xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Châu Âu lộ điểm yếu

LỤC SAN

Lực lượng cảnh sát Bỉ đang phải chịu sức ép lớn từ mối đe dọa gần như không ngừng nghỉ của các phần tử Hồi giáo cực đoan

Nước Bỉ đang trải qua những ngày đen tối nhất kể từ Thế chiến thứ hai sau 3 vụ đánh bom tự sát tại thủ đô Brussels hôm 22-3. Không chỉ người Bỉ mà cả châu Âu và toàn thế giới rúng động khi chứng kiến cảnh tượng đẫm máu tại sân bay Zaventem và nhà ga tàu điện ngầm gần trụ sở Liên minh châu Âu (EU).

Sức ép lớn

Báo The New York Times (Mỹ) nhận định vụ tấn công lập tức nêu bật những điểm yếu của lực lượng an ninh Bỉ cũng như hiểm họa từ các nhóm khủng bố đang ẩn náu trong lòng nước này.

Theo đài BBC, thực tế là cảnh sát Bỉ đang phải chịu sức ép lớn từ mối đe dọa gần như không ngừng nghỉ của các phần tử Hồi giáo cực đoan, nhất là sau vụ khủng bố ở thủ đô Paris - Pháp hồi tháng 11-2015. Cảnh sát Bỉ vừa bắt đầu huấn luyện gần 18.000 sĩ quan cách nhận biết những dấu hiệu cực đoan hóa. Thêm vào đó, hệ thống camera giám sát ở Brussels kém hơn nhiều so với London - Anh hoặc Paris bất chấp vai trò quan trọng của thành phố này - nơi đặt các cơ quan chính phủ Bỉ, trụ sở EU và NATO, các cơ quan quốc tế, công ty lớn…

“Rõ ràng là các cơ quan an ninh hoạt động không hiệu quả. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã không dành sự quan tâm đầy đủ cho vấn đề an ninh và mối đe dọa khủng bố” - giáo sư Dave Sinardet, Trường ĐH Tự do Brussels, nhận định. Tuy nhiên, chuyên gia này thừa nhận kiểu tấn công như ở Brussels rất khó ngăn chặn.

Nói về những lỗ hổng an ninh ở Bỉ, đài BBC chỉ ra các nhóm Hồi giáo cực đoan hoạt động tích cực nhất đều “đóng đô” tại Brussels, nhất là khu ngoại ô Molenbeek. Một số kẻ tham gia tấn công Paris cũng từng sống ở Molenbeek. Nghi phạm Salah Abdeslam trở về Bỉ ngay sau vụ tấn công này và mãi đến tận ngày 18-3 vừa qua mới bị bắt sống cùng một đồng phạm ngay tại Molenbeek. Bỉ hiện còn là nước châu Âu có tỉ lệ công dân đến Iraq và Syria nhiều nhất trong lúc một số cộng đồng Hồi giáo trong nước đang tiếp tay che giấu các phần tử thánh chiến.

An ninh sân bay vào tầm ngắm

Tờ Boston Herald kêu gọi châu Âu cần tái cấu trúc hệ thống an ninh, phá vỡ các rào cản về chia sẻ thông tin tình báo, tăng cường an ninh biên giới và bảo vệ người dân. Mối đe dọa an ninh mà châu Âu phải đương đầu là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại. Các cơ quan tình báo Mỹ ước tính kể từ năm 2012, trong số hơn 38.000 chiến binh nước ngoài đến Iraq và Syria tham chiến, có ít nhất 5.000 tay súng châu Âu (1.700 từ Pháp, 760 từ Anh, 760 từ Đức và 470 từ Bỉ).

 


Cậu bé tại biên giới Hy Lạp - Macedonia giơ tờ giấy đề: “Tiếc thương Brussels”Ảnh: REUTERS

Cậu bé tại biên giới Hy Lạp - Macedonia giơ tờ giấy đề: “Tiếc thương Brussels”Ảnh: REUTERS

 

Từ trái qua phải: Ibrahim el-Bakraoui, Khalid el-Bakraoui và Najim Laachraoui Ảnh: Caters, EPA
Từ trái qua phải: Ibrahim el-Bakraoui, Khalid el-Bakraoui và Najim Laachraoui Ảnh: Caters, EPA

 

Vấn đề hiện nay là châu Âu không có một cơ quan tình báo chung. Trong khi đó, cơ quan tình báo của các nước có sự chênh lệch về trình độ, khiến hiệu quả hợp tác chống khủng bố không như mong đợi. Vì thế, để đối phó mối đe dọa từ IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng nhận trách nhiệm vụ tấn công Brussels), đã đến lúc các cơ quan tình báo châu Âu tăng cường hợp tác cũng như bắt tay với Mỹ. “Các chuyên gia có chung nhận định là các cơ quan tình báo châu Âu phải hợp tác nhiều hơn và người Mỹ cần nhận lãnh vai trò đầu tàu trong việc liên kết họ” - ông Michael Allen, chuyên gia Mỹ kỳ cựu về tình báo, khẳng định.

An ninh sân bay cũng bị đưa vào tầm ngắm sau vụ tấn công Brussels. Nhiều nước ở châu Âu và châu Á đã siết chặt hoặc xem xét lại hệ thống an ninh tại các sân bay. Họ cũng thực hiện thêm những biện pháp như tăng cường kiểm tra người vào nhà ga sân bay và đẩy mạnh tuần tra tại những sân bay lớn. Tại Mỹ, các thành phố lớn nhất cũng được đặt trong tình trạng báo động cao. Riêng nhà chức trách TP New York đã đề nghị lực lượng vệ binh quốc gia hỗ trợ an ninh tại 2 sân bay.

“Điều khiến tôi cảm thấy lạ là chỉ phân nửa sân bay thật sự an toàn. Lẽ ra người ta phải bảo đảm an toàn cho cả sân bay, tính từ lúc người ta đến chỗ đậu xe” - ông Matthew Finn, Giám đốc quản lý Công ty Tư vấn an ninh hàng không Augmentiq (Anh), nhận định. Dù vậy, một số chuyên gia nhận định rất khó kiểm tra từng túi xách được mang vào nhà ga sân bay bởi nhà chức trách phải cân bằng giữa vấn đề an ninh và sự tiện lợi của hành khách. Một nỗi lo khác là khi an ninh nghiêm ngặt hơn, dòng người xếp hàng dài tại sân bay lại trở thành mục tiêu tiềm tàng của một vụ khủng bố.

 

Đường dây nóng cho công dân Việt Nam

Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ mở 2 đường dây nóng 24/24 giờ (0032-498352442 và 0032-485315965) để tiếp nhận, hỗ trợ và giải quyết yêu cầu khẩn cấp của công dân Việt Nam.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) cho biết lịch bay tới châu Âu của hãng chưa có gì thay đổi. Tuy nhiên, hành khách cần cập nhật lịch bay thường xuyên, đồng thời chuẩn bị kỹ giấy tờ tùy thân vì quy trình kiểm tra an ninh tại các sân bay đã được thắt chặt và có thể kéo dài.

Từ nay đến ngày 31-3, VNA sẽ hoàn, hủy, đổi vé miễn phí và miễn chênh lệch cho các vé đã xác nhận chỗ trên các chuyến bay giữa Việt Nam và châu Âu. Hành khách sẽ trả chi phí phát sinh nếu có thay đổi liên quan đến chặng bay của hãng hàng không khác.

T.Hà - D.Ngọc

 

Săn lùng nghi phạm

Phát biểu tại buổi họp báo hôm 23-3, công tố viên liên bang Bỉ Frederic van Leeuw xác định 2 kẻ đánh bom tự sát ở thủ đô Brussels là anh em ruột, trong đó Ibrahim el-Bakraoui nổ tung tại sân bay Zaventem và Khalid el-Bakraoui thực hiện vụ tấn công ở nhà ga Maelbeek.

Theo đài RTBF, 2 tên này là cư dân Bỉ nằm trong danh sách hồ sơ tội phạm, trong đó Khalid bị Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) để mắt vì có hoạt động khủng bố. Khalid dùng tên giả để thuê một căn hộ ở khu Forest tại Brussels. Hồi tuần trước, cảnh sát đã đột kích và tiêu diệt một tay súng ở khu vực này. Khi đó, lực lượng an ninh còn tìm thấy dấu vân tay của nghi phạm khủng bố Paris Salah Abdeslam - kẻ bị bắt 3 ngày sau vụ đột kích.

Ngoài ra, nhà chức trách Bỉ hiện truy lùng nghi phạm thứ ba đứng sau vụ 22-3, được xác định là Najim Laachraoui, 25 tuổi. Theo báo DH của Bỉ, ADN của Laachraoui được tìm thấy ở ngôi nhà những kẻ khủng bố Paris trú ngụ hồi năm 2015.

Tờ The New York Times hôm 23-3 đăng tải những hình ảnh do camera giám sát tại sân bay Zaventem ghi lại cho thấy những dấu hiệu đáng ngờ đã bị bỏ qua. Trong ảnh có 1 kẻ mặc áo sáng màu (Najim Laachraoui) và 2 kẻ mặc áo sẫm, chỉ đeo găng tay bên trái khi đẩy xe chở hành lý vào khu làm thủ tục, dẫn đến phỏng đoán của các chuyên gia an ninh rằng chúng giấu thiết bị kích nổ dưới găng tay. “Nếu tôi thấy một gã bước vào khu làm thủ tục sân bay mà chỉ đeo một chiếc găng tay, tôi sẽ tách ra để kiểm tra riêng…” - ông Don Hubbard, cựu đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và hiện là một chuyên gia an ninh tư nhân, nói với kênh Fox News. Một điểm đáng chú ý khác là dáng vẻ, điệu bộ của chúng trông rất bình thường, thậm chí là bình thản. “Điềm tĩnh”, “quyết tâm” và “sẵn sàng chết” là những từ được nhân chứng dùng nhiều nhất để mô tả bọn tấn công liên hoàn ở thủ đô Paris - Pháp hồi tháng 11-2015.

Đỗ Quyên

 

“Tiếc thương Brussels”

Hình ảnh một cậu bé trong đám đông tị nạn ở làng Idomeni tại biên giới Hy Lạp - Macedonia giơ tờ giấy ghi dòng chữ “Tiếc thương Brussels” khiến cộng đồng mạng xúc động mạnh. Hình ảnh này càng thêm ý nghĩa giữa lúc cuộc tranh cãi chưa có hồi kết về cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu bị thổi bùng lên sau vụ khủng bố kinh hoàng ở Bỉ hôm 22-3. Các chính khách cánh hữu và không ít người dân châu Âu lo ngại những nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang cho thành viên trà trộn vào dòng người di cư để đến tấn công châu Âu.

Vụ tấn công ở Bỉ khiến nội bộ Liên minh châu Âu (EU) thêm rối loạn giữa lúc khối này phải căng mình đối phó một loạt vấn đề từ tăng trưởng thấp, thất nghiệp cao cho đến khủng hoảng di cư và viễn cảnh Anh rời EU. Theo nhà phân tích Mujtaba Rahman của Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, ngày càng nhiều người dân châu Âu nghĩ giới lãnh đạo EU không thể đối phó mối đe dọa khủng bố. Cùng với cuộc khủng hoảng tị nạn, những vụ tấn công như ở Brussels chỉ càng làm tăng tâm lý bài ngoại và chống người nhập cư ở châu Âu. “Các đảng cánh hữu trên khắp châu Âu, nhất là Đảng Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD), sẽ tiếp tục đánh đồng người tị nạn với chủ nghĩa khủng bố. Điều này sẽ tạo thêm áp lực lên các chính phủ” - ông Rahman nhận định.

Theo tờ The New York Times, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người theo đuổi chính sách mở cửa cho người tị nạn, bị chỉ trích nặng nề. “Bà Merkel mở rộng vòng tay đón nhận họ (người di cư) và điều này dẫn đến vụ tấn công ở Brussels” - một cư dân mạng có tên Eva-Maria Schultheis viết trên mạng xã hội Twitter. Ngay cả những người không trực tiếp đổ lỗi cho dân di cư hoặc chính trị gia cũng cảm thấy căng thẳng khi chứng kiến 2 vụ tấn công kinh hoàng ở châu Âu trong vòng chưa đầy 5 tháng.

Tình trạng bất an xuất phát từ làn sóng di dân và chủ nghĩa khủng bố đã và đang thách thức những niềm tin, nguyên tắc chủ chốt của EU. Khu vực tự do đi lại châu Âu (Schengen) dần sụp đổ và nhiều người lo ngại khu vực này có thể không bao giờ khôi phục được nguyên trạng. Sau vụ tấn công ở Paris và Brussels, các chính phủ châu Âu nhiều khả năng siết chặt cấp hộ chiếu, thị thực và tăng cường kiểm tra hành lý tại biên giới.

Huệ Bình

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo