xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trận chiến khoa học giữa "sóng thần" Delta

ANH THƯ

Nghiên cứu đưa ra những kết luận từng làm dậy sóng truyền thông quốc tế từ khi Delta chưa có tên

Tháng 10-2021, nghiên cứu "Nhiễm đột phá của biến thể Delta trên nhân viên y tế đã tiêm đủ liều vắc-xin ở Việt Nam" nằm trong mục "xem nhiều nhất" trên EClinicalMedicine của tạp chí y học The Lancet suốt nhiều tuần. Phần cơ bản của công trình đã được thực hiện chỉ trong 2 tuần, bên trong một bệnh viện bị phong tỏa - nơi "hồng tâm cuộc chiến" chống Covid-19 của TP HCM.

Trận chiến khoa học giữa sóng thần Delta - Ảnh 1.

Nghiên cứu đưa ra những kết luận từng làm dậy sóng truyền thông quốc tế từ khi Delta chưa có tên (Ảnh:Bệnh viện cung cấp)

Công trình được thực hiện bởi hàng chục nhà khoa học từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM và Ðơn vị Nghiên cứu lâm sàng Ðại học Oxford (OUCRU - Anh), ngay trên nhóm bệnh nhân là nhân viên của bệnh viện vào giữa tháng 6-2021. Lúc đó, mọi người chưa hiểu hết độc lực khủng khiếp của Delta, vì sao nó có thể lây nhanh đến thế trên những nhóm người đã tiêm chủng và xét nghiệm tầm soát thường xuyên. Nghiên cứu đã đưa ra những kết luận từng làm dậy sóng truyền thông quốc tế.

Một tháng trước khi xuất hiện chùm ca đặc biệt, chiều 19-5-2021, cũng nhóm nghiên cứu nói trên đã công bố kết quả giải trình tự bộ gien SARS-CoV-2 trên bệnh nhân số 4514 (ngụ TP Thủ Ðức), cho thấy anh ta nhiễm biến thể B.1.617.2 - một trong 3 nhánh của "chủng Ấn Ðộ" B.1.617 lây cực nhanh.

Kết quả có được bằng phương pháp giải mã gien từ kỹ thuật Illuimina MiSeq và MinION, phần mềm lắp ghép bộ gien Genious, định danh biến chủng bằng phần mềm Pangolin và tìm đột biến bằng phần mềm COV-GLUE.

Ngày 21-5, bằng phương pháp tương tự, bệnh nhân 4780, đồng nghiệp của bệnh nhân 4514, tiếp tục được xác nhận nhiễm B.1.617.2. Ngày 28-5 và 29-5, kết quả tương tự được đưa ra đối với 5 thành viên của Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng rồi cặp vợ chồng đến khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ.

Ngày 31-5, Tổ chức Y tế thế giới quyết định đặt tên cho B.1.617.1 là Kappa và B.1.617.2 là Delta. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Delta lấn át dần cả Kappa và các chủng SARS-CoV-2 khác.

Tháng 6, những hàng rào phong tỏa bắt đầu xuất hiện dày thêm ở TP HCM. Ngày 12-6, chùm ca ở nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM được xác định, gây bất ngờ bởi không ai nghĩ Delta có thể lây lan nhanh đến thế trên một nhóm người đã tiêm chủng đủ 2 mũi.

Câu trả lời bằng khoa học

Chiều 12-6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM chính thức phong tỏa với hàng trăm bệnh nhân bên trong (khoảng 130 bệnh nhân Covid-19, bao gồm 69 nhân viên bị nhiễm bệnh). Trụ sở của OURCU cũng nằm trong khuôn viên bệnh viện. Vậy là họ lại đồng hành lần nữa trong cuộc đối đầu Delta.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Trường, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, công việc được bắt đầu gần như ngay lập tức. Ðề cương cơ bản hoàn thành trong vòng 1 ngày trong hoàn cảnh đặc biệt, giữa muôn trùng căng thẳng và nhận được sự đồng thuận tham gia của hầu hết các nhân viên mắc bệnh.

Cũng ngày đầu tiên bị phong tỏa đó, trong cuộc phỏng vấn vội với TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, tác giả đứng đầu nghiên cứu và là Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM thời điểm đó, tôi được biết nguồn lây đã xác định: từ bên ngoài, chứ không phải từ các bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị.

Theo PGS-TS Lê Văn Tấn từ OUCRU, đó cũng là một câu trả lời bằng khoa học. Họ đã nhanh chóng thu được 22 trình tự bộ gien SARS-CoV-2 hoàn chỉnh từ các bệnh nhân đặc biệt. Kết quả giải mã và đối chiếu bộ gien virus SARS-CoV-2 từ nhóm bệnh nhân là nhân viên bệnh viện với nhóm bệnh nhân đang nằm điều trị, có thể khẳng định sự khác biệt về mặt di truyền, cho thấy nguồn lây khác nhau.

Vậy là "tường thành" giữa nhân viên y tế/bệnh nhân Covid-19/bệnh nhân không Covid-19 bên trong bệnh viện vẫn đứng vững. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều câu hỏi cần trả lời.

Dậy sóng từ bản preprint

Vào thời điểm công bố chính thức (tháng 10-2021), cộng đồng khoa học vẫn "choáng váng" vì kết luận cho thấy tải lượng virus ở bệnh nhân mắc chủng Delta cao gấp 251 lần chủng gốc (trên các bệnh nhân tháng 3 và 4-2020) dù là "nhiễm đột phá" (tức nhiễm khi đã tiêm chủng đủ mũi).

Khi bản preprint ra mắt vào cuối tháng 8 trên MedRxiv, nghiên cứu cũng từng làm dậy sóng, thậm chí các nhóm anti vắc-xin từng cắt ghép, diễn dịch thành tiêm vắc-xin khiến tải lượng virus tăng. Chỉ sau khi nhóm nghiên cứu hồi đáp hãng tin AFP bằng thông điệp giải thích rõ ràng cũng như giải thích trên website chính thức của OURCU, làn sóng tin giả mới ngưng.

Còn đối với nhóm nghiên cứu, những kết quả cơ bản họ đã có trong tay ngay trong 2 tuần phong tỏa. Dữ liệu rất sớm này đem lại nhiều ý nghĩa cho cuộc đối đầu Delta sau này.

"Khi đó, còn rất nhiều điều chưa biết về chủng Delta và cũng chỉ biết rằng tiêm vắc-xin rồi thì vẫn có khả năng nhiễm bệnh, dù thấp hơn. Qua xét nghiệm mấy ca đầu tiên cho thấy tải lượng virus thấp, anh em có người tự trấn an rằng tiêm vắc-xin rồi thì tải lượng sẽ thấp, bệnh nhẹ, mau khỏi…" - TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu kể.

"Nhưng rồi mấy ngày sau, tải lượng virus của nhiều bệnh nhân lên rất cao" - PGS-TS Lê Văn Tấn vừa kể vừa dùng tay vẽ một đường parabol rất "gắt" trong không khí.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng đem lại một tin mừng quan trọng. Khác với bệnh nhân mắc các chủng cũ, tải lượng virus ở nhóm bệnh nhân này dường như chỉ là con số. Trong 62 bệnh nhân tham gia nghiên cứu có nhiều người mang bệnh nền: tăng huyết áp, tiểu đường, thừa cân…  và có cả một thai phụ, nhưng hầu hết họ đều bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng. Chỉ có 1 người phải được hỗ trợ ôxy mũi 3 ngày nhưng sau đó cũng hồi phục nhanh chóng. Tải lượng virus trung bình của nhóm không triệu chứng thấp hơn nhóm có triệu chứng, nhưng vẫn có người không triệu chứng CT chỉ 16,4.

Như vậy, những gì chúng ta thực sự trông đợi ở vắc-xin dần lộ diện.

Khảo sát cắt ngang ngày 5-10 trên 349 bệnh nhân Covid-19 đã tiêm vắc-xin và 147 bệnh nhân chưa được tiêm chủng, được TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu công bố trong một cuộc họp báo, cho thấy sự khác biệt rõ giữa chưa tiêm, tiêm 1 mũi và tiêm 2 mũi lên độ nặng của bệnh Covid-19.

Cho dù bệnh nhân đã chuyển tới bệnh viện này chắc chắn nằm trong nhóm nguy cơ cao nhưng người tiêm đủ 2 mũi chỉ có 12% nặng (6 ca), và trong 6 ca đó chỉ có 1 người cần thở máy xâm lấn. Nhóm tiêm 1 mũi có 41% là bệnh nặng (75 ca), trong 75 ca đó có 10 ca thở máy xâm lấn, có 2 ca kèm ECMO. Trong khi nhóm không tiêm có tới 74% là bệnh nặng, tới một nửa trong số đó cần thở máy xâm lấn, có 3 ca kèm ECMO.

Theo PGS-TS Lê Văn Tấn, suốt thời gian qua, hàng loạt trình tự bộ gien SARS-CoV-2 đã được giải mã liên tục nhằm sớm nhận biết nếu có bất kỳ biến chủng mới nào xâm nhập. BS chuyên khoa II Nguyễn Thanh Trường chia sẻ về nhiều dự án nghiên cứu sắp tới, trong đó có đánh giá lại kháng thể của nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM sau 8 tháng tiêm mũi 2.

Một năm trước, trong cuộc phỏng vấn về 4 công trình khác cũng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM - OUCRU, được công bố quốc tế trong năm 2020, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu từng nói rằng để đối đầu với một căn bệnh mới như SARS-CoV-2, ban đầu có thể dựa trên kinh nghiệm từ những căn bệnh tương tự, nhưng sau đó, phải tìm hiểu về chính căn bệnh đó thì mới có thể điều trị cho bệnh nhân tốt hơn. Tròn 2 năm sau ngày SARS-CoV-2 xuất hiện, họ vẫn đang tiếp tục hành trình.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo