TP HCM tăng hệ số giá đất, giá bất động sản sẽ biến động theo?

11 Tháng 07, 2018 | 09:40

Mới đây, UBND TP HCM vừa họp với Hội đồng Thẩm định giá đất của TP để bàn về việc tăng hệ số giá đất trên địa bàn. Nhiều ý kiến cho rằng, giá đất tại TP HCM có thể sẽ biến động nếu TP tăng hệ số giá đất.

Trước đó, theo chỉ đạo của UBND TP, Sở Tài chính và Sở Tài nguyên Môi trường đã đưa ra 2 phương án hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018.

Cụ thể, phương án 1, hai Sở đề xuất giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất như Quyết định số 19 của UBND TP HCM quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2017. Còn ở phương án 2 thì hệ số giá đất được đề xuất tăng 0,1 lần.

Hai Sở trên cho biết, sở dĩ đề xuất tăng hệ số điều chỉnh giá đất là do khi xây dựng bảng giá đất năm 2015, giá đất tại bảng giá đất đã tăng khoảng 2 lần so với bảng giá đất năm 2014. Điều này kéo theo nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất từ năm 2015 cũng tăng lên. Vì vậy, khi được giao nhiệm vụ xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất, hai cơ quan này đã cân đối giá đất phù hợp, tạo điều kiện cho người sử dụng đất nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, không để xảy ra tình trạng giá tăng đột biến. Hiện giá đất mà UBND TP quy định tại bảng giá đất chỉ bằng khoảng 1/3 so với giá thực tế thị trường.

TP HCM tăng hệ số giá đất, giá bất động sản sẽ biến động theo? - Ảnh 1.

TP HCM dự định tăng hệ số giá đất. Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, phương án tăng 0,1 lần hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018 là sát với mức tăng giá của thị trường. Với mức tăng này, người sử dụng đất cũng không bị xáo trộn hay ảnh hưởng nhiều. Ông Thắng cũng thừa nhận, hiện giá bất động sản tại TP HCM đang trong xu hướng tăng so với năm 2015, 2016. Với việc điều chỉnh tăng hệ số giá đất lần này, giá nhà đất có thể sẽ tăng thêm.

Nói về việc không đồng nhất của giá đất tại từng quận, huyện TP HCM, ông Thắng cho rằng đây cũng là điều dễ hiểu và là vấn đề chung của cả nước. Do đó, cần thực hiện đồng bộ các phương án nhằm hạn chế những bất cập hiện nay liên quan việc tính tiền sử dụng đất và việc điều chỉnh bảng giá đất kéo gần sát với giá của thị trường và tăng thu ngân sách. Vì nếu chỉ có một số địa phương tăng bảng giá đất thì ngoài việc không giải quyết được triệt để vấn đề còn khoét sâu, gây ảnh hưởng nhiều hơn. Cụ thể, nên đưa giá trong bảng giá đất của từng địa phương về sát với giá của thị trường, lấy đó làm cơ sở và căn cứ để tính tiền sử dụng đất, thuế, bồi thường và hỗ trợ thu hồi đất…

Hơn nữa, khi đưa bảng giá đất sát với thị trường thì  việc quản lý và sử dụng đất đai cũng hiệu quả hơn, ngoài ra còn có thể giúp chấm dứt tình trạng giá đất sản xuất nông nghiệp, đất kinh doanh bị đẩy lên cao do ôm đất chờ chuyển đổi mục đích sử dụng. Đặc biệt, khi giá đất được kéo về sát với giá thị trường, các nhà đầu tư ôm đất và không sử dụng, khai thác sản xuất trên đất sẽ không thu được lợi từ sự chênh lệch này nên sẽ giảm tình trạng đầu cơ đất đai.

Theo Enternews

Viết bình luận

CHUYÊN TRANG PHỤ NỮ

Email: phunu@nld.com.vn

NHẬN EMAIL MỚI HÀNG NGÀY

Đăng ký nhận tin mỗi ngày từ chuyên phụ nữ

Giấy phép số 115/GP- BTTTT cấp ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tổng Biên tập: TÔ ĐÌNH TUÂN
Địa chỉ: 123 - 127 Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3 - TPHCM, Điện thoại: 028-3930.6262 / 028-3930.5376, Fax: 028-3930.4707. Email: toasoan@nld.com.vn
Bản quyền thuộc về Báo Người Lao Động. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).