Hết vắc-xin dịch vụ, chích loại khác được không?

21 Tháng 09, 2017 | 08:56

(NLĐO)- Con tôi đến đợt chích nhắc vắc-xin 5 trong 1, tuy nhiên nơi cháu chích ngừa lần trước thông báo đã hết vắc-xin Pentaxim – loại cháu chích trước đó. Nếu không đợi được, cháu có thể chích loại khác để thay thế không?

Tôi đã hỏi thêm vài cơ sở y tế nhưng họ cũng thông báo không còn Pentaxim. Tôi sợ cứ lần lữa mãi thì sẽ ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc, vì theo lịch cháu đã trễ tới 1 tháng. Tôi cũng muốn hỏi bác sĩ rằng ngoài những vắc-xin nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng và các vắc-xin tương đương, tôi có cần đưa con đi chích ngừa bệnh gì nữa không? Thường những dạng bệnh như thế nào thì người ta mới sản xuất vắc-xin và khuyên trẻ đi tiêm ngừa?

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM):

Bạn vẫn có thể cho cháu bé chích loại vắc-xin khác để thay thế. Vắc-xin Pentaxim ngừa 5 bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm màng não do HIB; khi chọn chích Pentaxim, trẻ phải chích thêm viêm gan siêu vi B để đủ 6 bệnh cần phòng ngừa trong đợt chích đó.

Vì thế, bạn cần tìm một vắc-xin khác cũng có thể phòng ngừa các bệnh trên. Vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem là lựa chọn đơn giản nhất. Vắc-xin này được nhà nước tài trợ, chích miễn phí theo chương trình tiêm chủng mở rộng, luôn sẵn có ở các cơ sở y tế trên cả nước. Quinvaxem khác Pentaxim ở chỗ nó ngừa 5 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan siêu vi B và viêm màng não do HIB. Vì vậy khi chích Quinvaxem, nhân viên y tế sẽ cho cháu uống thêm vắc-xin ngừa bại liệt để đủ 6 bệnh. Trong Quinvaxem đã có vắc-xin ngừa viêm gan siêu vi B nên bạn không cần cho bé chích thêm loại này nữa.

Ngoài các bệnh đã được quy định phải tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, phụ huynh có thể tùy vào điều kiện kinh tế và lựa chọn cá nhân, có thể cho trẻ đi chủng ngừa thêm phế cầu, thủy đậu, Rotavirus, quai bị, rubella…

Thông thường, vắc-xin được sản xuất để phòng ngừa những căn bệnh có tính truyền nhiễm cao, có thể bùng thành dịch, nguy cơ tử vong và di chứng cao, việc điều trị khó khăn, phức tạp và tốn kém… Các vắc-xin được nghiên cứu đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc tiêm chủng bắt buộc ở các quốc gia thường là những vắc-xin phòng ngừa các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ mắc cao.

Anh Thư thực hiện

Viết bình luận

CHUYÊN TRANG PHỤ NỮ

Email: phunu@nld.com.vn

NHẬN EMAIL MỚI HÀNG NGÀY

Đăng ký nhận tin mỗi ngày từ chuyên phụ nữ

Giấy phép số 115/GP- BTTTT cấp ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tổng Biên tập: TÔ ĐÌNH TUÂN
Địa chỉ: 123 - 127 Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3 - TPHCM, Điện thoại: 028-3930.6262 / 028-3930.5376, Fax: 028-3930.4707. Email: toasoan@nld.com.vn
Bản quyền thuộc về Báo Người Lao Động. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).