xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đông Nam Á nóng bỏng nạn di cư

NGÔ SINH

Rohingya không được chính phủ Myanmar công nhận là một nhóm bộ tộc hợp pháp hoặc là công dân Myanmar. Hơn 100.000 người Rohingya đã chạy trốn khỏi nước này kể từ khi tình trạng bạo lực nổ ra

Trước sức ép của cộng đồng thế giới phải cung cấp chỗ tạm trú cho làn sóng người di cư Rohingya, Malaysia và Indonesia ngày 20-5 tuyên bố họ sẽ không quay lưng với những con thuyền chở người tị nạn nữa.

Chạy trốn… quê nhà

Đối với người Rohingya, Myanmar là quê nhà, đặc biệt là bang Rakhine, miền Tây đất nước này. Thế nhưng, sống trong tình trạng không có quyền công dân, bộ tộc Hồi giáo Rohingya đã và đang rời bỏ Myanmar trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Vào thời điểm hiện nay, nhiều người đang bị mắc kẹt trên những con thuyền mong manh ngoài khơi bờ biển Thái Lan, Malaysia và Indonesia với nguồn thực phẩm và nước uống ít ỏi. Ngoài ra, còn hàng ngàn người di cư vì kinh tế từ Bangladesh chạy trốn cảnh nghèo khổ.

 

Không có tư cách công dân, người Rohingya đang tìm cách rời bỏ Myanmar Ảnh: AP
Không có tư cách công dân, người Rohingya đang tìm cách rời bỏ Myanmar Ảnh: AP

 

Người Rohingya nói họ là hậu duệ của các thương gia Ả Rập cư ngụ trong khu vực này qua nhiều thế hệ từ cách đây hơn 1.000 năm; còn chính phủ Myanmar bảo họ không phải là một bộ tộc thuần chủng mà thực sự là những người di cư từ khu vực Bengal ở Nam Á.

Theo đài BBC, chính phủ Myanmar đã liên tiếp đưa ra những chính sách nhằm đàn áp người Rohingya kể từ những năm 1970. Họ không được cung cấp những dịch vụ cơ bản và chuyện đi lại của họ bị hạn chế gắt gao. Các biện pháp trấn áp người Rohingya đã dần gia tăng từ khi Tổng thống Thein Sein thực hiện công cuộc cải cách vào năm 2011. Tháng 6 và tháng 10-2012, đã xảy ra những cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào người Rohingya ở bang Rakhine sau vụ một nữ Phật tử bị cưỡng hiếp tập thể.

Theo dữ liệu của đài CNN, những vụ đụng độ năm 2012 giữa cộng đồng Phật giáo ở Myanmar và người Rohingya theo Hồi giáo - dân tộc thiểu số bị áp bức lâu đời - đã làm hàng trăm người chết và hơn 140.000 người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Liên Hiệp Quốc ước tính hơn 100.000 người Rohingya đã chạy trốn khỏi Myanmar bằng đường biển kể từ khi nổ ra tình trạng bạo lực về sắc tộc và giáo phái. Chính phủ Myanmar đã dùng sức mạnh tách biệt người Rohingya ra khỏi cộng đồng cư dân bang Rakhine. Họ bị giam lỏng trong những vùng đất cô lập, đó thực sự là những trại tập trung mà họ - là đối tượng của lao động khổ sai - không được phép ra khỏi.

Hơn nữa, chính phủ Myanmar từ chối công nhận họ là một nhóm bộ tộc hợp pháp cũng như là công dân Myanmar. Thêm vào đó, tháng 3 năm nay, Myanmar hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký tạm thời đã cấp cho hàng trăm ngàn người Rohingya, điều đó có nghĩa là họ đã mất quyền bầu cử.

Những chuyến hải hành vô vọng

Và thế là nhiều người trong bộ tộc này liều lĩnh lao vào những chuyến hải hành đầy hiểm nguy. Họ được bọn buôn người đưa ra biển bằng những con thuyền nhỏ bé rồi chất lên những con tàu hàng, hầu hết trực chỉ Malaysia.

Trong 3 năm qua, hơn 120.000 người Rohingya đã lên tàu ra khơi, theo số liệu của Cao ủy Người tị nạn Liên Hiệp Quốc. Riêng trong quý I năm nay, 25.000 người di cư đã rời bỏ Myanmar và Bangladesh, gần gấp đôi so với con số cùng kỳ năm trước. Khoảng 40%-60% trong số này xuất phát từ bang Rakhine của Myanmar.

Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) ước tính có đến 8.000 người di cư từ Bangladesh và Myanmar bị mắc kẹt ngoài biển khơi. Chính phủ Thái Lan gần đây đã bắt đầu ra tay trừng trị bọn buôn người vẫn thường đưa họ đến những trại tị nạn ở miền Nam nước này và cầm giữ họ với mục đích đòi tiền chuộc.

Hậu quả là bọn buôn người bỏ mặc họ trên biển. Không chỉ các quốc gia trong khu vực không muốn đem họ vào đất liền mà cả các ngư dân cũng từng nhận được lệnh không giúp đỡ họ.

“Họ hoàn toàn không được chào đón. Không giống như các quốc gia châu Âu đã nỗ lực ngăn chặn tình trạng người di cư Bắc Phi bị chết chìm ngoài Địa Trung Hải, các nước láng giềng của Myanmar vẫn lưỡng lự cung cấp bất kỳ sự trợ giúp nào” - ông Chris Lewa thuộc Tổ chức Dự án Arakan giúp đỡ người Rohingya nhận định.

Theo ông Chris Lewa, cuộc sống của cộng đồng Rohingya sẽ không thể được cải thiện trừ phi cộng đồng quốc tế gây sức ép với Myanmar bởi vì chỉ Myanmar mới có thể giải quyết được vấn đề này mà thôi. Thái Lan đã kêu gọi tổ chức đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng này và một loạt cuộc gặp gỡ trong khu vực đã được triệu tập nhưng Myanmar không mặn mà. Trong khi đó, các nhà quan sát nhận xét những quốc gia trong khu vực đã phớt lờ tình cảnh khốn khổ của người Rohingya trong suốt nhiều năm qua và lúc này chợt nhận ra mình vướng vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu sắc.

Phủ nhận trách nhiệm

Theo đài CNN, chính phủ Myanmar từng tuyên bố sẽ không tham gia hội nghị khu vực vào ngày 29-5 tới đây ở Thái Lan. Ông Zaw Htay, Chánh Văn phòng Tổng thống Thein Sein, khẳng định: “Chúng tôi sẽ không tham dự cuộc thảo luận sắp tới nếu như cái tên “Rohingya” được đề cập đến. Nếu chúng tôi thừa nhận bộ tộc này thì họ sẽ có suy nghĩ họ là công dân Myanmar... Myanmar không thể nhận lãnh tất cả mọi lời buộc tội của những con người đang lênh đênh trên biển. Chúng tôi cần giải pháp dài hơi và qua đó mọi người không thể giải thích bằng cách nói rằng Myanmar là nguồn gốc của vấn đề này”.

Bộ Ngoại giao Myanmar hôm 19-5 cũng đã ra tuyên bố khẳng định hành vi buôn người phi pháp là gốc rễ của vấn đề, đồng thời nhấn mạnh chính phủ Myanmar chia sẻ nỗi quan ngại của cộng đồng quốc tế. Theo đó, Myanmar hoàn toàn sẵn sàng làm việc với cộng đồng quốc tế trên cơ sở nhân đạo để xoa dịu những nỗi thống khổ của các nạn nhân của nạn buôn người. Điều đáng chú ý là tuyên bố nêu trên không hề đề cập hoặc công nhận quyền công dân của bộ tộc Rohingya.

 

Một số quốc gia không muốn ra tay hành động để tránh bị chi phối bởi nguyên tắc miễn trục xuất trong Công ước Liên Hiệp Quốc về người tị nạn. Theo đó, người tị nạn không thể bị buộc quay trở lại nơi họ sinh sống trước kia hoặc nơi sự tự do có thể bị đe dọa.

 

Kỳ tới: Kinh hoàng ngoài biển khơi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo