Cứu sống 2 người đàn ông ở Quảng Bình bị "ho ra máu sét đánh" trước…phút lâm nguy

18 Tháng 09, 2020 | 16:55

(NLĐO) - 2 người đàn ông ở Quảng Bình mắc chứng bệnh lao phổi mãn tính "ho ra máu sét đánh" đã được các bác sĩ cứu sống kịp thời trước "phút lâm nguy". Điều chú ý là các bác sĩ đã áp dụng phương pháp kỹ thuật nút tắc giãn động mạch phế quản.

Chiều 18-9, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) - cho biết các bác sĩ của bệnh viện này vừa tiến hành can thiệp bằng phương pháp "nút (bít) tắc động mạch phế quản" và kịp thời cứu sống cho bệnh nhân bị chứng "ho ra máu sét đánh".

Cứu sống 2 người đàn ông ở Quảng Bình bị ho ra máu sét đánh trước…phút lâm nguy - Ảnh 1.

Các bác sĩ đang can thiệp nút (tắc) mạch cho bệnh nhân

Bệnh nhân là ông Cao Xuân Khang (71 tuổi, ngụ xã Thuận Đức, TP Đồng Hới).

Trước đó, người nhà tá hỏa khi phát hiện ông Khang nôn ra máu với số lượng lớn và đã đưa ông này vào bệnh viện cấp cứu. Bệnh nhân với các triệu chứng nôn ra máu nhiều lần, lần gần nhất ọc ra tới 1 lít máu, gây tụt huyết áp, trụy mạch dẫn đến thiếu máu nặng.

Khi tiến hành nội soi chẩn đoán thì không thấy tổn thương nên các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc chứng "ho ra máu sét đánh". Các bác sĩ sau đó đã hội chẩn khẩn cấp và quyết định dùng phương pháp nút (bít) tắc động mạch bằng can thiệp nội mạch.

Nhờ sự cứu chữa kịp thời, bệnh nhân hết ho ra máu, cải thiện huyết động…và sức khỏe đang hồi phục.

Cứu sống 2 người đàn ông ở Quảng Bình bị ho ra máu sét đánh trước…phút lâm nguy - Ảnh 2.

Động mạch phế quản bệnh nhân đang chảy máu

Trước đó, ngày 31-8, các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Xquang) của bệnh viện cũng đã can thiệp bằng phương pháp nút tắc động mạch phế quản và cứu sống thành công bệnh nhân Mai Văn Thái (60 tuổi, ngụ xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hoá). Bệnh nhân này bị ho ra máu kéo dài gây mất một lượng máu lớn, đe dọa đến tính mạng.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Hùng - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp của bệnh viện - cho biết bệnh nhân mắc các triệu chứng "ho ra máu sét đánh" do giãn động mạch phế quản có biến chứng nặng, có tỉ lệ tử vong rất nhanh và cao do suy hô hấp hoặc sốc mất máu. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì nguy hiểm đến tính mạng. Kỹ thuật "nút tắc giãn động mạch phế quản" đã được bệnh viện triển khai, phương pháp này ít xâm lấn, thực hiện bằng đưa dụng cụ nội mạch qua đường động mạch đùi.





Hoàng Phúc

Viết bình luận

CHUYÊN TRANG PHỤ NỮ

Email: phunu@nld.com.vn

NHẬN EMAIL MỚI HÀNG NGÀY

Đăng ký nhận tin mỗi ngày từ chuyên phụ nữ

Giấy phép số 115/GP- BTTTT cấp ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tổng Biên tập: TÔ ĐÌNH TUÂN
Địa chỉ: 123 - 127 Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3 - TPHCM, Điện thoại: 028-3930.6262 / 028-3930.5376, Fax: 028-3930.4707. Email: toasoan@nld.com.vn
Bản quyền thuộc về Báo Người Lao Động. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).