xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đông Nam Á - chiến trường mới của IS

NGUYễN CAO

Chiến sự bùng phát ở TP Marawi - Nam Philippines hôm 23-5 liên quan đến những vụ tấn công khủng bố tại Indonesia và Thái Lan giữa tháng trước. Bị mất đất, mất ảnh hưởng ở Iraq và Syria, IS muốn "định cư" tại Đông Nam Á

Có 2 yếu tố đáng chú ý trong cuộc chiến đẫm máu đang diễn ra ở Marawi, thủ phủ tỉnh Lanao del Sur thuộc khu tự trị Hồi giáo đảo Mindanao. Đầu tiên, đó là sự hiện diện của Isnilon Hapilon, từng là một trong những thủ lĩnh cao cấp nhóm Abu Sayyaf (ASG) khét tiếng. Tháng 4-2016, y được tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chính thức bổ nhiệm làm "tiểu vương của vương quốc IS tại Philippines".

Khoảng 100 tay súng của Maute, một nhóm Hồi giáo cực đoan chiến đấu cho lý tưởng IS, đã tấn công Marawi trong nỗ lực bảo vệ Hapilon trước những cuộc tấn công ráo riết của Quân đội Philippines (AFP).

2.000 thường dân mắc kẹt

Mọi sự bắt đầu từ chiều 23-5, khi AFP tung lực lượng lùng sục nơi trú ẩn của Hapilon ở Marawi để bắt sống hoặc tiêu diệt. Theo trang tin Phil Star, các tay súng trung thành với Hapilon đã tấn công một bệnh viện, một trường đại học, cướp nhà tù thành phố giải thoát 107 tù phạm - trong đó có nhiều đồng bọn, đốt nhà dân và bắt cóc hàng chục con tin.


Đông Nam Á - chiến trường mới của IS - Ảnh 1.

Người dân treo cờ trắng, chở nhau sơ tán khỏi Marawi Ảnh: AP

Tờ The Manila Times dẫn lời ông Zia Alonto Adiong, người phát ngôn Ủy ban Xử lý khủng hoảng cấp tỉnh, cho biết trong khi 80% trong số 200.000 dân TP Marawi đã di tản (tính đến ngày 29-5), hơn 2.000 người vẫn còn mắc kẹt trong vùng phiến quân Maute chiếm đóng. Họ liên tục nhắn tin, gọi đường dây nóng đến ủy ban thỉnh cầu AFP ngưng không kích và giải cứu họ. Tuy nhiên, ông Adiong thừa nhận ủy ban không thể đáp ứng vì AFP chưa thể tiếp cận vùng bị phiến quân chiếm đóng.

Tổng Tham mưu trưởng AFP Eduardo Ano cho biết chiến dịch tiêu diệt Hapilon có thể kéo dài cả tuần, quân đội đang lùng sục từng ngôi nhà. Tin tức tình báo Philippines tin rằng Hapilon từng bị tai biến và trúng thương do một cuộc không kích của AFP trong 3 năm trở lại đây.

Người dân mắc kẹt trong vùng chiến sự không chỉ lo đạn bom của không quân và lục quân chính phủ bắn lầm mà còn sợ bị quân phiến loạn giết chết. Hôm 28-5, người phát ngôn Quân khu Mindanao cho biết phiến quân đã hành quyết 19 thường dân, trong đó có 3 phụ nữ và một em bé.

Một phóng viên chiến trường của hãng tin Pháp AFP nói đã nhìn thấy tận mắt 18 thi thể công nhân nhà máy xay lúa và một sinh viên ngành y bị giết, vùi dưới chân một cây cầu ở vùng ven Marawi. Không rõ họ có được tính trong số 19 nạn nhân nêu trên hay không.

Tính đến ngày thứ 4 của tháng chay Ramadan (tức 30-5), có tổng cộng 128 người thiệt mạng trong những cuộc giao tranh giữa AFP và Maute, gồm 19 thường dân (AFP khẳng định do phiến quân giết), 89 phiến quân và 20 binh sĩ. Ngày 24-5, AFP thông báo đã tái chiếm Trường Đại học Mindanao, Bệnh viện Amai Pakpak, tòa thị chính và giải cứu được 500 thường dân.

"Cuộc chiến xâm lược"

Yếu tố thứ hai là trong 31 phiến quân bị tiêu diệt (số liệu công bố hôm 26-5), một số tên mang quốc tịch nước ngoài. Ngày 1-6, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết 8 tay súng nước ngoài bị AFP tiêu diệt gồm 2 người Malaysia, 2 Indonesia, 2 Ả Rập Saudi, 1 Yemen và 1 Chechnya.

Dựa trên số liệu nêu trên, Tổng thống Rodrigo Duterte kết luận: "Quý vị nên biết cuộc nổi loạn ở Mindanao không phải do nhóm Maute gây ra. Đó là do IS. Sự thật là các chiến hữu Maute đã đi Libya rồi. Cuộc chiến ở Marawi đã được chuẩn bị từ lâu chứ không phải mới đây".

Ông Jose Calida, một quan chức cấp cao Bộ Tư pháp, tuyên bố đó cũng là lý do khiến tổng thống Philippines ban bố tình trạng thiết quân luật ở Marawi và cả đảo Mindanao. Bởi lẽ, theo ông Calida, cuộc chiến hiện nay ở Marawi "không còn là một cuộc nổi loạn của công dân Philippines mà là một cuộc chiến xâm lược của khủng bố nước ngoài theo lời kêu gọi của IS".

Những gì đang diễn ra ở Marawi không phải là cá biệt. Ngày 24-5, thủ đô Jakarta - Indonesia đã hứng chịu 2 vụ tấn công khủng bố liều chết ở trạm xe buýt Kampung Melayu nhắm vào lực lượng cảnh sát đang gìn giữ trật tự cho một cuộc tuần hành ăn mừng ngày bắt đầu lễ Ramadan. IS đã nhận trách nhiệm về 2 vụ tấn công này hôm 26-5 thông qua Hãng Thông tấn Amaq, một trong các cơ quan truyền thông chính thức của IS. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất kể từ đầu năm 2016.

Cùng ngày, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ 3 nghi can và nhận diện được một trong 2 kẻ đánh bom liều chết. Tờ Jakarta Post cho biết tên này là thành viên của Jemaah Ansharut Daulah - một tổ chức quy tụ những kẻ thân IS, từng tấn công khủng bố ở TP Bandung hồi tháng 2 vừa qua.

Sắp tới là Malaysia?

Có mối liên hệ nào giữa những vụ tấn công khủng bố ở các nước Đông Nam Á? Phó Thủ tướng Malaysia, ông Ahmad Zahid Hamidi, đã khẳng định rằng có trong một cuộc họp báo ở Kuala Lumpur sáng 26-5.

Nó liên quan đến cái chết của Muhammad Wanndy Mohamed Jedi, một thành viên IS quốc tịch Malaysia, tại Raqqa - Syria trong trận chiến ngày 29-4. Theo cơ quan tình báo Malaysia, Jedi là cha đẻ của Katibah Nusantara, một mạng lưới khủng bố IS ở Đông Nam Á.

Phó Thủ tướng Malaysia tin rằng chính tổ chức này đứng đằng sau những vụ tấn công ở Philippines, Indonesia và Thái Lan (Bệnh viện Bangkok) - 3 quốc gia có những tín đồ Hồi giáo quá khích dễ rơi vào ảnh hưởng của IS. Ông Hamidi cảnh báo Malaysia sẽ là mục tiêu sắp tới của Katibah Nusantara. 

Kỳ tới: Philippines - Tiêu điểm của IS

Bị FBI truy nã

Năm 2014, ASG tuyên thệ trung thành với IS. Tháng 4-2016, tuần báo Al Naha của IS cho biết Isnilon Hapilon được tổ chức này chính thức chỉ định làm thủ lĩnh IS ở Philippines và cả Đông Nam Á. Y hiện chỉ huy một liên minh thánh chiến bao gồm 10 nhóm phiến quân ở quốc gia có đa số dân theo đạo công giáo này, trong đó có Maute.

Xuất thân là một nhà truyền giáo đạo Hồi, năm nay 51 tuổi, Hapilon từng bị tòa án Mỹ (đảo Guam) truy tố cùng 4 thủ lĩnh ASG khác hồi năm 2002 vì chủ mưu bắt cóc 3 người Mỹ và 17 người Philippines ở Dos Palmas năm 2000. Hiện nay, tên y nằm trong bản danh sách truy nã tội phạm nguy hiểm của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Cơ quan An ninh ngoại giao Mỹ cũng treo giải thưởng 5 triệu USD cho bất cứ ai cung cấp thông tin nơi ở chính xác của Hapilon.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo