xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

G7 quan ngại Trung Quốc

Xuân Mai

G7 lo ngại những hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Đông

Các ngoại trưởng của nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7 - gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Ý, Nhật Bản, Canada, Đức) đã nhóm họp tại TP Hiroshima - Nhật Bản ngày 10-4. Cuộc gặp đến ngày 11-4 này nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G7, dự kiến cũng diễn ra ở Nhật Bản vào cuối tháng 5-2016.

Thúc đẩy giải giáp hạt nhân

Chống khủng bố là một trong những vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự lần này sau hàng loạt vụ tấn công ở thủ đô Brussels - Bỉ. Ngoài ra, các ngoại trưởng còn thảo luận một loạt vấn đề nóng khác, như cuộc khủng hoảng di cư, vấn đề giải trừ hạt nhân, tình hình Trung Đông, Ukraine và nhất là an ninh hàng hải trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có hành vi khiêu khích ở biển Đông và Hoa Đông.

“Chúng tôi hy vọng hội nghị sẽ tranh luận thẳng thắn nhiều vấn đề nóng mà cộng đồng quốc tế đang đối mặt hiện nay như khủng bố, làn sóng tị nạn, an ninh hàng hải, Sáng kiến giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPDI), các vấn đề ở Trung Đông, Ukraine và chương trình hạt nhân Triều Tiên” - Ngoại trưởng nước chủ nhà Fumio Kishida cho biết.

Ngoại trưởng các nước G7 nhóm họp tại TP Hiroshima - Nhật Bản hôm 10-4 Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng các nước G7 nhóm họp tại TP Hiroshima - Nhật Bản hôm 10-4 Ảnh: Reuters

Trong ngày 11-4, ngoại trưởng các nước G7 dự kiến thăm công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima, biểu tượng của hòa bình và giải trừ hạt nhân. Đây là lần đầu tiên các ngoại trưởng đương nhiệm từ một số nước sở hữu vũ khí hạt nhân như Anh, Mỹ, Pháp đến thăm khu vực tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công hạt nhân nhằm vào địa phương này năm 1945. Vì thế, ông Kishida hy vọng hội nghị sẽ ra “Tuyên bố Hiroshima” để thúc đẩy quá trình giải trừ hạt nhân.

Dù vậy, nhà ngoại giao này vẫn thừa nhận những hiện thực an ninh khắc nghiệt mà Tokyo đang đối mặt, nhất là mối đe dọa từ Triều Tiên. Đó là lý do Tokyo lúc này vẫn cần đến sự che chở từ “chiếc ô hạt nhân” của Washington. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng cho rằng không thể tách rời việc giải trừ hạt nhân với môi trường an ninh toàn cầu cũng như “cam kết an ninh với các bạn bè, đồng minh”.

Quyết tâm của Mỹ

Tuyên bố về an ninh hàng hải cũng là một văn kiện đáng chú ý khác tại hội nghị ngoại trưởng G7 lần này. Theo đài NHK, tuyên bố này dự kiến được đưa ra vào cuối cuộc gặp cùng với tuyên bố chung của các ngoại trưởng.

Văn kiện sẽ nêu bật tình trạng quân sự hóa vùng biển tranh chấp ở biển Đông và nỗi quan ngại của các nước G7 về những hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng cũng như làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Không dừng lại ở đó, tuyên bố còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên liên quan đến tranh chấp tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trước đó, Mỹ cũng khẳng định quyết tâm đưa vấn đề biển Đông, cụ thể là những tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc, ra trước hội nghị lần này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner hôm 8-4 nhấn mạnh Mỹ sẽ thảo luận về các vấn đề an ninh bất kỳ khi nào nhóm họp với các đối tác quan trọng ở châu Á.

Trang tin Bloomberg nhận định động thái này của Washington chắc chắn sẽ chọc giận Bắc Kinh, nhất là khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị một ngày sau đó cảnh báo hội nghị G7 không nên “thổi phồng” vấn đề biển Đông.

Tân Hoa Xã ngày 10-4 còn lớn tiếng cho rằng Nhật Bản cũng như các thành viên còn lại của G7 không liên quan đến tranh chấp biển Đông, đồng thời cáo buộc chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe luôn tìm cách kiềm chế Bắc Kinh.

Phản bác lại lời lẽ trên, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault khẳng định Paris dù không đứng về phía bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở biển Đông nhưng phản đối những hành động làm leo thang căng thẳng ở khu vực. Trả lời phỏng vấn báo Nikkei khi tham dự hội nghị ngoại trưởng G7, ông Ayrault kêu gọi các nước liên quan nên giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình.

Ông Carter sắp thăm căn cứ gần biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter hôm 9-4 đã lên đường thăm Ấn Độ, sau đó 5 ngày sẽ đến Philippines. Tại quốc gia Đông Nam Á này, theo đài CNN, ông Carter sẽ thăm căn cứ không quân Antonio Batista trên đảo Palawan.

Căn cứ gần biển Đông này là 1 trong 5 địa điểm mà quân đội Mỹ sẽ trú đóng luân phiên tại Philippines trong tương lai, theo thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa 2 nước. Ngoài ra, Washington còn chi tiền để nâng cấp những cơ sở này.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nhận định với đài CNN rằng động thái trên sẽ cải thiện khả năng hoạt động trong khu vực của Mỹ, nhất là tại biển Đông. Cũng theo quan chức này, kế hoạch thăm căn cứ nêu trên của ông Cater nhằm phát đi thông điệp về cam kết của Mỹ đối với hòa bình và ổn định tại khu vực.

“Đó là thông điệp khẳng định chúng tôi xem biển Đông có tầm quan trọng đối với an ninh của Mỹ, cũng như cho Philippines thấy cam kết an ninh của chúng tôi” - ông khẳng định.

Đáng chú ý, ông Carter không ghé Bắc Kinh trong chuyến công du châu Á lần này do “những vấn đề về lịch trình” dù trước đó đã chấp nhận lời mời từ người đồng cấp Trung Quốc.

Hoài Vy

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo