xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giá thuốc “nhảy múa”

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Giá thuốc cứ đều đặn tăng trong thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới do việc quản lý còn nhiều bất cập

Không tăng rầm rộ như trước đây nhưng nhiều tháng qua, các hãng dược cứ đều đặn tăng giá từ 3% đến 5% từng mặt hàng nhỏ lẻ, đẩy giá thuốc lên một mặt bằng mới.

Thêm gánh nặng cho người bệnh

Tại Hà Nội, nhiều loại thuốc tăng giá mạnh mà theo một số chủ cửa hàng tân dược, nguyên nhân là do giá nhập khẩu tăng. Đơn cử, Augmentin 1 g (kháng sinh) giá nhập khẩu tăng từ 19.000 đồng lên 21.000 đồng/viên, Augmentin 625 mg từ 13.000 đồng lên 15.000 đồng/viên, Betaserc 16 mg (giảm đau) từ 3.200 đồng lên 3.600 đồng/viên, Nexium Mups 40mg (trị trào ngược dạ dày, thực quản) từ 320.000 đồng lên 335.000 đồng/hộp, Nexium 10 mg từ 21.500 đồng lên 22.500 đồng/gói, Flavix 75 mg (chống đông máu) từ 22.000 đồng lên 23.500 đồng/viên, Solu Medrol 40 mg (kháng viêm) từ 33.500 đồng lên 36.000 đồng/lọ, Concor (tim mạch) từ 4.200 đồng lên 4.600 đồng/viên…

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Y tế, tháng 8 vừa qua, giá một số thuốc nhập khẩu như: Scilin M30 (điều trị tiểu đường), Imacep 100 mg (kháng sinh), Dicloberl 50 mg (kháng viêm, giảm đau), Exomuc 200 mg (long đờm)... có mức tăng từ 5% đến 9%. Còn theo giá thuốc kê khai do Cục Quản lý dược - Bộ Y tế công bố, hiện có 51 lượt thuốc nhập khẩu và 606 lượt thuốc sản xuất trong nước tăng giá, chiếm khoảng 2,5% trong tổng số 25.000 mặt hàng thuốc lưu hành trên thị trường. Một số thuốc trong nước kê khai tăng giá như: Hapacol XN (giảm đau, hạ sốt), EmycinDHG 250, viên hộ tâm Cordata, Centhionin, Zinenutri, viên nang cửu tử bổ thận, đại tràng hoàn, phụ huyết khang, bổ phế dịu hen, Centhionin…

Chị Trần Thu Hiền - nhân viên một cửa hàng tân dược ở quận Đống Đa, TP Hà Nội - cho biết nhiều loại thuốc đã tăng giá trong thời gian qua. Những loại thuốc ngoại trị các bệnh mãn tính, sử dụng hằng ngày như tim mạch, huyết áp tuy giá tăng ít hơn các loại thuốc khác nhưng cũng tạo thêm gánh nặng cho người bệnh.

“Người bị cao huyết áp phải dùng thuốc suốt đời, mỗi tháng tốn 200.000-300.000 đồng. Rất nhiều người nghèo đến mua thuốc phàn nàn giá thuốc “nhảy múa” khiến cuộc sống của họ khó khăn hơn” - chị Hiền nói. Theo chị, một số thuốc đặc trị như Gentrisone bôi ngoài da thay đổi bao bì đóng gói với lượng tăng hơn gấp 1,5 lần so với tuýp cũ nhưng giá bán lại tăng gấp đôi.

 

Giá thuốc liên tục tăng khiến nhiều bệnh nhân thêm lo lắng
Giá thuốc liên tục tăng khiến nhiều bệnh nhân thêm lo lắng

 

Khó quản giá thuốc!

Theo ước tính của Bộ Y tế, hiện tiền thuốc bình quân đầu người dân khoảng 20 USD/người/năm. Một chuyên gia y tế cho rằng con số này sẽ không dừng lại ở đó trước tình hình giá thuốc leo thang, nhất là khi Việt Nam đang lệ thuộc đến 90% nguyên liệu và hơn 50% giá trị thuốc thành phẩm ngoại nhập, cộng thêm việc giá USD tăng thời gian qua. Lãnh đạo một doanh nghiệp dược dự báo với tình hình này, giá thuốc ngoại và nội sẽ còn tiếp tục “nhảy múa” trong những tháng tới.

Thống kê của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương cho thấy năm 2014, Việt Nam nhập khẩu dược phẩm từ 30 quốc gia, trong đó nhiều nhất là Ấn Độ, Pháp, Đức, Hàn Quốc. Cũng trong năm 2014, Việt Nam có tới 656 mặt hàng thuốc tăng giá. Trong đó, 84 thuốc nhập khẩu và 572 thuốc sản xuất trong nước đã tăng giá khi kê khai lại.

Theo quy định tại Luật Dược ban hành năm 2005, Bộ Y tế được giao làm đầu mối quản lý giá thuốc. Tuy nhiên, tại nhiều phiên thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng do ngành y tế không có bộ phận quản lý giá nên việc phân công nhiệm vụ giữa các bộ, ngành liên quan chưa được rõ. Điều đó dẫn đến việc quản lý giá đối với mặt hàng đặc biệt này còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, trong dự thảo lần 2 của luật này, Bộ Y tế đề xuất quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc đối với Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và UBND tỉnh, thành.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc phân định rõ trách nhiệm như trên nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý giá thuốc. Còn nếu để Bộ Y tế là cơ quan vừa sản xuất, cấp phép vừa sử dụng, quản lý giá… thì sẽ dẫn tới tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, không bảo đảm khách quan.

Theo đề xuất tại dự thảo Luật Dược sửa đổi, cần tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định. Tuy nhiên, một chuyên gia trong lĩnh vực dược phẩm cho rằng cần phải quản lý chặt chẽ giá thuốc, không để nhà sản xuất, nhà nhập khẩu lợi dụng làm giá để “móc túi”, gây khó khăn cho người bệnh.

 

Vắc-xin cũng tăng giá mạnh

Theo thông tin từ một số điểm tiêm chủng, thời gian qua, giá nhiều loại vắc-xin nhập khẩu đã điều chỉnh tăng. Đơn cử, vắc-xin “5 trong 1” PENTAXIM của Pháp (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não mủ, viêm phổi, viêm mũi họng do hib) và “6 trong 1” INFANRIX HEXA của Bỉ hiện có giá khoảng 700.000 đồng/liều, vắc-xin ngừa thủy đậu 400.000-450.000 đồng/liều, vắc-xin sởi - quai bị - Rubella 170.000-190.000 đồng.

Một số vắc-xin khác như vắc-xin viêm màng não mủ do não cầu A+C của Pháp; vắc-xin thương hàn; huyết thanh kháng dại; vắc-xin phòng viêm phổi, viêm mũi họng, viêm màng não mủ do phế cầu của Pháp… cũng đã điều chỉnh tăng giá.

 

Ảnh hưởng đến điều trị BHYT

Nhiều bệnh viện bày tỏ lo ngại về việc thuốc tăng giá có thể gây xáo trộn đến hoạt động khám chữa bệnh BHYT.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), giải thích: “Giá thuốc thị trường tăng ảnh hưởng không ít đến thuốc điều trị BHYT ở bệnh viện vì khi thuốc tăng giá thì doanh nghiệp sẽ báo hết, không cung cấp. Lúc này, bệnh viện sẽ phải chuyển sang các loại thuốc khác và sẽ khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả điều trị”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo