img


Trong các bài phát biểu tranh cử, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden nói rằng ông sẽ khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế, tăng cường mối quan hệ với các đồng minh và chống lại kẻ thù. Điều này trái ngược với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump!

[eMagazine] Khi “Nước Mỹ trên hết” đụng độ “Nước Mỹ giữa thế giới” - Ảnh 1.

Trong 4 năm qua, chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump đã gây ra nhiều xáo trộn trên thế giới. Ngược lại, ông Biden hứa hẹn sự ổn định và trật tự. Chưa rõ ông Biden có giải quyết được những vấn đề toàn cầu mà Mỹ đang đối mặt hay không nhưng cựu phó tổng thống Mỹ tự hào về bề dày kinh nghiệm trong xử lý đối ngoại của mình.

 "Tôi hiểu biết nhiều về chính sách đối ngoại của Mỹ và tôi có quan hệ trên khắp thế giới. Những người không thích tôi tôn trọng tôi, những người thích tôi tôn trọng tôi" – ông Biden nhấn mạnh trong một cuộc họp báo hồi tháng 7.

[eMagazine] Khi “Nước Mỹ trên hết” đụng độ “Nước Mỹ giữa thế giới” - Ảnh 2.

Khi nói về chính sách của Mỹ với khu vực Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc, một câu hỏi xoay quanh ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden hiện nay là liệu ông có trở thành "Obama 2.0" đối với khu vực này hay không?

Câu trả lời là có và không.

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden từng là Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ trong nhiều năm và được cựu Tổng thống Barack Obama giao xử lý nhiều sáng kiến chủ chốt ở Đông Á. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump ám chỉ chính sách của đối thủ hiện tại đối với Đông Á chỉ là nối tiếp chính sách "xoay trục" hoặc "tái cân bằng" sang châu Á của ông Obama.

Chính sách xoay trục - cụ thể là sự chuyển dịch các nguồn lực ngoại giao, thông tin, quân sự và kinh tế sang châu Á để tăng cường hợp tác trên diện rộng và khống chế tham vọng của Trung Quốc - đã mang lại kết quả lẫn lộn.

[eMagazine] Khi “Nước Mỹ trên hết” đụng độ “Nước Mỹ giữa thế giới” - Ảnh 3.

Tổng thống Donald Trump và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc tranh luận hôm 22-10 tại TP Nashville, bang Tennessee. Ảnh: Reuters

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump chuyển trọng tâm từ nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 sang Trung Quốc. "Trung Quốc sẽ làm chủ nước Mỹ nếu Tổng thống Donald Trump thất bại trong cuộc bầu cử này. Nếu tôi không thắng cử, Trung Quốc sẽ sở hữu nước Mỹ. Mọi người sẽ phải học nói tiếng Trung Quốc" - ông Trump từng nói như vậy.

Trong thời gian làm thượng nghị sĩ, ông Biden là thành viên của phái đoàn Mỹ đầu tiên sang thăm Trung Quốc vào năm 1979 sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ. Khi mới bước chân vào thượng viện, ông gọi Bắc Kinh đang trỗi dậy là "sự phát triển tích cực, không chỉ với Trung Quốc mà cả Mỹ và thế giới". Giờ đây, ông thường xuyên tranh cãi với ông Trump để trở thành người cứng rắn với Bắc Kinh nhất.

[eMagazine] Khi “Nước Mỹ trên hết” đụng độ “Nước Mỹ giữa thế giới” - Ảnh 4.

Ông Bilahari Kausikan, từng là nhà ngoại giao Singapore, cho rằng những lo ngại về hành vi của Trung Quốc là thực chất chứ không phải là chiêu trò tranh cử; do đó, nếu ông Biden vào Nhà Trắng, sự cạnh tranh với Bắc Kinh là tất yếu.

 "Tôi không nghĩ ông Biden có nhiều lựa chọn ngoài việc tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc. Lưỡng đảng Mỹ đều đồng thuận rằng cách hành xử của Trung Quốc đang đi ngược lại lợi ích của Mỹ và ông Biden không muốn tỏ ra yếu đuối" – ông Kausikan nhận định.

Đồng quan điểm, ông James Carafano, phó chủ tịch chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia tại Quỹ Di sản (Mỹ), cho rằng: "Bất kể ai là tổng thống trong năm sau thì sự hiện diện và can dự của Mỹ ở Đông Á sẽ tiếp tục gia tăng. Trung Quốc có nhiều chiến thuật nên các chính sách của chính quyền mới ở Mỹ, bất kể tổng thống là ai, sẽ phải đáp trả Bắc Kinh" - ông Carafano nói với tờ Japan Times.

Dù Tổng thống Trump nhiều lần mang người tiền nhiệm Obama ra để công kích đối thủ Biden, ông Daniel Russel, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương trong giai đoạn 2013-2017, nhận định ứng viên đảng Dân chủ có đội ngũ cố vấn và trợ lý dày dạn kinh nghiệm về châu Á. Ông Biden đã nói đến kế hoạch xây dựng lại quan hệ với các đồng minh của Mỹ và tái tập trung vào đối ngoại. Ông Biden gọi điều này là "công cụ đầu tiên của quyền lực Mỹ".

[eMagazine] Khi “Nước Mỹ trên hết” đụng độ “Nước Mỹ giữa thế giới” - Ảnh 5.

Về mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, ông Biden nhấn mạnh sẽ không gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un nếu không có "điều kiện tiên quyết". 

Cựu phó tổng thống Mỹ cho biết cách tiếp cận của ông đối với Triều Tiên sẽ bao gồm việc hòa giải mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản để chống lại bất kỳ hành động khiêu khích nào, đồng thời gây áp lực lớn đối với Trung Quốc nhằm kiềm chế các hoạt động hạt nhân của Bình Nhưỡng.

[eMagazine] Khi “Nước Mỹ trên hết” đụng độ “Nước Mỹ giữa thế giới” - Ảnh 6.

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại khu phi quân sự liên Triều (DMZ) hồi tháng 6 năm ngoái. Ảnh: Reuters

Các nhà phân tích cho rằng kịch bản có khả năng xảy ra nhất dưới thời chính quyền ông Biden (nếu ông Biden đắc cử) là gần giống với cách tiếp cận của ông Obama và cựu Tổng thống George W. Bush. Theo tờ Los Angeles Times, các cố vấn của ông Biden thừa nhận Triều Tiên vẫn là vấn đề nan giải và là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh của Mỹ.

Trong khi đó, ông Trump cho rằng các cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong nhiệm kỳ của mình được thực hiện nhằm buộc Bình Nhưỡng loại bỏ kho vũ khí hạt nhân. Nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển nào và hầu hết các chuyên gia về Triều Tiên cho rằng chính quyền ông Kim vẫn tiếp tục chế tạo và thử nghiệm vũ khí.

[eMagazine] Khi “Nước Mỹ trên hết” đụng độ “Nước Mỹ giữa thế giới” - Ảnh 7.

Các cố vấn của ông Biden cho biết phần lớn chính sách đối ngoại của đảng Dân chủ sẽ là "sửa chữa" những gì họ coi là sai lầm của ông Trump. Tổng thống Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran - thành tựu nổi bật dưới thời chính quyền ông Obama và ông Biden - và cam kết trừng phạt Iran bằng các biện pháp kinh tế để buộc nước này tham gia các cuộc đàm phán thỏa thuận mới.  

[eMagazine] Khi “Nước Mỹ trên hết” đụng độ “Nước Mỹ giữa thế giới” - Ảnh 8.

Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence bàn chuyện với các cố vấn cấp cao Nhà Trắng về vụ tên lửa Iran tấn công 2 căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq rạng sáng 8-1-2020. Ảnh: Reuters

Ông Biden sẽ cố khôi phục thỏa thuận hạt nhân bắt đầu bằng việc liên hệ với các đồng minh nếu Tehran tuân thủ trở lại thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, không rõ liệu tất cả các bên có thể dễ dàng quay lại bàn đàm phán hay không.

[eMagazine] Khi “Nước Mỹ trên hết” đụng độ “Nước Mỹ giữa thế giới” - Ảnh 9.

Ưu tiên của chính quyền ông Trump ở khu vực này là buộc các nước Trung Mỹ hợp tác về các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn làn sóng di cư và tị nạn sang Mỹ thông qua biên giới phía Nam với Mexico. Sau khi ông Trump dọa ngừng viện trợ và áp thuế, các nước đã chấp thuận yêu cầu của Mỹ.

[eMagazine] Khi “Nước Mỹ trên hết” đụng độ “Nước Mỹ giữa thế giới” - Ảnh 10.

Những người di cư Mexico đi bộ qua cây cầu biên giới Paso del Norte sau khi bị trục xuất khỏi Mỹ hồi tháng 4. Ảnh: Reuters

Ngược lại, ông Biden, từng được cựu Tổng thống Obama giao phó phụ trách vấn đề Mexico - Trung Mỹ, đã giám sát chương trình "thịnh vượng" nhằm cải thiện sự công bằng và an ninh giúp người dân ở những quốc gia khu vực Mỹ Latinh không bị buộc phải di cư. Tuy nhiên, chính sách này vẫn gây tranh cãi về việc liệu có đạt được hiệu quả đáng kể hay không.

[eMagazine] Khi “Nước Mỹ trên hết” đụng độ “Nước Mỹ giữa thế giới” - Ảnh 11.

Tổng thống Donald Trump cho biết việc duy trì mối quan hệ bền vững với Ả Rập Saudi vượt trội hơn các mối quan tâm khác, đặc biệt là khi Washington đang nỗ lực thiết lập liên minh chống lại Iran, đối thủ của Riyadh và tiến hành thương vụ vũ khí tỉ USD cho Ả Rập Saudi. Những chính sách đó không có khả năng bị thay đổi trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump nếu ông tái đắc cử.

[eMagazine] Khi “Nước Mỹ trên hết” đụng độ “Nước Mỹ giữa thế giới” - Ảnh 12.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman tại Nhà Trắng hồi năm 2018. Ảnh: AP

Trong khi đó, ông Biden cam kết khôi phục sự hiện diện đầy đủ của Mỹ ở các tổ chức đa phương, từ NATO đến Liên Hiệp Quốc, đồng thời đưa vấn đề nhân quyền trở thành vai trò cốt lõi trong chính sách đối ngoại và tái thiết lập Bộ Ngoại giao suy yếu phần lớn dưới thời ông Trump.

Tuy ban đầu cả ông Trump và ông Biden đều tán thành cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu ở Iraq từ năm 2003 nhưng giờ đây cả hai ứng viên tổng thống đồng ý về cơ bản rút quân khỏi một số vùng chiến sự, bao gồm cả Afghanistan.

[eMagazine] Khi “Nước Mỹ trên hết” đụng độ “Nước Mỹ giữa thế giới” - Ảnh 13.

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Biden vẫn giữ quan điểm đối đầu với Nga nhưng để ngỏ khả năng gia hạn thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân New START, dự kiến hết hạn vào tháng 2-2021.

[eMagazine] Khi “Nước Mỹ trên hết” đụng độ “Nước Mỹ giữa thế giới” - Ảnh 14.

Tổng thống Vladimir Putin bắt tay Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản hồi tháng 6-2019. Ảnh: Reuters

Tổng thống Trump dường như sẵn sàng chấp nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Trái lại, ông Biden nói rằng ông sẽ thực thi quan điểm truyền thống của Mỹ và quốc tế là yêu cầu Nga rút khỏi Crimea và từ bỏ miền Đông Ukraine.


Xuân Mai - Lê Duy
Ảnh: Reuters, AP
Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên