Doanh nghiệp Việt xuất khẩu trái cây đi châu Âu cần lưu ý gì?

17 Tháng 11, 2020 | 12:08

(NLĐO) - Giá trị nhập khẩu trái cây ngoại gồm vải, chanh dây, khế và thanh long của các nước châu Âu tăng 40% trong 5 năm và đạt 142 triệu Euro vào năm 2019

Thương vụ Hà Lan vừa công bố thông tin khảo sát thị trường châu Âu và đưa ra một vài lưu ý với doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng cơ hội xuất khẩu sang thị trường này.

Theo thông tin từ Thương vụ Hà Lan, người tiêu dùng châu Âu ngày càng quan tâm đến các loại trái cây hương vị mới mẻ nên giá trị của trái cây đặc trưng vùng nhiệt đới khi đưa vào thị trường được nâng cao hơn so với khu vực khác. 

Trong đó, theo khảo sát, một số loại trái cây được bán và tiêu thụ khá mạnh tại châu Âu là lựu, chanh dây, vải, sung, xương rồng, sơn trà… "Giá trị nhập khẩu trái cây ngoại gồm vải, chanh dây, khế và thanh long của khu vực này tăng 40% trong 5 năm và đạt 142 triệu Euro vào năm 2019. Những loại trái cây lạ khác có mức tăng trưởng nhập khẩu 21% và đạt tổng giá trị 202 triệu euro vào năm 2019" - khảo sát chỉ rõ và cho biết thị trường này vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Doanh nghiệp Việt xuất khẩu trái cây đi châu Âu cần lưu ý gì? - Ảnh 1.

Danh mục trái cây nhiệt đới được người châu Âu ưa thích

Thương vụ Hà Lan cũng cho hay hiện nhiều quốc gia đã tận dụng lợi thế về các loại trái cây nhiệt đới và tăng quy mô sản xuất để xuất khẩu sang châu Âu, như: Peru, Nam Phi, Maroc, Ai Cập, Ấn Độ, Mexico, Guatemala... Trong đó, Peru và Nam Phi là những quốc gia xuất khẩu có thế mạnh về hoa quả trái mùa với quy mô sản xuất lớn, Morocco và Ai Cập có lợi thế gần với EU và cạnh tranh về giá. Riêng Morocco là nhà cung cấp rau quan trọng nhất cho châu Âu; Ấn Độ đã tăng xuất khẩu nho sang thị trường này; Guatemal xuất khẩu chuối, chanh...; còn Mexico cung cấp trái bơ cho thị trường châu Âu...

Do vậy, Thương vụ Hà Lan cho rằng các công ty xuất khẩu lớn của Việt Nam có thể tận dụng nhu cầu đang tăng ở châu Âu để cung cấp hàng hóa cho thị trường này, mặc dù việc thâm nhập vào thị trường châu Âu sẽ khó khăn do có nhiều tiêu chuẩn khá cao.

Thương vụ Hà Lan lưu ý một vài thời điểm đặc biệt khiến nhu cầu trái cây nhiệt đới ở châu Âu tăng đáng kể. Chẳng hạn, cao điểm nhập khẩu của các nước này vào tháng 4 và tháng 12 (kéo dài từ giáng sinh đến năm mới). Trong mùa hè (khoảng tháng 7, 8), nhu cầu của người châu Âu giảm do đây là mùa có của trái cây địa phương. Do đó, khi xuất khẩu trái cây, doanh nghiệp Việt phải tính đến nhu cầu theo mùa để điều chỉnh sản lượng và kế hoạch cung cấp.

Ngoài ra, Thương vụ Hà Lan cũng nhấn mạnh nhà xuất khẩu phải đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng về một sản phẩm lành mạnh, đặc biệt là không có thuốc trừ sâu. Ngoài ra, chứng nhận hữu cơ có thể là một điểm cộng. Đồng thời, cải tiến bao bì, công nghệ xử lý... giúp thời hạn sử dụng kéo dài hơn cũng là những điểm mà doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu tâm.

Hoài Dương

Viết bình luận

CHUYÊN TRANG PHỤ NỮ

Email: phunu@nld.com.vn

NHẬN EMAIL MỚI HÀNG NGÀY

Đăng ký nhận tin mỗi ngày từ chuyên phụ nữ

Giấy phép số 115/GP- BTTTT cấp ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tổng Biên tập: TÔ ĐÌNH TUÂN
Địa chỉ: 123 - 127 Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3 - TPHCM, Điện thoại: 028-3930.6262 / 028-3930.5376, Fax: 028-3930.4707. Email: toasoan@nld.com.vn
Bản quyền thuộc về Báo Người Lao Động. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).