53 ngày 04/10/2018

Thưa bác sĩ, làm sao nhận biết được bệnh sởi ở trẻ nhỏ? Nên chăm sóc cho trẻ như thế nào để tránh bị nặng?

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang

Các dấu hiệu chẩn đoán sớm bệnh sởi:

- Bé sốt, ho, sổ mũi, mắt đỏ.

- Phát ban ở mặt, lan xuống thân, tay, chân.

Tất cả các trường hợp có các dấu hiệu nêu trên, nghi ngờ phát ban dạng sởi, phải đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ phát hiện các biến chứng do sởi, từ đó có thể nhập viện kịp thời.

Việc chăm sóc trẻ, bạn nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ánh Tuyết

  14:53 ngày 04/10/2018

Sau khi tiêm bao lâu thì vắc-xin có thể bảo vệ cho cơ thể tránh được bệnh đã tiêm chủng? Với những dịch bệnh đang bùng phát những bệnh nào đã có vắc-xin ngừa bệnh?

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang

Thường sau khoảng 4 tuần sau khi chích vắc-xin thì bé bắt đầu có miễn dịch. Tuy nhiên, để có miễn dịch bảo vệ cơ thể tốt, cần cho trẻ tiêm nhắc theo lịch, tùy theo loại vắc-xin. Với các bệnh đang bùng phát hiện nay, bệnh sởi đã có vắc-xin, tay chân miệng và sốt xuất huyết thì chưa có vắc-xin hiệu quả.

Hồng Vân

  14:55 ngày 04/10/2018

Tại sao bệnh do EV71 lại gây bệnh cảnh nặng nề hơn các chủng virus khác? Dấu hiệu nào để cảnh báo phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay, thưa bác sĩ?

PGS-TS-BS Phạm Văn Quang

Bệnh tay chân miệng do EV71 gây ra bệnh cảnh nặng nề hơn so với các chủng virus khác vì EV71 thường gây tổn thương thân não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, dễ dẫn tới tử vong.

Dấu hiệu sớm phát hiện tbệnh ay chân miệng là:

- Bé sốt.

- Đau họng, loét họng.

- Xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, ở đầu gối, ở mông.

Khi có các dấu hiệu nêu trên, chị cần đưa bé đến cơ sở y tế để khám bệnh.

Các dấu hiệu nặng, cần đưa tới cơ sở y tế để cấp cứu là:

- Bé sốt cao, liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

- Giật mình, chới với.

- Run chi, đi đứng loạng choạng.

- Bé đừ, nôn ói nhiều.

- Bé thở bất thường.

- Da nổi bông tím, tay chân lạnh.

- Bé mê.

Hà Trần

  14:58 ngày 04/10/2018

Ông đánh như thế nào về tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết thời gian vừa qua? Tại sao năm nay khu vực miền Nam dịch lại xuất hiện nhiều so với những năm trước. Miền Nam đang có sự gia tăng của sốt xuất huyết, tay chân miệng. Vậy trong điều kiện dịch tễ Hà Nội và 1 số tỉnh khác,liệu các dịch bệnh này có nguy cơ bùng phát hay không?

BS Phạm Hùng

Tay chân miệng và sốt xuất huyết là những bệnh lưu hành với số mắc cao ở hầu hết các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Ở nước ta, hàng năm có khoảng 100.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cũng khoảng 80.000 trường hợp mắc tay chân miệng.

Tuy tỉ lệ mắc bệnh ở các vùng miền, tỉnh, thành phố có khác nhau nhưng bệnh xảy ra ở hầu hết các địa bàn trên cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận trên 53.000 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2017; trên 67.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 53% so với cùng kỳ năm 2017. Số trường hợp mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng giảm mạnh ở cả 4 khu vực và phần lớn các tỉnh thành trong cả nước. Tuy vậy, số ca mắc trong tháng 9 cao hơn số ca mắc trong tháng 8 và các tháng trước đó. Đặc biệt, một số tỉnh, thành phố phía Nam có số ca mắc tay chân miệng gia tăng liên tục trong những tuần gần đây và có tổng số ca mắc 9 tháng năm 2018 tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Ninh Thuận, Quảng Ngãi.

Bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng thường gia tăng số ca mắc vào thời gian các tháng cuối năm, do điều kiện thời tiết thuận lợi, trẻ em, học sinh tập trung vào năm học mới nên gia tăng nguy cơ lây lan trong nhóm các đối tượng này khi có trường hợp mắc bệnh.

Hiện nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết, vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng nên việc phòng bệnh phụ thuộc chủ yếu vào các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.

Đối với phòng bệnh tay chân miệng, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ, cho người chăm sóc trẻ, đảm bảo thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm; thường xuyên vệ sinh lau rửa dụng cụ, đồ chơi, vật dụng, sàn nhà nơi trẻ sinh hoạt và học tập.

Đối với phòng bệnh sốt xuất huyết, cần tập trung loại trừ các ổ bọ gậy nguồn bằng việc loại bỏ các ổ đọng nước sạch như các dụng cụ phế thải, vật dụng có thể tích nước lâu ngày; phối hợp với ngành y tế phun thuốc diệt muỗi, thực hiện ngủ màn kể cả ban ngày, phòng chống muỗi đốt bằng kem bôi, mặc quần áo dài.

Trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, cần đến cơ sở y tế sớm để được khám và điều trị kịp thời để hạn chế diễn biến nặng, đồng thời cách ly phòng tránh lây nhiễm cho người khác.

Nguyễn Hà Phương

  14:58 ngày 04/10/2018

Thưa ông, tình trạng bệnh nhi mắc sởi gia tăng tại Hà Nội có mối liên quan gì đến chu kỳ 4 năm lặp lại của bệnh dịch này?

BS Phạm Hùng

Trong 9 tháng năm 2018, bệnh sởi xuất hiện rải rác tại 28 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở khu vực miền Bắc, không có ổ dịch lớn. Số trường hợp mắc bệnh chủ yếu ở trẻ nhỏ, trong đó nhóm dưới 9 tháng tuổi chiếm 26,3% và nhóm 1-4 tuổi chiếm 31,9%. Hầu hết bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi hoặc không được tiêm đủ mũi vắc-xin (83,8%).

Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, rất dễ lây lan. Trẻ chưa được tiêm phòng sởi, chưa có miễn dịch với bệnh sởi rất dễ bị nhiễm bệnh, đặc biệt trong mùa đông xuân. Nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới tại các địa bàn có tỉ lệ tiêm chủng thấp, khu vực di biến động dân cư lớn, khó kiểm soát đối tượng tiêm chủng.

Huyền Thương

  15:00 ngày 04/10/2018

Số ca mắc và những biểu hiện của bệnh sởi năm nay có gì bất thường so với năm trước không? Nhất là khu vực miền Nam, năm nay số mắc sởi nhiều, còn ở miền Bắc sởi xuất hiện "trái mùa”.

BS Phạm Hùng

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi rút sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều.

Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết mát, ẩm kéo dài. Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. 

Hiện nay chưa có dấu hiệu bất thường về bệnh sởi cũng như tác nhân gây bệnh sởi.

Vũ Hữu Quyền

  15:00 ngày 04/10/2018

Năm 2018 tôi thấy có nhiều người bị nhiễm cúm, ngay trong gia đình tôi cũng tới một nửa thành viên bị cúm. Vậy chủng cúm năm nay có gì biến đổi lạ hay không. Xu hướng cúm hiện nay sẽ như thế nào. Đã có lo ngại nào trên thế giới về sự xuất hiện chủng cúm mới hay không?

ThS-BS Nguyễn Trọng Toàn

Hiện nay, một hệ thống giám sát cúm mang tính toàn cầu với 144 trung tâm cúm thông qua việc thu thập mẫu hàng ngày, hàng tuần tại các điểm "nóng", Việt Nam có 2 trung tâm cúm đặt tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP.HCM. Hàng năm, 144 điểm này thu nhập khoảng 3 triệu mẫu để đánh giá sự biến đổi của chủng virus về độc lực, khả năng lây lan, mức độ lâm sàng của các chủng cúm lưu hành, cũng như để sản xuất vắc-xin. Kết quả hệ thống giám sát đến nay cho thấy chưa có biến đổi chủng virus cúm lưu hành.

 

Nguyễn Tuyến Mạnh

  15:01 ngày 04/10/2018

Bệnh sốt xuất huyết có dễ lây trong môi trường đông người như: trường học, xưởng may... không? Những người nào thì có nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết?

ThS-BS Nguyễn Trọng Toàn

Nơi nào có muỗi vằn, nơi đó có nguy cơ bệnh dịch sốt xuất huyết. Trong khi đó, nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều, tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi phát triển quanh năm. Tại những nơi đông người như trường học, xưởng may,.... nguy cơ mắc sốt xuất huyết cao hơn do khả năng phát tán mầm bệnh lớn hơn.

Mặc dù các ổ lăng quăng và muỗi truyền bệnh không chỉ có ở trong nhà mà còn ở những nơi công cộng nhưng cho đến nay các ổ lăng quăng, muỗi truyền bệnh tại những nơi công cộng như: túi ni-lông, vỏ xe, chậu kiểng, chai, lọ, lon bia, nước ngọt,… chưa được chúng ta quan tâm và xử lý triệt để, càng dễ dàng tạo điều kiện gia tăng muỗi truyền bệnh tại những nơi đông người, khiến bệnh càng dễ lây lan hơn

Nguyễn Văn Cảnh

  15:03 ngày 04/10/2018

Làm sao phân biệt được cảm cúm thông thường và cúm gia cầm, bởi vì các biểu hiện giống nhau: sốt, ho, đau người. Biểu hiện cúm như thế nào là nặng, cần đến khám bệnh viện?

BS Nguyễn Trung Cấp

Cúm thường và cúm gia cầm trong giai đoạn khởi phát có những triệu chứng tương tự nhau, tuy nhiên với cúm gia cầm tỉ lệ diễn biến nặng cao hơn rất nhiều so với cúm thường. Khi xuất hiện dịch cúm trên gia cầm và ở những người có tiếp xúc gần với gia cầm như chăn nuôi, giết mổ, buôn bán hoặc người ăn những sản phẩm gia cầm chưa nấu chín (tiết canh) mà có biểu hiện cúm, nên đến cơ sở y tế để được khám và làm các xét nghiệm xem có bị cúm gia cầm hay không để được điều trị kịp thời.

Ngay cả với cúm thường hàng năm trên thế giới vẫn có 250.000- 500.000 người diễn biến nặng và tử vong. Tại các cơ sở y tế, chúng tôi vẫn ghi nhận các ca bệnh nặng và tử vong do cúm mùa. Do đó, nếu xuất hiện các triệu chứng nặng như đau ngực, khó thở, ho ra máu, sốt cao liên tục không kiểm soát được hoặc ở những đối tượng có sức đề kháng giảm như người già, phụ nữ mang thai, người có bệnh mãn tính cũng nên đi khám để hướng dẫn điều trị đúng cách. Cúm có khả năng lây nhiễm rất cao, dễ dàng lây từ người sang người khác qua đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh hắt hơi, ho khạc.

Khi mắc cúm, nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm. Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; ăn uống đủ chất để ngừa nhiễm cúm.

Hải Quân (Hà Nội)

  15:15 ngày 04/10/2018

Hiện nay chúng ta còn nghiên cứu về biến đổi của virus cúm không? Nếu có thì virus cúm này có thay đổi như thế nào? Xin bác sĩ cho biết có phải cúm gia cầm H5N1 hiện đã không nguy hiểm như những năm trước đây khi mới xuất hiện, bởi vì lâu nay tôi không thấy thông tin về các ca bệnh nặng do loại cúm này?

ThS-BS Nguyễn Trọng Toàn

Ngoài chủng vi-rút cúm mùa thì các chủng vi-rút cúm độc lực cao như A/H5N1, A/H7N9 cũng luôn được giám sát liên tục, rộng khắp 20 tỉnh /thành phố khu vực phía Nam thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành thú y và y tế. Không có ca bệnh cúm A/H5N1 trên người trong 3 năm gần đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của hai ngành y tế và thú y. Tuy nhiên, hiện vẫn còn xuất hiện dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm,  trong bối cảnh giao thương, đi lại thuận tiện như hiện nay thì nguy cơ xuất hiện ca bệnh trên người là luôn hiện hữu. Do vậy việc giám sát phòng chống bệnh cúm là hoạt động thường xuyên liên tục cùng với sự chung tay của cả cộng đồng và chính quyền.

Thúy Nga

  15:17 ngày 04/10/2018

Người ta đã gọi chu kỳ 4 năm dịch bệnh lớn lặp lại là do những "lỗ hổng miễn dịch”, ông có thể phân tích rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến chu kỳ này?

BS Phạm Hùng

Trẻ em không được tiêm vắc-xin sởi, tiêm không đủ mũi và những người chưa có miễn dịch với virus sởi đều có thể mắc sởi bất cứ lúc nào khi tiếp xúc với người bệnh.

Khoảng 5-15% số trẻ đã tiêm vắc-xin sởi nhưng không có đáp ứng miễn dịch cũng có thể mắc bệnh khi bị nhiễm virus sởi.

Với số đối tượng nguy cơ trên, sau một thời gian khoảng 3-4 năm sẽ tích lũy đủ lớn đối tượng cảm nhiễm làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

 

Xuân Trường

  15:18 ngày 04/10/2018

Tại nhiều địa phương, số ca mắc sởi tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm 2017, hiện ngành y tế đã chỉ đạo các địa phương triển khai công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh như thế nào?

BS Phạm Hùng

Ngay từ cuối năm 2017, Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng đã liên tục tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra chỉ đạo địa phương; ban hành các văn bản gửi các tỉnh, thành phố triển khai tổng thể các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã cử đoàn công tác trực tiếp đến tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, Lào Cai hỗ trợ công tác phòng chống dịch sởi và triển khai tiêm vắc xin tại địa phương. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, các đơn vị y tế dự phòng trong cả nước đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra thúc đẩy công tác giám sát phòng chống dịch và tiêm vắc xin sởi.

Thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định trường hợp mắc bệnh. Tổ chức điều tra và khoanh vùng xử lý ổ dịch theo Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh sởi, rubella ban hành kèm theo Quyết định số 4845/QĐ-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ Y tế. Báo cáo kịp thời các trường hợp mắc bệnh theo Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 25/12/2015 của Bộ Y tế.

Xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai sử dụng vắc xin Sởi - Rubella để tiêm chủng chống dịch cho trẻ từ 1-4 tuổi tại huyện có nguy cơ cao trên địa bàn 06  tỉnh (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa), tổ chức tiêm chủng chống dịch đạt tỷ lệ ít nhất là 95% trên quy mô xã, phường trong thời gian từ tháng 6-9/2018.

Về công tác điều trị, ngành y tế đã chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng chống bệnh sởi, lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin sởi để người dân hiểu, tự bảo vệ cho bản thân và cộng đồng (các báo đài, website của Cục Y tế dự phòng). Cung cấp các thông tin liên quan đến dịch bệnh sởi, đồng thời các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur đăng tải, tuyên truyền các hướng dẫn kỹ thuật, tài liệu chuyên môn, trả lời phỏng vấn cho các cơ quan thông tấn, báo chí để người dân chủ động nắm được thông tin và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Đối với công tác hậu cần, ngành y tế đã ấp bổ sung vắc xin MRVAC cho 63 tỉnh, thành phố, đảm bảo cho công tác tiêm bổ sung vắc xin từ tháng 3/2018. Sẵn sàng trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, sinh phẩm, kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trần Văn Định (Tây Ninh)

  15:19 ngày 04/10/2018

Tôi nghe nói ở nước ngoài có vụ chích sởi cho cả bé 6-9 tháng vì đây là giai đoạn “thủng lỗ” miễn dịch, do bé hết kháng thể từ mẹ mà chưa đến tuổi chích. Trong nước cũng có ý kiến tương tự. Vậy sắp tới ngành y tế có dự định cho chích sởi sớm không? Chích sớm thì có lợi hoặc bất lợi gì?

ThS-BS Nguyễn Trọng Toàn

Tuổi bắt đầu tiêm vắc-xin sởi cho trẻ dựa vào nguy cơ mắc bệnh và hiệu quả miễn dịch đạt được theo từng lứa tuổi, tình hình dịch bệnh của từng quốc gia. Lịch tiêm chủng vắc-xin sởi của Việt Nam cho trẻ nhỏ hiện nay theo chương trình tiêm chủng mở rộng là bắt đầu từ 9 tháng tuổi, mũi tiếp theo lúc 18-24 tháng và tiêm bổ sung trong các chiến dịch.

Để phòng tránh bệnh sởi và hạn chế dịch bệnh lan rộng, người dân cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh sởi. Đối với nhóm trẻ lớn và người lớn cần tiêm đủ liều và tiêm nhắc vắc-xin sởi để tăng cường miễn dịch cho bản thân và cộng đồng.

Minh Chiến

  15:20 ngày 04/10/2018

Với người dân, đặc biệt là những gia đình đang có con nhỏ, họ cần làm gì để giữ cho con mình an toàn, tránh những hệ lụy dịch bệnh mùa thu-đông?

BS Phạm Hùng

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông-xuân, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như sau:

1. Tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc-xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).

2. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

3. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.

4. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

5. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày.

6. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.

7. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.

Hà My

  15:21 ngày 04/10/2018

Với vắc-xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay có chất lượng và hiệu quả miễn dịch ra sao?

BS Phạm Hùng

Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc-xin sởi đều có cảm nhiễm với bệnh sởi. Sau khi mắc bệnh sởi tự nhiên sẽ được miễn dịch bền vững.

Việc gây miễn dịch phòng bệnh sởi bằng một liều vắc-xin sống giảm độc lực được bắt đầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia ở Việt Nam từ năm 1985 và tỉ lệ mắc bệnh sởi đã giảm xuống từ 91/100.000 dân năm 1986 xuống 2,35/100.000 dân năm 2006. Tuy nhiên, bệnh vẫn tản phát ở nhiều nơi và vẫn xảy ra dịch sởi quy mô nhỏ hơn thời kỳ chưa tiêm chửng vắc-xin sởi. Việt Nam cam kết với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện các chiến lược loại trừ sởi vào năm 2010 với tỉ lệ mắc sởi không vượt quá 1/100.000 dân.

Sử dụng vắc-xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Miễn dịch có được sau mắc bệnh hoặc sau tiêm vắc-xin bền vững; thực tế nếu tiêm sởi mũi 1, hiệu quả bảo vệ đạt từ 80-85%, nếu trẻ tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin sởi thì hiệu lực bảo vệ đạt từ 90-95%, vì vậy vẫn có khoảng 5-15% số trẻ đã tiêm vắc xin sởi nhưng không có đáp ứng miễn dịch và có thể mắc bệnh khi bị nhiễm virus sởi.

Vũ Hữu Quyền

  15:22 ngày 04/10/2018

Năm 2018 tôi thấy có nhiều người bị nhiễm cúm, ngay trong gia đình tôi cũng tới một nửa thành viên bị cúm. Vậy chủng cúm năm nay có gì biến đổi lạ hay không. Xu hướng cúm hiện nay sẽ như thế nào. Đã có lo ngại nào trên thế giới về sự xuất hiện chủng cúm mới hay không?

ThS-BS Nguyễn Trọng Toàn

Hiện nay, một hệ thống giám sát cúm mang tính toàn cầu với 144 trung tâm cúm thông qua việc thu thập mẫu hàng ngày, hàng tuần tại các điểm "nóng", Việt Nam có 2 trung tâm cúm đặt tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP.HCM. Hàng năm, 144 điểm này thu nhập khoảng 3 triệu mẫu để đánh giá sự biến đổi của chủng virus về độc lực, khả năng lây lan, mức độ lâm sàng của các chủng cúm lưu hành, cũng như để sản xuất vắc-xin. Kết quả giám sát đến nay chưa phát hiện có sự biến chủng của vi-rút cúm mùa.

Ngọc Lan

  15:23 ngày 04/10/2018

Tôi có nghe nói nếu người lớn bị sốt xuất huyết thì nguy cơ tử vong cao hơn trẻ em, điều này có phải không, thưa bác sĩ?

BS Nguyễn Trung Cấp

Với bệnh sốt xuất huyết thì cả người lớn và trẻ em đều có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Thông thường ở trẻ nhỏ chưa có khả năng nói về các triệu chứng nên nếu cha mẹ không để ý có thể dẫn đến bỏ sót bệnh, đặc biệt là tình trạng sốc và cô đặc máu. Còn người lớn tuổi thường có tình trạng có bệnh mãn tính hoặc có xơ vữa mạch máu nên nếu xảy ra tình trạng xuất huyết thì sẽ nặng hơn.

Thu Thùy

  15:25 ngày 04/10/2018

Cách đây ít năm có bùng lên phong trào anti-vaccine và hiện nay tôi thấy nhiều người vẫn còn tâm lý đó. Đó có phải là một trong những nguyên nhân khiến sởi quay trở lại? Tôi nhớ ngày tôi còn nhỏ, thậm chí khi đi học rồi, y tế cũng vào tận trường để chích, nhờ vậy ít thấy ai bị. Nhiều quốc gia như Pháp, Ý đã có chính sách chích vaccine bắt buộc. Ông có nghĩ nên làm rốt ráo vậy để dẹp vụ anti-vaccine không, vì những người có con nhỏ trong tầm nguy hiểm cao (6-9 tháng) chưa đến tuổi chích như tôi thực sự rất lo lắng.

ThS-BS Nguyễn Trọng Toàn

Phong trào anti vaccine là một trong những nguyên nhân làm giảm tỉ lệ tiêm chủng, anti vaccine từng là nguyên nhân làm bùng phát các dịch bệnh tại các nước châu Âu, Mỹ như  dịch thủy đậu, sởi, ho gà. Anti vaccine đã khiến phụ huynh lo lắng không đưa trẻ đi tiêm, lấy đi cơ hội phòng bệnh cho trẻ và gây nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Tại Mỹ từng ghi nhận, khi dịch sởi xảy ra, trong các trẻ không tiêm vaccine sởi và bị đã bị mắc sởi thì có đến hơn 70% không tiêm vì các lý do không thuộc về y khoa, trẻ khỏe mạnh nhưng phụ huynh đã trì hoãn hoặc từ chối đưa trẻ đi tiêm ngừa.

Khi người dân không đi tiêm chủng hay tiêm không đầy đủ, tỉ lệ bao phủ vaccine giảm, hàng rào bảo vệ cho cộng đồng đó không còn đủ độ bao phủ để bảo vệ cho tất cả mọi người và điều này cộng với sự lưu hành của mầm bệnh trong tự nhiên thì dịch bệnh sẽ bùng phát.

Tại Việt Nam, lịch tiêm chủng vaccine sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay là tiêm mũi 1 lúc 9 tháng và mũi kế tiếp lúc 18-24 tháng tuổi

 

 

  15:39 ngày 04/10/2018

Xin cho biết, người lớn có thể tiêm vắc-xin phòng bệnh giống như trẻ nhỏ hay không?

ThS-BS Nguyễn Trọng Toàn

Hiện nay, ngoài vắc-xin sởi sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ ≤ 24 tháng, trên thị trường có rất nhiều loại vắc-xin kết hợp có thành phần sởi có thể sử dụng thay thế để tiêm cho trẻ lớn cũng như cho người lớn. Đối với những đối tượng chưa tiêm, tiêm không đủ liều hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng có thể sử dụng lịch tiêm bổ sung.

Đối với các trường hợp đã tiêm đủ mũi trong quá khứ có thể tiêm nhắc để tăng cường miễn dịch phòng bệnh. Lịch tiêm và loại vắc-xin cụ thể cần tuân theo hướng dẫn của Bộ Y tế và nhà sản xuất. Người dân trong vùng nguy cơ có thể đến cơ sở y tế tiêm chủng tự nguyện (tiêm chủng dịch vụ) để khám và được bác sĩ tư vấn.

Hà An

  15:41 ngày 04/10/2018

Nghe nói Viện Pasteur TP HCM thử nghiệm vắc-xin phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam từ lâu, gần cả chục năm. Xin hỏi hiện nay tiến độ này như thế nào, đã sản xuất được vắc-xin sốt xuất huyết chưa, thử nghiệm lâm sàng chưa và khi nào người dân được thụ hưởng loại vắc-xin này cũng như tính an toàn của nó?

ThS-BS Nguyễn Trọng Toàn

Thế giới hiện đã có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue (SXHD) đầu tiên do công ty Sanofi Pasteur sản xuất, được chỉ định tiêm cho người từ 9 tuổi trở lên. Đã có 17 quốc gia cấp phép lưu hành vắc-xin ngừa bệnh sốt xuất huyết với 11 quốc gia ở châu Mỹ và 6 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.

Hiện tại, Việt Nam cùng các quốc gia khác (Đông Nam Á và châu Mỹ La tinh) đã hoàn tất nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng pha III về vắc-xin ngừa SXHD do công ty Sanofi Pasteur sản xuất từ cuối năm 2017 và đang chuẩn bị báo cáo kết quả nghiệm thu với Bộ Y tế.

Một khi vắc-xin thử nghiệm được đánh giá có hiệu quả, Việt Nam chắc chắn sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên được hưởng lợi từ việc này. Tuy nhiên, việc có đưa vắc-xin này vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố như: giá vắc-xin, nguồn tài trợ, quyết định của Bộ Y tế, chính phủ.

Quan trọng hơn cả, chúng ta cần hiểu rằng ngay cả khi vắc-xin ngừa SXHD đã được lưu hành trên thị trường thì cốt lõi nhất để phòng chống SXH hiệu quả, giản đơn mà mọi người, mọi nhà đều có thể tự thực hiện là:

Diệt lăng quăng: mỗi gia đình mỗi tuần bỏ ra 10 phút để kiểm tra, phát hiện, đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, súc rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước xung quanh nhà; thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào chân chén. Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Phòng muỗi đốt/chích: ngủ mùng, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi. Hợp tác tốt với y tế trong các đợt ra quân chiến dịch diệt lăng quăng và xử lý ổ dịch SXHD/Zika. Hành động nhỏ, không tốn nhiều thời gian nhưng rất hiệu quả, giúp ngăn ngừa bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Nghĩa Quân

  15:43 ngày 04/10/2018

Với người béo phì, nếu mắc cúm thì có dễ bị biến chứng nguy hiểm (viêm phổi...) không? Năm nay chủng cúm mùa phổ biến là chủng nào, thưa chuyên gia. Trong số các chủng cúm mùa (H1N1, H3N2, cúm B) thì chủng nào nguy hiểm hơn cả?

ThS-BS Nguyễn Trọng Toàn

Cúm mùa thường là do vi-rút cúm chủng A, B lưu hành thường xuyên gây nên với biểu hiện thường nhẹ, tự giới hạn như sốt, viêm long đường hô hấp (sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng, ho), đau đầu, đau cơ, mệt mỏi….  và phục hồi trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, bệnh cúm thể nặng hoặc thể có biến chứng cần nhập viện và có thể tử vong.

Cúm thể nặng hay gặp ở 4 nhóm đối tượng: phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người già (trên 65 tuổi) và người có bệnh mãn tính hoặc suy giảm miễn dịch (như người mắc hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh mạch vành, đái tháo đường, béo phì, ung thư, nhiễm HIV …).

Người có yếu tố nguy cơ hay bệnh đồng thời làm tăng nguy cơ mắc cúm thể nặng, nhập viện lên đến 2.73 lần và tăng nguy cơ tử vong lên 2.77 lần so với người không có yếu tố nguy cơ.

Kết quả giám sát cúm cho đến nay cho thấy vẫn là các chủng cúm lưu hành A/H1N1, A/H3N2 và B.

Như vậy với sự lưu hành thường xuyên của các vi-rút cúm mùa thì việc phòng chống bệnh cúm phải thường xuyên và liên tục:

Thứ nhất là đối với cộng đồng mọi người cần giữ gìn vệ sinh: che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; hạn chế tiếp xúc với người bệnh cúm và trong trường hợp tiếp xúc thì phải giữ khoảng cách trên 1,5 m. Khi có các biểu hiện như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, đau cơ thì phải liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, xử lý kịp thời và điều trị thích hợp.

Thứ hai là đối với các đối tượng nguy cơ cao, đây là đối tượng cần đặc biệt quan tâm ngoài các khuyến cáo nghiêm ngặt cho cộng đồng thì nên được tiêm phòng hàng năm. Các đối tượng này là phụ nữ mang thai trong tất cả giai đoạn của thai kỳ, trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi và người mắc bệnh mạn tính như HIV, hen, suyễn, tim mạch, phổi, tiểu đường, người béo phì và đối với cán bộ y tế chăm sóc cho các đối tượng nguy cơ cũng như những người thường xuyên phơi nhiễm với cúm cũng cần tiêm phòng hàng năm.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát để sớm phát hiện các ca và chùm ca  bệnh, xử lý kịp thời và triệt để nhằm ngăn chặn sự lây lan bệnh trong cộng đồng.

Như vậy cả cộng đồng cùng chung tay không để cúm lây lan sang các đối tượng nguy cơ cao thì sẽ giảm các trường hợp nặng, tử vong do cúm cũng như gánh nặng bệnh tật của cúm cho xã hội.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo