xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thắp lửa niềm tin nơi tâm dịch Bình Dương

Lê Thị Hiệp

Sẽ đọng mãi trong tâm trí tôi hình ảnh PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu xông pha trong những ngày Bình Dương căng thẳng nhất với dịch bệnh. Ông như cánh chim không mỏi giữa tâm dịch với một trái tim nhiệt thành

Thuận An, ngày 15-9-2021, em bé của tôi chào đời giữa vùng dịch nặng nhất của tỉnh Bình Dương. Thật xúc động! Giữa quay cuồng bệnh tật, chết chóc, cuộc sống tốt đẹp vẫn tiếp diễn, hạnh phúc vẫn đến ngập tràn.

Cuộc chiến cam go

Trong những ngày dịch tràn qua khu nhà tôi ở, đã có những người thân, bạn bè, xóm giềng nhiễm bệnh và ra đi. Tôi nức nở ôm con vào lòng! Mai này, khi con lớn lên, "Con sẽ mang đất nước đi xa/ Đến những tháng ngày mơ mộng". Và tôi sẽ kể cho con nghe về những ngày chúng tôi sống ở tâm dịch, có vị bác sĩ đến chi viện đã góp phần mang đến ngày mai tươi sáng cho mẹ con chúng tôi và vùng đất này. Đó là PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Y khoa Trung tâm Hồi sức tích cực Bình Dương.

Thắp lửa niềm tin nơi tâm dịch Bình Dương - Ảnh 1.

PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu (đứng giữa, cầm điện thoại) cùng đoàn các y - bác sĩ từ Hà Nội vào hỗ trợ Bình Dương. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tháng 4-2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bắt đầu bùng phát ở TP HCM. Thời điểm này, Bình Dương vẫn còn giữ vững "trận địa" trong sản xuất - kinh doanh và các hoạt động xã hội. Tháng 5-2021, từ một ca bệnh chỉ điểm, vài ngày sau, Bình Dương xét nghiệm nhiều khu vực liên quan và điều không mong muốn đã xảy ra: Dịch Covid-19 đã âm thầm lây lan trong cộng đồng, lan vào các công ty, nhà xưởng, các dãy trọ chật hẹp, đông người.

Kịch bản 1.000, 5.000 rồi 20.000 ca nhanh chóng bị lạc hậu trong vòng 1 tháng. Hệ thống y tế dù đã sẵn sàng nhưng vẫn dồn dập rơi vào quá tải. Tâm dịch Bình Dương trở thành nỗi lo đặt lên bàn của các cấp, lo âu trong nỗi suy tư của các vị lãnh đạo, của y - bác sĩ; dội vào dạ dày từng lao động; ăn vào ánh mắt từng đứa trẻ ngơ ngác khi bị nhốt trong nhà. Bình Dương bước vào cuộc chiến cam go. Dân chúng không ít hoang mang.

Thắp lửa niềm tin nơi tâm dịch Bình Dương - Ảnh 2.

PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu cùng một em bé ở trong khu cách ly tập trung tại Bình Dương

Nhận lời đề nghị của tỉnh Bình Dương và sự phân công của Bộ Y tế, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu đã vào Bình Dương hỗ trợ chống dịch và xây dựng hệ thống điều trị Covid-19. Với vai trò hỗ trợ Bình Dương về mặt chuyên môn và chiến lược chống dịch, bước chân PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu không mỏi qua từng vùng dịch phức tạp của Bình Dương. Ông miệt mài lên phương án chuyên môn cho các bệnh viện dã chiến, tư vấn các giải pháp cho y tế tuyến cơ sở. Nhiều ý kiến của ông đã đóng vai trò quan trọng giúp Sở Y tế tỉnh Bình Dương tháo gỡ khó khăn về chuyên môn, tìm giải pháp khống chế dịch bệnh.

Vượt qua từng ngày

Nhìn ông xông pha chiến đấu với những F0, chúng tôi - những người dân đã sống những tháng ngày đầy lo lắng giữa tâm dịch - cảm nhận vị bác sĩ này đang như một vị tướng dũng cảm và đầy mưu lược trên chiến trường khốc liệt. Ông như đang chiến đấu chống dịch ở chính quê hương ông chứ không phải là nơi đến chi viện.

Qua các bản tin chống dịch của tỉnh Bình Dương lúc bấy giờ, gần như mỗi ngày chúng tôi đều dõi theo ánh mắt lo âu, bước chân của ông từ bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung, cùng các đoàn chi viện hay đội tình nguyện, cùng y tế cơ sở và đặc biệt là ở trọng trách nặng nề Giám đốc Y khoa Trung tâm Hồi sức tích cực Bình Dương.

Giữa tâm dịch quay cuồng, những đêm trắng, chúng tôi vẫn đầy hy vọng vào một vị thầy thuốc mà mình chưa từng gặp. Ông đang lo toan cho chúng tôi. Ông đến vùng đất mà dịch bệnh đang hoành hành, có mặt trên khắp các nẻo đường chống dịch. Còn chúng tôi - dân sống ở tâm dịch - nhìn vào những ngọn lửa nơi tuyến đầu như ông và các chiến sĩ khác nữa để vững tin mà vượt qua từng ngày một.

Mai này hết dịch, chúng ta sẽ khác đi. Có thể sẽ thản nhiên hơn, bình tĩnh hơn trước những được, mất; biết cách chấp nhận hơn với những thiệt thòi. Dịch rồi sẽ qua nhưng ký ức về nó sẽ còn. Sẽ có những chiều kẹt xe để nhớ ngày thành phố vắng hoe. Và cũng sẽ nhớ rất nhiều những gì mà chúng ta đã cùng nhau và cùng mọi người đi qua những ngày này: Đã có nhiều người mắc bệnh và vĩnh viễn rời xa chúng ta!

Với những người như tôi, sẽ còn đọng mãi trong tâm trí hình ảnh người bác sĩ đến chi viện Bình Dương trong những ngày căng thẳng nhất. Như cánh chim không mỏi giữa tâm dịch, chúng tôi đã cảm nhận được ở người bác sĩ ấy một trái tim nhiệt thành!

Chỉ cần tuyến đầu vững

Cái đêm xem phóng sự "Ranh giới" trên truyền hình, tôi thẫn thờ rồi khóc nức nở.

Mang thai trong suốt thời gian bùng phát dịch, tôi nghẹn ngào như thấy mình trong đó. Sức khỏe yếu nên tôi không đủ tự tin và đã từ chối tiêm vắc-xin. Mang thai khi ở tâm dịch, ngày tháng trở nên thật dài. Dãy phố trước nhà vì dịch mà chiều nào cũng buồn tênh. Tôi đọc những dòng tin sản phụ phải sinh con ở chốt kiểm soát dịch, càng thấy mức độ dịch căng thẳng ở Bình Dương. Rồi con tôi cũng chào đời. Hôm ấy, Bình Dương công bố có gần 6.000 ca nhiễm Covid-19.

Thắp lửa niềm tin nơi tâm dịch Bình Dương - Ảnh 3.

PGS-TS NGUYỄN LÂN HIẾU (bìa trái) cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện Hồi sức tích cực Becamex (Bình Dương)

Bản đồ dịch leo thang thẳng đứng. TP Thuận An nơi tôi ở, có những chỗ phải "khóa chặt, đông cứng", tuyệt đối dân không rời khỏi nhà trong 15 ngày. Phố phường như có chiến tranh mà kẻ thù thì tàng hình và nguy hiểm. Trong 15 ngày khóa chặt đó, Bình Dương quyết tâm xoay chuyển tình thế. Đó là những ngày PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu cùng lực lượng tuyến đầu của Bình Dương quyết tâm và đầy lo toan. Chúng tôi cùng ra trận. Phố phường, chính quyền, nhân dân đùm bọc nhau để xoay chuyển tình thế.

Đứa em tôi làm việc ở một bệnh viện tận Hà Nội, ríu rít gọi điện khoe: "Em được chi viện cho Bình Dương rồi. Cũng được về bệnh viện chỗ thầy Hiếu luôn. Bọn em sẽ được hỗ trợ chống dịch ở Trung tâm Hồi sức tích cực Bình Dương".

Thương quá. Nó hân hoan khoe được đến nơi căng thẳng nhất của dịch bệnh. Nơi mà theo một bác sĩ đã chia sẻ: "Lần đầu tiên bước chân vào buồng bệnh tầng 3, tôi choáng ngợp trước sự hoành hành của đại dịch. Ở đây toàn người bệnh nặng và rất nhiều người tử vong".

Em tôi cũng như nhiều y - bác sĩ của Bình Dương coi PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu như bậc thầy truyền lửa và niềm tin chuyên môn giữa tâm dịch. Còn chúng tôi ngày ngày xem các bản tin về tuyến đầu và thầm tin tưởng: Chỉ cần tuyến đầu còn trụ vững, chúng tôi nguyện đồng hành để chúng ta chiến thắng. Tôi đã mừng đến phát khóc khi đọc được một dòng trạng thái ông chia sẻ trên mạng xã hội: "Tôi thật vui hôm nay. Lần đầu tiên ca tử vong của Bình Dương xuống thấp nhất từ khi dịch bùng phát ở nơi đây. Cảm ơn tất cả". Tôi đã vững tin như ngày chiến thắng đang đến gần.

Đã có nhiều thay đổi cần thiết trong chiến lược chống dịch nhưng chỉ cần những người ở tuyến đầu còn trụ vững, còn tự tin thì chúng tôi vẫn hy vọng sẽ chiến thắng dịch bệnh.

Sau việc khống chế được dịch và chuyển sang trạng thái bình thường mới, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu lại cùng các ban, ngành của tỉnh Bình Dương xây dựng các kế hoạch hậu thời bùng dịch. Các vấn đề như quản lý người nghi nhiễm, giảm tỉ lệ tử vong, giải tán các khu cách ly, nhanh chóng phủ vắc-xin toàn dân, tách đôi mỗi bệnh viện để sẵn sàng điều trị...

Không sợ Covid-19 là cách sống mới mà chúng tôi cần thay đổi. Mỗi ngày, chúng tôi vẫn thấy ông băng băng đi khắp các huyện thị của Bình Dương để chia sẻ những khó khăn mà nhân viên y tế ở đây vừa chiến đấu vừa học hỏi, rút kinh nghiệm. Những rào chắn đầu tiên được gỡ bỏ là những kỷ niệm thật khó phai, tạo nên niềm xúc động sâu sắc trong chúng tôi.

Vào một ngày thắng lợi, Bệnh viện Dã chiến Thới Hòa - bệnh viện lớn nhất Bình Đương - đã đóng cửa. Các đoàn chi viện đã dần hoàn thành nhiệm vụ. PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu cũng chia sẻ: "Ngày cuối cùng đến thăm các huyện, thị Bình Dương. Tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện trở lên sẽ có khoa điều trị bệnh truyền nhiễm tách biệt khỏi khu điều trị thông thường... Thành lập các bệnh viện mini trong các khu công nghiệp... Ngày hôm qua, số ca tử vong của Bệnh viện Hồi sức dã chiến Bình Dương đã là 0... Chia tay và hẹn sớm gặp lại các bạn trong một bối cảnh hoàn toàn khác".

Bình Dương của chúng tôi đã đi qua đại dịch bằng sự cố gắng và nhiều sự giúp đỡ của những người như PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu. Tôi cũng như bao người may mắn khỏe mạnh nhưng đã không có cơ hội được gặp để cảm ơn họ đã đem niềm tin đến nơi đây. Ngày mai chúng tôi sẽ khác trong trạng thái bình thường mới. Con tôi sẽ lớn lên trong những ngày bình an và chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm, có chuẩn bị cho những tình huống mới.

Tạm biệt vị bác sĩ mà nhân dân ở tâm dịch Bình Dương chúng tôi yêu mến. Ông và đồng nghiệp đã góp phần đem ngày mai tươi sáng đến Bình Dương. Ngày mai chúng tôi sẽ mạnh mẽ và có cuộc sống tươi đẹp hơn. Cảm ơn những người đã đến chi viện cho Bình Dương trong những ngày gian nan nhất! 

Vũ khí là chuyên môn, nhiệt huyết

Lịch sử dân tộc ta những ngày qua đã ghi dấu ấn của một lớp đông đảo cán bộ, nhân viên ngành y coi tương lai dân tộc là tương lai chính mình. Với vũ khí là chuyên môn, nhiệt huyết, họ đã góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho những nơi từng là tâm dịch. Trong rất nhiều ngọn lửa giữa trận chiến chống dịch ấy, tôi muốn dành những dòng tri ân trân trọng nhất đến PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu - người đã góp phần thắp lên trong tôi niềm tin từ nơi tâm dịch Bình Dương!

CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ

Thắp lửa niềm tin nơi tâm dịch Bình Dương - Ảnh 5.
Thắp lửa niềm tin nơi tâm dịch Bình Dương - Ảnh 6.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo