xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

An toàn cũng là lợi thế

XUÂN MAI (lược dịch theo trang Politico)

Điều khiến cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi hưởng lợi là ai cũng muốn sự ổn định ở Ý

Khi cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi rời khỏi chính trường trong sự thở phào nhẹ nhõm năm 2011, ít ai ngờ rằng sự trở lại của chính trị gia dính không ít bê bối này lại được đón nhận với cảm xúc tương tự.

Chưa bàn đến đời tư, xuất thân của ông Berlusconi là một ông trùm truyền thông cũng đã gây không ít hoài nghi lâu nay. Phong cách chính trị của ông - sự thẳng thắn trong việc thu hút cử tri và không quan tâm đến các nguyên tắc chính trị - dẫn đến nhận định về chủ nghĩa dân túy hiện đại.

Thế nhưng, thế giới giờ đây chào đón sự trở lại của một Berlusconi rất mới. Không còn có thể nắm chức vụ công - do từng bị kết án hơn 2 năm tù - nhưng tên của ông vẫn sẽ được ghi trên lá phiếu, được viết in hoa trong biểu tượng của Đảng Forza Italia (Nước Ý tiến lên) khi cử tri đi bỏ phiếu ngày 4-3. Nếu người Ý ủng hộ liên minh trung hữu này, coi như họ đã chọn ông Berlusconi làm người lãnh đạo đất nước từ sau hậu trường.

An toàn cũng là lợi thế - Ảnh 1.

Ông Silvio Berlusconi phát biểu tại cuộc vận động tranh cử ở TP Milan - Ý hôm 25-2 Ảnh: AP

Không khó để nhận ra nguyên nhân người dân Ý không muốn xóa bỏ hình ảnh ông Berlusconi ra khỏi tâm trí, dù các nhiệm kỳ thủ tướng trước đây của ông không ấn tượng. Điều đáng ngạc nhiên hơn là các đối tác châu Âu và giới quan sát quốc tế dường như đã có một sự cảm thông mới dành cho cựu thủ tướng Ý, người được họ đánh giá là quân bài an toàn trong cuộc bầu cử sắp tới.

Dù thỉnh thoảng vẫn duy trì một số quan điểm bảo thủ, không thỏa hiệp, ông Berlusconi vẫn góp phần xoa dịu sự cứng rắn của các đối tác trong liên minh của mình. Chẳng hạn, với ảnh hưởng của ông Berlusconi, Đảng Liên đoàn phương Bắc cực hữu đã ngừng kêu gọi Ý rời khỏi khu vực đồng euro. Những công kích của vị cựu thủ tướng nhằm vào Phong trào Năm sao (M5S) theo đường lối dân túy cho thấy ông Berlusconi sẵn sàng đối đầu ông Beppe Grillo - người đồng sáng lập đảng này.

Điều khiến ông Berlusconi hưởng lợi là ai cũng muốn sự ổn định ở Ý. Các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 40% nợ công Ý - khoảng 2.200 tỉ euro - và không được lợi lộc gì nếu bất ổn tiếp diễn. Phần nợ còn lại do trong nước nắm, nghĩa là các nhà đầu tư nội địa cũng quan tâm đến sự ổn định. Trong bối cảnh này, ông Berlusconi - người tuyên bố rằng Ý nên tuân thủ các hiệp định ổn định tài chính của Liên minh châu Âu (EU) và cắt giảm thuế mà không làm tăng thâm hụt - bắt đầu được xem là lựa chọn "đáng tin cậy".

Những xung đột lợi ích của vị cựu thủ tướng lần này lại góp phần củng cố ấn tượng nêu trên. Lời lẽ có thể hơi phóng đại nhưng những chính sách được ông thực thi lại không bao giờ như thế. Điều này có thể khiến Ý mất đi những cải cách căn cơ cần thiết nhưng có thể làm yên lòng nhiều người giữa lúc chủ nghĩa dân túy trỗi dậy.

Về chính sách kinh tế, ông Berlusconi chưa bao giờ tỏ ra quá hiệu quả. Chính phủ của ông (giai đoạn 2001-2006 và 2007-2009) có xu hướng tăng thâm hụt ngân sách trước khi thúc đẩy cắt giảm trong những năm sau đó do áp lực từ thị trường. Ông từng cam kết giảm bớt quy định đối với nền kinh tế trong mỗi chiến dịch tranh cử nhưng rốt cuộc không loại bỏ triệt để nạn quan liêu.

Những người chỉ trích thường ám chỉ ông Berlusconi lợi dụng vị trí để làm điều có lợi cho đế chế kinh doanh của mình. Dù vậy, chính những lợi ích cá nhân cũng khiến ông trở thành một chính trị gia cẩn trọng hơn. Quyết định từ chức không hề dễ dàng nhưng những xung đột lợi ích của bản thân khiến ông Berlusconi hiểu rõ hơn bất kỳ ai khác rằng các thị trường quốc tế cần sự ổn định. Điều đó giúp ông trở nên đáng tin cậy.

Nhà kinh tế học người Ý Vilfredo Pareto đã nêu rõ sự khác biệt giữa người sống bằng tiền lợi tức và nhà đầu cơ - nhóm thứ nhất quan tâm sâu sắc đến sự ổn định tài sản của họ nhằm bảo toàn tiền tiết kiệm; trong khi nhóm thứ hai có khả năng tận dụng bất cứ điều gì có thể, bao gồm các sáng kiến tài chính công mạo hiểm để làm tăng tài sản. Theo ông Pareto, cả 2 nhóm đối tượng này đều cần thiết cho một xã hội lành mạnh nhưng không thể thắng thế cùng lúc.

Ông Berlusconi có thể dùng tiền đầu cơ như một doanh nhân mới nhưng ở tuổi 81, cựu thủ tướng đã chọn đứng về phía nhóm người sống bằng tiền lợi tức. Cũng như bất kỳ người nào khác ở Ý, ông Berlusconi sẽ ưu tiên cho sự an toàn của nền kinh tế đất nước. Sự thay đổi này được phản ánh trong chương trình nghị sự chính trị của ông. Ông Berlusconi có rất nhiều thứ để mất và ưu tiên bảo vệ tài sản khi bị đẩy đến bờ vực, tương tự nhiều gia đình Ý.

Trong khi đó, các đối thủ của ông Berlusconi rõ ràng là người đầu cơ chính trị: họ đặt cược mạo hiểm vì không có nhiều thứ để mất và bảo vệ. Cả những người đầu cơ lẫn hưởng lợi tức đều có thể là ứng viên chính trị có sức hút. Cử tri sẽ bỏ phiếu chọn đánh cược vào những tầm nhìn táo bạo hoặc chọn bảo vệ sự bình yên và tài sản của mình.

Dù vậy, vào thời điểm Ý cần một nhà lãnh đạo có khả năng ổn định đất nước thì cán cân có thể nghiêng về phía sự an toàn. Sự thật là ông Berlusconi trở lại sự nghiệp chính trị khi tuổi đã xế chiều và thỉnh thoảng còn nhầm lẫn về quan điểm của chính mình. Dù vậy, 24 năm sau khi gia nhập chính trường, cuộc đời và câu chuyện của bản thân giúp ông trở thành ứng cử viên duy nhất đại diện cho sự ổn định và nguyên trạng. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo