xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phòng tránh đột quỵ khi tập thể thao

NGUYỄN THẠNH - NGỌC DUNG

Tập thể dục thể thao nhưng không biết các bệnh lý tiềm ẩn cũng như giới hạn của bản thân sẽ dễ dẫn tới nguy cơ đứt mạch máu não, đột tử

Thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ đột tử trong lúc tập thể dục thể thao. Câu chuyện này tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động đối với những người chưa kiểm soát sức khỏe tốt khi chơi thể thao, tập thể dục, kể cả người trẻ và người lớn tuổi.

Nhiều nguyên nhân tiềm ẩn

Vừa qua, tại Bình Định, một học sinh đã tử vong trong lúc thi chạy 200 m. Ở Hà Nội, một học sinh lớp 9 bị đột quỵ và cũng không qua khỏi sau khi tham gia giải chạy ở trường. Một người đàn ông ở Thái Nguyên cũng ngã khuỵu khi đang chơi thể thao. May mắn, một nhân viên y tế có mặt tại hiện trường nhanh chóng ép tim tại chỗ và đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu. Nhờ vậy, nạn nhân đã hồi phục sau 1 tuần điều trị.

Thực tế, tình trạng đột quỵ hay ngừng tim dẫn đến đột tử khi nạn nhân đang hoạt động thể thao không phải hiếm gặp. Có những tai nạn xảy ra trên sân bóng, trên đường chạy, trong phòng tập gym.... Các chuyên gia cho rằng những người gặp sự cố khi tập thể dục thể thao gắng sức chủ yếu là do có vấn đề về huyết áp, bệnh lý tim mạch. Hoạt động quá sức khiến bệnh lý tái phát và dẫn đến đột quỵ.

Phòng tránh đột quỵ khi tập thể thao - Ảnh 1.

Nam bênh nhân bị đột quỵ khi đang chơi thể thao đã hồi phục sau khi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên Ảnh: TRUNG HIẾU

Theo TS-BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM, có nhiều nguyên nhân gây đột tử khi trẻ đang chạy bộ như: bất thường về tim mạch, cao huyết áp, rối loạn nhịp tim. Ngoài ra, trẻ có thể bị cao áp động mạch phổi mà chưa được phát hiện, khi chạy gắng sức gây suy hô hấp, lên cơn tím tái, ngưng tim và tử vong. Chưa kể, có thể trẻ bị dị dạng mạch máu não, khi gắng sức mạch máu này vỡ ra, gây đột quỵ, tử vong…

PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Trưởng Khoa Phẫu thuật chấn thương y học thể thao và chi trên, cảnh báo đột quỵ khi chơi thể thao, tập thể dục có 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất xảy ra trên người có sẵn yếu tố nguy cơ hay người có dị dạng mạch máu não (phình mạch máu não); có bệnh lý tiềm tàng về viêm cơ tim, gây nhồi máu cơ tim cấp hoặc xuất huyết não cấp. Người bệnh rất khó biết mình có bệnh vì thông thường không có triệu chứng, khi tai biến xảy ra mới biết.

Nhóm thứ hai là do người chơi thể thao gắng sức quá, ham mê quá, đẩy sức chịu đựng vượt lên cao quá khả năng của mình.

Nên hiểu rõ mình

Hồi tháng 6-2022, một người đàn ông 46 tuổi ngã quỵ trên đường chạy trong một giải marathon ở Bình Định. Cách đây mấy năm, một thanh niên 18 tuổi cũng không qua khỏi trong một giải chạy marathon được tổ chức ở TP HCM.

Điều này cảnh báo cả thanh niên lẫn người ở độ tuổi trung niên nếu cứ tập luyện quá sức mà không biết ngưỡng giới hạn sẽ gây đứt mạch máu não, đột tử. Điều nguy hiểm là có những người lúc bình thường họ thấy bản thân rất khỏe nên không biết trước được nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra khi vận động mạnh.

PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, cảnh báo trước khi tập luyện mà không biết được giới hạn của bản thân sẽ rất nguy hiểm. Không ít bệnh nhân trẻ tuổi trước đó chưa có biểu hiện gì đã được phát hiện bị nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, lên cơn suyễn…

"Thực tế nếu những người này vẫn tiếp tục tập luyện theo ý muốn của họ mà không biết mình đã tới ngưỡng của huyết áp sẽ gây ra đứt mạch máu não, còn khi đã xuất hiện loạn nhịp, nhồi máu cơ tim mà vẫn tập luyện tiếp sẽ gây ra đột tử" - bác sĩ Lan cảnh báo.

BS Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết vận động gắng sức không đúng phương pháp có thể gây khởi phát đột quỵ ở những người trẻ có yếu tố nguy cơ tiềm tàng. Chẳng hạn, ở những người trẻ có rối loạn yếu tố đông cầm máu, bệnh lý tim mạch, dị dạng mạch máu não, khi tập luyện quá sức có thể gây ra cơn tăng huyết áp dẫn tới khởi phát đột quỵ.

Với người già, đột quỵ trong quá trình tập luyện thể dục, thể thao thường xảy ra vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết khắc nghiệt (quá nóng, quá lạnh…). "Do cơ chế điều hòa tuần hoàn não của người già kém hơn người bình thường, cộng thêm tập gắng sức có thể gây cơn tăng huyết áp kịch phát và xảy ra đột quỵ. Những vận động gắng sức không hợp lý có thể gây đột quỵ vào buổi sáng sớm" - bác sĩ Cường lý giải.

Với người trẻ, nếu có triệu chứng đau đầu, chóng mặt bất thường, bác sĩ Cường khuyên nên kiểm tra có dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não hay bệnh lý tim mạch hay không để lựa chọn phương án luyện tập vừa sức. "Đối với người trẻ có các yếu tố nguy cơ cao đột quỵ, khi chơi môn thể thao gắng sức nào cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ" - bác sĩ Cường lưu ý. 

Nam bị nhiều hơn nữ

Bệnh viện Bạch Mai vừa công bố nghiên cứu đa trung tâm về tình hình đột quỵ tại Việt Nam trong thời gian qua tại 10 trung tâm đột quỵ trên toàn quốc. Đây là nghiên cứu lớn có số lượng bệnh nhân tham gia lớn nhất từ trước đến nay của chuyên ngành đột quỵ với 2.310 người.

Theo PGS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, kết quả bước đầu cho thấy hiện nay độ tuổi trung bình của người dân Việt Nam bị đột quỵ là khoảng 65. Riêng độ tuổi dưới 45 bị đột quỵ chiếm 7,2%. Tỉ lệ nam bị đột quỵ gấp 1,5 lần so với nữ (trong khi ở nước ngoài nữ bị đột quỵ nhiều hơn nam).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo