Điều tra tình trạng quấy rối tình dục trên xe buýt
Cũng tại buổi họp báo, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý Vận tải đường bộ - Sở Giao thông vận tải TP HCM, đã thông tin về những phản ánh của báo chí, người dân về tình trạng quấy rối tình dục trên xe buýt.
Theo đó, Sở Giao thông vận tải TP HCM đã gửi công văn đến Công an TP để điều tra, xử lý các trường hợp quấy rối trên xe buýt. Bên cạnh đó, các tiếp viên, tài xế xe buýt cũng được tập huấn xử lý khi xảy ra những tình huống quấy rối. Tuy nhiên, trong quá trình phòng chống tệ nạn này cũng gặp nhiều khó khăn khi một số người dân còn e ngại, không tố giác tội phạm.
"Ngay khi bị quấy rối, người bị hại hãy tố giác để nhận được sự hỗ trợ từ người xung quanh và tài xế, tiếp viên trên xe buýt" - ông Hải khuyến cáo.
Ông Hải cho biết hiện nay, hầu hết ở các nhà chờ xe buýt và các biển thông tin công cộng đều được trang bị camera, các bến bãi cũng có camera theo dõi. Ngoài ra, 100% xe buýt gắn hệ thống định vị GPS, 1.784 xe buýt trong hơn 2.000 xe có lắp camera quan sát, trong thời gian tới sẽ tiếp tục bổ sung.
Toàn cảnh họp báo chiều 21-3
Cũng tại buổi họp báo, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng tham mưu - Công an TP HCM, thông tin về tình hình tội phạm trong quý I/2022. Cụ thể, đến ngày 15-3, trên địa bàn TP HCM xảy ra 840 vụ phạm tội kể cả hình sự, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 281 vụ. Công an TP đã tiến hành điều tra, xử lý 650 vụ, bắt 1.183 đối tượng.
Nhìn chung, các loại tội phạm - trong đó có cướp giật, trộm cắp tài sản - đã giảm. Tuy nhiên, thượng tá Hà cảnh báo người dân không được chủ quan, lơ là mà phải cảnh giác cao độ. "Không nên giành giật tài sản với tội phạm khi bị cướp, vì rất có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng. Người bị hại cần tri hô, nhờ sự hỗ trợ của những người dân gần đó và báo cho lực lượng chức năng" - thượng tá Hà nhấn mạnh.