xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gần 2 tỉ liều vắc-xin Covid-19 cho COVAX

Hoàng Phương

Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc-xin Covid-19 của Công ty Moderna

Sáng kiến COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đạt được thỏa thuận tiếp cận gần 2 tỉ liều vắc-xin Covid-19 của một số ứng viên "triển vọng". Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 18-12 cho biết các thỏa thuận mà COVAX đạt được đồng nghĩa khoảng 190 quốc gia và nền kinh tế tham gia vào sáng kiến này sẽ được tiếp cận với vắc-xin "trong nửa đầu năm tới". Đài CNBC dẫn thông tin của COVAX cho biết những đợt bàn giao vắc-xin đầu tiên dự kiến bắt đầu trong quý I/2021 nếu chúng được cấp phép sử dụng. "Đây là tin tức tuyệt vời và là một cột mốc quan trọng cho sức khỏe toàn cầu" - ông Tedros bày tỏ.

Sáng kiến COVAX ra đời nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vắc-xin Covid-19. Ông Tedros cho biết WHO và các đối tác trong COVAX, gồm Liên minh Vắc-xin Gavi và Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) đã làm việc không ngừng để hướng đến mục tiêu bắt đầu tiêm chủng vào đầu năm tới. Quan chức này nhấn mạnh vắc-xin sẽ đóng góp vào nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trên thế giới.

Gần 2 tỉ liều vắc-xin Covid-19 cho COVAX - Ảnh 1.

Một người được tiêm vắc-xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech tại TP Ottawa, tỉnh Ontario - Canada hôm 15-12 Ảnh: REUTERS

Trong số các đối tác đạt thỏa thuận với WHO về cung cấp vắc-xin Covid-19 có AstraZeneca (Anh - Thụy Điển), Johnson & Johnson (Mỹ) và Viện Huyết thanh của Ấn Độ. Dù vậy, hãng dược Pfizer (Mỹ) cùng đối tác BioNTech (Đức) và Công ty Moderna (Mỹ) chưa có tên trong danh sách này. "Chúng tôi đang thảo luận với Pfizer và Moderna. Chúng tôi hy vọng có thể đạt được thỏa thuận với họ" - ông Richard Hatchett, Giám đốc điều hành CEPI, cho biết.

Đáng chú ý, Mỹ hôm 18-12 trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc-xin Covid-19 của Moderna trong bối cảnh dịch bệnh tại nước này vẫn đang nghiêm trọng với số ca tử vong tăng lên hơn 3.000 người/ngày. Việc triển khai vắc-xin Moderna tại Mỹ dự kiến bắt đầu từ ngày 21-12. Công ty này có thể sản xuất được 100-125 triệu liều trong 3 tháng đầu năm 2021, trong đó 85-100 triệu được dành cho nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Quyết định mới nhất nói trên của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có thể mở đường cho các nước khác có bước đi tương tự với vắc-xin Moderna. Theo AP, Liên minh châu Âu (EU) có thể cho phép sử dụng vắc-xin này sớm nhất là vào ngày 6-1-2021. Trước đó, một số nước đã cho phép sử dụng vắc-xin của Pfizer-BioNTech, trong đó có Mỹ, Anh, Canada... Riêng EU có thể bật đèn xanh đối với loại vắc-xin này vào đầu tuần sau.

Bên cạnh các thỏa thuận trên, COVAX vẫn chưa nhận được cam kết và thời gian biểu chắc chắn từ các nước giàu về chuyện chia sẻ vắc-xin Covid-19. Ngành công nghiệp dược phẩm dự kiến sản xuất khoảng 12 tỉ liều vắc-xin Covid-19 vào năm tới, trong đó các nước giàu đã đặt mua trước 9 tỉ liều. Theo Công ty Phân tích khoa học Airfinity (Anh), Canada đang dẫn đầu khi bảo đảm mua được 10 liều cho mỗi người dân.

Một khó khăn khác của COVAX, theo AP, là chuyện tiền bạc. Chương trình được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn này cần thêm 6,8 tỉ USD để bảo đảm các hợp đồng cung cấp và phân phối vắc-xin cần thiết. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng việc tiêm chủng Covid-19 trên diện rộng mang lại lợi ích tốt nhất cho thế giới. "Nếu chúng ta không diệt trừ căn bệnh này, virus gây ra nó có thể có đột biến. Những vắc-xin có hiệu quả tại một thời điểm nhất định có thể không còn hiệu quả nếu mọi thứ thay đổi" - ông Guterres cảnh báo. 

Trung Quốc công bố kế hoạch tiêm chủng Covid-19

Trung Quốc sẽ tập trung tiêm phòng vắc-xin Covid-19 cho những nhóm có nguy cơ cao trong thời gian sắp tới trước khi mở rộng chương trình tiêm chủng này cho công chúng. Ông Zeng Yixin, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), hôm 19-12 công bố thông tin trên, đồng thời nói thêm các nhóm thuộc diện ưu tiên gồm người làm trong lĩnh vực nhập khẩu hàng đông lạnh, hàng không, giao thông công cộng, người làm việc tại các chợ bán đồ tươi sống, nhân viên kiểm dịch cửa khẩu, nhân viên y tế... và những người cần đi nước ngoài làm việc hoặc học tập.

Theo báo South China Morning Post, chương trình dành cho các nhóm ưu tiên dự kiến được hoàn tất vào giữa tháng 2-2021. Trong khi đó, ông Zheng Zhongwei, người đứng đầu nhóm chuyên trách phát triển vắc-xin Covid-19 tại NHC, cho biết kết quả cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối của một số vắc-xin Trung Quốc đang được xem xét và dữ liệu liên quan sau đó sẽ được trình lên cơ quan quản lý dược phẩm nước này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo