xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ác mộng tình báo

ĐỖ QUYÊN

Với trận Trân Châu Cảng, nước Mỹ chứng kiến thất bại kép của mạng lưới tình báo khi không nắm bắt được ý đồ của kẻ thù và đánh giá quá thấp đối phương

Hình ảnh chiến hạm USS Arizona “hấp hối” giữa biển khói, tầng trên của siêu thiết giáp hạm khổng lồ nghiêng hẳn sang bên phải và chuẩn bị chìm vào dòng nước sôi sục của Trân Châu Cảng (bang Hawaii - Mỹ) trở thành biểu tượng thất bại tình báo tệ hại nhất trong lịch sử Mỹ.

Không kịp trở tay

2.403 lính Mỹ tử trận, 1.178 người bị thương, hơn 10 tàu chiến và 180 máy bay bị phá hủy trong cuộc tấn công chấn động từ quân đội Nhật Bản vào ngày 7-12-1941.

Theo trang Top Secret Writers, trong suốt Thế chiến II, Cơ quan Do thám tín hiệu mật mã (SIS) của Lục quân Mỹ và Đơn vị Truyền tin Đặc biệt của hải quân nước này cùng hợp tác trong một dự án giải mã siêu bí mật mang tên Magic. Mật mã tối mật của Nhật Bản cũng không “qua mặt” được Magic.

Vậy làm thế nào giới chức Washington lại không kịp trở tay khi Nhật Bản dội bom vào căn cứ hải quân ở Trân Châu Cảng?

Chiến hạm USS Arizona cháy suốt nhiều ngày sau vụ tấn công bất ngờ của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng Ảnh: MILITARY
Chiến hạm USS Arizona cháy suốt nhiều ngày sau vụ tấn công bất ngờ của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng Ảnh: MILITARY

Cơn ác mộng này không xuất phát từ câu chuyện giải mã. Các lãnh đạo quân sự và chính trị nước này đều được tiếp cận thông tin về khả năng xảy ra một cuộc tấn công từ Nhật Bản. Tuy nhiên, các mảnh ghép thông tin rời rạc đến từ những cơ quan khác nhau hoặc lạc lối trong các đầu mối quan liêu.

Theo tác giả Roberta Wholstetter - một trong những nhà phân tích chính sách quân sự quan trọng nhất của Mỹ - trong cuốn “Trân Châu Cảng: Cảnh báo và Quyết định”, chưa bao giờ giới chức có được một chất liệu đầy đủ như vậy cho bức tranh tình báo về kẻ thù. Có điều bức tranh đó lại không được xem xét một cách đầy đủ bởi các nhận định chủ quan của phía Mỹ cho rằng Nhật sẽ không dám thực hiện một cuộc tấn công chớp nhoáng và sự cạnh tranh đối địch trong chính cộng đồng tình báo của Mỹ.

Quá nhiều thông tin dội xuống trước vụ tấn công Trân Châu Cảng và những thông tin này lại khá mâu thuẫn. Các nguồn tin từ Magic chỉ hướng một cuộc tấn công từ Nhật Bản nhằm vào Đông Nam Á. Mặt khác, lực lượng giám sát bờ biển lại nhìn thấy hoạt động di chuyển của quân đội Nhật Bản về phía Manchuria - khu vực Đông Bắc Á. Tại Hawaii nổi lên những thông tin chỉ ra một cuộc tấn công của Nhật Bản vào Liên Xô (cũ).

Tất cả những tín hiệu này đổ về Washington D.C. cùng với một núi báo cáo tình báo khác từ Đại Tây Dương và châu Âu - những nơi chất chứa đe dọa mang tính chất thường xuyên và ở vị trí ưu tiên hơn trong tâm trí lãnh đạo Mỹ.

Tình báo Lục quân và Hải quân Mỹ suy đoán Nhật Bản sẽ tấn công vào ngày 30-11 hoặc 7-12 nhằm vào các mục tiêu của Anh (Malaya - Singapore), Hà Lan (Borneo) hoặc các mục tiêu của Mỹ (Guam hoặc Philippines). Không thiếu thông tin tình báo về một cuộc tấn công sắp xảy ra. Câu hỏi đặt ra là nó sẽ xảy ra ở đâu?

Ngay trước trận Trân Châu Cảng, giới chức phân tích đã chuẩn bị một danh sách các mục tiêu tiềm năng nhưng Hawaii luôn bị gạt ra ngoài. Mặc dù các nhà hoạch định Mỹ từng coi Hawaii là một mục tiêu tiềm năng trong các cuộc tập trận suốt nhiều năm nhưng họ lại đinh ninh hòn đảo này là một pháo đài bất khả xâm phạm. Có vẻ quan niệm này đã khiến giới chức tình báo Mỹ xem nhẹ khả năng bị tấn công.

Trận Trân Châu Cảng chứng kiến sự thất bại kép của mạng lưới tình báo, không chỉ không nắm bắt được ý đồ của kẻ thù mà năng lực của đối phương cũng bị đánh giá sai. Ngư lôi Nhật Bản lúc bấy giờ được ghi nhận là cần độ sâu khoảng 18 m mới phát huy sức mạnh và phía Mỹ tự tin rằng chúng sẽ vô dụng ở độ sâu không quá 12 m ở Trân Châu Cảng. Ngờ đâu, một tuần trước vụ tấn công, giới chức Nhật Bản đã phát triển thành công ngư lôi cải tiến đủ để khiến nước Mỹ tỉnh ngộ.

Năng lực của quân đội Nhật Bản còn bị đánh giá sai nghiêm trọng khi số máy bay của họ bị ước tính thiếu tới một nửa so với con số thật, năng lực của phi công bị hạ thấp, các chiến đấu cơ Zero vẫn là một ẩn số và thiết bị phát hiện tàu ngầm bị cho là dưới tiêu chuẩn, số máy bay trên các tàu sân bay chưa đếm được…

Nhật bị trúng kế?

Theo tạp chí Foreign Policy, khi Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) được thành lập năm 1947, trận chiến Trân Châu Cảng chấn động được coi là một bài học làm nổi bật sự cần thiết phải phân biệt giữa “các dấu hiệu” với hiện tượng “nhiễu” và thành lập một tổ chức tình báo tập trung.

Sử sách ghi nhận trận chiến này chính là bước ngoặt khiến Mỹ quyết định tham gia Thế chiến II thay vì tiếp tục theo đuổi học thuyết Monroe vốn chủ trương không can thiệp vào công việc của các quốc gia độc lập khác.

Tuy vậy, cuốn sách “Ngày lừa lọc: Sự thật về Tổng thống Franklin Roosevelt và Trân Châu Cảng” của học giả Robert Stinnett thuộc Viện Nghiên cứu độc lập ở Oakland (bang California - Mỹ) hồi năm 1999 lại đưa ra một kết luận gây không ít sửng sốt rằng vụ “đánh úp” này không những chẳng gây bất ngờ với tổng thống đương thời là Franklin Roosevelt mà thực ra chính quyền đã cố tình kích động Nhật Bản động binh trước để Nhà Trắng có cớ thực hiện chính sách quan trọng đã âm thầm theo đuổi cả năm trước đó.

Một trong những chi tiết gây chú ý nhất trong cuốn sách được khẳng định là dựa trên hồ sơ lưu trữ của Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) cũng như những công văn tuyệt mật về vụ tấn công này là những diễn biến liên quan tới điệp viên Hawaii - Tadashi Morimura. Điệp viên quan trọng nhất của Nhật Bản này vài tháng trước trận tấn công đã gửi cho Tokyo thông tin về vị trí của các tàu hải quân Mỹ.

Ngay trước ngày tấn công, Morimura còn gửi thông điệp qua sóng radio cho Tokyo nói rằng một cuộc tấn công bất ngờ vẫn khả thi.

Theo ông Stinnett, thông điệp của Morimura đã bị tình báo Hải quân Mỹ đón đầu và giải mã trước khi chuyển về Washington. Thế nhưng, chúng lại không bao giờ đến tay Đô đốc Husband Kimmel, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, hay người đồng cấp bên Lục quân Mỹ - Trung tướng Walter Short.

Vị học giả cho rằng bằng cách “giấu nhẹm” những thông tin quan trọng này với các chỉ huy trực tiếp ngoài thực địa, Tổng thống Roosevelt muốn bảo đảm cuộc tấn công từ Nhật Bản phải gây chấn động một cách thật nhất. Dù những kết luận đưa ra có vẻ gây ấn tượng mạnh nhưng cho tới nay, chúng vẫn chỉ dừng lại ở các cuộc tranh cãi.

Kỳ tới: Vụ thử hạt nhân gây sốc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo