Thị trường
13/05/2020 09:29

Covid-19 thay đổi cách đi chợ của người Việt ra sao?

Thay vì đến chợ hay siêu thị mua nhu yếu phẩm, Covid-19 thúc đẩy nhiều người chọn kênh trực tuyến và thói quen này có thể duy trì cả sau dịch.

Một tháng nay, do dịch bệnh khiến việc đi chợ của gia đình bà Hạnh (quận 8, TP HCM) đã thay đổi. Ngoài một số loại thịt cá phải chính tay lựa chọn buổi sớm, bà Hạnh giao hết việc mua những nguyên liệu chế biến và nhu yếu phẩm khác cho hai con trai đặt qua tổng đài siêu thị, dịch vụ mua hàng hộ hoặc các trang mạng.

"Các con hạn chế tối đa việc để mẹ ra ngoài trong mùa dịch nên tôi cũng phải quen dần với việc lựa chọn hàng hóa trên điện thoại của hai đứa. Việc thanh toán và nhận hàng thì chúng làm hết", bà Hạnh, hơn 50 tuổi nói.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng Covid-19 không giúp thương mại điện tử phát triển. Tuy nhiên, đại dịch đã tạo ra cuộc tập dợt lớn cho một lượng đông đảo người tiêu dùng trước giờ không quan tâm mua sắm trực tuyến và thanh toán điện tử.

"Có nhóm người trước giờ cần gì là xách xe đến siêu thị thì nay ngại ra ngoài buộc họ phải mua online. Khi đã mua một lần, thanh toán trực tuyến thì họ thấy 'sướng' và một số sẽ không muốn quay lại cảnh muốn mua gì phải ra xếp hàng cách 2 m và đeo khẩu trang", ông Dũng nói.

Covid-19 thay đổi cách đi chợ của người Việt ra sao? - Ảnh 1.

Một tài xế giao hàng trên đường phố TP HCM ngày 12/5. Ảnh: Viễn Thông.

Làm quen mua tạp hóa trực tuyến 

Sữa, mì ăn liền, sữa đậu nành, nước soda và xúc xích heo là top 5 mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất trên GrabMart vào giữa tháng 4 vừa qua, tức giai đoạn cách ly xã hội vì Covid-19, theo thông tin Grab vừa công bố.

GrabMart - một hình thức đi siêu thị hộ được Grab triển khai từ ngày 23/3 xuất hiện đúng khi nhu cầu mua tạp hóa trực tuyến nảy sinh. Sau một tuần triển khai, số đơn hàng GrabMart tăng đến 91%. Và ngày 31/3 đạt số lượng đơn hàng cao nhất, ngay trước thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội.

Trong một chia sẻ gần đây, Shopee Việt Nam chỉ ra rằng "người dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến cho mọi nhu cầu hàng ngày" chính là một trong 4 xu hướng lớn của thương mại điện tử năm 2020.

Trên nền tảng này, tổng thời gian mua sắm trong một tuần của người Việt tăng hơn 25%, nhằm đáp ứng mọi nhu cầu hàng ngày từ sinh hoạt, làm việc đến giải trí tại nhà. Nhóm sản phẩm được ưa chuộng là nước tẩy trang, điện thoại thông minh, sữa, tã giấy, nồi và chảo. "Năm 2020 đã thay đổi cách sống, làm việc và mua sắm trực tuyến", ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam nhận xét.

Dữ liệu 3 tháng đầu năm về thị trường thương mại điện tử Việt Nam của iPrice cũng cho biết những mặt hàng nhu yếu phẩm, tạp hóa, vốn không phải là ngành chủ lực đã tăng trưởng nóng.

Riêng tháng 3, lượng truy cập vào website của Bách Hóa Xanh (MWG) tăng 49% so với quý 4/2019. "Trong thời gian giãn cách xã hội, người tiêu dùng đã có vài thói quen mới mà trước đây nhiều doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để định hướng. Các thói quen này có thể được giữ lại cả sau đại dịch", ông Trương Văn Quý, CEO của EQVN, chuyên gia về marketing, nhận định. Theo ông Quý, việc mua sắm hàng tiêu dùng online là ví dụ.

Chuyển dịch thời gian và cách thanh toán 

Thói quen mua sắm trực tiếp khiến những ngày cuối tuần thường là lựa chọn phổ biến để các gia đình tiêu tiền và giải trí. Tuy nhiên, vì dần quen với mua sắm trực tuyến nên thói quen trên của nhiều người thay đổi.

Shopee cho biết, trong vài tháng gần đây, hoạt động mua sắm trực tuyến trên nền tảng này diễn ra sôi nổi nhất vào thứ 4 và thứ 6, cho thấy người tiêu dùng Việt có thói quen hoàn thành việc mua sắm trước các ngày cuối tuần. Thói quen mua hàng phần lớn diễn ra lúc 12h và 21h, tức người dùng tranh thủ vào lúc nghỉ trưa hoặc trước khi ngủ.

Grab thì cho biết, người dùng có xu hướng đặt hàng trên GrabMart nhiều hơn vào giữa tuần và cuối tuần. Cụ thể, hệ thống Grab thường xuyên ghi nhận số lượng đơn hàng tăng đột biến vào lúc 16h chiều thứ 3, lúc 10h sáng và 15h chiều thứ 7. "Đây có thể là những thời điểm người dùng bổ sung thực phẩm giữa tuần hoặc chuẩn bị nấu nướng cuối tuần cho gia đình và dự trữ thực phẩm cho tuần kế tiếp", công ty nhận định.

Vì Covid-19, thanh toán không tiền mặt dần phổ biến hơn vì người mua ưu tiên cho sự nhanh chóng và giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp. Shopee xác nhận khách của họ thanh toán không tiền mặt nhiều hơn, điển hình như sử dụng ví AirPay, trong những tháng gần đây.

Còn theo dữ liệu của Moca, số người dùng lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trên Grab vào tháng 3 tăng đến 22,5% so với tháng trước đó. Trong mùa dịch, tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn bộ nền tảng Grab chiếm đến 43%. Riêng với dịch vụ GrabMart, tỉ lệ này chiếm đến 70%.

Doanh nghiệp trước thời cơ mới

Covid-19 thay đổi cách đi chợ của người Việt ra sao? - Ảnh 2.

Tài xế của hàng loạt hãng giao hàng, gọi xe chờ đèn đỏ tại ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiều, quận 3, TP HCM chiều 12/5. Ảnh: Viễn Thông.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, trong mùa dịch, doanh nghiệp nếu không áp dụng thương mại điện tử từ sớm thì sẽ bị bỏ lại đằng sau so với các doanh nghiệp đã có chuẩn bị. Những doanh nghiệp đã chuẩn bị nhưng trước đó chưa sẵn sàng thì nhân cơ hội Covid-19 mà bật lên.

Ông Nguyễn Minh Đức, CEO của IM Group dẫn thông tin thống kê từ Google cho biết, lượt tìm kiếm mua hàng trên mạng tại Việt Nam đã tăng đến 40% trong tháng trước. "Đó là cơ hội nhưng cũng là thách thức", ông Đức nói.

Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Nhược Linh, Phó tổng giám đốc Tiki cho rằng, cơ hội là doanh nghiệp có thể tận dụng kênh trực tuyến nhưng thách thức là nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp 2 vấn đề lớn khi tiếp cận. Thứ nhất là thông tin. Thứ hai là doanh nghiệp không có đủ nguồn lực về hạ tầng và kiến thức.

Khảo sát gần đây được thực hiện bởi đội ngũ Sàn Giao dịch tại Tiki cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường khá e dè trong việc mở rộng kênh phân phối trên các sàn thương mại điện tử, xuất phát từ 3 "nỗi sợ": sợ không bán được hàng, sợ không thể quản lý, sợ "tiền mất tật mang".

Ông Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, thương mại điện tử đang phân bổ khoảng 70% tại Hà Nội và TP HCM, 30% thuộc 61 tỉnh thành còn lại. Do đó, VECOM đang cùng Tiki và IM Group triển khai dự án hỗ trợ 500.000 doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử bền vững. "Chúng tôi sẽ cùng phấn đấu để cân bằng tỷ lệ Hà Nội và TP. HCM chiếm 50%, toàn bộ các tỉnh thành còn lại đạt 50% vào năm 2025", ông Dũng nói.

Trong dự án này, Tiki và IM Group sẽ tổ chức các khóa đào tạo về kinh doanh trực tuyến. Ngay trong tháng 6, dự án sẽ được thực hiện tại 15 tỉnh thành. Riêng Tiki tuyên bố tung gói hỗ trợ 200 tỷ đồng cho 20.000 doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh trên sàn này.

Theo Viễn Thông (Vnexpress)

Viết bình luận

Gojek tung loạt deal hời cho người dùng qua livestream

Gojek tung loạt deal hời cho người dùng qua livestream

Thị trường 19:25

(NLĐO) - Với mong muốn mang đến nhiều ưu đãi hấp dẫn cùng trải nghiệm tốt nhất cho người dùng trên GoFood, Gojek tiếp tục tổ chức livestream tung hàng loạt deal hời, đồng thời gợi ý nhiều quán ngon, chất lượng.

BIDV QR - Siêu trợ lý thu hộ trên ezCloud

BIDV QR - Siêu trợ lý thu hộ trên ezCloud

Ngân hàng 18:58

Dịch vụ Thu hộ qua QR định danh của BIDV đã chính thức có mặt trên nền tảng ezCloud - phần mềm Quản lý khách sạn số 1 tại Việt Nam. Nhân dịp này, BIDV và ezCloud dành tặng khách hàng sử dụng phần mềm ezCloudHotel, ezFolio, ezTicket và ezGolf chương trình khuyến mãi với các ưu đãi lớn nhất từ trước tới nay.

Vietjet tăng chuyến bay đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Vietjet tăng chuyến bay đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Đi lại, lưu trú 16:24

Để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách đến với Điện Biên trong dịp lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Vietjet tăng tần suất bay giữa Hà Nội và TP HCM với Điện Biên lên 28 chuyến bay/ tuần.

Ngày 20 lại đến, bạn dự định chi tiêu gì với thẻ tín dụng?

Ngày 20 lại đến, bạn dự định chi tiêu gì với thẻ tín dụng?

Ngân hàng 14:06

Với các tín đồ thẻ tín dụng VIB, ngày 20 hàng tháng đã trở thành cột mốc quen thuộc để chi tiêu và tận hưởng những ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho chủ thẻ.

KingSport tiếp tục trao tặng 1 triệu máy đo huyết áp và sứ mệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh

KingSport tiếp tục trao tặng 1 triệu máy đo huyết áp và sứ mệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh

Doanh nghiệp 13:31

Với tâm niệm chăm sóc sức khỏe cho triệu người dân Việt, KingSport - một trong những thương hiệu chăm sóc sức khỏe hàng đầu Việt Nam triển khai dự án cộng đồng “Hành trình Hạnh phúc”, trao tặng 1 triệu máy đo huyết áp đến người cao tuổi trên khắp mọi miền, đồng hành cùng bậc cao niên theo dõi và chăm sóc sức khỏe mỗi ngày.

EVNCPC: Công tác tiết kiệm điện có nhiều chuyển biến tích cực nhờ các giải pháp thiết thực

EVNCPC: Công tác tiết kiệm điện có nhiều chuyển biến tích cực nhờ các giải pháp thiết thực

Sản xuất - Kinh doanh 11:49

Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về thực hiện công tác tiết kiệm điện (TKĐ) năm 2023, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã triển khai nhiều giải pháp và đạt hiệu quả cao trong công tác tiết kiệm điện.

3 chủ nhân giải thưởng VinFuture 2023 lọt Top 100 người ảnh hưởng nhất thế giới

3 chủ nhân giải thưởng VinFuture 2023 lọt Top 100 người ảnh hưởng nhất thế giới

Dinh dưỡng – Sức khỏe 19:24

Ngày 18-4, Tạp Chí Time công danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới 2024, trong đó có 3 Chủ nhân Giải đặc biệt VinFuture 2023 là GS. Daniel Joshua Drucker (Canada), GS. Joel Francis Habener và PGS. Svetlana Mojsov (Mỹ).