xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trẻ nhiễm sốt xuất huyết nặng gia tăng

Bài và ảnh: Hải Yến

Trong những tuần vừa qua, tại TP HCM nói riêng và các tỉnh Nam Bộ nói chung, tình hình sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở trẻ em

Tỉ lệ trẻ sốt xuất huyết nặng nhiều hơn những năm trước, thậm chí đã có trường hợp tử vong. Ngành y tế TP HCM vừa có cảnh bảo về tình hình dịch sốt xuất huyết năm nay sẽ diễn biến phức tạp.

Gia tăng số ca sốt xuất huyết nặng

Theo các bác sĩ, nguyên nhân do mùa mưa đến sớm khiến muỗi sinh sôi, phát triển sớm dẫn đến sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, chu kỳ 3-4 năm bệnh lại tăng mạnh nên tình hình căng thẳng ngay từ những ngày đầu mùa.

Tính đến giữa tháng 4, trên địa bàn TP HCM ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Đây là số liệu báo động vì so sánh với năm 2019, là năm sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca thì số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca. Bên cạnh đó, số ca mắc của năm 2022 đang gia tăng và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, cho biết 3 tháng đầu năm 2022, số trẻ đến khám và nhập viện vì sốt xuất huyết tại bệnh viện tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hai tuần đầu tháng 4, số trẻ nhập viện và nguy kịch tiếp tục tăng. Hiện có khoảng 10 trường hợp nguy kịch đang được điều trị tích cực. Đáng chú ý, đã có 2 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết, nguyên nhân do trẻ nhập viện trễ và kèm cơ địa thừa cân, béo phì.

Trẻ nhiễm sốt xuất huyết nặng gia tăng - Ảnh 1.

Bệnh nhi sốt xuất huyết nặng phải lọc máu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, ThS-BS Nguyễn Đình Qui, quản lý Khoa Truyền nhiễm, cho biết số trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị và khám ngoại trú tại khoa tăng gấp đôi so với 2 tuần trước. Hiện khoa có 30-35 ca bệnh đang được điều trị nội trú, trong đó, có 5-7 trẻ phải truyền dịch, theo dõi tại phòng cấp cứu.

"Số trẻ mắc sốt xuất huyết nặng chiếm tỉ lệ nhiều hơn so với các mùa dịch trước. Đa phần trẻ nặng có yếu tố thừa cân, béo phì" - BS Qui chia sẻ.

BS Đỗ Châu Việt - Trưởng Khoa Hồi sức nhiễm Covid-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - thông tin thêm tại đây đang điều trị cho 2 bệnh nhi sốt xuất huyết nặng và đều có tiền sử béo phì. "Cả 2 bé hiện đều đang lọc máu, thay huyết tương… sau 1 tuần điều trị, hiện tình trạng có cải thiện, tuy nhiên, vẫn còn nguy kịch. Béo phì và nhập viện trễ là 2 nhóm bệnh trở nặng tại khoa thường xuyên tiếp nhận" - BS Việt nói.

Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc bệnh viện, thông tin tại đây có 40-50 trẻ sốt xuất huyết đang điều trị nội trú và mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100-150 trẻ ngoại trú đến khám vì sốt xuất huyết.

Không được trì hoãn vì Covid-19

Theo BS Nguyễn Đình Qui, trẻ sốt xuất huyết đa số ở mức độ nhẹ, chỉ khoảng 20%-30% diễn tiến nặng và có khoảng 2%-3% trẻ nguy kịch phải thở máy, lọc máu. Do đó, phụ huynh cần để ý các dấu hiệu của trẻ để đưa đi thăm khám, loại trừ các bệnh cảnh khác kịp thời.

"Trong 3 ngày đầu, sốt xuất huyết thường có dấu hiệu sốt như các bệnh viêm họng, sốt siêu vi, Covid-19. Do đó, phụ huynh có thể thực hiện test Covid-19 cho trẻ tại nhà để loại trừ nguyên nhân này. Nếu trẻ có hai ngày sốt cao liên tục không hạ hoặc ngày thứ ba vẫn còn sốt, cần đưa trẻ đi thăm khám tại cơ sở y tế để làm xét nghiệm máu xác định chính xác nguyên nhân và theo dõi. Đáng lưu ý, sốt xuất huyết có thể chuyển nặng và rơi vào sốc, tổn thương các cơ quan ở ngày thứ tư, thứ năm và trễ hơn là ngày thứ sáu nên không được chủ quan. Lúc này trẻ có bớt sốt nhưng mệt nhiều hơn, có thể ói, đau bụng, chảy máu cam, ói ra máu, đi cầu phân đen… Trẻ bị sốc sâu có thể dẫn đến tổn thương các cơ quan, tổn thương gan, thận, suy hô hấp và dẫn đến tử vong" - BS Qui nhấn mạnh.

BS Qui cũng lưu ý khi trẻ mắc sốt xuất huyết, phụ huynh chỉ nên hạ sốt cho trẻ bằng thuốc hạ sốt cơ bản như paracetamol, tránh dùng ibuprofen có thể gây xuất huyết tiêu hóa, làm tình trạng xuất huyết của trẻ nặng hơn. Bên cạnh đó, nên tăng cường sức đề kháng cho trẻ với vitamin C.

BS Đỗ Châu Việt cho biết thêm ngoài béo phì, mắc bệnh nền trẻ nguy kịch vì sốt xuất huyết còn do nhập viện trễ. Lý giải nguyên nhân này, BS Việt cho rằng nhiều phụ huynh vẫn đang bị ám ảnh bởi Covid-19. Một số cha mẹ sợ lây nhiễm Covid-19 nên trì hoãn thăm khám, dù con trẻ đã có dấu hiệu nặng của sốt xuất huyết.

"Thời điểm này mưa nhiều, hãy nghĩ đến nguy cơ trẻ bị sốt xuất huyết thay vì cứ ám ảnh Covid-19. Nếu trẻ xuất hiện một số dấu hiệu như ói, chảy máu mũi, chân răng, tiêu tiểu ra máu, đau bụng vùng gan, li bì, mệt mỏi… phụ huynh cần đưa đến bệnh viện thăm khám ngay để tránh những hậu quả đau lòng" - BS Việt nhấn mạnh. 

Tránh bỏ sót, chậm trễ trong điều trị

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) nhanh chóng triển khai tập huấn nhắc lại cho các cơ sở y tế công, tư trên địa bàn.

Tất cả nhân viên y tế cần được cảnh báo để nhận diện sớm bệnh sốt xuất huyết, tránh bỏ sót gây chậm trễ trong việc điều trị. Đồng thời, yêu cầu UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai ngay các biện pháp dự phòng sốt xuất huyết. Đặc biệt, có biện pháp xử phạt cá nhân, đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo