Ở VN, GS-TS Trần Quán Anh là người tiến hành kỹ thuật nối ODT cho những bệnh nhân đầu tiên và ông đang rất vất vả vì số bệnh nhân ngày càng tăng. Hiện nay, Bệnh viện Việt - Đức chỉ đáp ứng được 0,97% nhu cầu.
Kỹ thuật nối rất phức tạp
VN đã có hai công trình cấp Nhà nước nghiên cứu về vấn đề này. Kết luận hai công trình này cho thấy, nam giới sau khi thắt ODT không có ảnh hưởng gì đến nội tiết tố và quan hệ tình dục. Tuy nhiên kháng thể chống tinh trùng tăng lên và tỉ lệ ung thư tuyến tiền liệt là 1%. Khó khăn hiện nay là kỹ thuật nối rất phức tạp vì đây là mổ gỡ và cô lập chỗ thắt. Lòng ODT rất bé nên để nối cho lưu thông phải tỉ mỉ, trình độ chuyên môn cao. Hiện nay, ở VN rất ít người có thể thực hiện được phẫu thuật này. Kết quả cho thấy sau khi thực hiện 42 ca phẫu thuật nối ODT thì có tới 75% trường hợp có tinh trùng trong tinh dịch, trong đó 42% trường hợp vợ đã có thai. Kết quả này so với thế giới là có thể chấp nhận được.
Cần được tư vấn kỹ
Theo GS Trần Quán Anh, ở các nước khác như Pháp, Mỹ, Trung Quốc,... tỉ lệ thắt ODT là rất lớn nhưng tỉ lệ nối lại là rất thấp. Những người thắt ODT đều được tư vấn các ưu, khuyết điểm của biện pháp này trước khi lựa chọn. Còn ở nước ta, đầu những năm 1990, phong trào triệt sản rất rầm rộ. Tuy nhiên, hầu hết những người này chưa hiểu rõ ưu điểm cũng như nhược điểm khi lựa chọn các biện pháp tránh thai, trong đó có biện pháp thắt ODT. Đây có thể là nguyên nhân của tỉ lệ người đi nối lại ODT ngày càng nhiều. Ví dụ một trong những trường hợp nối lại ODT là do cặp vợ chồng mới cưới vì muốn chưa có con nên người chồng đã tình nguyện thắt ODT. Để được nối lại ODT là rất khó khăn. Bởi nó không chỉ phức tạp về kỹ thuật nối mà cả việc tìm đúng địa chỉ và xếp hàng đăng ký đến lượt mình cũng không đơn giản. Với cương vị là trưởng đơn vị Nam học Bệnh viện Việt - Đức, GS Trần Quán Anh cho biết, hiện nay khoa này tiếp nhận số bệnh nam giới ngày càng nhiều và hiện đang quá tải.
Theo GS Trần Quán Anh, để chất lượng cuộc sống vợ chồng ngày càng được nâng cao, các chuyên gia dân số nên tư vấn cho những đôi vợ chồng những ưu, nhược điểm của các biện pháp tránh thai, trong đó có biện pháp thắt ODT. Và bản thân các cặp vợ chồng, cũng phải chủ động lựa chọn các biện pháp tránh thai phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình.
Lê Thanh
Bác sĩ Huỳnh Thị Trong, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em và Kế hoạch hóa gia đình TPHCM:
Thắt dễ, nối khó
Tại Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em và Kế hoạch hóa gia đình hiện nay trung bình mỗi tháng thắt ống dẫn tinh (ODT) cho 25-30 người, chỉ bằng 25% so với triệt sản nữ. Thắt ODT là một trong những biện pháp tránh thai ở giới nam. Phương pháp này không làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý và không để lại bất kỳ tác dụng phụ nào cho người được áp dụng. Tuy nhiên, sau khi thắt ODT mà vì hoàn cảnh đặc biệt người từng thắt ODT muốn sinh con lại là một điều rất khó vì tỉ lệ những người nối lại ODT phục hồi được khả năng sinh con rất thấp. Do vậy, trước khi thực hiện biện pháp này, chúng tôi luôn tư vấn kỹ và chỉ thực hiện cho những người đàn ông trên 35 tuổi, đã xác định rõ rằng họ không muốn sinh con nữa. Những người dùng phương pháp này để ngừa thai thường đã có đông con.
T.D ghi