xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những đóa hoa trong giông bão

Bài và ảnh: ANH THƯ

Dịu dàng, ấm áp nhưng chưa từng yếu mềm, những phụ nữ làm công việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19 đã đi qua những ngày "sóng thần" Delta với nhiều hy sinh thầm lặng

1. "Con hỏi sao mình đi trong mưa... Con lạnh, con bị nước mưa cắt vào mắt đau quá… Mami đứng ngoài cửa giải thích nhanh và "bàn giao tài sản". Con chỉ biết bái bai, chúc mami đi làm vui vẻ. Và mình xa nhau 4 tháng sau cú vẫy tay này…".

Trong một ngày TP HCM đã dần bình yên sau đại dịch, chị Nguyễn Ngọc Mai mới trải lòng trên Facebook như thế về buổi chiều 12-6 mà nhiều người dân thành phố không thể nào quên: "Pháo đài" chống Covid-19 của TP HCM - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - bị phong tỏa, đánh dấu khởi đầu của làn sóng Delta khốc liệt. Chiều đó, chị chở con trai 4 tuổi bằng xe máy, xuyên mưa gió về quê gửi ngoại rồi vội quay lại TP HCM, lao vào cuộc chiến phía sau rào chắn.

Những đóa hoa trong giông bão - Ảnh 1.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Ngọc Mai (bên phải)

Chị Mai là điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc trẻ em, khi đó được chuyển đổi công năng để điều trị bệnh nhân Covid-19 người lớn nguy kịch. Gặp chị vào tháng 9-2021, trước mắt tôi là một điều dưỡng trưởng kiên cường, quán xuyến nhịp nhàng công việc trong khoa, dành toàn bộ tâm trí cho các bệnh nhân đang khó nhọc tìm hơi thở. Cũng như mọi nhân viên y tế khác trong thành phố đầy rào chắn và tiếng xe cấp cứu khi đó, chị không được phép yếu lòng hay mất tập trung.

"Mỗi ngày chúng tôi chỉ nghĩ chuyện đến được bệnh viện sớm để thay ca cho đồng đội. Vào làm rồi thì chúng tôi chỉ còn biết đến bệnh nhân. Tất nhiên là nhớ con nhưng rồi lại nghĩ bé về được tới quê, có ngoại chăm sóc là tốt rồi. Ở đây nhiều người cần mình hơn" - chị Mai kể.

Gửi con xong, như nhiều người mẹ khoác áo blouse trắng khác trong đại dịch, chị Mai chỉ còn đồng đội. "Nhưng mình cũng được nhiều thứ. Đã qua được những ngày đó thì gần như sau này khó có điều gì làm mình chùn bước nữa. Cách mà mọi người đồng lòng với nhau, lao theo mũi tên duy nhất trong những ngày đó là điều đáng quý nhất" - chị bày tỏ.

2. "Em vừa đưa tang bà ngoại hôm trước là hôm sau vào làm trong khu Covid-19 luôn. Em buồn lắm vì mẹ cũng mất vì bệnh 2 năm trước rồi, từ đó tới giờ em sống với bà. Nhưng mà, các chị bầu cần tụi em…" - nữ hộ sinh Nguyễn Lê Mỹ Phụng, Khoa Sản M - Bệnh viện Từ Dũ, thổ lộ.

Những ngày đỉnh dịch Covid-19, Bệnh viện Từ Dũ bắt đầu tách thành hai: một nửa dành cho bệnh nhân bình thường, một nửa thành Bệnh viện Điều trị Covid-19 Từ Dũ. Phụng đã tham gia rất nhiều tua trực Covid-19, đến nỗi lần nào vào khu điều trị này tác nghiệp, tôi cũng gặp cô.

Những đóa hoa trong giông bão - Ảnh 2.

Nữ hộ sinh Nguyễn Lê Mỹ Phụng

Nỗi đau mất người thân chưa nguôi, cuối tua trực 5 tuần đầu tiên, chính Phụng cũng mắc Covid-19. Đó là một trải nghiệm không nhẹ nhàng dù cô đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19, bởi nhân viên y tế thời điểm đó đều kiệt sức vì công việc. Một phụ nữ khác ở nhà - người thân cuối cùng của Phụng - cũng mắc Covid-19 cùng lúc. "Cảm giác bất lực lắm vì không ai giúp được ai" - cô thừa nhận.

Nhưng điều đó không làm Phụng chùn bước. Cô vẫn tiếp tục tham gia các tua trực Covid-19. Phụng bộc bạch: "Em nhớ mãi những chị đã qua đời. Khi đi qua dãy hành lang đó, căn phòng đó, em thấy như các chị vẫn còn đâu đây. Lúc đó, em chỉ còn biết cố làm hết sức mình để giúp các chị khác. Ngày mà những mũi vắc-xin phòng Covid-19 bắt đầu có hiệu lực, bệnh nặng giảm nhanh chóng, các chị khỏe mạnh ôm con trong tay, em hạnh phúc không thể tả".

3. Những ngày tháng 7-2021, cảnh ngày càng nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng mà TP HCM thiếu giường bệnh đã lấp đầy tâm trí nữ điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Ngọc Thảo, Khoa Nội tim mạch - Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Khi ban giám đốc bệnh viện lấy ý kiến tập thể để tách đôi bệnh viện, mở một khu hồi sức Covid-19 sớm hơn dự kiến, chị đồng ý ngay. Chị trở thành điều dưỡng trưởng của Khoa ICU-A2 - Đơn vị Hồi sức tích cực.

ICU-A2 cũng là nơi tôi gặp chị Thảo lần đầu, chứng kiến chị thoăn thoắt đi lại, luôn tay làm việc giữa căn phòng có cùng lúc nhiều bệnh nhân vừa thở máy vừa phải lọc máu liên tục. "Thời điểm đó, lúc nào tôi cũng chỉ mong có bệnh nhân được khỏe lại. Vì như vậy không chỉ người đó được về với gia đình mà có thêm chỗ trống để nhận bệnh nhân mới" - chị nhớ lại.

Những đóa hoa trong giông bão - Ảnh 3.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Ngọc Thảo

Khi đồ bảo hộ bớt thiếu thốn, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chuẩn bị cho mỗi nhân viên y tế thêm một bộ mỗi ca làm để họ có thể thay ra nghỉ giữa ca, giữ sức khỏe. Thế nhưng, những bộ đồ ấy cứ bị dư ra.

"Bệnh này diễn tiến nhanh lắm, bất ngờ lắm. Hơn nữa, ra nghỉ được nửa giờ thì mất thêm thời gian thay đồ bảo hộ, tắm rửa, trong khi bệnh nhân đang cần mình, việc thì chưa xong, không ai muốn rời bệnh nhân hết" - tôi ghi lại lời giải thích của chị Thảo mà thấy cảm động. Bởi lẽ, chính tôi cũng cảm nhận những dòng mồ hôi đang chảy trên cổ, trên lưng mình lúc đó, dù mới khoác đồ bảo hộ hơn 1 giờ.

4. Ấn tượng đầu tiên của tôi về chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (ICU) - Bệnh viện Thống Nhất, là một điều dưỡng trưởng kíp bản lĩnh, nhiệt tình, luôn bận rộn hỗ trợ đồng nghiệp về thiết bị giữa Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng quận Tân Bình. Đó là những ngày bệnh viện này gần kín 1.000 giường, với hàng trăm ca bệnh nặng và nguy kịch. Những điều dưỡng ICU như chị trở thành trụ cột của khối chăm sóc.

Dưới áp lực đó, chị Hiền vẫn cố gắng dành thời gian đến từng giường bệnh nhân nặng. Chị cho rằng đây có thể là hình ảnh cuối cùng của bệnh nhân mà người thân họ được nhìn thấy.

Những đóa hoa trong giông bão - Ảnh 4.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hiền

Nhưng ai cũng biết, đó là thời kỳ nhân viên y tế chỉ việc cứu người thôi cũng đã không kịp ăn, không kịp ngủ. "Vì sao chị vẫn ráng đến từng giường bệnh?" - tôi thắc mắc. "Bà tôi cũng mới mất ở một bệnh viện khác. Tối hôm trước người nhà đưa vào viện, sáng hôm sau bà mất, không ai được nhìn bà lần cuối…" - chị bật khóc.

Như nhiều đồng đội, chị Hiền nén lại tất cả, bám trụ chiến tuyến vì một nỗi xót xa chung hướng về đồng bào. Để rồi, họ cũng nhận được nhiều điều quý giá, như chị Hiền chia sẻ: "Chúng tôi có một đội ngũ đã được rèn luyện vững vàng hơn. Nhiều đồng nghiệp trước đây chỉ biết nhau sơ qua công việc nay đã thành bạn thân. Giờ tôi chỉ mong một ngày tất cả cùng được về với cuộc sống bình thường, vì có những bạn vẫn bám trụ với bệnh viện dã chiến".

Điều khiến tôi hạnh phúc nhất khi thực hiện bài viết này có lẽ là tiết lộ từ chị Hiền: Chị sắp lên xe hoa, một đám cưới đã hoãn lại từ rất lâu... Hạnh phúc vì lẽ mỗi phụ nữ trở lại tươi tắn sau giông bão là một biểu tượng của cuộc sống hồi sinh sau đại dịch.

Một ngày tháng 8-2021, giữa sân nắng gắt của Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương lúc đỉnh dịch, tôi tình cờ chụp được khoảnh khắc đáng yêu của một nữ điều dưỡng trẻ, nhỏ nhắn, tóc rối buộc vội, cầm giấy che nắng cho một bé gái vừa xuất viện.

Nhờ một bác sĩ của bệnh viện, chúng tôi tìm thấy nhau trên Facebook. Cô là điều dưỡng Huỳnh Thúy Linh, Khoa Dã chiến D - Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương, nay phục hồi công năng thành Khoa Điều trị theo yêu cầu. Đó cũng là lúc tôi giật mình khi thấy ảnh con gái Linh, mới vài tháng tuổi.

20-box

Linh trải lòng: "Em vừa nghỉ thai sản xong là Bệnh viện Trưng Vương chuyển đổi công năng. Lúc đó em chỉ nghĩ mình còn trẻ, có sức lực. Em đã chuẩn bị vali, xách vô bệnh viện để vào khu Covid-19. Nhưng bác sĩ trưởng khoa nói con em mới 6 tháng, em nên làm hành chính, dù cũng đến tối mịt mới về tới nhà nhưng ít ra còn gặp con được một chút. Vậy mà cũng có những đợt em thành F1, phải ở lại bệnh viện nhiều ngày vì người nhà chưa được tiêm ngừa đủ, nhớ con lắm".

Có lẽ tình yêu với con gái nhỏ trong Linh đã chuyển thành sự ân cần dành cho những đứa trẻ khác vì Covid-19 mà phải tạm xa cha mẹ. "Bé đó đang ngồi chờ anh trai. Hai anh em xuất viện trước, cha mẹ còn nằm lại. Thấy bé buồn, em lại trò chuyện rồi gọi xe cho hai anh em, có người thân khác đợi ở nhà" - Linh kể về bệnh nhi trong bức ảnh tôi chụp.

Linh khẳng định nếu cho lựa chọn lại, cô vẫn sẽ lao vào công việc dù thấu hiểu sự khốc liệt của Delta - nhất là khi nhiều người nhà của cô cũng mắc Covid-19 trong đợt cao điểm đó. "Xót xa cho người thân thì em lại càng thương các bệnh nhân Covid-19. Có lần, bệnh nhân là người khuyết tật, không tự đi được, người nhà bị cách ly cũng không thể đến đón. Em đứng ở cổng bệnh viện hàng giờ với bệnh nhân, gọi mãi mới tìm được một chiếc xe..." - cô nhớ lại.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo