xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Trận chiến" đặc biệt của Việt Nam

NGỌC DUNG thực hiện

Cuộc thảo luận bàn tròn đầu Xuân 2021 giữa Báo Người Lao Động và các chuyên gia y tế đầu ngành đã nhìn lại hơn 1 năm Việt Nam kiềm chế đại dịch Covid-19.

"CUỘC CHIẾN" KHÔNG GIỐNG AI

Phóng viên: Nếu nói rằng chống dịch Covid-19 như "chống giặc" thì chúng ta đã trải qua 2 trận chiến lớn tương ứng 2 giai đoạn của dịch. Điều gì đã làm nên thành công trong các trận chiến ấy?

- ThS Nguyễn Trọng Khoa: Là một trong những nước đầu tiên phát hiện ca bệnh Covid-19 xâm nhập từ Trung Quốc (ngày 22-1-2020), lại có đường biên giới dài với Trung Quốc - ổ dịch Covid-19 lớn nhất vào lúc đó, giao thương phức tạp, Việt Nam được đánh giá là nước có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 lớn nhất. Thế nhưng, ngược với đánh giá của cả thế giới, sau 100 ngày ghi nhận ca bệnh đầu tiên, Việt Nam đã kìm chân được số ca mắc với 270 ca, chưa ghi nhận ca tử vong. Các ổ dịch lớn như Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội), ổ dịch quán Buddha (TP HCM), ổ dịch thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) đều đã được khống chế, kiểm soát tốt. Trong giai đoạn 2 (dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng) và gần đây nhất là các ca bệnh trong cộng đồng ở TP HCM, đến nay, chúng ta tạm thời ghi nhận chiến thắng mới khi nhanh chóng kiểm soát được Covid-19 trong cộng đồng.

Trận chiến đặc biệt của Việt Nam - Ảnh 1.

ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế

Covid-19 không phải là "trận chiến" đầu tiên bởi chúng ta từng được rèn giũa và chiến thắng nhiều trận chiến chống dịch trước. Ví dụ năm 2003, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên kiểm soát thành công dịch SARS. Trong trận chiến với "giặc" Covid-19 này, chúng ta đã triển khai những cách "đánh trận" rất Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu "chống dịch như chống giặc" giống như một lời hiệu triệu kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc, mỗi người dân là một chiến sĩ, phòng chống dịch nghiêm túc, nâng cao cảnh giác với "giặc" đến từ nhiều phía.

- PGS-TS Trần Đắc Phu: Thành công bước đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Việt Nam chính là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị quyết liệt, quyết tâm trong chống dịch. Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng đã có tinh thần chủ động, kỹ năng chống dịch tốt với phương châm "chống dịch như chống giặc", giãn cách xã hội, thực hiện tốt quy định, khuyến cáo của ngành y tế (đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng).

Trận chiến đặc biệt của Việt Nam - Ảnh 2.

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam

Chúng ta cũng đã vạch ra được một chiến lược phòng chống dịch vô cùng quan trọng: "Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị". Đây là chiến lược xuyên suốt, bất di bất dịch mà chúng ta đã tuân thủ nghiêm ngặt.

Ngay từ thời kỳ đầu của dịch, Việt Nam cũng đã yêu cầu người nhập cảnh đi từ ổ dịch, cụ thể là từ Vũ Hán - Trung Quốc, về Việt Nam phải cách ly tập trung 14 ngày, sau đó là các nước khác rồi toàn thế giới. Việc cách ly tập trung được Chính phủ giao cho quân đội thực hiện. Đây là cách làm "rất Việt Nam". Chúng ta đều biết quân đội là một tổ chức có tính kỷ luật cao, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ bất kỳ hoàn cảnh nào, trong tình huống nào. Nhờ hình thức cách ly này mà chúng ta đã hạn chế được dịch xâm nhập và lây lan vào Việt Nam.

NHỮNG QUYẾT ĐỊNH CHƯA CÓ TIỀN LỆ

Có thời điểm nào mà ngành y tế phải ra những quyết định chưa từng có tiền lệ để kịp thời đáp ứng việc điều trị, ngăn chặn lây lan của dịch?

- BS Nguyễn Trung Cấp: Cuối tháng 1-2020, miền Bắc ghi nhận các ca Covid-19 đầu tiên, được chuyển tới BV Bệnh nhiệt đới trung ương điều trị. Thời điểm đó, Covid-19 vẫn là một bệnh lý mới nên các hiểu biết chung về bệnh này không nhiều, ngoài một số kinh nghiệm từ Vũ Hán. Dĩ nhiên giai đoạn đầu điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Việc xây dựng chiến lược, phương án điều trị trên cơ sở hiểu biết về những bệnh lý tương tự khi áp sang bệnh lý này không phải lúc nào cũng đúng.

Trận chiến đặc biệt của Việt Nam - Ảnh 3.

BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương

Đầu tháng 3, sau khi rút kinh nghiệm qua 5 bệnh nhân nặng đầu tiên, các BS đã quyết định thay đổi chiến lược. Khi đó, một bệnh nhân có diễn biến nguy kịch. Nếu áp theo chỉ định kinh điển thì trường hợp này phải thở máy xâm nhập, thậm chí có chỉ định chạy ECMO (tim phổi nhân tạo). Nhưng sau khi đánh giá bệnh nhân kỹ càng, các BS quyết định có thể can thiệp cho bệnh nhân bằng thở ôxy lưu lượng cao (HFNC).

Thời điểm đó, đây là quyết định khá "mạo hiểm" bởi nó không theo chỉ định sách vở kinh điển. Hơn nữa áp dụng thở HFNC là đối mặt với việc gia tăng nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế. Chúng tôi phải tăng cường hàng loạt biện pháp phòng chống lây nhiễm. Ca bệnh này và nhiều ca bệnh nặng sau đó đều đáp ứng tốt với liệu pháp HFNC mà không cần phải thở máy hay chạy ECMO.

- ThS Nguyễn Trọng Khoa: Trong giai đoạn đầu tiên chống dịch Covid-19, phải kể đến quãng thời gian phong tỏa để khống chế ổ dịch ở xã Sơn Lôi (tỉnh Vĩnh Phúc). Đây là một quyết định mang tính lịch sử của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta đã thực hiện cách ly y tế đối với toàn bộ một xã. Bộ Y tế đã cử đội công tác đặc biệt thường trực tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên và xã Sơn Lôi; hỗ trợ tại chỗ công tác điều tra dịch tễ, sàng lọc, phát hiện sớm ca bệnh, điều trị... ở Trung tâm điều trị Covid-19 tại Phòng khám Đa khoa Quang Hà (huyện Bình Xuyên).

Thành công tại Sơn Lôi là chúng ta đã áp dụng biện pháp cô lập toàn bộ vùng dịch, không để nguồn bệnh thoát ra ngoài. Ngay trước khi lệnh cách ly có hiệu lực, Trạm Y tế xã Sơn Lôi đã được nâng cấp hoạt động khám chữa bệnh tương đương với phòng khám đa khoa do các lực lượng quân dân y mà Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc huy động cùng với sự hỗ trợ nhân lực từ BV Bệnh nhiệt đới trung ương, BV Bạch Mai, BV Nhi trung ương và sự hỗ trợ xe chụp X-quang của BV Phổi trung ương.

Còn ở giai đoạn dịch xâm nhập Đà Nẵng, PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị - đã điều động ngay đội cơ động của BV Chợ Rẫy ra Đà Nẵng hỗ trợ công tác điều trị. Bộ Y tế đã cử đoàn công tác đến Đà Nẵng là các chuyên gia đầu ngành, giỏi và có kinh nghiệm trong các lĩnh vực dự phòng, xét nghiệm và điều trị. Cá nhân tôi được Bộ trưởng Bộ Y tế giao nhiệm vụ là Đội trưởng Đội Điều trị của bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19.

Sau đó, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Trưởng Tiểu ban Điều trị - đã trực tiếp vào Đà Nẵng, thiết lập "sở chỉ huy tiền phương" để chỉ đạo, hỗ trợ Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung chống dịch. Hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của các BV tại Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Phú Thọ, Bình Định, Nghệ An đã xung phong vào chống dịch tại Đà Nẵng.

Hai tuần đầu khi dịch được phát hiện ở Đà Nẵng, chúng tôi rất lo lắng, nhiều đêm mất ngủ khi dịch tấn công vào chính "điểm yếu", đó là Khoa Hồi sức tích cực của BV Đà Nẵng. Tình huống khó khăn là thiếu cơ sở hồi sức để điều trị bệnh nhân nặng, trong khi bệnh nhân nặng gia tăng liên tục 5-7 ca/ngày. BV Đà Nẵng, BV C Đà Nẵng, BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng bị cách ly gây ra khó khăn cho công tác khám chữa bệnh các bệnh khác. Việc giải tỏa làm giảm mật độ người bệnh tại 3 BV cũng là một việc rất quan trọng để làm giảm nguy cơ lây lan dịch. Chúng ta đã cách ly hơn 12.000 người tại các khu cách ly tập trung, hình thành các tổ Covid-19 cộng đồng, nâng cao năng lực xét nghiệm. Từ chỗ chỉ có dưới 1.000 mẫu xét nghiệm mỗi ngày, chỉ sau hơn 1 tuần, công suất đã tăng lên khoảng 10.000 mẫu xét nghiệm mỗi ngày. Thực hiện phong tỏa, giãn cách, đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu đã giúp Đà Nẵng kiểm soát dịch thành công.

Thành công trong việc làm phẳng đường cong dịch với 2 làn sóng dịch vừa rồi bằng các biện pháp quyết liệt, chủ động, thống nhất của cả hệ thống đã giúp các BV giữ vững được "trận địa" không bị quá tải.

GIỮ VỮNG THÀNH QUẢ

Theo các ông, chúng ta đã rút ra được kinh nghiệm gì sau các đợt dịch?

Trận chiến đặc biệt của Việt Nam - Ảnh 4.

Xét nghiệm virus gây bệnh Covid-19 cho người dân tại Hà Nội Ảnh: NGÔ NHUNG

- ThS Nguyễn Trọng Khoa: Có 4 nội dung đặc biệt quan trọng góp phần thành công trong điều trị Covid-19. Đó là: Phân tuyến điều trị hợp lý. Thường xuyên cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm điều trị của các nước trên thế giới. Thành lập Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19, huy động đội ngũ chuyên gia giỏi tham gia hội chẩn bệnh nhân nặng và là nơi điều hành từ xa đối với các BV bị cách ly và trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh xuống hỗ trợ trực tiếp cho các BV điều trị bệnh nhân Covid-19. Đến nay, cả nước có hàng trăm đội cơ động phản ứng nhanh, tinh nhuệ, giỏi về chuyên môn sẵn sàng hỗ trợ cho các BV.

Xét nghiệm chẩn đoán là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Mở rộng công tác xét nghiệm. Từ chỗ chỉ có 3 viện xét nghiệm được SARS-CoV-2, Tiểu ban Điều trị mà trực tiếp là PGS Lương Ngọc Khuê đã tham mưu, chỉ đạo mở rộng công tác xét nghiệm tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Hiện đã có hơn 100 cơ sở y tế đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó gần một nửa là các BV.

Để dự phòng tình huống dịch xâm nhập, mỗi tỉnh, thành phố phải chuẩn bị ít nhất 1-2 BV có phương án chuyển đổi từ BV đa khoa, BV chuyên khoa thành BV dã chiến điều trị Covid-19. Đồng thời, cần có phương án chuẩn bị các điều kiện để thiết lập các cơ sở dã chiến điều trị Covid-19 tận dụng từ các cơ sở ngoài y tế để thu dung điều trị bệnh nhân.

- BS Nguyễn Trung Cấp: Một trong những thay đổi mang tính "bước ngoặt" trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam đến từ quyết định can thiệp hỗ trợ hô hấp không xâm nhập một cách phù hợp, giúp hạn chế số ca bệnh phải đặt nội khí quản, thở máy hay can thiệp ECMO cho một số trường hợp bệnh nhân nặng. Điều này vừa giúp tiết kiệm nguồn lực vừa mang lại lợi ích cho bệnh nhân.

Các quan điểm, kiến thức về dự phòng lây nhiễm dịch Covid-19 của chúng tôi được củng cố khi BV nhận nhiệm vụ sang Guinea Xích Đạo đưa hơn 200 công dân về nước, trong đó phần lớn nhiễm SARS-CoV-2. Nguy cơ lây nhiễm trong một không gian kín và hẹp như trên máy bay là rất nghiêm trọng. Việc chống lây nhiễm trên máy bay là điều trước đây chúng tôi chưa từng phải đối mặt bao giờ.

Khi ấy, BV đã chuẩn bị rất kỹ, theo cách rất riêng để không lây nhiễm virus trên máy bay và cho người lành lẫn phi hành đoàn cùng tổ công tác. Ngoài những cải tiến, đổi mới phòng hộ như mũ trùm đầu, máy lọc khí cá nhân, chúng tôi phải phối hợp với Cục Hàng không, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tiến hành ngăn máy bay thành các khoang khác nhau, điều chỉnh thông gió trong máy bay để ngăn việc lây nhiễm từ khoang bệnh nhân dương tính sang khoang các hành khách còn âm tính và phi hành đoàn, thiết lập các buồng áp lực dương để bảo vệ tiếp viên và nhóm thầy thuốc. Kết quả an toàn cho cả hành khách, phi hành đoàn và thầy thuốc là một khích lệ lớn và là kinh nghiệm tốt cho công tác vận chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 qua đường hàng không.

Tết Tân Sửu 2021, người dân có thể chờ đón một cái Tết bình an?

- ThS Nguyễn Trọng Khoa: Với diễn biến của dịch Covid-19 trên thế giới, Việt Nam sẽ phải tiếp tục chống dịch Covid-19 trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh. Tiếp tục áp dụng các biện pháp cơ bản phòng chống dịch trong trạng thái "bình thường mới" như: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, BV; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.

Nếu người dân thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt là nguyên tắc 5K, trong phòng chống dịch bệnh thì nguy cơ dịch lây lan sẽ rất thấp. Như vậy, Tết năm nay người dân sẽ không phải thấp thỏm, lo âu vì dịch bệnh.

- TS Trần Đắc Phu: Việt Nam đã có kinh nghiệm, năng lực trong công tác phòng chống dịch Covd-19. Nếu chúng ta tuân thủ nghiêm các nguyên tắc thì chắc chắn dịch không xảy ra. Tôi tin tưởng rằng với sự chung tay của người dân, cùng nhau tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc, quy định phòng dịch, với kinh nghiệm phòng dịch nhuần nhuyễn của nhiều bộ ngành, của ngành y tế trong thời gian qua, Xuân này, người dân Việt Nam có thể đón một cái Tết sum vầy, bình an, mạnh khỏe.

- BS Nguyễn Trung Cấp: Trải qua những sự kiện như việc bùng phát ổ dịch trong BV Bạch Mai hay ở Đà Nẵng thì các BV đều đã nâng cao tinh thần cảnh giác. Đặc biệt, Bộ Y tế ban hành bộ tiêu chí BV an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp. Nhiều đoàn kiểm tra đốc thúc sát sao. Chúng ta có quyền hy vọng có cái Tết đoàn viên và vẫn bình an.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo