Sau hàng chục năm theo đuổi nghề trồng loài hoa quý này, ông Công rút ra một điều: địa lan quý, hiếm còn bởi loài hoa này biết chọn nơi sinh tồn và chọn người chăm sóc. Vì vậy, không phải ai cũng trồng được địa lan và không phải cứ trồng ở đâu, địa lan cũng sống.
Theo ông Công, ở Việt Nam có hàng chục loài địa lan, trong đó quý nhất là 2 giống hoàng vũ và thanh ngọc. Riêng hoàng vũ được gọi là “nữ hoàng địa lan” vì vẻ đẹp hoàn mỹ với những cánh lá xanh mướt và ngồng hoa vươn cao, cánh hoa to, chuyển từ màu xanh sang vàng và luôn hướng về phía ánh sáng. Địa lan hoàng vũ biểu tượng cho sự khoẻ khoắn, sung túc và chỉ có nhiều ở Nam Định. Nhiều người từng đưa giống lan này đi trồng ở nơi khác nhưng cây lan đều thoái giống, hoa không đẹp như trồng tại Nam Định. Nhưng chính ở địa phương này, nhiều người vẫn phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua một chậu hoa về chơi tết, rồi lại đem đến vườn thuê chăm sóc, nếu không muốn lan sẽ chết, hoặc không ra hoa.
Tự cho mình là người đã được “nữ hoàng địa lan” hoàng vũ chọn lựa, ông Công cho biết, dù đầu tư rất nhiều tiền bạc, nhưng để trở thành người có tên, tuổi trong làng địa lan, hầu như ngày đêm ông đều ăn, ngủ cùng địa lan. “Trồng phong lan đã khó, nhưng nếu phong lan bị bệnh, người trồng sẽ biết ngay, vì than, rễ đều lộ thiên, còn địa lan thì thể hiện tính vương giả, quý tộc, cả lúc nó “ốm”. Một cây địa lan mắc bệnh, có khi phải mất 2 năm mới phát hiện ra. Nếu không có kinh nghiệm thì đành nhìn cây lan cứ rũ dần rồi chết. Hơn 10 năm trồng lan, tôi gặp không ít lần như vậy, mất hàng trăm triệu đồng đầu tư để làm lại từ đầu. Vợ con, gia đình khuyên can chuyển nghề, nhưng tôi cứ kiên trì như thế cho đến lúc được cây lan chọn ở lại với mình”, ông Công chia sẻ.
Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng địa lan
Chơi được địa lan hoàng vũ phải là người có tiền, vì giá một chậu địa lan này trong dịp tết lên tới hàng chục triệu đồng. Vì vậy, ở Nam Định, không nhiều người dám đầu tư trồng địa lan hoàng vũ. Hiện, số người có hàng trăm chậu lan Hoàng Vũ tại địa phương này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng ngay từ năm 2007, ông Trần Phi Công và em vợ là ông Nguyễn Văn Thành (58 tuổi, trú tại xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, Nam Định) đã mở vườn địa lan hoàng vũ hơn 200 chậu tại chợ Dần, xã Trung Thành. Đến năm 2011, ông Công quyết định thành lập vườn lan với quy mô lớn, nên mua đất, làm vườn tại xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, Nam Định. Sau hơn 6 năm vừa xây dựng, vừa mua, vừa trồng thêm mà không bán, đến nay, vườn địa lan hoàng vũ Thành Công đã rộng trên 5.000 m2, trong đó có 2 khu vực trồng địa lan rộng trên 1.100 m2 với khoảng 2.300 chậu, mỗi chậu lan có khoảng từ 30 - 40 cây. Cây giống giá từ 400.000 - 700.000 đồng, mỗi cây trưởng thành khoảng 1,5 triệu đồng, trung bình mỗi chậu giá 15 - 20 triệu đồng, riêng giá trị cây tại vườn địa lan này lên tới khoảng trên 30 tỉ đồng.
Ngày 19.1, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác lập vườn địa lan của ông Trần Phi Công là “Vườn địa lan hoàng vũ tư nhân lớn nhất nước”. Cũng từ thời điểm này, ông Công quyết định sẽ bán lan ra thị trường. Quan trọng hơn, ông sẵn sàng chuyển giao kinh nghiệm trồng địa lan cho những người yêu lan để phát triển loài hoa quý này.