xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Covid-19: Bài toán nới lỏng hạn chế, phong tỏa

Hoàng Phương

Lệnh phong tỏa toàn nước Ý được gia hạn đến ngày 3-5 trong lúc một số quốc gia châu Âu khác tiếp tục các biện pháp hạn chế đi lại, giãn cách xã hội

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 10-4 cảnh báo các nước nên thận trọng về việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, phong tỏa đang được thực thi để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (Covid-19).

Tại cuộc họp báo qua mạng ở thủ đô Geneva - Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, lo ngại việc dỡ bỏ sớm các biện pháp nhằm kiểm soát dịch Covid-19 có thể dẫn đến "sự hồi sinh chết người" của virus gây bệnh (SARS-CoV-2). "WHO cũng muốn các hạn chế này được dỡ bỏ như bất kỳ ai. Tuy nhiên, việc này nếu diễn ra quá nhanh sẽ dẫn đến sự hồi sinh chết người (của dịch bệnh)... WHO đang làm việc với các quốc gia bị ảnh hưởng về chiến lược nới lỏng dần và an toàn các biện pháp hạn chế" - ông Tedros nhấn mạnh.

Cảnh báo trên được đưa ra trong ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đang đối mặt với quyết định lớn nhất của mình, liên quan đến việc khi nào mở lại nền kinh tế Mỹ đang bị đóng cửa vì dịch Covid-19. Ngoài ra, nhà lãnh đạo này cho biết một nhóm cố vấn sẽ được thành lập vào tuần tới để tập trung vào chuyện mở cửa lại nền kinh tế. Dù nhắc lại mong muốn thực hiện bước đi này, ông Donald Trump vẫn nhấn mạnh tình hình thực tế sẽ quyết định động thái tiếp theo và cam kết lắng nghe ý kiến của các chuyên gia y tế khi đưa ra quyết định liên quan.

Covid-19: Bài toán nới lỏng hạn chế, phong tỏa - Ảnh 1.

Cảnh sát tuần tra tại thủ đô Rome - Ý hôm 10-4 trong lúc lệnh phong tỏa toàn quốc được gia hạn đến ngày 3-5 để đối phó dịch Covid-19. Ảnh: REUTERS

Theo ông Donald Trump, các biện pháp giãn cách xã hội và ở nhà được thực hiện để chống dịch Covid-19 đang có dấu hiệu thành công và tình hình tại một số điểm nóng như TP New Orleans, TP Detroit... đang dần ổn định. Trong khi đó, theo giới chức Mỹ, sự sụt giảm của tỉ lệ người nhập viện và số người cần được chăm sóc đặc biệt do Covid-19 ở ổ dịch New York cũng là dấu hiệu cho thấy các biện pháp giãn cách xã hội đang phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, một số quan chức cảnh báo vẫn còn quá sớm để nới lỏng các biện pháp nói trên. Tờ The New York Times dẫn dự báo mới của chính phủ Mỹ cho thấy số ca mắc Covid-19 sẽ tăng đột biến trong mùa hè nếu yêu cầu người dân ở nhà được dỡ bỏ sau 30 ngày như kế hoạch, tức vào ngày 30-4 tới. Theo dự báo của Bộ An ninh Nội địa và Bộ Y tế - Dịch vụ nhân sinh Mỹ, số người tử vong ước tính sẽ đạt mức 200.000 nếu các biện pháp hạn chế nói trên được dỡ bỏ như kế hoạch.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 buộc Thủ tướng Ý Giuseppe Conte hôm 10-4 quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 3-5 giữa lúc số ca tử vong vì dịch bệnh này tăng lên gần 19.000. Dù vậy, trước sức ép mở cửa lại nền kinh tế của các doanh nghiệp, ông Conte cho biết sẽ tiếp tục đánh giá xu hướng hằng ngày của dịch Covid-19 để có "hành động phù hợp". Trước mắt, theo nhà lãnh đạo Ý, một số loại cửa hàng được phép mở cửa trở lại trong tuần tới, trong đó có cửa hàng sách, cửa hàng bán quần áo trẻ em... Trang Bloomberg cho biết một số quốc gia châu Âu khác đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch Covid-19 cũng tiếp tục các biện pháp hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, như Tây Ban Nha, Anh, Đức...

Còn tại châu Á, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 11-4 họp trực tuyến với thủ hiến một số bang để bàn việc có nên kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc - 21 ngày, dự kiến kết thúc ngày 14-4 - hay không. Quốc gia Nam Á này đã ghi nhận ít nhất 7.600 ca mắc Covid-19 và 249 người tử vong cho đến giờ. Trước đó một ngày, chính phủ Bangladesh đã quyết định gia hạn thời gian phong tỏa toàn quốc thêm 11 ngày, tức đến ngày 25-4, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng lên 424 và 27 người tử vong. 

Những cột mốc đáng lo

Thế giới hôm 10-4 chứng kiến thêm một cột mốc buồn liên quan đến dịch Covid-19 khi số trường hợp tử vong vượt qua mức 100.000. Theo Reuters, một xu hướng đáng lo là số ca tử vong đang tăng nhanh. Cụ thể, trường hợp tử vong đầu tiên được ghi nhận ở TP Vũ Hán - Trung Quốc hôm 9-1; phải mất 1 tháng sau, số ca tử vong mới đạt mức 1.000 và thêm 1 tháng nữa để cán mốc 10.000. Như vậy, chỉ sau 3 tháng kể từ trường hợp tử vong đầu tiên, con số này trên thế giới đã vượt mức 100.000.

Số ca tử vong hằng ngày do Covid-19 cũng không ngừng gia tăng, từ chưa đến 500 người vào giữa tháng 3 lên hơn 5.000 người vào đầu tháng 4 và hiện là gần 7.500 ca. Hiện đứng đầu thế giới về số ca nhiễm (hơn 500.000), nước Mỹ hôm 10-4 cũng ghi nhận một cột mốc buồn khác khi là quốc gia đầu tiên có hơn 2.000 người tử vong vì Covid-19 trong 1 ngày. Theo thống kê, số ca tử vong tại Mỹ đã tăng lên ít nhất 18.761 người, tính đến ngày 11-4.

Trong lúc này, châu Phi đang nổi lên như là một điểm nóng khác của dịch Covid-19 với số ca nhiễm đang tăng mạnh. Theo dữ liệu của Trường ĐH John Hopkins (Mỹ), tính đến ngày 11-4, 52 quốc gia châu Phi đang có gần 13.000 ca nhiễm và 695 trường hợp tử vong. Trước đó một ngày, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cảnh báo về sự gia tăng đáng báo động của số ca nhiễm trong cộng đồng tại 16 quốc gia châu Phi.

Phạm Nghĩa

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo