xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Châu Á chờ ông Donald Trump

HOÀNG PHƯƠNG

Chuyến công du sắp tới chứng tỏ chính sách châu Á của Mỹ không chỉ có Triều Tiên mà còn cả Đông Nam Á

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành chuyến công du châu Á đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào tháng 11 tới, cuộc khủng hoảng Triều Tiên chắc chắn sẽ bao trùm chương trình nghị sự.

Phép thử cho quan hệ Mỹ - Trung

Theo Nhà Trắng, chuyến thăm 5 nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines (bên cạnh chặng dừng chân ở bang Hawaii - Mỹ) từ ngày 3 đến 14-11 nói trên sẽ "tăng cường quyết tâm của cộng đồng quốc tế nhằm đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên. Tổng thống Mỹ sẽ thúc đẩy sự ủng hộ của quốc tế để đạt được sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trên bán đảo Triều Tiên".

Ngoài ra, ông Donald Trump sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ kinh tế "công bằng, có đi có lại" giữa Mỹ và các đối tác thương mại.

Hiện chưa rõ lịch trình cụ thể của chuyến công du nhưng một số nguồn tin ngoại giao cho biết ông Donald Trump sẽ đến Nhật ngày 5-11 và gặp Thủ tướng Shinzo Abe một ngày sau đó. Việc lựa chọn Tokyo là điểm đến đầu tiên cho thấy tổng thống Mỹ coi trọng quan hệ đồng minh với nước chủ nhà.

Trong chuyến thăm Nhật và sau đó là Hàn Quốc, ông Donald Trump có thể thảo luận về việc tăng cường hợp tác quốc phòng 3 bên trước mối đe dọa tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, bà Bonnie Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) nói với tờ South China Morning Post rằng vấn đề tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật Mỹ sẽ không được bàn đến.

Còn trong chuyến thăm Trung Quốc, theo giới phân tích, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tập trung thúc giục Bắc Kinh thực thi đầy đủ và nghiêm túc các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc. Bà Lindsey Ford, chuyên gia tại Viện Chính sách xã hội châu Á (Mỹ), nhận định với tờ South China Morning Post rằng một trong những phép thử cho quan hệ Mỹ - Trung lúc này là liệu có tìm được tiếng nói chung về cách thức xử lý khủng hoảng Triều Tiên hay không.

Châu Á chờ ông Donald Trump - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông tại Nhà Trắng hôm 28-9 Ảnh: TÂN HOA XÃ

Chuyến thăm sắp tới của ông Donald Trump và vấn đề Triều Tiên là những nội dung thảo luận hàng đầu khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lần lượt gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì của Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 30-9. Tuy nhiên, với ông David Lampton, chuyên gia tại Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ bị thử thách bởi những tranh cãi liên quan đến Bình Nhưỡng.

Sau khi ông Donald Trump không đạt được mục tiêu chính là phi hạt nhân hóa Triều Tiên, những vấn đề nóng khác đã quay trở lại, như vấn đề biển Đông, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, tranh cãi về thương mại, mở cửa thị trường, xâm phạm sở hữu trí tuệ, tấn công mạng…

Tái trấn an khu vực

Bên cạnh vấn đề Triều Tiên, ông chủ Nhà Trắng sẽ cam kết duy trì các mối quan hệ an ninh, kinh tế, thương mại của Mỹ tại khu vực khi tham dự Hội nghị cấp cao APEC ở Việt Nam và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Philippines. Theo một số chuyên gia, chính sách thương mại của Washington ở châu Á vẫn chưa rõ ràng kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào đầu năm nay - quyết định khiến một số quốc gia, nhất là Nhật Bản, thất vọng.

Ông Derek Scissors, chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng những gì người ta thấy được cho đến giờ là chính quyền ông Donald Trump yêu cầu các đối tác mua thêm sản phẩm Mỹ và đe dọa đánh thuế mạnh lên hàng nhập khẩu của họ.

Việc ông Donald Trump đồng ý thăm Manila cũng là một diễn biến đáng chú ý bởi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhiều lần chỉ trích Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano hôm 30-9 cho biết chuyến thăm sẽ nêu bật "mối quan hệ đang cải thiện" giữa hai đồng minh lâu năm. Sau khi công khai phản ứng Mỹ vì chỉ trích chiến dịch trấn áp ma túy đẫm máu, ông Duterte gần đây đã dịu giọng hơn, hoan nghênh Washington vì sự hỗ trợ trong cuộc chiến với các phần tử có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại TP Marawi.

Theo Reuters, một nhà ngoại giao châu Á giấu tên hoan nghênh quyết định này vì nó chứng tỏ chính sách châu Á của Mỹ không chỉ có Triều Tiên mà còn cả Đông Nam Á. Nhà ngoại giao này nói thêm quyết định rút khỏi TPP đã dẫn đến thắc mắc về cam kết của Washington đối với khu vực. Tuy nhiên, chuyến công du sắp tới của ông Donald Trump, cộng với chuyến thăm của một loạt quan chức cấp cao Mỹ trước đó cho thấy Washington có ý định tiếp tục gắn kết mạnh mẽ với châu lục này. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo