xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

U22 Việt Nam trong rủi có may

Hoàng Tú

Thành tích hạng ba của đội U22 Việt Nam tại Giải U22 Đông Nam Á vừa kết thúc ở Campuchia khiến cho người hâm mộ không hài lòng và đa số dồn lỗi cho HLV trưởng Nguyễn Quốc Tuấn nhưng điều đó chưa công bằng

Chúng ta phải nhìn nhận thực tế phũ phàng: khi hòa nhập trở lại với quốc tế từ SEA Games Philippines 1991, tính đến nay, suốt 28 năm qua, bóng đá Việt Nam (BĐVN) chưa sản sinh hay đào tạo được một HLV nào trong nước đủ khả năng và trình độ dẫn dắt các đội tuyển từ U22, U23, Olympic cho đến tuyển (A) quốc gia. Do đó HLV Nguyễn Quốc Tuấn có thất bại cũng là chuyện bình thường.

Nhưng trước khi kết luận vì sao BĐVN tồn tại thực trạng đáng buồn này và cùng bàn giải pháp thoát được nghịch cảnh trớ trêu trên, chúng tôi muốn nhấn mạnh: Thất bại ở Giải U22 Đông Nam Á không chỉ có lỗi của thầy trò U22 VN. Tại sao?

Khi đã biết giải diễn ra ở Campuchia, phải thi đấu trên mặt sân cỏ nhân tạo dưới thời tiết nắng nóng, vậy tại sao VFF không đưa ra kế hoạch đội U22 VN tập trung ở TP HCM để phù hợp thời tiết, đồng thời luyện tập ở Trường chuyên Năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định vì nơi đây cũng có mặt sân cỏ nhân tạo thay vì tập trung ở Hà Nội khí hậu thoáng mát? Thứ hai, thành công của BÐVN hơn một năm qua đã đủ để bộ phận chuyên môn của VFF kết luận: Lối chơi cùng phong cách thi đấu dưới thời HLV Park Hang-seo sẽ là triết lý của BĐVN?

Chúng tôi hỏi vì đội U22 VN của HLV Nguyễn Quốc Tuấn không đi theo phong cách bóng đá hiện đại mà HLV Park Hang-seo đã xây dựng và áp dụng cho BĐVN: thoát pressing, chuyển đổi nhanh từ trạng thái phòng ngự qua tấn công, tấn công vào sơ hở đối phương, tận dụng tối đa các tình huống cố định khi mà hiện nay, hệ thống phòng thủ của các đội đều xây dựng trên nền tảng số đông cầu thủ rất vững chắc. Chúng tôi không đòi hỏi HLV Quốc Tuấn sắm nhiều vai trò như ông Park khi vừa làm HLV, làm cha, làm bạn, xây dựng và kích hoạt được tinh thần toàn đội trong sinh hoạt cũng như thi đấu nhưng rõ ràng lối chơi của đội U22 VN do HLV Tuấn dẫn dắt thiếu biến hóa. Đội U22 VN kiểm soát bóng nhiều, áp đặt lối chơi lên đối phương và đã thành công trước 2 đội yếu là Philippines, Timor Leste nhưng bế tắc khi hòa và thua trước 2 đội mạnh là Thái Lan và Indonesia, trong đó đã bị loại ở bán kết khi thua Indonesia từ một tình huống cố định.

U22 Việt Nam trong rủi có may - Ảnh 1.

U22 Việt Nam (trắng) bất lực trước hàng thủ U22 Indonesia - đội sau đó vô địch giải Đông Nam Á. Ảnh: NHƯ HUY

Cần chú ý, trong đội ngũ chỉ đạo của đội U22 VN còn có Jurgen Gede, người mà trong giới chuyên môn cho rằng phần nào chưa làm tốt vai trò và trách nhiệm của một Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá quốc gia, đồng thời VFF chưa sử dụng và buộc ông Gede phải có kế hoạch cũng như chưa có những cuộc làm việc với các chuyên gia, HLV của BĐVN để định hướng cho các đội tuyển quốc gia một lối chơi có bản sắc mang tính kế thừa và đồng nhất cho BĐVN.

Từ thất bại của U22 VN, đã đến lúc VFF cần phải thay đổi quan điểm và cách làm khi chọn HLV cho các đội tuyển. Đừng quên, HLV đội U22 VN Nguyễn Quốc Tuấn hiện là thành viên của Ban Huấn luyện CLB Ðà Nẵng. Hay như HLV Lư Ðình Tuấn là trợ lý hơn một năm qua của ông Park Hang-seo nhưng HLV Tuấn là người của CLB TP HCM. Trong hợp đồng với ông Tuấn, có điều khoản nào VFF yêu cầu ông có trách nhiệm tổng hợp báo cáo, rút kinh nghiệm, xây dựng giáo án để phối hợp cùng với VFF gồm bộ phận chuyên môn cũng như là Hội đồng HLV quốc gia tổ chức các buổi hội thảo, các khóa học chuyên môn cho các chuyên gia, các HLV trên cả nước để từ đó đưa ra những khuyến cáo về hệ thống thi đấu, xây dựng chiến lược cụ thể để BĐVN phát triển?

Đã đến lúc VFF nên phát hiện, đào tạo, xây dựng và định hướng chọn bộ khung HLV cho các đội tuyển trực thuộc VFF. Ðây là công việc đầu tư chất xám, một chiến lược dài lâu nhằm xây dựng "bộ não" tận tâm, tận lực cho toàn bộ hệ thống các đội tuyển BĐVN với khát vọng một ngày nào đó, các đội tuyển BĐVN do các HLV VN dẫn dắt với chung một bản sắc được thống nhất từ các đội tuyển U cho đến tuyển quốc gia.

Dẫu biết là khó nhưng nếu không có kế hoạch đầu tư thì BĐVN sẽ mãi "lệ thuộc" chất xám của các HLV nước ngoài. Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, kể từ giai đoạn cố HLV Karl Heinz Weigang dẫn dắt đội tuyển Việt Nam giành HCB SEA Gaems 1995 cho đến thời HLV Park Hang-seo hiện nay, BĐVN đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội để các chuyên gia và HLV nội học hỏi những kiến thức của các HLV nước ngoài.

Nói rủi cho U22 VN nhưng may cho BÐVN là vậy.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo