xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Từ nhịn ăn đến chán ăn và... chết

Bác sĩ Lê Quốc Nam

Một số người ban đầu chỉ ăn kiêng nhưng sau đó do ám ảnh về vóc dáng đã từ chối mọi loại thức ăn. Họ không biết nhịn ăn quá mức có thể gây tử vong nếu không được can thiệp kịp thời

Ở tuổi 16, L. cân nặng 50 kg với chiều cao khoảng 1,6 m. Một hôm, bạn trai đùa với cô rằng cô sẽ không thể vào học ở trường dạy khiêu vũ vì quá mập. Chỉ là lời nói đùa nhưng L. lại xem sự việc này là nghiêm trọng và từ đó cô bắt đầu tự tính toán số calo mình cần ăn mỗi ngày. Đầu tiên L. bỏ bữa trưa rồi từ từ bỏ luôn bữa điểm tâm. Cô luôn luôn bị ám ảnh bởi việc tính toán lượng thức ăn cô sắp ăn sẽ mang đến bao nhiêu calo trong ngày.

Nỗi ám ảnh “mình hạc xương mai”

Sau vài tháng, L. chỉ cần ăn một lượng thức ăn tương đương 300 calo/ngày. Lúc này, cô chỉ cân nặng gần 42 kg. Đầu gối, khuỷu tay và các ngón tay của cô thường sưng lên. Móng tay thường gãy và tóc cô cũng thường khô. Khi cha mẹ L. nhận thấy cô quá gầy, họ yêu cầu cô theo chế độ ăn bình thường trở lại nhưng cô từ chối và trọng lượng cơ thể cô cứ tiếp tục giảm đến khi còn khoảng 31 kg thì cô mất kinh nguyệt.

L. luôn bận tâm quá mức đến hình dáng cơ thể của mình và luôn từ chối đi khám bác sĩ cho đến một hôm cô bị ngất xỉu trong khi đang đi xe máy. Cô được chở đến phòng cấp cứu của một bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ nói rằng cô bị chứng “chán ăn tâm thần” và lập tức chuyển cô đến Bệnh viện Tâm thần TPHCM.

Chán ăn tâm thần là một loại rối loạn tâm thần được thể hiện dưới dạng rối loạn ăn uống. Bệnh có thể thể hiện dưới hình thức chán ăn tâm thần đơn thuần hay dưới dạng hỗn hợp là có xen kẽ những đợt ăn vô độ hay có những hành vi tự gây nôn, uống thuốc xổ, thuốc lợi tiểu hay thụt tháo.

Những bệnh nhân này thường có những nhận thức sai lầm về hình dạng hay trọng lượng cơ thể mình như luôn cảm thấy mập, cảm thấy cơ thể bị biến dạng hay phủ nhận sự quá gầy ốm của mình. Trọng lượng cơ thể thường kém hơn 85% trọng lượng đáng lẽ phải đạt được. Để đạt được mục đích “mình hạc xương mai”, bệnh nhân có thể thực hiện các biện pháp như không ăn uống đầy đủ, vận động thể lực quá mức như đạp xe đạp, đi bộ, chạy bộ... nhiều giờ trong ngày.

Tự gây nôn, giải pháp nguy hiểm

Bệnh nhân chán ăn tâm thần thường nhập viện khi tình trạng suy dinh dưỡng quá nặng hoặc bệnh nhân có nguy cơ tự tử cao. Tỉ lệ tử vong trong số các bệnh nhân phải nhập viện thường hơn 10%.

Nhiều người quá nhấn mạnh đến sự thon mảnh về cơ thể nên bệnh nhân cảm thấy được ủng hộ khi thực hiện các biện pháp ăn kiêng. Bệnh có đặc điểm là bệnh nhân từ chối duy trì một trọng lượng cơ thể bình thường tối thiểu. Ít ai biết rằng bệnh có thể gây tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.

Bệnh nhân rất sợ tăng cân (dù đang ở tình trạng trọng lượng cơ thể rất thấp) và điều này gây nhiều khó khăn trong việc điều trị. Bệnh nhân thường từ chối ăn chung với gia đình hay ăn ở nơi công cộng. Họ giảm cân nhanh nhờ hạn chế lượng thức ăn chủ yếu là các thức ăn giàu chất bột đường hay chất béo.

Vài bệnh nhân không thể nào nhịn ăn mãi nên xen kẽ có những đợt ăn nhiều và bệnh nhân thường ăn một cách bí mật về ban đêm. Sau đó, họ thường tự gây nôn cho thức ăn ra hết. Các rối loạn cơ thể kèm theo sự giảm cân quá mức có thể xuất hiện teo các bắp cơ, không còn lớp mỡ dưới da, dễ bị lạnh, nhịp tim chậm, huyết áp thấp, cảm giác đầy bụng, táo bón, đau bụng, mất kinh nguyệt, loãng xương, tóc khô và dễ gãy, da khô và nhuốm màu vàng, thiếu máu... Bệnh nhân cũng thường bị một số rối loạn tâm thần khác kết hợp như trầm cảm, lo âu. Về yếu tố tâm lý, thông qua hành động tự nhịn ăn quá mức, bệnh nhân cảm giác mình có khả năng hành động độc lập, tự chủ hơn.

Nữ chán ăn gấp 10-20 lần nam giới

Cứ khoảng 100 thanh thiếu niên nữ thì có 1 người bị bệnh này và tỉ lệ nữ cao hơn nam gấp 10 đến 20 lần. Tuy nhiên, nếu tính luôn số phụ nữ có vài triệu chứng nhưng chưa đủ tiêu chuẩn chẩn đoán chứng chán ăn tâm thần thì tỉ lệ này có thể lên đến 5% dân số. Khoảng 85% trường hợp bệnh khởi phát trong khoảng thời gian từ 13 - 20 tuổi với đỉnh điểm là 17 – 18 tuổi.

Tuy nhiên, người ta cũng nhận thấy trước tuổi lên 10 có vài bệnh nhân ăn uống rất cầu kỳ và thường có các vấn đề về tiêu hóa. Các bệnh nhân này thường có mối quan hệ không thoải mái với cha mẹ hay có hoàn cảnh gia đình không tốt (hoàn cảnh gia đình có nhiều sự thù địch, hỗn loạn, sự cô đơn...). Thanh thiếu niên cũng có thể mắc bệnh này với mục đích thu hút sự chú ý từ cha mẹ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo