xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giao lưu trực tuyến "Phòng virus corona sao cho đúng?"

A. Thư

(NLĐO)- Trước tình hình diễn biến dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới ngày càng phức tạp, Báo Người Lao Động tổ chức giao lưu trực tuyến, kết nối bạn đọc với các chuyên gia, bác sĩ đến từ Bộ Y tế và các bệnh viện trực tiếp tham gia chống dịch vào sáng nay, 3-2.

Tính đến nay, cả nước đã có 8 trường hợp nhiễm virus corona mới được xác nhận. Trường hợp cuối cùng xảy ra tại Khánh Hòa là một ca lây trực tiếp người sang người ngay trên địa bàn tỉnh, khiến Khánh Hòa trở thành địa phương đầu tiên công bố dịch.

Nhằm cung cấp đến bạn đọc thông tin chính xác, sáng nay 3-2, Báo Người Lao Động kết nối bạn đọc với các chuyên gia từ Hà Nội, TP HCM và Khánh Hòa từ lúc 9 giờ đến 10 giờ 30 phút. Các chuyên gia tham gia giao lưu trực tuyến là:

- Tiến sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) - đầu cầu Hà Nội.

- Đại diện Vụ Truyền Thông Bộ Y tế - đầu cầu Hà Nội.

- Thạc sĩ - bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - đầu cầu TP HCM.

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội kiêm điều hành Khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - đầu cầu TP HCM.

- Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM - đầu cầu TP HCM.

- Bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hoà - đầu cầu Khánh Hòa.

Trân trọng mời bạn đọc tham gia đặt câu hỏi.

Hà Ngọc Anh

  09:13 ngày 03/02/2020

Những ngày qua cả nhà tôi không ai muốn đến chỗ đông người, tôi muốn cho các con tôi nghỉ học ở nhà 1 tuần để theo dõi diễn biến của dịch. Rất mong bác sĩ tư vấn.

Tiến sĩ Phạm Quang Thái

Thực ra việc cách ly bằng đóng cửa trường học không cần thiết trong giai đoạn này, tuy nhiên với độ cẩn trọng cao, ngành giáo dục đã tham vấn y tế và đưa ra quyết định tạm thời nghỉ 1 tuần.

Đây là một quyết định khó khăn và còn nhiều tranh cãi. Các vị phụ huynh cần theo sát diễn biến dịch và tuân thủ các hướng dẫn dự phòng dịch để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình mình.

 

Quyết , 35 tuổi

  09:13 ngày 03/02/2020

Trong tình hình hiện nay, tôi rất sợ đến chỗ đông người, nhất là các cơ sở y tế. Nếu trong gia đình tôi có người có biểu hiện sốt, ho, cúm tôi có thể gọi nhân viên y tế đến nhà lấy mẫu xét nghiệm được không? Nếu có thì gọi cở sở y tế nào?

Tiến sĩ Phạm Quang Thái

Hiện tại việc xét nghiệm nCoV chỉ áp dụng cho những người đáp ứng tiêu chuẩn ca bệnh nghi ngờ. Nghĩa là người về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với người bệnh nghi ngờ kèm theo có biểu hiện triệu chứng như sốt, ho, khó thở.

Nếu không có yếu tố nguy cơ, bạn có thể bị bệnh do các tác nhân khác và cần đến cơ sở y tế để khám chứ không tùy tiện gọi xét nghiệm được.

Bích Diệp

  09:14 ngày 03/02/2020

Những ngày qua gia đình tôi có tăng cường ăn tỏi, uống nước cam để tăng sức đề kháng? Liệu cách làm này có tránh được virus corona không?

Tiến sĩ Phạm Quang Thái

Theo tôi, việc tăng cường đề kháng là cần thiết nhất là trong mùa đông xuân khi các dịch bệnh đường hô hấp hoành hành. Với nCoV, một cơ thể khỏe mạnh sẽ chống chịu tốt hơn và không để lại hậu quả nặng căn cứ vào các báo cáo gần đây nhất cho thấy vậy.

hoanghaiyenfgt23@gmail.com

  09:16 ngày 03/02/2020

Tôi có đọc thông tin virus corona lây qua cả đường tiêu hoá và mắc rồi vẫn có thể mắc lại. Rất mong chuyên gia giải thích thêm về đường lây của con virus này?

Tiến sĩ Phạm Quang Thái

Gần đây có thông tin cập nhật cho thấy bệnh nhân người Mỹ được theo dõi có hiện tượng vi rút nhân lên trong đường tiêu hóa. Tuy nhiên, đường lây này hiện chưa được xác định về mức độ ảnh hưởng bởi các nghiên cứu gần đây mới chỉ tập trung vào lây nhiễm qua đường hô hấp.

Thực tế là phần lớn lây nhiễm tập trung vào lây qua giọt bắn từ đường hô hấp người bệnh đến đường hô hấp người lành hoặc tiếp xúc gần, bắt tay, hoặc chạm vào các bề mặt có bám vi rút.

Hiện nay, do bởi lo ngại lây nhiễm qua các đường khác, Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương tiến hành xét nghiệm cả những mẫu nước tiểu và mẫu phân của bệnh nhân nhằm đảm bảo người bệnh phải sạch hoàn toàn vi rút mới được coi là người hồi phục và có thể xuất viện.

Hoang

  09:17 ngày 03/02/2020

Nhiều người đang lo lắng cho sức khỏe của nữ nhân viên lễ tân khách sạn dương tính với nCoV đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa. Vậy tình trạng sức khỏe của bệnh nhân này hiện ra sao?

Thsĩ - Bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình

Bệnh nhân này đang nằm ở Khu vực cách ly (E- khu nhẹ nhất) thuộc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Các triệu chứng lâm sàn không còn nữa, bệnh nhân không sốt, không ho...

Đến 8 giờ sáng nay (3-2), khu cách ly đã lấy mẫu để gửi về Trung tâm kiểm soát bệnh tật để xét nghiệm. Khi các kết quả xét nghiệm bình thường, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sẽ thăm khám lại, đủ điều kiện sẽ cho bệnh nhân xuất viện.

Các điều kiện xuất viện cụ thể theo Quyết định 124/QĐ-BYT ngày 16-1-2020, gồm: hết sốt ít nhất 3 ngày; mạch huyết áp, nhịp thờ, các xét nghiệm máu trở về bình thường; X-quang phổi cải thiện; chức năng thận trở về bình thường.

Trường

  09:18 ngày 03/02/2020

Theo lịch sử bệnh án của nữ nhân viên lễ tân khách sạn từng tiếp xúc với 2 khách Trung Quốc bị nhiễm nCoV thì có rất nhiều người tiếp xúc với nữ nhân viên lễ tân này. Từ nhân viên khách sạn đến người nhà. Việc theo dõi tình hình những người này ra sao? Sức khỏe của họ thế nào?

Thsĩ - Bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình

Theo hướng dẫn giám sát nCoV của Bộ Y tế khi có thông tin cha con người Trung Quốc (nhiễm bệnh nCov) từng ở tại TP Nha Trang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã đến tại khách sạn và lấy mẫu xét nghiệm tất cả các nhân viên từng tiếp xúc với 2 cha con người Trung Quốc. Qua đó, chỉ phát hiện 1 nữ nhân viên lễ tân dương tính với nCoV 2019.

Hiện nay, ngành y tế Khánh Hòa đã triển khai giám sát những người tiếp xúc gần với nữ nhân viên này như: nhân viên y tế, hộ lý, người nhà bệnh nhân, người ở khoảng cách gần, cùng phòng...

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã lấy mẫu những người này để xét nghiệm và tiếp tục theo dõi. Đến nay, chưa có trường hợp nào phát hiện nhiễm virus nCoV.

Đức Dũng

  09:19 ngày 03/02/2020

Ngành Y tế Khánh Hòa có giám sát chặt về dịch tễ đối với hơn 5.300 người Trung Quốc hiện còn đang mắc kẹt tại Khánh Hòa do các chuyến bay đã bị hủy?

Thsĩ - Bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình

Theo chủ trương, người Trung Quốc kẹt lại ở Khánh Hòa đã được Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế đã được nắm danh sách từng người. Những người này đã được theo dõi giám sát thường xuyên, nếu có bất cứ triệu chứng nào như: sốt, ho, khó thở, viêm họng thì đưa ngay vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa để khám, sàn lọc và có hướng xử trí kịp thời. May mắn đến nay vẫn chưa có trường hợp người Trung Quốc nào nghi ngờ nhiễm nCoV 2019.

Phạm Văn Quốc

  09:24 ngày 03/02/2020

Làm thế nào để bảo vệ bản thân? Liên hệ thông báo thông tin bằng cách nào?

Thsĩ - bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ

Chào bạn! Khuyến cáo của từng quốc gia có thay đổi theo từng điều kiện của từng quốc gia.

Tại Việt Nam hiện tại, chúng tôi khuyến cáo: hạn chế đi đến nơi đông người, rửa tay, mang khẩu trang đúng cách khi đến nơi có nguy cơ tiếp xúc với các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm qua đường hô hấp ở cự ly gần (trong 2m), ho khạc đúng cách, tăng cường sức đề kháng cơ thể bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ, tập thể dục đều đặn, tránh tiếp xúc gần với động vật hoang dã và cả động vật nuôi, ăn các thức ăn đã nấu chín, giữ nơi ở và làm việc sạch sẽ, thông thoáng.

Diệu Anh

  09:25 ngày 03/02/2020

Học sinh nghỉ học ở nhà để phòng dịch. Theo ông điều này có tuyệt đối phòng dịch cho trẻ được không? Cha mẹ cần làm gì để phòng chống bệnh dịch cho con và gia đình tại nhà? Giữ con trong nhà có phải là giải pháp?

Bác sĩ Nguyễn Đình Anh

Trong bối cảnh dịch do virus corona hiện nay tùy theo tình hình, chúng ta sẽ có những biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc cho học sinh nghỉ học. Với học sinh mẫu giáo, tiểu học, nhận thức của các em về tự bảo vệ mình cũng chưa nhiều. Nếu trẻ em đeo khẩu trang trong lớp học là nơi có đông người cũng có nguy cơ lây cho bạn khác. Ngoài ra, khi đeo khẩu trang các em cũng có thể vứt khẩu trang lung tung đó cũng là nguy cơ nguồn lây bệnh.

Có thể nói trẻ em rất nghịch, hiếu động nên có một số em có thể không tuân thủ sẽ tạo ra các nguồn phát tán vi khuẩn, virus trong lớp, trong trường hợp. Vi thế Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới đã thường xuyên có ý kiến chỉ đạo trong đó căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương.

Chúng ta thấy rằng, nếu như các địa phương ở cấp huyện, những huyện xảy ra dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh có tỉnh có thể quyết định cho học sinh huyện đó nghỉ học còn cao hơn nữa học sinh toàn tỉnh nghỉ học.

Phạm Thị Vân

  09:26 ngày 03/02/2020

Theo ông, những ai dễ có nguy cơ bị mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV? Ông có thể cho biết những đối tượng nào có nguy cơ tử vong cao nếu mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV?

Thsĩ - bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ

Chào bạn! Hiện tại chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng cho thấy tại sao có người dễ mắc bệnh hơn người khác, tuy nhiên có thể căn cứ vào mức độ tiếp xúc, tần số tiếp xúc, tải lượng virus của người lây nhiễm và tình trạng miễn dịch của người tiếp xúc.

Đối tượng có khả năng tử vong cao hơn người khác nếu mắc bệnh do nhiễm croronavirus thường là tuổi cao trên 65, có các bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, COPD, thai phụ, trẻ sơ sinh...

Mai Trang

  09:27 ngày 03/02/2020

Ông có thể nói rõ hơn phác đồ điều trị cho nữ nhân viên lễ tân khách sạn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới?

Thsĩ - Bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình

Thứ nhất, bệnh nhân xác định đã nhiễm nCoV đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Bệnh viện chủ yếu điều trị các triệu chứng lâm sàng, nâng cao thể trạng bệnh nhân với các loại thuốc bổ, thức ăn nhiều dinh dưỡng, nhiều đạm. Bệnh viện cũng sẽ tư vấn cho bệnh nhân, để có sự hợp tác tốt với Bệnh viện trong quá trình điều trị như cách ly hoàn toàn với người nhà; việc khám, chữa bệnh đến sinh hoạt hàng ngày đều được các bác sĩ, y tá, hộ lý thực hiện theo đúng quy định.

Đến nay, sức khỏe bệnh nhân này đã ổn định, hết sốt, ho... đang làm các thủ tục cần thiết, nếu đủ điều kiện sẽ cho bệnh nhân ra viện

Trần Bình

  09:28 ngày 03/02/2020

Nếu không tìm được khẩu trang N95 hay khẩu trang y tế 3 lớp, tôi mang đỡ 2 cái loại 2 lớp hoặc mang 1 cái 2 lớp, 1 khẩu trang vải, hay 2 khẩu trang vải liệu có an toàn?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Nếu không có khẩu trang N95 hay khẩu trang 3 lớp, hiện nay không có nghiên cứu nào cho thấy 2 khẩu trang 2 lớp tương đương với khẩu trang 3 lớp.

Nhưng theo tôi, bạn có thể dùng khẩu trang đó cũng như khẩu trang vải và lót 2 lớp khăn giấy lau tay bên trong (việc này chỉ là biện pháp tình thế chứ chưa có nghiên cứu).

Hoàng Thị Nga

  09:30 ngày 03/02/2020

Tôi nghe nói virus corona mới 2019 nCoV này chỉ là một thành viên trong họ corona và các loại virus corona khá phổ biến, có thật không? Các loại corona khác ví dụ như là gì, có nguy hiểm không? Nếu tôi mắc loại corona khác chứ không phải corona mới thì biểu hiện có gì khác không?

Thsĩ - bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ

Có nhiều loại virus corona, trong đó có bốn loại corona ở người thường hay gây bệnh cảm cúm thông thường ở người, thường ít gây tử vong - vẫn có tử vong ở tỉ lệ thấp trên người có sức đề kháng yếu. Các biểu hiện do mắc các loại human coronavirus có các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi như các biểu hiện nhiễm siêu vi thông thường khác.

Trường hợp hiếm có thể gây viêm phổi bội nhiễm, hoặc tổn thương cơ quan thứ phát sau đó.

Ngược lại, nCoV 2019 là một loại betacoronavirus lây từ động vật qua người, được phát hiện từ 12/2019, giống như các loại coronavirus lây từ động vật qua người trước đó SARS, MERS-CoV, có khả năng tạo dịch bệnh lớn ở người, và tỉ lệ tử vong cao hơn các loại coronavirus ở người

Phạm Thị Hoài

  09:32 ngày 03/02/2020

Tôi nghe nói đeo khẩu trang kiểu gì cũng chỉ ngừa được mấy chục phần trăm nguy cơ mắc bệnh, như vậy có kém an toàn quá không? Ngoài khẩu trang, tôi nên làm gì để an toàn hơn khi ra đường?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Việc mang khẩu trang tùy thuộc vào nghề nghiệp và môi trường xung quanh chứ không thể nói không cần mang khẩu trang. Ví dụ, cô tiếp tân ở khách sạn không mang khẩu trang mà tiếp xúc với người đang mắc bệnh thì khả năng bị lây rất cao. Tất cả những người mắc bệnh ở Vũ Hán cũng bị lây qua đường hô hấp.

Ngoài khẩu trang ra, việc rửa tay và tránh đến nơi đông người là rất quan trọng. Nếu nghi ngờ người đối diện có nguy cơ mắc bệnh thì không nên tiếp xúc.

Minh An

  09:32 ngày 03/02/2020

Tôi bị viêm mũi dị ứng từ nhỏ, mấy năm nay còn bị viêm xoang (chẩn đoán viêm xoang mạn). Điều này có làm tôi dễ nhiễm virus corona mới này không?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Cơ địa dị ứng không liên quan đến cơ địa bệnh nặng. Không có cơ địa nào chắc chắc dễ mắc bệnh hơn. Theo một số nghiên cứu về SARS và MERS cũng như tổng kết về số ca corona mới cho thấy tỉ lệ trẻ em dưới 18 tuổi rất hiếm, đàn ông mắc nhiều hơn đàn bà. Chỉ có cơ địa mắc bệnh nặng hơn được ghi nhận là người lớn tuổi và người có bệnh nền.

phamhuyenthanh45hn@gmail.com

  09:33 ngày 03/02/2020

Các gia đình có nên tự khử khuẩn môi trường trong nhà để phòng, tránh dịch viêm phổi do virus corona không? Nên dùng loại hoá chất nào để khử khuẩn?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Cũng giống như virus cúm hay virus tay chân miệng (các đợt dịch mà Việt Nam đã gặp trước đây) thì việc vệ sinh môi trường và nhà ở rất quan trọng. Hóa chất hiện nay thường được sử dụng là Chloramin B. Cũng có thể sử dụng nước Javel.

Trung Kim

  09:33 ngày 03/02/2020

Tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như cuộc sống của mỗi người. Nhà nước có chính sách gì để hỗ trợ kinh tế cho những nông dân bị ảnh hưởng và biện pháp gì để bảo vệ sức khỏe hiệu quả đối với người dân?

Tiến sĩ Phạm Quang Thái

Về mặt hỗ trợ, hiện tại việc điều trị cho bệnh nhân là miễn phí, những người bị cách ly được nuôi ăn và điều trị nếu có triệu chứng. Tùy mức độ kể cả cách ly tại gia đình thì người dân cũng sẽ được chính quyền hỗ trợ theo đúng nghị định 101/2010/NĐ-CP.

Trần Văn Vĩnh

  09:34 ngày 03/02/2020

Nếu không mua được nước rửa tay diệt khuẩn, có thể rửa tay bằng xà bông không thưa bác sĩ? Rửa tay thế nào, bao lâu thì chống được virus?

Thsĩ - bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ

Chào bạn! Bạn có thể rửa tay bằng xà phòng có chứa chất diệt khuẩn. Rửa tay đúng 6 bước, trong vòng khoảng 2-3p, trước và sau khi tiếp xúc vào các vật dụng nơi công cộng, tránh chạm tay vào mắt, mũi miệng của chính mình có thể giảm đường lây qua tiếp xúc dịch tiết, cách rửa tay này được khuyến cáo là một trong những cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh lây qua chất tiết đường hô hấp.

Nguyễn Văn Minh

  09:35 ngày 03/02/2020

Các báo cáo khoa học toàn nói chuyện cả nhà bị chỉ có trẻ em là thoát, thống kê cho thấy tuổi mắc bệnh cũng lớn. Vậy có phải bệnh này "miễn nhiễm" đối với trẻ em không, thưa bác sĩ? Trên thế giới có nhiều ca trẻ em mắc bệnh không?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Cho tới hiện nay, người ta chưa hiểu được vì sao trẻ em ít mắc bệnh hơn người lớn, vì sao phụ nữ ít mắc bệnh hơn đàn ông. Trên thế giới hiện nay rất ít trẻ em mắc bệnh từ SARS, MERS và corona mới. Tỉ lệ rất thấp so với các lứa tuổi khác. Tuy vậy, trong tình hình hiện nay, trẻ em cũng cần phải được phòng ngừa như những đối tượng khác.

Trần Thị Hoài

  09:36 ngày 03/02/2020

Các bác sĩ nói virus mới này suy yếu ở nhiệt độ trên 20 độ C, mà yếu hơn cả là trên 25 độ C, vậy TP HCM nóng nực, nhiều buổi trưa nhiệt độ lên tới 35-36 độ C, lúc đó ra đám đông liệu có an toàn hơn? Nếu các con tôi đi học, yêu cầu cô giáo để máy lạnh nóng một chút hay là mở cửa sổ, mở quạt, ráng chịu nóng, thì có an toàn hơn không?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Việc sinh hoạt trong môi trường nhiệt độ trên 25 độ C là tốt hơn chứ không phải như vậy là hoàn toàn an toàn. Việc sử dụng các biện pháp phòng ngừa khác cần phải thực hiện dù sống trong môi trường trên 25 độ C.

Hiện nay theo khuyến cáo, những lớp học do không gian kín, thể tích không khí không thay đổi, nhiều trẻ sinh hoạt trong đó thì việc không để nhiệt độ máy lạnh lạnh quá và khi cần thì mở cửa, mở quạt cho thông thoáng là biện pháp tốt hơn để giảm nguy cơ.

Trần Kiều

  09:37 ngày 03/02/2020

Kiểm tra nhiệt độ khách du lịch tại sân bay, nhà ga có ngăn ngừa được virus lây lan qua biên giới không?

Thsĩ - bác sĩ Nguyễn Trí Dũng

Kiểm tra thân nhiệt tại các sân bay, nhà ga chỉ phát hiện được những trường hợp tăng thân nhiệt (có thể do nhiều nguyên nhân chứ không chỉ Corona). Vì thế những trường hợp ủ bệnh, hoặc không có sốt thì không thể phát hiện được. Riêng tại sân bay Tân Sơn Nhất, bộ phận kiểm dịch ngoài việc giám sát thân nhiệt, còn quan sát những hành khách có biểu hiện như ho, hắt hơi để tiến hành kiểm dịch.

Như vậy, kiểm dịch tại sân bay là bước đầu tiên chứ không thể kiểm soát được 100% các trường hợp nhiễm. Vì vậy, việc giám sát ở cộng đồng và bệnh viện cũng hết sức quan trọng. Và bản thân người đi về từ vùng dịch, nếu có các dấu hiệu mắc bệnh nghị ngờ thì phải mang khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán.

 

Phạm Thị Vân

  09:38 ngày 03/02/2020

Trên địa bàn TP HCM, hiện giờ người dân muốn đi khám bệnh này thì đến cụ thể những địa chỉ “đỏ” nào? Bởi vì cả trăm cơ sơ y tế nhưng không phải đi chỗ nào cũng được?

Thsĩ - bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ

Chào bạn! Khi mình nghi ngờ bị nhiễm nCoV do có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở sau khi có tiếp xúc gần với các trường hợp là ca xác định, nghi ngờ, có thể mắc bệnh nCoV hoặc đi /đến/ở/về từ vùng dịch bệnh, cách tốt nhất là tự mang khẩu trang, tự mình tránh tiếp xúc ở cự ly gần với người khác và đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất. Tại đây, các bác sĩ sẽ giúp mình phân loại bạn thuộc nhóm nào, cách ly tại chỗ và chuyển đến nơi phù hợp

Nguyễn Thị Linh

  09:38 ngày 03/02/2020

Sẽ ngừa được 100% virus corona khi đeo khẩu trang?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Không có biện pháp nào gọi là ngừa lây bệnh 100%, tuy nhiên virus gây bệnh không thể "từ trên trời rơi xuống" mà phải từ nguồn bệnh phát tán ra. Do đó, không tiếp xúc với người bệnh thì không thể mắc bệnh và mang khẩu trang đúng khi tiếp xúc với người lạ thì sẽ giảm gần như 100% khả năng lây bệnh.

Nguyễn Thị Anh

  09:39 ngày 03/02/2020

Đã có cách chữa trị cho người nhiễm virus corona chưa?

Thsĩ - bác sĩ Nguyễn Trí Dũng

Vi rút Corona nói riêng, nhiều loại vi rút khác nói chung, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đối với Corona, điều trị chủ yếu là bổ trợ, nâng thể trạng, hỗ trợ các chức năng cơ quan nếu có suy chức năng, ví dụ như sử dụng máy thở nếu có suy hô hấp...

Bích An

  09:39 ngày 03/02/2020

Virus corona mới nhiều người nói càng nóng càng yếu, vậy có cơ may nó suy yếu khi thời tiết bắt đầu nóng không? Các loại corona khác thường mùa nào bắt đầu yếu?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Thời tiết càng nóng, độ ẩm càng cao thì virus corona bắt đầu yếu đi nhưng không có nghĩa người sống trong môi trường nhiệt độ nóng, độ ẩm cao thì không cần phòng ngừa.

Đặc tính của virus corona thường gây bệnh cảm lạnh vào mùa đông, như vậy có thể hy vọng hết mùa đông, khi vùng ôn đới ấm lên thì khả năng lây lan bệnh sẽ giảm xuống.

Phạm Thị Vân

  09:41 ngày 03/02/2020

Có cách nào phân biệt nhiễm virus corona mới với ho, sốt do viêm họng thông thường không?

Thsĩ - bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ

Chào bạn! Bệnh cảnh lâm sàng nhiễm NCoV 2019 đa dạng, từ dạng người mang virus không triệu chứng, viêm hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi nhẹ, viêm phổi nặng diễn tiến nhanh, tổn thương đa tạng. Trong các trường hợp bệnh nhẹ, khó mà phân biệt trên các triệu chứng lâm sàng với các loại nhiễm siêu vi thông thường khác.

Võ Thị Hiền

  09:41 ngày 03/02/2020

Xin cho biết cách phòng chống virus Corona sao cho đúng? Xin cám ơn.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Giống như các loại virus gây bệnh qua đường hô hấp khác, rửa tay, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh, mang khẩu trang đúng khi cần, người nghi ngờ mắc bệnh phải tự cách ly, người mắc bệnh phải cách ly tuyệt đối.

Hoàng Hiếu

  09:42 ngày 03/02/2020

Việc phòng, chống Corola cho người dân tộc thiểu số các tỉnh biên giới phía Bắc qua lại Trung Quốc ở các khu vực ít kiểm soát được triển khai thế nào?

Tiến sĩ Phạm Quang Thái

Thông tin tuyên truyền về phòng chống dịch đã được phổ biến đến tận xã phường. Ngoài ra có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, quân y, giúp bà con dân tộc thiểu số cũng tiếp cận được với thông tin cập nhật về bệnh và cách phòng chống.

Ngoài ra việc ngăn chặn xâm nhập qua đường mòn lối nhỏ với các nước láng giềng cũng góp phần bảo vệ nhóm đối tượng này.

Nguyễn Quốc Thái

  09:42 ngày 03/02/2020

Thời gian virus sống trong không khí là bao lâu?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Tùy vào môi trường: nhiệt độ, độ ẩm, độ thông thoáng của không khí. Chưa có nghiên cứu nào về mức độ tồn tại ở môi trường của virus corona mới này, thông tin có được chỉ dựa vào những nghiên cứu của virus SARS và MERS, cũng là cùng họ corona với virus mới này.

Nếu nhiệt độ cao hơn 25 độ C và độ ẩm hơn 50% thì virus sẽ yếu hơn, nếu không khí thông thoáng thì mật độ virus trong một m3 không khí sẽ giảm đi nhiều và khả năng lây lan sẽ giảm.

Quỳnh Lệ

  09:48 ngày 03/02/2020

Hiện nay tỉnh Khánh Hòa đang làm gì để dập dịch?

Thsĩ - Bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình

Ngay từ khi Trung Quốc có các thông báo về bệnh nCoV 2019, thì từ cấp bộ, ngành trung ương đến địa phương đều tổ chức nhiều hoạt động tầm soát, nhằm khống chế bệnh dịch.

Ở Khánh Hòa, tôi được biết đã triển khai nhiều hoạt động giám sát chặt chẻ như: Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng có các cuộc họp huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào tham gia chống dịch, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch phòng chống virus corona chủng mới, yêu cầu ngành y tế lắp đặt các máy tầm soát nhiệt ở sân bay, thành lập các khu cách ly ở các bệnh viện, lập các tổ phản ứng nhanh, ngành giáo dục cũng đã cho học sinh nghỉ học, tăng cường tuyên truyền để các du khách, người dân nếu có các triệu chứng thì giám sát, cách ly....

Trần Anh

  09:48 ngày 03/02/2020

Virus corona (2019-nCoV) có giống với virus MERS-CoV hoặc SARS không?

Thsĩ - bác sĩ Nguyễn Trí Dũng

Cùng một chủng Corona và có những đặc tính tương tự

Anh Tư Sài Gòn

  09:49 ngày 03/02/2020

Ngày xưa các bệnh lây lan như phong cùi đã được người ta ngừa bệnh bằng cách cách ly họ ra khỏi cộng đồng và giam trên những hoang đảo. Nguy cơ của bệnh này còn ít lây lan và nguy hiểm như viêm phổi corona mà còn vậy. Ta chưa đóng hết biên giới với nguồn lây nhiễm từ Trung Quốc, đường không thì tạm dừng nhưng đường tàu hỏa, tàu biển vẫn hoạt động và đường bộ dọc biên giới không kiểm soát được đối với khách du lịch, còn lao động Trung Quốc sẽ quay lại làm việc sau Tết thì làm sao ngăn và kiểm soát bệnh dịch lan ra nếu có ? Các nước Mỹ hay châu Âu người ta đã cách ly công dân của họ đi về từ Trung Quốc 17 ngày để theo dõi và kiểm soát. Ta có nên cách ly họ để theo dõi và cô lập những người bị bệnh này ra khỏi cộng đồng để bảo vệ sức khỏe của dân ta hay không?

Thsĩ - bác sĩ Nguyễn Trí Dũng

Cách ly đúng quy định là một trong những biện pháp hiệu quả để khống chế dịch bệnh lây truyền.

Hiện nay, thành phố đã chỉ đạo các trường hợp lao động đến từ Trung Quốc phải được cách ly đủ 14 ngày mới được vào làm việc

Kim Thu

  09:49 ngày 03/02/2020

Nhiều người dân đã tự giác mang khẩu trang nhưng lại vứt bừa bãi ra đường sau khi sử dụng, nhờ các vị khuyến cáo nguy cơ lây lan bệnh qua khẩu trang đã qua sử dụng này.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Khẩu trang cũng có thể là vật bám chất tiết từ đường hô hấp nhưng nếu là người thông thường thì khả năng chứa tác nhân gây bệnh sẽ ít hơn.

Trong bệnh viện, khi chăm sóc bệnh nhân thì khẩu trang được xếp là rác thải y tế nên sẽ được xử lý giống như quy trình xử lý rác thải y tế để chống tác nhân gây bệnh lây lan ra ngoài.

Người mang khẩu trang hiện nay được khuyến cáo bỏ khẩu trang vào thùng rác ngay sau khi sử dụng.

Nguyễn Nhung

  09:50 ngày 03/02/2020

Con gái tôi thường xuyên đi học bằng các phương tiện công cộng (xe buýt), vậy làm thế nào để phòng bệnh cho con trong thời điểm dịch đang lây lan như thế này?

Tiến sĩ Phạm Quang Thái

Khi đi lại bằng phương tiện công cộng, nên dự phòng bằng đeo khẩu trang, kính và tránh cầm nắm vào các vị trí như tay vịn. Trong trường hợp phải chạm vào các vị trí có thể bị bẩn trong xe, tránh tuyệt đối dùng tay đó chạm vào khu vực mắt, mũi, miệng.

Sau khi ra khỏi xe, cần rửa tay thật sạch với xà phòng và nước chảy sau khi cởi bỏ khẩu trang. Trong trường hợp không rửa tay được thì có thể dùng dung dịch sát khuẩn để vệ sinh tay.

Thu Hà

  09:50 ngày 03/02/2020

Xin bác sĩ cho biết để xét nghiệm có nhiễm virus corona hay không sẽ mất thời gian bao lâu? Có khi nào xét nghiệm nhầm hay không?

Tiến sĩ Phạm Quang Thái

Quy trình xét nghiệm hiện tại lâu là để đảm bảo thấp nhất khả năng xét nghiệm nhầm. Thời gian để xét nghiệm và khẳng định có thể từ 12 giờ đến 24 giờ hoặc lâu hơn trong những trường hợp đặc biệt.

Khi đã nói về mặt khoa học xét nghiệm nào cũng có độ nhạy và độ đặc hiệu nhưng tỉ lệ không chính xác sẽ rất thấp, trường hợp cần thiết có thể sẽ làm xét nghiệm lại thêm một lần nữa.

 

Hồng Vân

  09:53 ngày 03/02/2020

Làm thế nào để phân biệt giữa viêm phổi do virus corona và cảm cúm thông thường, cảm lạnh?

Tiến sĩ Phạm Quang Thái

Đây là thách thức trong ngành y tế. Viêm phổi có thể bắt gặp trong tất cả các loại đường hô hấp. Cảm lạnh hoăc cúm thường hoặc bệnh khác có biểu hiện viêm họng thông thường chỉ có thể xác định thông qua xét nghiệm, những đối tượng có nguy cơ là đi từ vùng dịch.

Không có cách nào ngoài xét nghiệm để phân biệt nếu chỉ căn cứ vào biểu hiện triệu chứng. Bạn có thể dựa thêm vào yếu tố kèm theo như đến khu vực có dịch hoặc tiếp xúc với người bệnh nghi ngờ/xác định trong khoảng 14 ngày để thông báo với nhân viên y tế.

Phạm Huyền Thanh

  09:53 ngày 03/02/2020

Thưa bác sĩ, các gia đình có nên tự khử khuẩn môi trường trong nhà để phòng, tránh dịch viêm phổi do virus corona không? Nên dùng loại hoá chất nào để khử khuẩn?

Tiến sĩ Phạm Quang Thái

Virus tồn tại khá yếu ngoài môi trường và bị tiêu diệt dễ dàng bởi các chất sát trùng thông thường như cồn 70 độ, Cloramin B 0,5%, xà phòng…

Việc làm sạch nhà cửa là cần thiết để bảo vệ bạn và gia đình trước rất nhiều tác nhân nhiễm trùng chứ không riêng gì nCoV và có thể dùng các chất tẩy rửa, sát khuẩn thông thường để làm sạch nhà cửa bạn nhé.

Một bạn đọc

  09:55 ngày 03/02/2020

Những người đang mang thai nhiễm virus corona thì xử lý ra sao? Em bé sinh ra có an toàn không hay sẽ bị nhiễm?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Cho tới hiện nay, không có nghiên cứu nhiều về phụ nữ mang thai mắc corona, tuy nhiên người phụ nữ mang thai là một đối tượng có tình trạng miễn dịch suy giảm và rất dễ biến chứng với các bệnh lý từ đường hô hấp như bệnh do virus corona gây ra. Nghiên cứu cho thấy virus cúm, cũng là một virus lây qua đường hô hấp cho nên việc phòng ngừa cần phải thực hiện nghiêm ngặt hơn.

Độc giả báo Người Lao Động

  09:56 ngày 03/02/2020

Hiện người dân hay bị "bẫy" các thông tin la hoảng trên mạng, theo ông làm thế nào để tránh tình trạng này? (một độc giả)

Bác sĩ Nguyễn Đình Anh

Thời gian gần đây với sự chỉ đạo của Ban Bí thư và Chính phủ, ngành y tế đã thường xuyên cung cấp thông tin về nguồn lây bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh, với mục đích hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.

Bộ Y tế đã cung cấp nhiều thông tin qua cổng thông tin điện tử Bộ Y tế (moh.gov.vn), qua Báo Sức khỏe Đời sống, đặc biệt trong những ngày gần đây, Bộ Y tế đã mở đường dây nóng 24/24 qua 2 số điện thoại: 19003228, 19009095.

Trong ngày 2-2, số điện thoại 19009095 mới đưa vào phục vụ, số lượng cuộc gọi đến tổng đài rất nhiều. Đường dây nóng 1900 9095 được thực hiện với sự hợp tác của Tổng Công ty Viễn thông Viettel. Các cuộc gọi đến đường dây này đều miễn phí.

80% cuộc gọi tập trung vào các dấu hiệu triệu chứng của bệnh và cách phòng chống; phát hiện về người nghi nhiễm bệnh và khai báo khi có vùng dịch; vấn đề nhập cảnh và thủ tục nhập cảnh trong thời gian có dịch; thông tin phát hiện nơi bán khẩu trang giá cao và tình hình khẩu trang khan hiếm trên thị trường; đề nghị cung cấp địa chỉ xét nghiệm...

Một điểm chúng tôi mong muốn gửi tới người dân là hãy bình tĩnh và tìm hiểu các nguồn thông tin chính thống từ chính phủ, từ bộ y tế và các cơ quan truyền thông đại chúng chính thống.

Hà Ngọc Anh

  10:02 ngày 03/02/2020

Các phụ huynh nhiều nơi ầm ầm gây sức ép các trường cho học sinh nghỉ học, theo ông điều này có nên không? Và nên nói với phụ huynh thế nào để họ an tâm hơn?

Thsĩ - bác sĩ Nguyễn Trí Dũng

Thực ra việc cách ly bằng đóng cửa trường học không cần thiết trong giai đoạn này, tuy nhiên với độ cẩn trọng cao, ngành giáo dục đã tham vấn y tế và đưa ra quyết định tạm thời nghỉ 1 tuần.

Đây là một quyết định khó khăn và còn nhiều tranh cãi. Các vị phụ huynh cần theo sát diễn biến dịch và tuân thủ các hướng dẫn dự phòng dịch để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình mình.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo